“Ai ở đâu, ở yên đấy” góp phần phòng chống dịch bệnh

Chủ nhật, 01/08/2021 17:45
(ĐCSVN) – Vậy là, Chính phủ đã nhanh chóng có yêu cầu mới trong quá trình kiểm soát diễn biến dịch bệnh COVID-19 khi tình hình thực tiễn đang có những thay đổi đòi hỏi phải linh hoạt cho phù hợp từng thời điểm cụ thể. Thông điệp “ai ở đâu, ở yên đó” và tinh thần “Tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi tỉnh, thành phố nơi cư trú từ sau ngày 31/7/2021 tới khi hết giãn cách (trừ những người được chính quyền cho phép)” chính thức được yêu cầu rộng khắp.

Thực tế cho thấy, sau một thời gian ngắn có chủ trương tiếp nhận người dân địa phương từ các vùng dịch về tỉnh, thành để giảm tải cho vùng dịch, chính các địa phương cũng đã phải điều chỉnh lại chính sách do diễn biến dịch bệnh phức tạp và các ca lây nhiễm từ người về vùng dịch gia tăng.

Không khó để đọc được các thông tin như: Liên tục phát hiện F0 về từ TP Hồ Chí Minh, Quảng Ngãi tạm dừng tiếp nhận người tự phát về từ các vùng dịch đang áp dụng Chỉ thị 16/TTg. Hay Hà Nội vừa ghi nhận thêm 10 ca dương tính SARS-CoV-2. Những ca này đều là người về từ TP Hồ Chí Minh trên các chuyến bay chiều ngày 11/7. Bản thân Trung tâm kiểm soát dịch bệnh CDC Hà Nội cũng thông tin, các trường hợp đi từ TP Hồ Chí Minh về Hà Nội có nguy cơ lây nhiễm cao, do đó, tất cả trường hợp này cần được giám sát, quản lý và lấy mẫu xét nghiệm, nhất là những người mới về từ ngày 1/7. Và thông tin Đắk Lắk, Đắk Nông liên tiếp ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19. Cụ thể, theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, tính đến 21h tối 25/7, trên địa bàn 2 tỉnh này đã ghi nhận thêm 30 trường hợp mắc COVID-19. Trong đó, tỉnh Đắk Lắk 24 trường hợp, Đắk Nông 6 trường hợp.

Nghe ngóng dư luận xã hội, nhiều ý kiến cũng cho rằng, với sự di chuyển dân từ vùng dịch về các địa phương, việc kiểm soát ngăn chặn dịch bùng phát chưa kể các xáo trộn xã hội khác tại các địa phương sẽ là cả một thách thức, có thể gây ra hậu quả khó lường. Diễn biến thực tế về dòng người di chuyển tự phát từ vùng dịch về các miền quê mấy ngày qua cho thấy, di chuyển người về từ vùng dịch đã nguy nan, việc tiếp nhận là ý tốt vì mục tiêu chia sẻ gánh nặng cho vùng dịch, nhưng nếu làm không khéo lại mang dịch về khắp nơi thì xã hội còn nguy nan hơn. Chưa kể các tỉnh trước đây chưa có dịch đang yên ổn phát triển kinh tế thì giờ lại lo phòng chống dịch. 

 Ảnh minh họa (Nguồn: PV)

Việc chủ động tổ chức đón người dân từ vùng dịch về quê nghe là chủ trương rất nhân văn, nhưng thực tế, việc làm này lại đi ngược lại bản chất của giãn cách xã hội, việc hạn chế tối đa nguy cơ lây truyền bệnh. Do đó, thay vì cho di chuyển người dân và có chính sách đón dân về địa phương, cấp ủy, chính quyền tại chính vùng dịch có chính sách hỗ trợ trực tiếp, thậm chí có thể vận động, kêu gọi người dân chủ động miễn, giảm tiền thuê nhà, cơ quan chức năng trợ giá (thậm chí có thể miễn giảm) tiền điện, nước cho người dân vùng dịch, giảm – giãn – hoãn thuế cho các doanh nghiệp đảm bảo đời sống ổn định của người dân tại chính vùng dịch, khiến họ yên tâm sống, làm việc, cách ly tại chỗ, hạn chế lây lan diện rộng. Đồng thời, thay vì đón người dân về, bản thân các địa phương có người dân đang sinh sống, làm việc tại vùng dịch (nhất là nhiều lao động tự do) có thể trích ngân sách, huy động các nguồn lực, vận động các nhà hảo tâm… để hỗ trợ bà con, người lao động tự do (tỉnh nào hỗ trợ người dân tỉnh đó) để họ yên tâm ngồi yên chỗ thực hiện giãn cách, tránh việc về ồ ạt kéo nhau về quê dẫn đến nguy cơ lây lan rất cao. Thực tế, một số địa phương cũng có sáng kiến gửi tiền vào cho hội đồng hương để giúp đỡ người khó khăn như Quảng Ngãi, Quảng Bình. Cách làm này rất hiệu quả, hỗ trợ tại chỗ tiết kiệm, bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân hơn so với cách di chuyển. Các địa phương khác nên tham khảo.

Dừng tiếp nhận người dân từ vùng dịch về cũng không có nghĩa là các địa phương bỏ rơi người dân, Công điện 1603 ngày 31/7 cũng nêu rõ, đối với những trường hợp người dân đã và đang trên đường trở về, các địa phương liên quan phải triển khai mọi hoạt động đảm bảo an toàn cho người dân. Nhưng rõ ràng, hơn lúc nào hết, tinh thần “ai ở đâu, ở yên đấy” phải được kích hoạt cao hơn và mạnh mẽ hơn kể từ giờ phút này.

Chúng ta có một bài học kinh nghiệm quan trọng từ chính cao điểm phòng, chống dịch của tỉnh Bắc Giang hồi cuối tháng 4 đến tháng 6/2021. Trong đó, việc phân luồng để cách ly tại chỗ của Bắc Giang đã chứng minh hiệu quả phòng, chống dịch bệnh, với việc tổ chức rà soát, đánh giá, phân loại người đang cách ly tập trung thành 3 nhóm: Nhóm nguy cơ thấp, nhóm nguy cơ trung bình và nhóm nguy cơ cao. Trên cơ sở đó áp dụng các biện pháp cách ly, quản lý, giám sát phù hợp. Các vùng trọng điểm dịch như hiện nay có thể xem xét áp dụng, coi đó là cách thức mới trong cuộc chiến “chống dịch như chống giặc” khi biến thể Delta đang lây lan nhanh và làm dịch bệnh càng trở nên khó lường?

Công điện số 1063 về phòng, chống dịch COVID-19 của Thủ tướng ban hành ngày 31/7 yêu cầu 19 tỉnh phía Nam tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 14 ngày, trong đó nhấn mạnh tinh thần, từ 1/8, “ai ở đâu ở yên đấy”. Công điện đặc biệt nhấn mạnh: "Tuyên truyền rộng rãi, kiểm soát nghiêm ngặt và thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ cần thiết về đời sống, y tế để người dân an tâm “ai ở đâu ở đấy”. Tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi tỉnh, thành phố nơi cư trú từ sau ngày 31.7.2021 tới khi hết giãn cách (trừ những người được chính quyền cho phép)". Có thể thấy, đây là sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, phải thực hiện nghiêm Chỉ thị 16. Và hơn ai hết, chính các địa phương thực hiện giãn cách không thể để người dân tự do đi lại, trừ những trường hợp đặc biệt. Đồng thời, đã là "Tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi tỉnh, thành phố nơi cư trú" thì phải nghiêm. Pháp không nghiêm sẽ loạn.

Nhưng muốn dân ở yên thì phải lo cho người nghèo ăn ở, sinh hoạt, bảo đảm y tế. Chính sách hỗ trợ cần được đưa vào thực tiễn nhanh hơn, nhiều hơn. Kêu gọi sự ủng hộ của toàn xã hội, của các mạnh thường quân, nhiều tổ chức thiện nguyện, cá nhân hảo tâm cùng chung tay với cấp ủy, chính quyền giúp đỡ cho bà con nghèo, không chỉ là góp “miếng cơm manh áo” mà còn làm cho người dân có niềm tin để ở yên, không di chuyển nếu không cần thiết.

Mặc dầu vậy, sự hỗ trợ lớn nhất lúc này vẫn là ở chính sách của cấp ủy, chính quyền cơ sở một cách thiết thực và cụ thể hơn mà trước mắt là có đủ tiền và lương thực, thực phẩm đủ để "ở yên" trong thời gian giãn cách”. Sự đảm bảo chắc chắc đó làm làm người dân yên tâm, không phải là hộp cơm từ thiện lúc có lúc không.

Thêm nữa, bảo đảm về chăm sóc về y tế cũng là an dân, trong đó, cấp thiết ngay lúc này là phải đẩy nhanh hơn, mạnh hơn chiến dịch phủ sóng vắc-xin để người dân yên tâm "ai ở đâu, ở yên đấy".

Thiết nghĩ, dịch bệnh đang hoành hành và diễn tiến phức tạp, bản thân người dân cũng phải nêu cao tinh thần chủ động, phải hết sức bình tĩnh, chấp hành các quy định, hợp tác với chính quyền. Lúc này ai cũng khó, cũng khổ, cũng vất vả, cho nên mỗi người cùng nhau chia sẻ, cùng nhau hy sinh để vượt qua đại nạn.

Hiện, Chính phủ vẫn tiếp tục  khẩn trương có những đề xuất, tìm kiếm cách thức và giải pháp mới trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh vì bảo vệ an toàn sức khỏe và tính mạng của người dân. Việc điều chỉnh kịp thời chính sách, áp dụng các giải pháp mới phù hợp với đặc điểm tình hình từng thời điểm là hoàn toàn cần thiết. Tin rằng, Chính phủ càng thấu hiểu hơn ý nghĩa của việc “yên dân” để ổn định và kiếm soát tốt dịch bệnh ./.

 

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực