Thực trạng thuế đối với mặt hàng phân bón
Trước đây, phân bón là mặt hàng phải chịu thuế giá trị gia tăng 5%. Đến năm 2014, với mong muốn hỗ trợ sản xuất cho nông dân thông qua chính sách thuế, tạo điều kiện để nông dân được mua phân bón, thức ăn chăn nuôi giá rẻ; đồng thời tăng sức cạnh tranh của hàng nông sản khi xuất khẩu, làm giảm và tiến tới thay thế nhập khẩu phân bón, thức ăn chăn nuôi, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về Thuế với điều khoản quan trọng là để phân bón là mặt hàng không chịu thuế.
Tuy nhiên, qua gần 10 năm thực hiện nội dung này, những bất cập được thể hiện rõ, mà theo giới chuyên môn, “ưu đãi” đó hóa ra là “ngược đãi” với cả doanh nghiệp và người nông dân. Cụ thể, khi mua nguyên vật liệu, máy móc và dịch vụ đầu vào, các doanh nghiệp đã phải nộp thuế GTGT, tuy nhiên, khi không áp thuế, thì phân bón đầu ra sẽ không được khấu trừ thuế GTGT đã nộp ở đầu vào làm tăng chi phí sản xuất khiến giá phân bón cao hơn, và người nông dân chính là người chịu thiệt.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón từ nước ngoài cũng không phải chịu thuế GTGT vốn được khấu trừ thuế GTGT ở nước xuất xứ, khiến các doanh nghiệp phân bón nội địa mất lợi thế cạnh tranh so với hàng nhập khẩu. Điều này cũng khiến ngân sách Nhà nước mất khoản thu. Như vậy, theo các chuyên gia về thuế cũng như các doanh nghiệp sản xuất phân bón, việc không áp dụng thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón khiến 3 “nhà” gồm Nhà nước, Nhà sản xuất, Nhà nông đều chịu thiệt.
|
Các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước đang bị mất lợi thế cạnh tranh so với hàng nhập khẩu. (Ảnh minh họa) |
Rõ ràng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về Thuế năm 2014 đã bộc lộ những bất cập, hạn chế nhất định, nhiều nội dung không còn phù hợp với thực tế, đòi hỏi cần được sửa đổi, bổ sung, đặc biệt trong nội dung áp thuế đối với mặt hàng phân bón.
Theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, rất cần thiết khi đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế VAT, xét trên nhiều góc độ; góp phần tạo thuận lợi cho ngành sản xuất nông nghiệp trong nước trong bối cảnh cạnh tranh với hàng nhập khẩu, có cơ hội hỗ trợ tốt hơn trong sản xuất nông nghiệp.
Tại Kỳ họp thứ Bảy vừa qua, Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu vào dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Các đại biểu đều nhất trí phải sửa luật này để giải quyết các bất cập trong thực tiễn cũng như hoàn thiện chính sách thu, phù hợp với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030. Việc áp thuế có tác động tích cực đến việc chống xói mòn cơ sở thuế. Bên cạnh đó, còn làm cho số thu thuế của chúng ta ổn định hơn và có sự công bằng hơn với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Tại Dự thảo luật sửa đổi, Chính phủ đề xuất chuyển các hàng hóa là đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, trong đó có phân bón, từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế 5% với mục tiêu là góp phần tránh hiệu ứng tăng giá thành sản phẩm, tạo thuận lợi cho ngành sản xuất trong nước trong bối cảnh cạnh tranh với hàng nhập khẩu, hỗ trợ tốt hơn cho sản xuất nông nghiệp.
Mức thuế nào là hợp lý với mặt hàng phân bón?
Không chỉ các đại biểu quốc hội, mà các chuyên gia, nhà quản lý trong lĩnh vực này đều thống nhất nên áp thuế GTGT với mặt hàng phân bón. Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều ý kiến cho rằng cần đánh giá kỹ tác động của việc áp thuế GTGT đến các đối tượng chịu thuế, và nêu những băn khoăn về mức thuế 5% đã đề ra. Có ý kiến cho rằng, cần áp mức thuế GTGT 0% để đảm bảo lợi ích cho người nông dân, tránh để họ gặp những “cú sốc” tăng giá phân bón. Vậy nên áp mức thuế nào?
Tại cuộc tọa đàm mới đây do Báo Đại biểu nhân dân tổ chức, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế đã đưa ra các kịch bản minh họa khi áp mức thuế GTGT 5% và 0% đối với mặt hàng phân bón. Theo đó, nếu áp thuế mức 5%, thì Nhà nước tăng thu 4.200 tỷ đồng, doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí sản xuất do được khẩu trừ thuế, doanh nghiệp được khấu trừ thuế nên có thể (nhưng không chắc chắn) giảm giá thành, tuy nhiên người nông dân sẽ là người phải chịu thuế GTGT 5%... Ở kịch bản thứ hai, nếu áp mức thuế 0% thì Nhà nước sẽ bị giảm thu 1.500 tỷ đồng, nhưng doanh nghiệp trong nước được khấu trừ GTGT đầu vào nên tiết kiệm chi phí sản xuất, có thể giảm giá bán tương ứng (nhưng không chắc chắn) và người nông dân hưởng lợi, đồng thời tăng tính cạnh tranh với doanh nghiệp nhập khẩu.
Từ kịch bản này, có ý kiến cho rằng, mặt hàng phân bón chịu mức thuế 5% là phù hợp và bảo đảm hài hòa lợi ích cho cả Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân.
Ông Nguyễn Văn Phụng, Nguyên Vụ trưởng Vụ quản lý Thuế Doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho rằng, “từ góc độ từ thực tiễn, người nông dân không có lý do gì để không đóng thuế cả, vì đó là người tiêu dùng, đã mua phân thì phải trả thuế. Nông dân có sản phẩm đầu ra là sản phẩm nông nghiệp. Nếu người nông dân làm doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp, có sản phẩm đầu ra là nông nghiệp vẫn đánh 5%. Như vậy là thuế ưu đãi, chịu đầu vào 5% và đầu ra 5%. Nếu chúng ta áp thuế 5%, thì sẽ thu được vốn từ phân bón nhập khẩu, điều tiết và giải quyết bài toán trong nước và nước ngoài”.
Ngược lại, có ý kiến cho rằng, nếu áp mức thuế 5% sẽ làm giá phân bón tăng và ảnh hưởng đến hàng chục triệu nông dân, còn nếu áp mức 0%, nhà nước bị giảm thu 1.500 tỷ đồng nhưng người được lợi sẽ là các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước và người nông dân do doanh nghiệp vẫn được khấu trừ thuế đầu vào và không ảnh hưởng đến giá thành phân bón.
Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội Hoàng Văn Cường nhìn nhận, “Nông nghiệp là trụ đỡ cho toàn bộ nền kinh tế. Nếu chúng ta xác định hỗ trợ sản xuất là hỗ trợ cho cả nền kinh tế thì phải tiếp tục các chính sách hỗ trợ nông nghiệp. Nếu bây giờ áp dụng thuế 5% cho mặt hàng phân bón, điều này đồng nghĩa với việc người nông dân phải bỏ ra 5.700 tỷ đồng cho chi phí sản xuất nông nghiệp. Phân bón là đầu vào sản xuất, đầu ra là sản phẩm nông nghiệp. Sản phẩm nông nghiệp cây trồng không chịu thuế đầu ra, người nông dân không được khấu trừ thuế đầu ra, phải chịu thuế đầu vào. Doanh nghiệp hiện giờ phải gánh chịu thuế đầu vào, nhưng cũng không thể đẩy gánh nặng đó sang người nông dân”.
Lấy ví dụ một số nước trên thế giới để tham khảo, PGS.TS. Lý Phương Duyên, Giảng viên cao cấp Khoa Thuế - Hải quan, Học viện Tài chính nêu: “hiện nay một số nước trên thế giới áp dụng thuế suất 0% cho mặt hàng phân bón khi mua với một số lượng nhất định. Nếu không mua với số lượng đó sẽ quay về mức thuế suất gốc. Nếu Việt Nam áp dụng mức thuế suất 0%, thì sẽ có câu chuyện là áp dụng cho một khâu hay áp dụng cho toàn bộ các khâu từ sản xuất, bán buôn? Điều này cũng có thể xuất hiện hiện tượng kê khai một số chi phí không được khấu trừ hoàn toàn, mà có thể liên quan đến chi phí quản lý, chi phí tuân thủ khi quản lý chi phí đầu vào”.
Hiện nay, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, ngành nông nghiệp nước ta đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng, ngành nông nghiệp có xu hướng chậm lại trong thời gian gần; phát triển chủ yếu theo chiều rộng và chưa bền vững; chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh của nhiều loại nông sản còn thấp… Bên cạnh đó, nền nông nghiệp nước ta còn phát triển theo hộ nhỏ lẻ, sản phẩm đầu ra không có thuế, không được khấu trừ đầu vào, đầu ra như doanh nghiệp. Nông nghiệp là bệ đỡ của nền kinh tế, nhưng nông nghiệp lại là ngành có thu nhập thấp nhất trong các ngành kinh tế. Khi áp thuế, toàn bộ phần này sẽ phải cộng vào giá thành sản phẩm nông sản, và nông dân sẽ là người chịu thiệt. Đó là những lý do để chúng ta tiếp tục phải có những chính sách hỗ trợ, trong đó có cả chính sách thuế đối với nông nghiệp, nông dân.
Dự kiến, tại Kỳ họp tháng 10 tới đây, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Hy vọng, các đại biểu Quốc hội sẽ đưa ra quyết định phù hợp, có thể dung hòa được lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Dù áp mức thuế nào với mặt hàng phân bón, thì đó vẫn phải là những chính sách hoặc có những chính sách đi kèm tạo điều kiện thuận lợi cho nông nghiệp, nông dân phát triển./.