Sự việc xảy ra chiều tối ngày 10/7 tại Khu công nghiệp Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương, khi công nhân Công ty TNHH Ampacs International nghe tin có một công nhân làm việc tại đây dương tính với SARS-CoV-2. Lúc này, hàng trăm công nhân đã đẩy hàng rào chắn cổng chạy ra ngoài trước sự bất lực của lực lượng bảo vệ.
|
Các công nhân xô rào chắn để ra về. (Ảnh cắt từ clip) |
Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng (Bình Dương) Võ Thành Giàu cho biết, Công ty TNHH Ampacs International có 5.900 lao động (trong đó lao động do dịch vụ cung ứng là 2.310), 2.600 công đoàn viên. Vào chiều cùng ngày, khi tan ca, công ty đã khóa cổng lại chưa cho công nhân về nhằm phục vụ công tác truy vết phòng, chống dịch COVID-19 của ngành Y tế. Do lo lắng và tâm lý đám đông, các công nhân xô cổng bỏ về. Sau khi được lực lượng chức năng và phía công ty thuyết phục, tất cả công nhân đã quay lại. Ngành Y tế đã thực hiện xét nghiệm đối với toàn bộ công nhân tại công ty này.
Tâm lý lo lắng, hoang mang trước thông tin khu vực mình ở và làm việc có trường hợp mắc với COVID-19 cũng đã xảy ra ở rất nhiều nơi. Báo chí đã không ít lần phản ánh những trường hợp người dân vội vàng xách đồ đạc ra khỏi nhà khi nghe tin sắp bị phong tỏa, những người trốn khỏi nơi phong tỏa, cách ly do sợ lây nhiễm chéo. Hay như vì quá lo lắng, nhiều người dân đổ xô, chen lấn đi mua thực phẩm, đi xét nghiệm....
Biện hộ cho những hành động đó, có người cho rằng, có thể họ trong tình thế rất khó khăn bởi con nhỏ không có người chăm nếu họ bị cách ly, rồi ở trong khu vực đó lỡ lây chéo dẫn đến nhiễm bệnh, rồi tiền cách ly phải trả...Tuy nhiên, đó chỉ là lý do trong hàng vạn lý do biện minh mà thôi. Do quá lo lắng, hoang mang, sợ ảnh hưởng đến cuộc sống, kinh tế gia đình mình nên nhiều người có những suy nghĩ và hành động thái quá, đi ngược lại khuyến cáo của các cơ quan chức năng, làm cho công tác phòng, chống dịch bệnh càng thêm khó khăn, phức tạp.
Những lo lắng, sợ hãi thái quá đó có thể dẫn đến những hậu quả vô cùng đáng tiếc. Ai dám khẳng định trong đám đông chen lấn xô đẩy nhau kia không có các F0, F1? Ai dám khẳng định mình đang không có mầm bệnh trong người? Và như vậy vô tình, họ đã tự rước bệnh cho mình, cho gia đình mình và cho những người xung quanh.
Hãy nhớ rằng, thêm một F0 là thêm gánh nặng cho cả hệ thống y tế, bởi đi theo đó là hàng chục, hàng trăm trường hợp F1, F2. Và lúc đó, sự tốn kém, những nguy hiểm tiềm ẩn cho bản thân và xã hội sẽ nhân lên gấp hàng chục, hàng trăm lần.
Mỗi người, hơn lúc nào hết, hãy vì bản thân và cộng đồng xã hội mà suy nghĩ kỹ trước mỗi hành động của mình, nâng cao ý thức phòng chống dịch. Dịch bệnh chưa bao giờ căng thẳng và nguy hiểm như hiện nay bởi sự nguy hiểm và dễ lây lan. Nếu đang ở vùng có dịch, đừng quá hoang mang, hãy để các cơ quan chức năng làm nhiệm vụ truy vết, khoanh vùng, xét nghiệm và khám chữa bệnh; hãy luôn trong tâm thế rất có thể ta trở thành F0, F1, F2 để có biện pháp ứng xử đúng, không nên quá hoang mang, hãy bình tĩnh đón nhận mọi thông tin về dịch bệnh, thực hiện đúng theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế và nâng cao ý thức phòng chống dịch hơn nữa. Hãy nhớ rằng, đứng trước bất cứ tình huống khó khăn, nguy hiểm nào, thì sự bình tĩnh, tự tin, bài bản và khoa học sẽ là tiền đề để chúng ta chiến thắng.
Cũng qua sự việc này, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tuyên truyền đúng và đầy đủ về dịch bệnh, để người dân không chủ quan nhưng cũng không quá sợ hãi dẫn đến những hành vi không kiểm soát. Mỗi người cần bình tĩnh trước mọi thông tin liên quan đến dịch bệnh để phối hợp với cơ quan chức năng nhanh chóng điều tra, truy vết; không chia sẻ thông tin không chính xác gây hoang mang cho xã hội.
|
Công nhân Khu công nghiệp VSIP, Bình Dương lấy mẫu xét nghiệm COVID-19.
(Ảnh: An Phương/Vnexpress)
|
Mỗi người hãy trang bị cho mình một bộ lọc tốt để tiếp cận nguồn thông tin chính thống, những thông tin đã được kiểm chứng. Nếu không thể ngăn chặn sự phát tán thông tin phóng đại và không chính xác thì chúng ta nên chọn lọc và tiếp nhận thông tin một cách sáng suốt - đó cũng chính là trách nhiệm của mỗi công dân để cùng đồng hành với cả hệ thống chính trị và ngành Y tế trong cuộc chiến nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh do COVID -19.
Tự khắc phục khó khăn trước mắt, ủng hộ các biện pháp của cơ quan chức năng, nghiêm chỉnh chấp hành các khuyến cáo của Bộ Y tế, nâng cao ý thức, đừng vì cái lợi trước mắt của bản thân mà lãng phí, mất công sức của bao nhiêu con người đang ngày đêm phải hy sinh cuộc sống thường nhật của mình để tham gia chống dịch là đòi hỏi lớn nhất trong thời điểm hiện nay và cũng là thể hiện trách nhiệm công dân của mỗi người./.