Người thầy luôn là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. (Ảnh minh họa: Thế Lượng)
Chưa bao giờ, trong ngành giáo dục lại xảy ra nhiều chuyện đau lòng như thời điểm này. Đau lòng là bởi ở đâu đó, mối quan hệ thầy - trò, vốn xưa nay là mực thước trong các mối quan hệ xã hội, thì nay đã bị xuống cấp và xuất hiện những hình ảnh xấu, làm ảnh hưởng không nhỏ tới tính tôn nghiêm, mô phạm và những giá trị nhân văn truyền thống giáo dục của đất nước.
Những câu chuyện xảy ra trong giai đoạn này, chủ yếu là liên quan đến ứng xử giữa thầy và trò, giữa phụ huynh và giáo viên dẫn đến tác động tiêu cực không nhỏ tới hệ thống giáo dục. Mặc dù những sự vụ xảy ra đều có nguyên nhân từ nhiều phía, từ phía giáo viên, từ phía học sinh, từ phía phụ huynh và cả từ phía các nhà quản lý giáo dục, nhưng chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận về cách ứng xử của chính các thầy cô giáo đối với học trò.
Từ những vụ việc như bảo vệ trường học dâm ô học sinh, cô giáo đánh thâm tím mặt học sinh do không đọc được chữ xảy ra hồi năm ngoái, thì nay là những việc đau lòng không kém như thầy giáo tát học sinh, học sinh chặn đường đâm thầy giáo, cô giáo phạt học sinh quỳ dẫn đến phụ huynh yêu cầu giáo viên quỳ lại. Rồi gần đây là việc phụ huynh đánh giáo sinh thực tập đang mang thai dẫn đến phải nhập viện, cô giáo phạt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng…
Những vụ việc trên là những “hạt sạn” xuất hiện ngày càng nhiều trong ngành giáo dục. Phải chăng, từ một sự việc xấu liên quan đến mối quan hệ, ứng xử giữa thầy và trò không được giải quyết dứt điểm đã trở thành nguyên nhân xảy ra nhiều vụ việc đau lòng khác.
Và như thế, môi trường học đường - từ xưa đến nay vốn là nơi tôn nghiêm, là nơi gieo mầm con chữ, nơi giáo dục con người với bao điều tốt đẹp - đã bị vẩn đục bởi ở một số nơi đã xảy ra những việc đáng tiếc.
Điều dễ nhận thấy từ các sự việc gần đây, việc ứng xử, dạy bảo học trò của một số giáo viên đã thiếu tính sư phạm, gây tổn hại đến thể chất và tinh thần của người học. Vẫn biết rằng, thầy cô phải nghiêm khắc, phải răn dạy học trò, thông qua dạy chữ để dạy làm người. Vẫn biết rằng, trong giáo dục phải có nhắc nhở, trách phạt, nhưng tất cả phải mang tính giáo dục, phải trong khuôn khổ của môi trường giáo dục chứ không thể hành xử theo kiểu của một số giáo viên đối với học sinh vừa qua.
Chúng ta không thể nghe lời bao biện của một số giáo viên rằng thiếu kinh nghiệm, nóng tính, do học sinh quá hư hay không nghe lời. Thậm chí, một số giáo viên còn áp dụng một cách máy móc lời dạy của ông cha xưa: “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Roi vọt ở đây không phải là đánh đập, là hành hạ, sỉ nhục học trò mà là sự nghiêm khắc, là tính kỷ luật, là lời nói mang tính giáo dục.
Là những người được đào tạo bài bản trong các trường sư phạm, chắc hẳn khi bước vào thực tiễn giáo dục ở nhà trường phổ thông, mỗi giáo viên phải có kỹ năng ứng xử đối với những tình huống xảy ra, đặc biệt là đối với giáo dục học sinh cá biệt. Quá trình giáo dục học sinh chậm tiến, cá biệt không phải ngày một ngày hai là thành công mà đòi hỏi phải có sự kiên trì, sự phối hợp với các lực lượng giáo dục và trên hết là cái tâm và nghiệp vụ sư phạm của nhà giáo. Chúng ta nên hiểu rằng, giáo dục trong nhà trường là giáo dục con người, giáo dục đạo đức, nhân cách, kỹ năng sống. Vì thế, đứng trước một học sinh chưa ngoan, chúng ta không thể dùng hành động vũ lực, trách phạt để uốn nắn học trò.
Những sự việc hành xử giữa giáo viên với học sinh và phụ huynh với giáo viên trong thời gian vừa qua ở một số nhà trường diễn ra ngay trong phạm vi nhà trường, nơi vốn được coi là môi trường lành mạnh, tốt đẹp. Điều đó cho thấy, cũng cần phải nói đến trách nhiệm của các nhà quản lý giáo dục, mà cụ thể là hiệu trưởng, ban giám hiệu các nhà trường.
Là người đứng đầu nhà trường, hiệu trưởng mỗi nhà trường không thể để xảy ra những vụ việc đáng tiếc như giáo viên đánh, xử phạt học sinh bằng những cách phản giáo dục hay phụ huynh vào trường hành hung giáo viên mà không có biện pháp xử lý. Lẽ ra, khi phát hiện ra sự việc, với vai trò là người đứng đầu nhà trường, hiệu trưởng nhà trường phải tìm cách xử lý dứt điểm sự việc để tránh xảy ra những vụ việc đáng tiếc. Hiệu trưởng phải là người quán xuyến mọi hoạt động giáo dục trong nhà trường và đảm bảo sự an toàn trường học. Sự việc cô giáo ở thành phố Hồ Chí Minh suốt ba tháng lên lớp không giảng bài, cô giáo bị phụ huynh bắt quỳ tới bốn mươi phút ở Long An mà hiệu trưởng không hay biết thì liệu trách nhiệm của người đứng đầu có được phát huy ?
Thiết nghĩ, đã đến lúc ngành Giáo dục cần tăng cường rà soát và loại bỏ ra khỏi ngành những nhà giáo không đủ phẩm chất, năng lực và kỹ năng nghiệp vụ. Bởi lẽ, hỏng một người thầy chắc chắn sẽ hỏng nhiều học trò. Nhiều nhà giáo hư hỏng thì sẽ làm hỏng cả một thế hệ học trò. Vì vây, mỗi nhà trường cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong nhà trường để mỗi giáo viên, học sinh, phụ huynh thực hiện theo đúng quy định về nếp sống văn minh, cách ứng xử có văn hóa và mang tính giáo dục. Có như thế, chúng ta mới tránh được những vụ “hành xử” phản giáo dục như hiện nay./.