Bản lĩnh, tiên phong, khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai đất nước

Thứ bảy, 12/10/2024 18:22
(ĐCSVN) - Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu không ngừng biến động, doanh nhân Việt Nam đã không chỉ vượt qua hàng loạt khó khăn và thách thức, mà còn đóng vai trò tiên phong khơi dậy khát vọng khởi nghiệp, sáng tạo, truyền cảm hứng cho toàn xã hội. Với những mục tiêu phát triển đất nước đang hướng tới, doanh nhân Việt Nam đã và sẽ tiếp tục đồng hành cùng Đảng, chính quyền các cấp, các tầng lớp nhân dân không ngừng đổi mới sáng tạo và tận lực phụng sự, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Nêu cao tinh thần nhân ái, chia sẻ

Bước cùng đất nước đi qua những giai đoạn khó khăn, dù chính bản thân cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cũng đang vật lộn với biết bao khó khăn, thách thức trước những diễn biến khó lường của tình hình thế giới, thiên tai bão lũ do các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày một khác nghiệt song với tinh thần tương thân tương ái, trách nhiệm cộng đồng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt vẫn dành nhiều nhân lực, vật lực hỗ trợ đồng bào, người yếm thế, người dân vùng bão lũ…

Cộng đồng doanh nghiệp luôn tiên phong nêu cao trách nhiệm với cộng đồng trong mọi hoàn cảnh khó khăn (Ảnh: vtc.vn) 

Trong cuộc gặp mặt giữa Thủ tướng Chính phủ với các đại diện cộng đồng doanh nghiệp nhân ngày Doanh nhân Việt Nam diễn ra vào ngày 4/10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhắc lại từng câu chuyện khi cơn bão Yagi tàn phá 26 tỉnh, thành từ phía Bắc, gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản. “Chúng tôi rất xúc động khi các doanh nghiệp, doanh nhân tự giác đóng góp, chia sẻ, giúp đỡ đồng bào bão lũ rất chân tình, nhiệt thành, hiệu quả, cho thấy tình dân tộc, nghĩa đồng bào, sự đoàn kết, thống nhất của dân tộc ta luôn phát huy hiệu quả trong những lúc khó khăn, thách thức”, Thủ tướng nói.

Trước đó, ngày 21/9, khi chủ trì Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp về giải pháp góp phần phát triển kinh tế-xã hội đất nước, Thủ tướng đã đề nghị doanh nghiệp phát huy “sáu tiên phong”, trong đó có nội dung, tiên phong trong đoàn kết, thống nhất, hỗ trợ lẫn nhau, cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng, cùng phát triển doanh nghiệp và phát triển đất nước.

Thực tế, trong vài năm trở lại đây, cụm từ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đã được nhắc đến rất nhiều. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp đóng góp tích cực cho các hoạt động cộng đồng tại địa phương nhằm thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội. Có thể hiểu, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là đề cập đến những nỗ lực và trách nhiệm của doanh nghiệp nhằm giảm thiểu hoặc tránh các tác động có hại và tối đa hóa tác động tích cực và hữu ích lâu dài đối với xã hội.

Ngoài ra, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được định nghĩa là một công cụ để các tổ chức, doanh nghiệp hoàn thành các hoạt động kinh doanh của mình, đồng thời đóng góp vào giải quyết các vấn đề xã hội và đạt được cam kết đối với xã hội. Ý nghĩa xa hơn, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được đánh giá là phương tiện hiệu quả để đạt được lợi thế cạnh tranh. Các chương trình từ thiện, các chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp là một cách tiếp cận toàn diện để doanh nghiệp tối đa hóa giá trị kinh tế-xã hội và môi trường lâu dài.

Khi cơn bão Yagi đi qua để lại những vết hằn về kinh tế, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp cũng đã được cụ thể hoá rất rõ, mà sự tiên phong của các “sếu đầu đàn” như:  Vingruop, Hoà Phát, Thaco, VNPT được cộng đồng ghi nhận.

Không chậm trễ, tập đoàn Vingroup thông báo ủng hộ 250 tỷ đồng cho đồng bào bị thiệt hại do bão Yagi và lũ quét. Nguồn tiền sẽ được phân bổ trực tiếp cho hoạt động cứu trợ khẩn cấp như dựng lại khoảng 2.000 ngôi nhà bị sập đổ, hỗ trợ từ 150 - 300 triệu đồng cho các gia đình có người thiệt mạng. Số tiền còn lại sẽ được dành để hỗ trợ các gia đình có người bị thương hoặc bị thiệt hại nặng nề về hoa màu, gia súc cũng như hỗ trợ dọn dẹp, góp phần tái thiết các công trình, hạ tầng trọng yếu phục vụ dân sinh.

Hay như với Hoà Phát, cũng chính là một doanh nghiệp bị ảnh hưởng của bão Yagi, các nhà máy, trang trại của Hòa Phát tại các tỉnh phía Bắc là Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Thái Bình, Yên Bái, Phú Thọ thiệt hại cũng đã chủ động đã dành hàng chục tỷ đồng hỗ trợ đồng bào bị và chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát tạo “Mái ấm cho đồng bào tôi”.

Trong khi đó, theo ghi nhận của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam danh sách những tổ chức ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Bắc, cũng ngày được nối dài hơn với một số đơn vị nhỏ và vừa, rồi các cá nhân trên mọi miền tổ quốc. Số lượng các đơn vị gửi tiền ủng hộ đồng bào khu vực lũ lụt ở miền Bắc đang ngày càng tăng. Trong số này có cả những doanh nghiệp trực tiếp chịu ảnh hưởng bởi tình hình bão lũ.

Ngoài tiền mặt, những chuyến hàng cứu trợ cũng miệt mài được chuyển đến người dân giữa vùng lũ. Sự chung tay của các doanh nghiệp đã thể hiện tinh thần tương thân tương ái giữa khó khăn. Các hành động thiết thực này không chỉ là minh chứng cho tinh thần đoàn kết của các doanh nghiệp trong việc đồng hành cùng cộng đồng vượt qua khó khăn, góp phần giảm thiểu tác động của thiên tai đối với cuộc sống của người dân, thúc đẩy và hướng đến sự phát triển bền vững của xã hội.

Với nhiều nỗ lực, cố gắng trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề, nền kinh tế đã lấy lại được đà tăng trưởng, phục hồi tương đối rõ nét trên các lĩnh vực, đạt nhiều kết quả quan trọng, được các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp đánh giá cao. Có thể nhận thấy rằng, theo thời gian, vai trò, vị trí, tầm quan trọng cũng như những đóng góp to lớn của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đối với sự phát triển kinh tế của đất nước ngày càng được thể hiện đậm nét.

Điều đáng nói, Việt Nam đã có các doanh nghiệp dân tộc, tập đoàn kinh tế có quy mô lớn, giữ vai trò quan trọng, là nòng cốt, tiên phong dẫn dắt sự phát triển của các ngành, lĩnh vực và nền kinh tế, đóng góp vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của Thương hiệu quốc gia. Nhiều doanh nghiệp đã vươn lên làm chủ công nghệ, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có thương hiệu, tạo dựng được hệ sinh thái cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng phát triển, vội vàng tham gia chương trình kêu gọi đảm bảo an sinh xã hội.

Cũng chính trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng chịu nhiều tác động bởi thiên tai, bão lũ, ảnh hưởng xung đột chính trị song cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đã và luôn nêu cao tinh thần chia sẻ đồng hành cùng đất nước, vượt khó, vượt khổ, tự lực, tự cường, nỗ lực thích ứng với hoàn cảnh thách thức để duy trì hoạt động, duy trì công ăn việc làm cho người lao động, sinh kế cho người dân.

Trở lại thời điểm năm 2021, khi dịch COVID-19 xuất hiện ở Việt Nam chúng ta cũng nhớ lại những hình ảnh các doanh nghiệp góp tiền xây quỹ phòng chống dịch COVID-19. Với trách vì cộng đồng, với tinh thần “sự an toàn hay phát triển của mỗi cá nhân gắn chặt với sự an toàn của cả cộng đồng”, cộng đồng doanh nghiệp đã cùng đất nước vượt qua đại dịch, và điều đặc biệt, trong thời khắc ngàn cân treo sợi tóc ấy, sự đoàn kết, tương thân nhân ái, nghĩa đồng bào đã được kích hoạt mạnh mẽ.

Bản lĩnh và khát vọng vươn lên mạnh mẽ

Trong quá trình phát triển, doanh nhân Việt Nam không chỉ đóng vai trò thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn trở thành những nhân tố quan trọng trong công cuộc xây dựng xã hội và phát triển bền vững. Các doanh nghiệp lớn như Vingroup, Hòa Phát, Thaco, Masan không chỉ đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp, thương mại mà còn tiên phong trong đổi mới sáng tạo, làm chủ công nghệ và mở rộng thị trường quốc tế.

Các doanh nghiệp lớn đã và đang tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất (Ảnh: M.P)

Đặc biệt, vai trò của các doanh nghiệp trong việc phát triển hạ tầng quốc gia cũng được thể hiện rõ qua việc đầu tư vào các dự án lớn như phát triển mạng lưới đường cao tốc, các khu đô thị thông minh, và hệ thống năng lượng tái tạo. Điều này không chỉ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế mà còn góp phần xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Với sự tham gia của 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) và sự gia tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các doanh nghiệp Việt Nam đã có cơ hội tiếp cận với những thị trường lớn trên thế giới, từ đó mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh. Như vậy, cộng đồng doanh nhân không chỉ là người dẫn dắt trong việc phát triển kinh tế mà còn là nhân tố quan trọng trong việc nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Điều đáng chú ý là trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố bất ổn, doanh nghiệp Việt Nam vẫn không ngừng đổi mới, sáng tạo để thích ứng với xu hướng phát triển mới. Các doanh nghiệp lớn đã và đang tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, đồng thời tạo ra các hệ sinh thái kinh doanh kết nối giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là những bước tiến quan trọng để Việt Nam bắt kịp xu thế phát triển của thời đại, đồng thời đóng góp vào sự nghiệp xây dựng nền kinh tế số mà Chính phủ đang định hướng.

Không dừng lại ở việc vượt qua khó khăn trước mắt, doanh nhân Việt Nam còn hướng tới những mục tiêu dài hạn và khát vọng xây dựng một đất nước phát triển mạnh mẽ, bền vững. Trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2021-2030), Chính phủ đã xác định rõ mục tiêu phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Để hiện thực hóa những mục tiêu này, vai trò của cộng đồng doanh nhân là không thể thiếu. Các doanh nghiệp đang không ngừng nỗ lực làm chủ công nghệ, mở rộng thị trường và tạo ra giá trị gia tăng cao trong các lĩnh vực sản xuất, thương mại và dịch vụ.

Theo lời đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại, huy động mọi nguồn lực để phát triển nhanh và bền vững.” Các doanh nhân Việt Nam, với tinh thần đổi mới sáng tạo, không ngừng hoàn thiện mình và thích ứng với những thay đổi của thị trường quốc tế, đã và đang khẳng định vai trò tiên phong trong việc dẫn dắt nền kinh tế hướng tới sự phát triển bền vững.

Trong hành trình phát triển của đất nước, việc định hình một tầm nhìn dài hạn là rất quan trọng. Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2045 đặt ra mục tiêu trở thành một nước phát triển với thu nhập cao. Đây là một thách thức lớn, nhưng cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam vươn mình trở thành những người dẫn đầu trong khu vực và trên thế giới. Sự thành công của các doanh nghiệp lớn như Vingroup, Thaco, Hòa Phát không chỉ thể hiện khát vọng phát triển của đất nước mà còn chứng minh rằng với nỗ lực và sáng tạo, doanh nhân Việt Nam hoàn toàn có khả năng cạnh tranh trên sân chơi toàn cầu.

Để hiện thực hóa tầm nhìn này, cả hệ thống chính trị và doanh nghiệp cần phải hợp tác chặt chẽ. Chính phủ phải tạo điều kiện thuận lợi về thể chế, hành lang pháp lý, và môi trường kinh doanh để doanh nghiệp có thể phát huy tối đa năng lực. Đồng thời, doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, đổi mới sáng tạo và tận dụng lợi thế từ quá trình chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Trong suốt chặng đường đầy thách thức, doanh nhân Việt Nam đã không chỉ thể hiện bản lĩnh vượt khó mà còn khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng vàphát triển đất nước. Họ không chỉ là lực lượng kinh tế dẫn dắt mà còn là những người tiên phong trong việc gắn kết xã hội, thể hiện tinh thần tương thân tương ái và trách nhiệm đối với cộng đồng. Trong những thời điểm khó khăn nhất, doanh nhân Việt Nam đã chứng tỏ họ không chỉ biết vượt qua thử thách mà còn biến những khó khăn đó thành động lực để vươn lên mạnh mẽ hơn.

Những bài học từ các cuộc khủng hoảng và thiên tai đã giúp doanh nghiệp Việt ngày càng trưởng thành, bản lĩnh hơn và sáng tạo hơn. Cộng đồng doanh nghiệp lớn không chỉ tập trung vào tăng trưởng doanh thu hay lợi nhuận mà còn coi việc đầu tư vào con người, môi trường, cộng đồng là những yếu tố then chốt cho sự phát triển bền vững. Đây cũng chính là cách mà các doanh nghiệp Việt đang định hình một nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường và phù hợp với xu hướng toàn cầu hiện nay.

Điều này không chỉ góp phần vào sự thịnh vượng của đất nước mà còn là yếu tố quan trọng để Việt Nam nâng cao vị thế trên trường quốc tế. Với sự phát triển của các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng chứng minh được khả năng cạnh tranh trên quy mô toàn cầu, đóng góp vào quá trình chuyển đổi nền kinh tế Việt Nam từ một nền kinh tế dựa vào nguồn lực sang một nền kinh tế dựa trên tri thức, đổi mới và sáng tạo.

Nhìn về tương lai, doanh nhân Việt Nam vẫn sẽ là lực lượng quan trọng trong công cuộc hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược đến năm 2045, khi Việt Nam phấn đấu trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao. Với bản lĩnh, trí tuệ và khát vọng cống hiến, doanh nhân Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng đất nước, không ngừng đổi mới sáng tạo và tận lực phụng sự, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, chăm lo đời sống hạnh phúc cho người lao động nói riêng và tham gia định hình tương lai của dân tộc nói chung.

Chặng đường phía trước còn nhiều thử thách, nhưng với tinh thần kiên cường, trách nhiệm xã hội và khát vọng vươn lên không ngừng, doanh nhân Việt Nam sẽ là lực lượng tiên phong đưa đất nước tiến lên trong kỷ nguyên phát triển mới, vững bước trên con đường hiện thực hóa mục tiêu trở thành một quốc gia thịnh vượng, phát triển và có vị thế trên trường quốc tế.

Có thể khẳng định, doanh nhân Việt Nam không chỉ là những người điều hành doanh nghiệp mà còn là những người dũng cảm, có tầm nhìn và trách nhiệm với tương lai của đất nước. Họ không chỉ vượt qua khó khăn, thách thức mà còn khơi dậy khát vọng, truyền cảm hứng cho toàn xã hội, đóng góp tích cực vào sự nghiệp kiến tạo tương lai, xây dựng một Việt Nam hùng cường, giàu mạnh trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự cạnh tranh khốc liệt của kinh tế thế giới.

Doanh nhân Việt Nam đã, đang và sẽ mãi mãi là những người tiên phong, dẫn dắt không chỉ nền kinh tế mà còn là những người đóng góp to lớn cho sự thịnh vượng và phồn vinh của đất nước. Thế hệ doanh nhân hôm nay sẽ là nền tảng cho những thế hệ tiếp theo, tạo dựng một nền móng vững chắc để Việt Nam vươn tầm quốc tế, khẳng định vị thế trên bản đồ kinh tế toàn cầu.

 

 

Nguyễn Minh Hiển

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực