Hành trình tiến đến Net Zero

Thứ ba, 25/06/2024 09:57
(ĐCSVN) – Phát triển giao thông xanh không chỉ giúp Việt Nam đạt được cam kết Net Zero vào năm 2050, mà còn giúp cho chúng ta giảm thiểu ô nhiễm môi trường, có hệ thống giao thông xanh, văn minh, hiện đại và tiện ích.

Ngày 19/6, Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam - Đường đến Phát thải ròng bằng không, nằm trong chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Đan Mạch trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng được công bố. Báo cáo đã trình bày các kịch bản phát triển của hệ thống năng lượng Việt Nam đến năm 2050, tập trung vào việc phân tích các lộ trình thực tế để Việt Nam đạt được cam kết phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 và nhấn mạnh, Việt Nam cần “xây dựng một hệ thống năng lượng xanh và bền vững hơn thông qua đầu tư vào năng lượng tái tạo và công nghệ tiết kiệm năng lượng”. Tại một cuộc hội thảo mới đây về phát triển giao thông đường bộ xanh hướng đến Net Zero năm 2050, theo các chuyên gia, nhà quản lý, bên cạnh việc xây dựng và thực thi các chính sách khuyến khích, hỗ trợ cũng như hoàn thiện hạ tầng, quy hoạch, thì cắt giảm phát thải trong ngành giao thông vận tải nói chung và giao thông đường bộ nói riêng là giải pháp quan trọng trong hành trình tiến đến Net Zero.

Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030 đạt khoảng 70-90% và đến năm 2033 đạt 100% xe buýt chuyển đổi năng lượng điện, năng lượng xanh

Theo thống kê, phát thải từ phương tiện giao thông ở các đô thị lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh - nơi có mật độ giao thông cao - chiếm tới 70% tổng mức phát thải gây ô nhiễm và có xu hướng tăng dần hàng năm, trong đó vận tải đường bộ là nguồn phát thải nhất, chiếm khoảng 80% lượng phát thải toàn ngành. Do đó, việc giảm phát thải từ vận tải đường bộ có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc thực hiện cam kết Net Zero của nước ta.

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, ở nước ta ngày càng có nhiều người dân sở hữu các phương tiện cá nhân như xe ô tô, xe máy; điều này đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều lượng khí thải thải ra môi trường. Theo thống kê hiện nay, cả nước có gần 5 triệu xe ô tô, 72 triệu xe máy. Tuy nhiên, trong số đó, chúng ta có rất ít phương tiện chạy bằng năng lượng xanh (điện, khí hybrid), chỉ có khoảng 20.000 ô tô điện, 700 xe buýt điện và chạy hybrid; 2,8 triệu xe máy điện. Năm 2019, phát thải trong giao thông vận tải là 45 triệu tấn CO2, con số này tăng hàng năm từ 6-7% và khả năng đạt 90 triệu tấn vào năm 2030. Mức phát thải CO2 của xe máy chiếm tới 35% tổng lượng phát thải của các phương tiện giao thông.

Nguyên nhân được chỉ ra rằng, hiện nay các phương tiện giao thông của ta có tuổi đời cao, công nghệ lạc hậu, chủ yếu sử dụng nhiên liệu hóa thạch nên mức phát thải rất lớn; Các yếu tố làm tăng phát thải gồm mạng lưới kết cấu hạ tầng có chất lượng kém, kết nối chưa thuận lợi dẫn đến nhiều điểm ách tắc giao thông; tổ chức vận tải chưa hiệu quả, tỷ lệ xe chạy rỗng lớn, giao thông công cộng chiếm tỷ trọng khiêm tốn…

Do đó, bài toán cho ngành giao thông vận tải là làm sao để giảm phát thải ròng, hướng tới xu hướng tất yếu, yêu cầu cấp thiết là phát triển giao thông xanh nhằm xây dựng đô thị xanh, đô thị thông minh. Thực hiện yêu cầu này còn là cơ hội để ngành giao thông vận tải hiện đại hóa, bắt kịp với xu thế và trình độ tiên tiến của thế giới.

Theo Quyết định số 876/QĐ-TTg ban hành ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành Giao thông Vận tải, mục tiêu đến năm 2040 sẽ từng bước hạn chế, tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô, mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hoá thạch sử dụng trong nước. Đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, bao gồm cả xe cá nhân và xe vận tải công cộng, xe chuyên dụng chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh; hoàn thiện hạ tầng sạc điện, cung cấp năng lượng xanh trên phạm vi toàn quốc, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp….

Để thực hiện được các mục tiêu lộ trình đã đề ra, vẫn còn quá nhiều vấn đề phải giải quyết. Theo ông Khuất Việt Hùng, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải, hiện nay, nước ta có nền kinh tế có mức phát thải cao hơn khả năng hấp thụ của môi trường, để thực hiện được lộ trình, mục tiêu mà Quyết định đã nêu, chúng ta cần xây dựng nghị quyết, theo đó phải có nhiều chính sách hơn nữa như có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chuyển đổi xanh. Hiện nay chúng ta đã có chính sách ưu đãi về thuế nhập khẩu xe điện, ưu đãi lệ phí trước bạ, thuế đất... nhưng dường như vẫn chưa thực sự khuyến khích các ngành này phát triển. Vấn đề đặt ra ở đây là cần có thêm các biện pháp để thúc đẩy, khuyến khích đưa xe điện, xe hybrid thay thế xe xăng trong hoạt động vận tải đường bộ.

Ông Nguyễn Hoàng Hải - Nguyên Giám đốc Trung tâm quản lý giao thông công cộng TP. Hà Nội thì đưa ra một số giải pháp đứng ở khía cạnh khuyến khích người tiêu dùng. Ông cho biết, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là 2 thành phố lớn gặp rất nhiều vấn đề về giao thông. Cả nước có gần 5 triệu ô tô thì Hà Nội có tới 1,1 triệu ô tô và 6 triệu xe máy, chưa kể hàng ngày có hàng vạn xe vãng lai. Phát thải do giao thông đô thị còn nghiêm trọng hơn bởi với việc bê tông hóa, mật độ người và xe cao, các chất ô nhiễm khó phân tán và bị cộng hưởng bởi bê tông sắt thép, phát thải không thoát được mà nằm là là gần mặt đất. Do đó, hơn đâu hết, các thành phố lớn rất cần việc xanh hóa năng lượng cho phương tiện giao thông. Cần có chính sách làm tăng nhu cầu sử dụng phương tiện sử dụng năng lượng xanh; động viên, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cũng như đẩy mạnh tuyên truyền để thay đổi quan niệm, thói quen, tâm lý chuyển đổi xanh cho người tiêu dùng (sử dụng phương thức vận tải công cộng, thay đổi thói quen lựa chọn phương tiện giao thông xanh), trong đó cần tính đến cả việc khuyến khích người đi bộ và sử dụng phương tiện không động cơ.

Xe đạp công cộng được coi là một giải pháp cho giao thông xanh, nhưng cũng đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là thiếu cơ sở hạ tầng dành cho xe đạp.

Ông Hồ Công Hòa, Phó Trưởng ban Nghiên cứu xã hội, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương thì cho rằng, trong chuyển đổi xanh, chúng ta không nên tiếp cận theo khía cạnh cấm sử dụng xe chạy xăng, mà nên tiếp cận theo khía cạnh tiêu chuẩn kỹ thuật. Theo đó, sẽ tăng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của xe xăng lên, từ đó giá thành sản xuất cũng sẽ tăng lên làm giảm tính cạnh tranh so với xe điện. Để làm được điều đó, cần có hệ thống pháp luật, hành lang pháp lý và có bộ khung định hướng để xã hội vận hành theo ý muốn. Nhà nước phải có những chính sách hỗ trợ về thuế, phí, ưu đãi đất đai xây dựng các trạm sạc, cơ sở bảo dưỡng; đồng thời bảo đảm an ninh năng lượng khi số lượng xe điện, xe hybrid tăng lên để người dân yên tâm mua và sử dụng phương tiện sử dụng năng lượng điện.

Hiện nay, kỷ nguyên công nghệ số và trí tuệ nhân tạo đã mang đến nhiều giải pháp mới, giúp lĩnh vực giao thông đường bộ đạt được hiệu quả kép - cả về kinh tế và môi trường. Thời gian qua, nhờ công nghệ số, nhiều hãng vận chuyển đã tối ưu hiệu quả sử dụng tài nguyên trên tất cả lĩnh vực kinh doanh và vận hành; ví dụ như các tính năng ghép đơn hàng, hoặc dịch vụ chia sẻ chuyến xe... không chỉ giúp hành khách tiết kiệm chi phí mà còn tăng hiệu quả vận hành của từng chuyến xe, giảm các chuyến đi không cần thiết, từ đó giảm phát thải ở mức thấp nhất. Từ thực tế này, ông Khuất Mạnh Hùng cho rằng các quy định, chính sách cần tạo điều kiện thuận lợi phát triển loại hình vận tải mới. Đặc biệt, một nhóm từ mới được nhắc gần đây là "tránh ko phải đi lại". Điều này có nghĩa là, quy hoạch và sử dụng đất đô thị cần tính đến việc giảm phát sinh chi phí đi lại (như làm việc, học tập, ở, trung tâm mua sắm gần nhau hoặc kết nối liên thông...) làm giảm nhu cầu đi lại, giảm thời gian phải đi cũng như phương tiện trên đường – ông Hùng chia sẻ.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, trong chương trình lập pháp, Quốc hội khóa 15 sẽ thông qua các đạo luật như Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, Luật Đường sắt. Ông hy vọng khi những Luật này được thông qua cũng sẽ tác động trực tiếp và tạo điều kiện cho việc chuyển đổi giao thông xanh, hiện đại trong thời gian tới. Điều này không chỉ giúp Việt Nam đạt được cam kết Net Zero vào năm 2050, mà còn giúp cho chúng ta giảm thiểu ô nhiễm môi trường, có hệ thống giao thông xanh, văn minh, hiện đại và tiện ích./.

Thương Huyền

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực