|
Việc sử dụng máy tính và mạng internet vào các buổi học trực tuyến sẽ vô cùng hữu hiệu, nhưng nếu không sát sao chỉ bảo, internet sẽ là một thế giới đầy rẫy những cạm bẫy (Ảnh: M.P) |
Không thể phủ nhận, thiết bị công nghệ như điện thoại thông minh, ipad, laptop, máy tính… ra đời để giúp ích con người rất nhiều từ công việc, giải trí cho đến những nhu cầu cuộc sống như tình cảm, kết giao, chia sẻ… Tuy nhiên, nếu không kiểm soát bản thân, chúng ta dễ sa vào vũng lầy vào chúng như những con nghiện, mà càng lún càng sâu; đặc biệt là những đứa trẻ.
Gần đây, báo chí đăng tải thông tin về việc trong những ngày nghỉ hè, một học sinh ở Tam Dương (Vĩnh Phúc) rủ các bạn lên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đoạn đi qua địa bản tỉnh Vĩnh Phúc, ném đá vào các phương tiện giao thông đang chạy với tốc độ cao. Khi điều tra, công an huyện xác định được Lê Tiến T. là người “chủ trò”. Điều đáng quan tâm, T. và các bạn mới đang học cấp 2, vậy mà đã sáu lần thực hiện hành vi ném đá các phương tiện giao thông.
Nhưng điều khiến dư luận quan tâm hơn là lời khai của T. tại cơ quan công an: Em đã mượn điện thoại của bố mẹ để vào mạng xã hội TikTok xem các video ném đá vào phương tiện giao thông. Khi xem các video đó cảm thấy rất vui và hứng thú nên rủ các bạn thân lên đường cao tốc ném đá. Cả nhóm chọn những viên sỏi, đá, gạch cứng nấp ở ven đường, lùm cây chờ các phương tiện đi qua thì hô to để cùng nhau ném.
Nghe lời khai đầy sự hồn nhiên của T. ai cũng rùng mình bởi đây là một hành động rất nguy hiểm. Các đối tượng ném đá vào xe ô-tô đang đi với tốc độ cao có thể khiến lái xe mất lái và gặp nạn. Thực tế đã xảy ra những vụ tai nạn thương tâm bắt đầu từ trò ném đá như thế. Thế nhưng, điều đáng tiếc là nó chưa có dấu hiệu dừng lại.
Vì chế tài chưa đủ mạnh? Hay bởi chúng ta chưa nghiêm khắc trong việc giáo dục trẻ, từ gia đình tới nhà trường?
Và vì thế, thi thoảng lại thấy truyền thông đưa tin về một vụ ném đá vào các phương tiện giao thông đang lưu thông đơn giản như một trò chơi!
Câu chuyện của T. và nhóm bạn học cấp 2 ở huyện Tam Dương vừa nêu ở trên chỉ là một dẫn chứng gần nhất. Nhưng điều đáng để phụ huynh quan tâm hơn nữa, đó là việc quản lý con em khi tham gia mạng xã hội. Đừng nghĩ cứ giao cho con một chiếc điện thoại là cha mẹ có thể thoải mái đi làm, hay có thể “yên ổn” làm việc trong một vài tiếng đồng hồ.
Bởi khi cha mẹ “thả” cho con cái một chiếc điện thoại, một chiếc ipad, hay một chiếc máy tính có nối mạng internet là vô tình đã thả con vào một thế giới đầy rẫy những cạm bẫy. Những video xấu, độc hại tồn tại trên mạng xã hội luôn chực chờ hút lấy trẻ nhỏ. Trước khi tiếp cận được với những video có nội dung lành mạnh, hữu ích trên mạng thì trẻ nhỏ có thể đã xem những video có nội dung không lành mạnh, thậm chí độc hại. Như trường hợp một bé gái 12 tuổi, ở huyện Ba Vì (Hà Nội) đang học lớp 7, cách đây ít lâu, được gia đình phát hiện tử vong trong tư thế treo cổ, bên cạnh là chiếc điện thoại em hay dùng. Kiểm tra điện thoại cho thấy, nạn nhân đã vào mạng xem video hướng dẫn tự tử rồi làm theo…
Bên cạnh đó, hiện nay, để có thể xem được video, trẻ nhỏ còn bị nhồi nhét đủ thứ quảng cáo, trong đó không ít quảng cáo có nội dung dành cho người hơn 18 tuổi.
Theo các chuyên gia, dành quá nhiều thời gian trên điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng là một yếu tố làm tăng trầm cảm, lo âu, rối loạn phản ứng gắn bó, thiếu tập trung, rối loạn tâm thần, và hành vi của trẻ có vấn đề. Theo kết quả nghiên cứu gần đây của The Monitoring the Future, thanh thiếu niên càng dành nhiều thời gian dùng điện thoại càng cảm thấy không hạnh phúc. Trẻ dễ bị tách ra ở riêng một mình, thậm chí nhiều trẻ bị mắc chứng bạo lực internet hoặc có những hành vi không bình thường…
Đồng hành với con chưa bao giờ là một việc dễ dàng. Nhất là trong mùa hè năm nay, khi dịch bệnh bủa vây và cha mẹ còn phải tất tả với mưu sinh. Nhưng nếu chỉ lơ là một chút, chủ quan một chút, con cái sẽ bị tiêm nhiễm những thói hư tật xấu, ảnh hưởng đến nhân cách lâu dài của trẻ, thậm chí cha mẹ vĩnh viễn mất đi đứa con dứt ruột đẻ ra...
Trước những vấn đề nêu trên, các bậc cha mẹ hãy quan tâm, dạy con cái cách thức sử dụng điện thoại đúng cách, phân tích cho các em hiểu những nguy cơ khi xem những thông tin độc hại để các em có phản xạ đối với những thông tin dạng này.
Chỉ có sự sát sao, chỉ bảo của các bậc cha mẹ mới có thể giúp ngăn ngừa, hạn chế những tác hại xấu, hành vi của con trẻ, nhất là khi các em được sử dụng điện thoại khi thiếu sự giám sát của người lớn./.