|
Ảnh minh hoạ (Ảnh: M.P) |
Hiện nay, thuế TNCN đối với người làm công, ăn lương được chia làm 7 bậc: bậc 1 từ 0 - 5 triệu đồng/tháng thuế suất 0,5%; bậc 2 từ 5 - 10 triệu đồng/tháng thuế suất 10%; bậc 3 từ 10 - 18 triệu đồng/tháng thuế suất 15%; bậc 4 từ 18 - 32 triệu đồng/tháng thuế suất 20%; bậc 5 từ 32 - 52 triệu đồng/tháng thuế suất 25%; bậc 6 từ 52 - 80 triệu đồng/tháng thuế suất 30%; bậc 7 trên 80 triệu đồng/tháng thuế suất 35%.
Mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng cũng quá lạc hậu so với biến động giá cả hiện nay. Trong 10 năm tính từ khi áp dụng luật Thuế TNCN sửa đổi, lương tối thiểu vùng của Chính phủ đã tăng 9 lần (trừ năm 2021 do dịch COVID-19 nên không tăng, từ mức 2 triệu đồng/người/tháng lên hơn 4,68 triệu đồng/tháng, tương đương mức tăng gần 2,4 lần. Tuy nhiên, mức chiết trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc chỉ mới điều chỉnh được 1 lần vào giữa năm 2020.
Số liệu cập nhật mới nhất của Tổng cục Thuế, tính đến hết tháng 11/2022 số thu thuế TNCN đã ước đạt 152.123 tỷ đồng, bằng 128,8% dự toán, bằng 130,1% so với cùng kỳ. Có thể thấy nguồn thu thuế TNCN luôn cao và vượt dự toán. Trong khi đó, đời sống của người nộp TNCN, đặc biệt là nhóm đối tượng làm công ăn lương còn gặp rất nhiều khó khăn. Điều nay có thể thấy mức giảm trừ gia cảnh đã quá lạc hậu so với thực tế.
Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, cần cấp thiết thay đổi luật thuế TNCN càng sớm càng tốt để phù hợp với biến động thực tế, để người dân có thể đỡ chật vật hơn với mối lo “cơm, áo, gạo, tiền” thường trực.
Theo chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, việc sửa thuế TNCN có thể chậm nhưng phải chắc. Năm 2024 hay 2025 có thể sửa Luật thuế này nhưng trên nguyên tắc phải đáp ứng được mong mỏi của người lao động và người đóng thuế, đừng để mỗi lần nói đến thuế TNCN là người người, nhà nhà than phiền.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích, cách điều hành cũng như việc xây dựng luật thuế TNCN của Tổng Cục Thuế thời gian qua có vấn đề, chỉ tiến hành điều chỉnh mức gỉam trừ gia cảnh khi thay đổi lạm phát thay đổi 20% là quá cứng nhắc. Cứ điều hành thuế theo lạm phát là không được vì theo mỗi năm, mức sống của người dân tăng lên, sau một năm từ cơm no áo ấm người dân muốn đi du lịch, muốn vui chơi. Mỗi thứ một năm một khác tại sao lại cố định giảm trừ gia cảnh theo lạm phát. Các nước khác tiến tới giảm dần mức thuế TNCN để hỗ trợ người dân, khuyến khích người dân lao động sáng tạo, nâng cao thu nhập. Đương nhiên, việc anh có thu nhập “khủng”, tiền nhiều thì cũng phải đóng góp trách nhiệm cho xã hội bằng cách nộp thuế nhưng đừng nên nghĩ rằng, cứ thấy ai giàu là “đè ra” thu thuế.
Vì vậy theo vị chuyên gia này, người làm chính sách thuế cần phải thay đổi tư duy, xây dựng chính sách thuế hợp lý để khuyến khích người lao động sáng tạo.
Chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng nhấn mạnh, cách tính mức giảm trừ gia cảnh chỉ căn cứ vào biến động CPI là chưa đủ mà còn phải tính theo xu hướng phát triển của nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng phải tăng lên. Thực tế, từ 1/7/2013 đến nay, đời sống của người dân cũng đã nâng lên rất nhiều, nhu cầu về vật chất và tinh thần cao hơn nhiều. Chẳng hạn trước kia các bạn không cần son phấn, bây giờ thì phải có son phấn; hay người ta cũng phải đi du lịch, thưởng thức âm nhạc, văn hóa… Nếu trước kia bạn mua cái túi giá 1 triệu, bây giờ giá tăng 20% thì giá cái túi đó là 1,2 triệu. Nhưng bên cạnh đó cái túi cũ lại lỗi mốt rồi, người ta không bán nó nữa mà ra cái túi mới, đắt hơn 10% nữa, thì mua cái túi bây giờ phải 1,3 triệu chứ không phải 1,2 triệu. Cho nên theo tôi, chỉ số giá tiêu dùng chỉ là một căn cứ thôi, Bộ Tài chính cần phải tính toán trên nhiều phượng diện nữa.
Ông Nguyễn Văn Được, Ủy viên BCH Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế Toán và Tư vấn Thuế Trọng Tín lại cho rằng, thực ra Bộ Tài chính hay Tổng cục Thuế đang áp dụng cách tính dựa vào Luật. Về lý mà nói, cách tính này hiện nay đang làm đúng luật. Đúng luật nhưng lại chưa phù hợp, chưa sát với thực tế cuộc sống. Muốn hợp lý chúng ta phải sửa đổi toàn bộ. Bởi luật quy định khi CPI tăng 20% so với thời điểm Luật Thuế TNCN có hiệu lực thi hành, hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét điều chỉnh. Nên chờ được lạm phát thay đổi được đến mốc ấy thì thời gian quá dài. Chưa kể mỗi năm đời sống của người dân lại thay đổi nên áp dụng mức tính giảm trừ gia cảnh như hiện nay gây thiệt cho người lao động. Mặt khác, việc chia làm 7 bậc là tương đối nhiều nên tính toán phức tạp và khó khăn. Do đó, nên rút ngắn xuống còn 4 - 5 bậc để thuận tiện cho người nộp thuế cũng như cơ quan thuế từ đó giảm chi phí xã hội.
Có thể cân nhắc bỏ mức thuế TNCN 35% nhằm tạo sự cạnh tranh giữa các nước trong khu vực để thu hút lao động là chuyên gia có trình độ tay nghề cao đồng thời có thể thu hút nguồn thu khi thuế suất của chúng ta thấp hơn các nước trong khu vực. Ví dụ một chuyên gia nước ngoài đi làm với cùng điều kiện lao động và cùng mức thu nhập 10.000 USD tại Việt Nam và ở Singapore nhưng tại Singapore thuế TNCN chỉ mức 22% thì họ sẽ lựa chọn Singapore thay vì Việt Nam với mức 35%. Mặc khác, hiện nay cũng có tình trạng chuyên gia nước ngoài được trả thu nhập hai nơi là Việt Nam và nước ngoài. Như vậy, nếu chúng ta giảm mức thuế suất TNCN xuống thấp hơn các nước trong khu vực thì người lao động sẽ có xu hướng chuyển thu nhập về Việt Nam.
Chỉ ra những bất cập trong cách Thuế TNCN, TS Lê Xuân Sang – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, quy định nộp thuế TNCN hiện nay còn nhiều bất cập về yếu tố công bằng mang tính tương đối giữa các nhóm lao động, giữa thu nhập theo vị trí địa lý. Lương của người lao động được phân chia rất cụ thể, thành bốn vùng khác nhau, với mức chênh lệch khá tương đối; giả thiết là với cùng một mức thu nhập nhưng ở các địa bàn khác nhau thì mức giảm trừ gia cảnh với người phụ thuộc cũng nên khác nhau. Ở vùng sâu, vùng xa, mức giảm trừ gia cảnh với người lao động là 11 triệu, người phụ thuộc là 4,4 triệu, có thể dư giả, nhưng ở vùng thành thị - nơi có mức sống cao, mọi thứ đều đắt đỏ thì mức giảm trừ gia cảnh như vậy là không đủ sống.
Trong khi trên thực tế, chính sách thuế tại nhiều quốc gia cũng không cào bằng mức giảm trừ gia cảnh, một phần do họ xác định và khấu trừ được chi phí đầu vào của người dân nhờ thanh toán không tiền mặt phát triển. Vì vậy, đã đến lức, Bộ Tài chính cần thay đổi cách tính mức thuế TNCN. Trong việc điều chỉnh trước hết dựa vào tính thời đại, thực tiễn, công bằng, thực thi. Sau đó, tính đến lợi ích hài hòa của các thành phần trong xã hội. Phải thu thuế làm sao để kích thích người dân hăng say lao động.
Về nguyên lý, nguyên tắc tính thuế theo biến động CPI hiện nay là đúng, nhưng nó phải căn cứ trên một nền tảng pháp lý phù hợp hơn. Thuế TNCN bản chất là đánh thuế người khá giả. Cho nên ít nhất phải có một mức sàn là trung bình thu nhập của xã hội, khi trên trung bình thì đánh thuế. Vậy trung bình của chúng ta là bao nhiêu, phải chăng trung bình là đối với 1 người trụ cột là 11 triệu đồng, người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng? Không phải thế. Hiện nay chúng ta không căn cứ vào thu nhập tối thiểu, không căn cứ vào thu nhập bình quân của xã hội, cũng không căn cứ vào mức sống, do đó gây tranh cãi và càng ngày càng điều chỉnh thì càng gây tranh cãi hơn.
Về bản chất, Thuế thu nhập cá nhân được coi như công cụ giúp điều tiết vĩ mô, kích thích tiết kiệm, đầu tư theo hướng nâng cao năng lực hiệu quả xã hội. Thông qua việc điều tiết giảm bớt thu nhập của những đối tượng có thu nhập cao, và phân phối lại cho những đối tượng có thu nhập thấp hơn, thuế thu nhập cá nhân góp phần quan trọng trong việc tăng các chế độ phúc lợi xã hội. Bên cạnh đó, giúp cơ quan quản lý phát hiện những nguồn thu nhập bất hợp pháp như: tham ô, kinh doanh hàng quốc cấm, trốn thuế, lừa đảo… Chính vì vậy, việc thay đổi mức thu thuế thu nhập cá nhân cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng về mặt chính sách, cũng như tác động của nó đến các đối tượng nộp thuế và nguồn thu của Nhà nước.
Trong mấy năm vừa qua, khi tình hình dịch bệnh kéo dài, thu nhập của người dân giảm sút, rất nhiều người lao động bị ảnh hưởng việc duy trì mức thuế TNCN, đặc biệt mức giảm trừ gia cảnh đã quá lạc hậu như hiện nay là một bất cập cần khẩn trương tháo gỡ.
Thiết nghĩ, đã đến lúc, các cơ quan chức năng cần khẩn trương rà soát, sửa đổi chính sách thuế TNCN kịp thời hỗ trợ cho người nộp thuế, đặc biệt là nhóm đối tượng làm công ăn lương còn gặp nhiều khó khăn, góp phần hiện thực hóa quan điểm nhất quán của Chính phủ là “người dân là trên hết, trước hết”. Đặc biệt, việc rà soát, điều chỉnh cũng cần nhanh chóng nhằm đảm bảo ổn định đời sống cho người dân lao động và chính sách thuế không tiếp tục nối dài bài ca “lạc hậu” so với thực tế phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./.