Chế tài với hành vi chống người thi hành công vụ đã đủ sức răn đe?

Thứ bảy, 22/04/2023 17:45
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Theo các chuyên gia, việc gia tăng các hành vi chống người thi hành công vụ đã gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; cản trở hoạt động đúng đắn của các cơ quan công vụ, gây thiệt hại đối với tài sản của Nhà nước; đồng thời trực tiếp xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người thi hành công vụ. Do đó, cần kiên quyết ngăn chặn các hành vi chống người thi hành công vụ.

Bị cáo Đỗ Đình Tám bị tuyên phạt 12 tháng tù giam về tội “chống người thi hành công vụ”.

Ảnh: Đàm Quang.

Mới đây, Tòa án nhân dân Thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đã tuyên phạt bị cáo Đỗ Đình Tám 12 tháng tù giam về tội “chống người thi hành công vụ”, theo quy định tại khoản 1, Điều 330 BLHS 2015. Theo hồ sơ vụ án, vào khoảng 11h20’ ngày 02/2/2023, khi Tổ công tác đang làm kiểm tra nồng độ cồn tại Km142+90m quốc lộ 70, thuộc địa phận tổ 9 - phường Tân Hòa, phát hiện xe ô tô BKS 28A-130.05 do Đỗ Đình Tám điều khiển đang di chuyển theo hướng TP Hòa Bình đi xã Yên Mông có dấu hiệu vi phạm. Trung úy Ngô Văn Thịnh ra hiệu lệnh dừng phương tiện để kiểm tra nhưng Đỗ Đình Tám không chấp hành mà quay đầu cố tình tăng ga đâm thẳng vào xe mô tô tuần tra của tổ công tác gây thương tích cho Trung úy Ngô Văn Thịnh và Thượng úy Bùi Văn Thái.

Sau khi ôtô dừng lại, chị Đ.T.M.N. (SN 1978) xuống xe còn Đỗ Đình Tám tiếp tục ngồi trên xe xúc phạm, chửi bới tổ công tác sau đó xuống xe xông vào túm cổ áo Thượng úy Vũ Huy Thành vật ngã xuống đất. Tổ công tác đã kịp thời khống chế Đỗ Đình Tám áp giải về cơ quan Công an để làm việc. Kết quả kiểm tra cho thấy, Đỗ Đình Tám có nồng độ cồn ở mức 1,163 mg/l khí thở. Qua kiểm tra tại Bệnh viện, Thượng úy Vũ Huy Thành bị rạn đốt xương ngón tay và tổn thương phần mềm, phải nhập viện điều trị.

Trước đó, vào đầu năm 2023, tại nhiều địa phương trên cả nước đã liên tiếp xảy ra các vụ việc liên quan đến đối tượng điều khiển phương tiện giao thông (xe máy, ô-tô) tông thẳng vào lực lượng chức năng khi bị yêu cầu dừng xe kiểm tra nồng độ cồn. Những vụ việc trên thể hiện rõ sự manh động, tính chất côn đồ, bất chấp hậu quả, coi thường tính mạng người khác và coi thường pháp luật của các đối tượng phạm tội.

Đặc biệt, sáng ngày 05/4 vừa qua, ô tô con màu trắng chưa rõ biển kiểm soát đi vào đường cấm theo giờ tại khu vực xung quanh hồ Hạ Đình. Phát hiện ô tô vi phạm, một cán bộ Công an phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội đang làm nhiệm vụ tại đây đã ra tín hiệu dừng xe. Tuy nhiên, tài xế ô tô con không chấp hành mà còn hất chiến sĩ công an lên nắp capo rồi bỏ chạy. Cú đâm mạnh khiến cán bộ công an phường Hạ Đình bị gãy chân và được người dân, lực lượng chức năng đưa đi cấp cứu.

Thực tế cho thấy, tình trạng chống người thi hành công vụ, nhất là trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đang có những diễn biến phức tạp, tính chất, mức độ vụ việc ngày càng nghiêm trọng, manh động và liều lĩnh hơn, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Thống kê từ Bộ Công an cho biết, trong năm 2022 đã xảy ra 26 vụ chống người thi hành công vụ, làm 10 người bị thương. Ðặc biệt, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2023 vừa qua, cả nước đã xảy ra gần 20 vụ chống người thi hành công vụ, làm 12 cán bộ, chiến sĩ bị thương.

Một chiến sỹ cảnh sát giao thông bị thương trong khi làm nhiệm vụ. Ảnh: Thái An.

Người thi hành công vụ là người được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội. Do vậy, người thi hành công vụ cần được mọi tổ chức, cá nhân và xã hội tôn trọng, tạo điều kiện để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, thời gian gần đây đang có xu hướng gia tăng các hành vi chống người thi hành công vụ. Điều đáng nói là các hành vi này xảy ra nhiều nhất là trong hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự công cộng; đấu tranh, bắt giữ tội phạm ma túy, cờ bạc, buôn lậu; giải quyết vi phạm, cưỡng chế đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng; thi hành án dân sự, bảo vệ rừng…

Theo các chuyên gia, việc gia tăng các hành vi chống người thi hành công vụ đã để lại nhiều hệ lụy tiêu cực: gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; cản trở hoạt động đúng đắn của các cơ quan công vụ, gây thiệt hại đối với tài sản của Nhà nước; đồng thời trực tiếp xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người thi hành công vụ cũng như người thân của họ; thể hiện thái độ coi thường pháp luật của một số người dân.

Nguyên nhân dẫn đến các hành vi chống người thi hành công vụ thường xuất phát từ sự thiếu hiểu biết, ý thức kém trong việc chấp hành pháp luật ở một số người dân. Cá biệt, một số đối tượng vi phạm còn có hành vi chống đối quyết liệt lực lượng chức năng nhằm trốn tránh việc bị xử lý. Trong khi đó, một số quy định của pháp luật về xử lý hành vi chống lại người thi hành công vụ chưa đủ sức răn đe, dẫn đến tình trạng đối tượng vi phạm có thái độ coi thường, bất chấp pháp luật.

Theo Luật sư Nguyễn An Bình, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, Điều 330 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định, cá nhân có hành vi chống người thi hành công vụ tùy theo tính chất, mức độ có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hay phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm. “Để bảo đảm tính răn đe, cần nghiên cứu nâng mức hình phạt đối với tội danh chống người thi hành công vụ, nhất là với những đối tượng có hành vi mang tính chất côn đồ, manh động; trực tiếp xâm hại sức khỏe, đe dọa tính mạng người thi hành công vụ và người thân của họ”, Luật sư Nguyễn An Bình phân tích thêm.

Ở góc nhìn khác, cũng cần thẳng thắn thừa nhận, đội ngũ những người thực thi công vụ vẫn còn một số hạn chế, yếu kém. Có lúc, có nơi vẫn còn tình trạng người thực thi công vụ buông lỏng, thiếu tinh thần trách nhiệm, yếu kém về phẩm chất, năng lực chuyên môn, phong cách làm việc chậm đổi mới, thậm chí có một số cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để tham nhũng, sách nhiễu người dân. Tuy nhiên, các hạn chế đó phải được xử lý theo quy định của pháp luật. Không thể lợi dụng những hạn chế này để bao biện cho các hành vi chống người thi hành công vụ.

Để góp phần ngăn chặn các hành vi chống người thi hành công vụ, thiết nghĩ cần kiên quyết xử lý nghiêm các cá nhân có hành vi vi phạm; nghiên cứu, xem xét nếu cần thiết có thể tăng chế tài xử phạt để bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa trong cộng đồng. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến kiến thức pháp luật; xây dựng và không ngừng bồi dưỡng ý thức tôn trọng pháp luật ở quần chúng nhân dân, nhất là giới trẻ.

Bên cạnh đó, từng công dân cần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật, tỉnh táo, không để bị dụ dỗ, lôi kéo tham gia vào các hành vi cản trở hoạt động của lực lượng chức năng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; lên án, tẩy chay các hành vi chống người thi hành công vụ; phát huy tinh thần, ý thức trách nhiệm của người dân trong việc chủ động tham gia ngăn chặn các hành vi chống người thi hành công vụ.

Đồng thời, cần tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động công vụ của các lực lượng; coi trọng xây dựng đội ngũ những người thực thi công vụ có đầy đủ phẩm chất, năng lực, gương mẫu, chủ động phát huy tinh thần nêu gương; kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, loại ra khỏi bộ máy những người thực thi công vụ tha hóa, biến chất, tham nhũng, sách nhiễu gây bức xúc trong nhân dân./.

TL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực