Ngầm hóa toàn bộ các đường dây, cáp dịch vụ công cộng tại đô thị là một trong các nội dung của Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Với quyết tâm chính trị cao, Chương trình 03-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội khóa XVII nêu rõ đồng bộ 19 chỉ tiêu, nhiệm vụ “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025” đã nhận được sự quan tâm lớn của dư luận, sự kỳ vọng của cộng đồng xã hội đô thị văn minh.
Tại thời điểm cuối tháng 5/2024, sau gần 3 năm triển khai Kế hoạch 202/KH-UBND (ngày 01/9/2021) và hơn 1 năm triển khai Kế hoạch 127/KH-UBND (ngày 20/4/2023) của UBND thành phố Hà Nội về hạ ngầm đường dây, cáp viễn thông, điện lực tại các tuyến phố trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, có thể thấy nhiều giải pháp nhằm xử lý triệt để “mạng nhện”, “rác trời” tại nhiều tuyến phố, con ngõ đã được triển khai.
Bên cạnh những tuyến đường vành đai của thành phố, khu đô thị mới, khu đô thị vệ tinh, khu công nghiệp, cụm khu công nghiệp, khu dân cư mới... cơ bản đã được hạ ngầm theo đúng Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Hà Nội đã và đang phải đối diện thực tế là trên không ít tuyến phố, con ngõ vẫn có nhiều đơn vị cùng nhau “đu, bám, treo mình” trên các cây cột điện, cột viễn thông với đủ thể loại dây to nhỏ, nhiều màu sắc.
|
Nam công nhân luồn lách qua những sợi dây điện để thay bóng cao áp trên một tuyến đường quận Nam Từ Liêm (Ảnh: vnexpress.net)
|
Không khó để bắt gặp hình ảnh dây dợ lằng nhằng tranh thủ vắt vẻo trên cành cây, mái hiên nhà hay biển quảng cáo, hay các vòng tròn thép oằn mình ôm trọn những bó dây viễn thông, dây điện lực…, cứ thế nối nhau chạy dọc góc phố, con đường với bao bận rộn, hối hả thường nhật của cư dân đô thị quy mô trên 8,5 triệu người.
Một hình ảnh đô thị văn minh, hiện đại khó có thể chấp nhận được, nhưng chúng ta đang phải chứng kiến mỗi ngày, trong sự bất lực bởi tâm lý cha chung không ai khóc. Cứ miễn chạy được đường dây, xong dự án và ký hợp đồng cung cấp dịch vụ với đối tác là được.
Đến ngay cả nhân viên kỹ thuật, xử lý hiện trường khi được lệnh kiểm tra, duy tu hạ tầng hay khắc phục sự cố cũng đến hoa mắt, chóng mặt với mớ bòng bòng mang tên “mạng nhện giữa không trung”.
Việc ngầm hóa các tuyến đường dây tại Hà Nội đã được đặt ra từ năm 1998, tuy nhiên, quá trình thực hiện gặp không ít trở ngại cả về tài chính và cơ chế chính sách.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, quá trình thực hiện gặp khó khăn do mặt bằng chật hẹp, mật độ giao thông lớn, vướng các công trình ngầm nổi... Việc nâng cấp, mở rộng hệ thống cống, bể cũ gặp nhiều khó khăn do đơn vị chủ sở hữu chưa tạo điều kiện cho sử dụng chung.
Ngoài ra, giá cho thuê công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung hiện nay chưa phù hợp với chi phí duy trì, bảo dưỡng nên khó thu hồi vốn đầu tư. Việc xã hội hóa xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm còn nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là do những quy định về giao đất, thu phí sử dụng đất công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung
Thời gian tới, Hà Nội cần tiếp tục kế hoạch xác định, xây dựng lộ trình thực hiện cho từng nhiệm vụ cụ thể nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra tại Chương trình 03-CTr/TU; phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã chủ trì triển khai các giải pháp hoàn thành các chỉ tiêu của chương trình giai đoạn 2021-2025.
Sở Xây dựng có nhiệm vụ chủ trì hoàn thành viêc hạ ngầm 100% hệ thống cáp điện lực, thông tin tại các khu vực phát triển đô thị, các tuyến đường cải tạo, xây dựng mới; tiếp tục triển khai hạ ngầm cáp viễn thông, điện lực tại 300 tuyến phố trong khu vực khu phố cũ… Thành phố quyết tâm hoàn thành hạ ngầm đồng bộ đường dây đi nổi trong khu vực 4 quận nội đô lịch sử (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng), đồng thời đề xuất giải pháp, nguồn vốn triển khai các tuyến còn lại.
Hệ thống cơ sở dữ liệu công trình ngầm, cơ sở dữ liệu cấu trúc nền địa chất đô thị phục vụ xây dựng công trình ngầm cần thiết phải xây dựng và đồng bộ, hướng tới một quy hoạch không gian ngầm đạt chuẩn khu vực.
Các bộ, ngành có liên quan cần nghiên cứu các giải pháp hạn chế sử dụng đường dây, cáp hữu tuyến trong đô thị, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp viễn thông sử dụng chung. Yêu cầu chú trọng xây dựng công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị sử dụng chung để lắp đặt, hạ ngầm các đường dây, cáp điện lực, viễn thông được đặt ra trên hết, mang tính ưu tiên cao nhất.
Nhằm phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, rất cần một cơn gió đủ mạnh để thổi bay “rác trời”. Để hiện thực hóa điều này đòi hỏi lãnh đạo thành phố phải đoàn kết, thống nhất và thể hiện quyết tâm cao cũng như tìm ra các giải pháp mang đồng bộ, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên./.