|
Công nghiệp chế biến đóng vai trò rất quan trọng trong việc gia tăng giá trị cho nông sản (Ảnh: TTXVN) |
Những “rào cản” cố hữu
Trong những năm gần đây, nông sản nước ta đã mang lại những con số rất đáng tự hào, nhất là trong kết quả xuất khẩu. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 41,2 tỷ USD; năm 2021, giá trị xuất khẩu đạt cao kỷ lục với 48,6 tỷ USD. Trên đà tiến lên, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2022 đạt 53,22 tỷ USD; năm 2023, giảm nhẹ so với năm 2022, đạt 53,01 tỷ USD. 9 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng mạnh (21%), đạt 46,28 tỷ USD. Đây là kết quả rất đáng mừng với sự đóng góp của nhiều ngành hàng đến từ lúa gạo, sản phẩm chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản…
Mặc dù đạt giá trị xuất khẩu cao, tuy nhiên, trên thực tế, nông sản của nước ta vẫn còn nhiều “rào cản”, dẫn đến chưa thực sự mang lại giá trị lớn xứng đáng như tiềm năng vốn có. Trước tiên, đó là công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản của nước ta, nhất là ở khâu chế biến sâu chưa phát triển mạnh. Mặc dù thời gian qua ghi nhận, đã có nhiều doanh nghiệp lớn tham gia vào đầu tư chế biến nông sản với công suất lớn, tuy nhiên, con số này vẫn chưa “thấm thía” đối với sức sản xuất nông sản mạnh mẽ của nước ta.
Theo PGS. TS Trần Lan Hương, Khoa Công nghệ thực phẩm, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, khả năng chế biến nông sản của Việt Nam hiện nay chỉ đạt khoảng 8%, 92% còn lại chủ yếu tiêu thụ dưới dạng tươi. Do đó, vẫn còn một khối lượng khổng lồ nông sản của nước ta chưa được qua chế biến, nâng cao giá trị gia tăng.
Với việc chưa được qua công đoạn chế biến sâu, vì vậy, hiện nay, nông sản nước ta vẫn chủ yếu xuất khẩu ở dạng thô với sản phẩm xuất thô chiếm tới 70- 80% tỷ trọng xuất khẩu nên giá trị chưa cao.
Cùng với khó khăn trên thì quy mô sản xuất nông nghiệp của nước ta còn manh mún, nhỏ lẻ cũng là một “rào cản” lớn. Với hàng chục triệu mảnh ruộng, quy mô sản xuất trung bình từ 0,2-2ha/hộ làm hạn chế canh tác ở quy mô rộng. Điều này kéo theo việc thúc đẩy cơ giới hóa, ứng dụng khoa học công nghệ để giảm chi phí trung gian, nâng cao giá trị gia tăng đối với nông sản nước ta còn chưa được phổ biến. Cũng từ khó khăn này, dẫn đến việc, các sản phẩm nông nghiệp của nước ta được sản xuất ra, đa phần có kích cỡ chưa đồng đều, chưa có nhiều thương hiệu trên thị trường.
Ngoài các yếu tố đầu tư vào nông nghiệp vẫn luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, thì quy mô manh mún, nhỏ lẻ cũng là một trong những yếu tố dẫn đến việc chúng ta chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào ngành nông nghiệp. Tính đến cuối năm 2023, cả nước có khoảng 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, so với con số 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động của cả nước cho thấy, đây là một con số còn rất khiêm tốn, chưa đủ lực mạnh để đưa nông sản nước ta tiến vào quá trình sản xuất hiện đại toàn diện, đồng bộ, mang lại giá trị gia tăng cao.
“Lực đẩy” đột phá nào cho gia tăng giá trị nông sản?
Để nâng cao giá trị cho nông sản Việt, có rất nhiều giải pháp cần được triển khai ở nhiều góc độ và khía cạnh khác nhau. Bởi ở mỗi khía cạnh và góc độ thay đổi theo hướng tích cực, đều giúp cho nông sản của nước ta nâng cao giá trị.
Trước tiên, đó là việc chuyển đổi sản xuất tại những vùng sản xuất kém hiệu quả sang những cây trồng, vật nuôi khác để nâng cao giá trị nông sản trên cùng một diện tích đất sản xuất. Điều này có thể thấy rõ, trong thời gian qua, nhiều diện tích lúa kém hiệu quả được chuyển đổi sang cây trồng khác, nuôi trồng thủy sản mang lại hiệu quả cao hơn. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích đất lúa chuyển đổi năm 2023 khoảng 115 nghìn ha, trong đó, chuyển đổi sang cây hàng năm hơn 78 nghìn ha; sang cây lâu năm gần 24 nghìn ha; sang nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng lúa 13 nghìn ha. Thực tế tại một số địa phương, như Hậu Giang, việc chuyển đổi đất lúa sang các loại cây trồng hàng năm, lâu năm hoặc chuyển đổi từ đất chuyên lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 2-4 lần so với chuyên canh trồng lúa.
Bên cạnh đó, việc áp dụng khoa học công nghệ, quy trình sản xuất tiên tiến vào sản xuất là giải pháp không thể không nhắc đến để nâng cao giá trị cho nông sản. Đây là yếu tố vẫn được xem là khâu “đột phá” để nâng cao giá trị cho nông sản. Việc nghiên cứu các giống mới, quy trình canh tác mới, ứng dụng những công cụ sản xuất hiện đại mới vào sản xuất, đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng dây chuyền sản xuất hiện đại, tiên tiến, bảo quản sau thu hoạch…tiếp tục là những yếu tố quan trọng để đẩy mạnh giá trị cho nông sản.
Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Mai Dương, Cục trưởng Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, thực tế đã chứng minh, 10 năm qua, khoa học và công nghệ đã đóng góp hơn 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp và 38% trong lĩnh vực giống cây trồng, vật nuôi. Nhờ áp dụng công nghệ tiên tiến, năng suất lúa của Việt Nam cao gấp 1,5 lần Thái Lan. Cà phê Việt Nam đứng thứ hai thế giới về năng suất (chỉ sau Brazil); năng suất hồ tiêu đứng đầu thế giới, cá tra đạt năng suất 500 tấn/ha, mức cao nhất thế giới, trong khi công nghệ nuôi tôm thẻ chân trắng giúp nâng cao sản lượng lên hơn 40 tấn/ha, đồng thời giảm 30-35% chi phí sản xuất so với phương pháp cũ. Điều đó cho thấy, khoa học công nghệ có vị trí, vai trò rất lớn cho nâng cao giá trị nông sản.
Như đã đề cập, một giải pháp không thể không nhắc tới để tăng giá trị cho nông sản, đó là tăng cường chế biến sâu. Chính các doanh nghiệp cũng phải thẳng thắn ghi nhận về vai trò, vị trí quan trọng của chế biến sâu trong việc gia tăng giá trị nông sản, biến những sản phẩm thô ban đầu trở thành các sản phẩm có hàm lượng dinh dưỡng, giá trị sử dụng và giá trị kinh tế cao. Ở vấn đề này, theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp, việc chú trọng cập nhật công nghệ chế biến mới là điểm mấu chốt để giúp tăng lợi thế, giá trị cho nông sản.
Dĩ nhiên, muốn thực hiện giải pháp tăng cường chế biến sâu, chúng ta cần thu hút các doanh nghiệp lớn có tiềm lực về tài chính, khoa học công nghệ, năng lực quản trị để đầu tư vào lĩnh vực còn nhiều dư địa này. Do đó, cần có các cơ chế, chính sách mang tính ưu đãi dài hạn để thu hút lực lượng quan trọng này vào đầu tư chế biến nông sản. Bởi doanh nghiệp thực sự là “đầu tàu” dẫn đường, đưa nông sản vào dây chuyền sản xuất quy mô lớn, hiện đại, mang lại sản phẩm có giá trị gia tăng cao, thúc đẩy xuất khẩu.
Nhìn ở hướng tổng thể hơn, việc hợp tác, liên kết chặt chẽ với nhau trong chuỗi sản xuất cũng là yếu tố không thể thiếu trong việc giúp gia tăng giá trị nông sản. Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, liên kết chặt chẽ giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị nông sản từ sản xuất, chế biến, đến tiêu thụ là yếu tố then chốt để nâng cao hiệu quả cho sản xuất nông sản và đảm bảo tính bền vững. Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã, doanh nghiệp và nông dân hợp tác với nhau.
Trên thực tế, việc hợp tác, liên kết chặt chẽ với nhau trong các khâu, “mắt xích” sản xuất sẽ tạo những điều kiện thuận lợi nhất, từ nguồn vật tư đầu vào, công cụ, máy móc,…phục vụ cho sản xuất, từ đó góp phần tạo ra những nông sản có chất lượng tốt, giá trị cao.
Đặc biệt, để nâng cao giá trị nông sản, cần đảm bảo tạo ra ngày càng thêm nhiều nông sản thơm ngon, có chất lượng tốt, thu hút người tiêu dùng. Bởi những sản phẩm nông sản sạch, tươi, ngon chắc chắn sẽ được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn, và sẵn sàng chi trả ở mức giá cao so với mặt bằng bình quân. Muốn vậy, trong quá trình sản xuất, chúng ta cần đảm bảo các quy trình sản xuất an toàn, áp dụng truy xuất nguồn gốc, tuân thủ các biện pháp canh tác tiên tiến,…để tạo ra những nông sản, sản phẩm nông sản tốt, chất lượng cao. Đi cùng với chất lượng, việc chú trọng đến hình thức, mẫu mã sản phẩm cũng cần được người sản xuất chú ý để tạo ra các sản phẩm có tính thẩm mỹ cao, tiện lợi cho người tiêu dùng. Đây cũng là một khâu quan trọng mà nông sản Việt Nam cần tiếp tục được chú trọng để nâng cao giá trị gia tăng.
Cùng với các giải pháp trên thì việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tích cực quảng bá, giới thiệu hình ảnh nông sản đến các thị trường cũng là giải pháp cần được đẩy mạnh trong thời gian tới để thúc đẩy tiêu thụ, kích cầu sản xuất, gia tăng giá trị cho nông sản. Về giải pháp này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sẽ quyết liệt tháo gỡ vướng mắc, mở cửa thị trường cho nông sản Việt, ngay cả đối với các thị trường khó tính; phối hợp đẩy mạnh đàm phán để đa dạng hóa hàng nông sản được xuất khẩu chính ngạch sang nhiều thị trường. Mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như: các nước Trung Đông, Châu Phi... Tận dụng các FTAs, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới; phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài. Đồng thời, tổ chức các hoạt động, như: các Diễn đàn hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản; tọa đàm phổ biến thông tin, quy định thị trường và thị hiếu tiêu dùng, kết nối tiêu thụ thông qua hệ thống tham tán thương mại, nông nghiệp tại các thị trường,…
Để gia tăng giá trị cho các mặt hàng nông sản không phải là câu chuyện “một sớm, một chiều”, mà là một quá trình lâu dài để chúng ta có kế hoạch, từng bước chuyển đổi phương thức canh tác, cập nhật tiến bộ khoa học công nghệ cũng như có những cơ chế, chính sách phù hợp với bối cảnh thực tiễn để tạo động lực cho sản xuất, chế biến nông sản, tăng tính kết nối cho hợp tác và liên kết các chuỗi giá trị, đồng thời, không ngừng sáng tạo, nghiên cứu tạo ra nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới cho giá trị kinh tế cao...
Nông sản của nước ta còn rất nhiều dư địa để gia tăng giá trị. Chúng ta vẫn đang chờ đợi những bước tiến mạnh mẽ ở lĩnh vực này trong tương lai qua những chính sách đột phá, tư duy sản xuất đổi mới, tiên tiến cùng với sự tham gia mạnh mẽ của các “ông lớn” doanh nghiệp, để biến ước mơ đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến nông sản đứng trong top 10 nước hàng đầu thế giới vào năm 2030 trở thành hiện thực như Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030 đã đề ra./.