BRICS: Định vị vai trò trong thế giới nhiều biến động

Thứ năm, 31/08/2023 16:55
(ĐCSVN) – Ra đời vào đầu thế kỷ XXI gồm 4 nước thành viên, sau đó Nam Phi gia nhập, vai trò và ảnh hưởng của Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) đã, đang không ngừng mở rộng và ngày càng phát huy vị trí là đầu tàu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới. Trong bối cảnh tình hình thế giới nói chung và nền kinh tế thế giới nói riêng đang thay đổi sâu sắc và phức tạp, vai trò của Nhóm ngày càng được cộng đồng quốc tế đề cao cùng kỳ vọng.

Từ viết tắt BRIC - ban đầu không bao gồm chữ “S” trong tên của Nam Phi (South Africa) - được đưa ra lần đầu tiên vào năm 2001 bởi nhà kinh tế trưởng của ngân hàng Goldman Sachs, khi đó là ông Jim O’Neill, trong một nghiên cứu nói về tiềm năng tăng trưởng kinh tế của 4 nước: Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc.

Sau đó, nhóm BRIC được thành lập với tư cách một câu lạc bộ không chính thức vào năm 2009, nhằm mở ra một diễn đàn để các nước thành viên thách thức trật tự thế giới dẫn đầu bởi Mỹ và các nước đồng minh phương Tây của Mỹ. Việc thành lập nhóm được khởi xướng bởi Nga.

Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc là các thành viên sáng lập của BRICS. Nam Phi, thành viên nhỏ nhất xét về ảnh hưởng kinh tế và quy mô dân số, là quốc gia hưởng lợi đầu tiên khi BRIC mở rộng vào năm 2010. Với sự tham gia của Nam Phi, BRIC trở thành BRICS.

Bên cạnh vấn đề địa chính trị, BRICS còn tập trung vào các vấn đề khác như hợp tác kinh tế và tăng cường hợp tác thương mại và phát triển đa phương. Ngoài ra, BRICS hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận. Tất cả các nước trong BRICS đều là thành viên của Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi lớn nhất thế giới (G20).

Brazil mạnh về tài nguyên như: sắt, dầu mỏ, năng lượng, nông nghiệp. Nga sở hữu nguồn dầu mỏ và khí đốt khổng lồ. Ấn Ðộ có vai trò và kỹ thuật cao trong công nghệ thông tin và là kho tri thức. Trung Quốc là một đại công xưởng, có nguồn nhân lực dồi dào và là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. Nam Phi là một đầu tàu kinh tế lớn nhất ở châu Phi và trung tâm tài chính mạnh của kinh tế thế giới. Nhóm BRICS có tổng số dân chiếm 40% dân số thế giới và có tổng GDP chiếm 25% GDP toàn cầu. Có thể thấy, BRICS đang trong quá trình phát triển thành một trung tâm mới có ảnh hưởng lớn đối với nền chính trị và kinh tế toàn cầu.

 Nam Phi chia sẻ thông tin có 40 nước bày tỏ quan tâm gia nhập BRICS. (Ảnh: SABCNews)

BRICS với vị thế mới

Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 15 của BRICS vừa diễn ra tại thành phố Johannesburg (Nam Phi) hồi tuần trước đã kết thúc thành công tốt đẹp, trong đó nổi bật nhất là các nhà lãnh đạo của Nhóm đạt được thỏa thuận về các nguyên tắc, tiêu chuẩn, tiêu chí và thủ tục hướng dẫn của quá trình mở rộng, đồng thời quyết định mời thêm 6 nước Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) gia nhập vào khối và trở thành thành viên chính thức từ ngày 1/1/2024.

Tổng thống Brazil Luiz Lula da Silva nêu rõ việc có nhiều nước mong muốn gia nhập BRICS cho thấy đường lối đúng đắn của Nhóm khi quyết định theo đuổi trật tự kinh tế thế giới mới. Nhà lãnh đạo Brazil khẳng định BRICS luôn sẵn sàng chào đón các ứng viên mới.

Thủ tướng Ấn Ðộ Narendra Modi thì cho biết, việc mở rộng BRICS hướng tới mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế thế giới tăng trưởng nhanh hơn, giải quyết vấn đề nghèo đói, giáo dục, công nghệ, dịch vụ y tế… đối với các nước đang phát triển.

Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhắc lại mục đích sáng lập BRICS là mang đến cho thế giới sự chắc chắn, ổn định và năng lượng tích cực hơn. Theo ông, các nước BRICS cần tăng cường hợp tác kinh doanh và tài chính, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và lan tỏa sự phát triển ra khắp thế giới để tất cả đều có thể được hưởng lợi. Ðồng thời, các quốc gia BRICS nên mở rộng hợp tác chính trị và an ninh để duy trì hòa bình và ổn định khi tình hình địa chính trị ngày càng "căng thẳng".

Dù không trực tiếp tham dự hội nghị nhưng Tổng thống Nga Vladimir Putin có bài phát biểu trực tuyến, trong đó nhấn mạnh BRICS đang nỗ lực thiết lập một thế giới đa cực dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau cũng như các nguyên tắc của Liên hợp quốc.

Về phần mình, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa kêu gọi các nước BRICS thúc đẩy lợi ích phát triển của khu vực Nam bán cầu, hoan nghênh cam kết liên tục của các nước BRICS với châu Phi trên tinh thần hợp tác và tôn trọng lẫn nhau như tinh thần Nam Phi lựa chọn cho năm BRICS 2023 là "BRICS và châu Phi: Quan hệ đối tác vì tăng trưởng nhanh, phát triển bền vững và chủ nghĩa đa phương bao trùm".

Nam Phi cũng chia sẻ thông tin có 40 nước bày tỏ quan tâm gia nhập BRICS, trong đó có 22 quốc gia đã đưa ra lời đề nghị chính thức. Việc kết nạp 6 nước để nâng tổng số thành viên lên 11 và có thể còn tăng nữa thời gian tới, chứng tỏ sức hấp dẫn không nhỏ của BRICS.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế quốc tế, việc kết nạp thêm thành viên có thể giúp BRICS tiếp tục mở rộng quy mô thị trường, đa dạng hóa các ngành công nghiệp, đẩy mạnh dòng chảy thương mại và đầu tư, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hội nhập của các nước thành viên. Bên cạnh đó, việc mở rộng cũng sẽ nâng tầm ảnh hưởng của các thành viên trong Nhóm trong việc hình thành các chuẩn mực, chính sách mới về quản trị toàn cầu.

Có thể thấy việc mở rộng sẽ tiếp tục thiết lập BRICS như một đối trọng với ảnh hưởng toàn cầu của G7, nâng tỷ trọng GDP toàn cầu của BRICS lên 36% cũng như bao phủ gần một nửa dân số thế giới. Với hàng chục quốc gia khác bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập khối, BRICS rõ ràng đang định vị mình cho một thế giới đa cực.

 Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Ấn Ðộ Narendra Modi, Tổng thống Brazil Lula da Silva và Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov chụp ảnh kỷ niệm tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS 2023, ngày 23/8/2023. (Ảnh: Reuters)

Đồng tiền chung BRICS có thách thức được vị thế của đồng USD?

Có lẽ đáng chú ý là phát biểu trực tuyến của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 15 của BRICS, trong đó khẳng định đồng USD đang mất dần vai trò toàn cầu trong một quá trình “khách quan và không thể đảo ngược”. Ông Putin tuyên bố tiến trình phi đô la hóa đang “đạt được động lực”, đồng thời cho biết thêm rằng những thành viên của nhóm các nền kinh tế lớn mới nổi đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào đồng bạc xanh trong các giao dịch chung, một động thái dự báo sẽ tái cấu trúc đáng kể động lực thương mại toàn cầu.

Kể từ Hội nghị Bretton Woods năm 1944, vị thế đồng đô la là đồng tiền dự trữ chính của thế giới đã mang lại cho Mỹ những lợi ích to lớn. Nhưng hiện tại, khi các quốc gia BRICS đang tìm kiếm một giải pháp thay thế cho đồng đô la Mỹ (và tăng thứ hạng của họ từ 5 thành viên lên 11), bối cảnh tiền tệ có thể chứng kiến một sự thay đổi kiến tạo lớn mới, góp phần gây ra biến động lớn hơn trên thị trường tài chính, tỷ giá hối đoái, lạm phát...

Và trọng tâm của chiến lược này là Ngân hàng Phát triển Mới (NDB). Được thành lập vào năm 2015, NDB được xem như một giải pháp thay thế cho các tổ chức tài chính do Mỹ thống trị như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). NDB được vận hành với mục tiêu huy động các nguồn lực tài chính cho cơ sở hạ tầng và các dự án phát triển bền vững ở các nước thành viên BRICS, cũng như các nền kinh tế mới nổi khác. Và việc cho vay bằng nội tệ sẽ cho phép người vay ở các nước thành viên tránh được rủi ro tỷ giá hối đoái và sự biến động của lãi suất Mỹ. Thêm vào đó, ngân hàng của BRICS cũng đã cố gắng tạo ra khác biệt với Ngân hàng Thế giới và IMF bằng cách không đưa ra danh sách các điều kiện về mặt chính trị đối với các khoản vay.

Cựu lãnh đạo Brazil và Chủ tịch hiện tại của NDB, bà Dilma Rousseff đã chia sẻ kế hoạch đầy tham vọng của ngân hàng là cho vay từ 8 - 10 tỷ USD trong năm nay, với khoảng 30% khoản cho vay bằng nội tệ. Bà Rousseff nói với tờ Financial Times rằng hệ thống tài chính có trụ sở tại Mỹ “sẽ được thay thế bằng một hệ thống đa cực hơn”.

Mặc dù thực tế vẫn cho thấy rằng đồng đô la Mỹ sẽ không hoàn toàn bị mất ngôi vị tiền tệ dự trữ, song khi các quốc gia BRICS phát triển và mở rộng ảnh hưởng, việc quản trị toàn cầu đa dạng hơn là điều không thể tránh khỏi. Quỹ đạo hiện tại hứa hẹn một thế giới, nơi các cường quốc truyền thống, bao gồm cả Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), phải thích ứng với thực tế mới đa dạng và phong phú hơn./.

Khánh Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực