Khắc phục những bất cập trong dạy và học trực tuyến

Thứ bảy, 18/09/2021 14:07
(ĐCSVN)- Năm học mới 2021-2022 đã được hai tuần, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19 nên phải chọn phương thức học trực tuyến để duy trì tiến độ học tập. Dù đã rất cố gắng, nhưng những bất cập trong dạy và học trực tuyến không thể ngày một ngày hai khắc phục được.

Khó khăn từ nhiều phía

Việc học trực tuyến được hai tuần rồi, nhưng em Hà Linh - học sinh lớp 4 một Trường Tiểu học ở Hà Nội vẫn rất khổ sở với cách thức học trực tuyến vì nhiều bài Tiếng Việt, Khoa học, Lịch sử... cô giáo đọc em không chép kịp. “Ngày nào cũng vậy, tối đến bố mẹ phải gọi điện xin bài giảng cho con chép lại để học theo kịp với các bạn. Ở trên lớp con vẫn hoàn thành được bài cô giáo đọc, nhưng khi học trực tuyến con không thể tập trung được nên ngày nào cũng phải bỏ bài. Theo tôi tìm hiểu, ngoài con mình ra, trong lớp cũng nhiều cháu cũng tình trạng như vậy. Ngoài ra, chương trình học của con như học trên lớp, nên khá nặng. Chỉ mong dịch bệnh sớm được kiểm soát để các con được đến trường học”- chị Thùy Trang - phụ huynh em D.H.L sốt ruốt nói.

Cũng tâm trạng như vậy, chị Như Ngọc (Hai Bà Trưng, Hà Nội) có con học lớp 7 chia sẻ: “Máy tính bố mẹ làm việc phải nhường cho con học nên mất cả buổi làm việc, thế nhưng theo dõi con học trực tuyến cũng thấy nản. Đường truyền internet không ổn định hay bị out ra khỏi lớp một lẽ, nhưng thái độ học tập của các con mới đang nói. Học trực tuyến cấp tiểu học một kiểu vất vả, đối với cấp THCS vất vả kiểu khác. Các con không tự giác học. Cô giáo không yêu cầu bật camera để theo dõi vì sợ ảnh hưởng đến đường truyền, nên nhiều con vừa học vừa chơi. Thậm chí, nhiều bạn trong lớp còn mở thêm phòng học trong microsoft team để nói chuyện riêng với nhau, kéo bè cánh các bạn trong lớp ra khỏi lớp học, nên dù lớn bố mẹ vẫn phải chia nhau ra giám sát mới chịu học hành tử tế”.

 Ảnh minh họa. Nguồn: VA

Theo thầy Tô Ngọc Sơn, giáo viên Trường tiểu học Chu Văn An, Đồng Tháp chia sẻ về khó khăn khi dạy học trực tuyến, do cha mẹ bận rộn quá nhiều công việc, không có thời gian chăm sóc con, cùng con ngồi học, giúp con tháo gỡ khó khăn. Rất nhiều cha mẹ hiện nay không thuần thục các thao tác sử dụng các thiết bị như máy tính, Ipad, di động thông minh… nên rất ngán ngại khi để con tự ý sử dụng. Vì cha mẹ không am hiểu, không biết sử dụng Công nghệ nên không biết cách chỉ dạy con điều này cũng gây không ít khó khăn trong việc tổ chức dạy và học trực tuyến.

Thêm nữa, cũng không ít gia đình chưa đủ điều kiện để trang bị cho con những phương tiện học tập như: Không sử dụng đường truyền kết nối mạng, không mua sắm nổi máy tính, laptop hay điện thoại thông minh,… Một số phần mềm hỗ trợ dạy trực tuyến thường đều có bản quyền, tính phí, cách sử dụng cầu kỳ phức tạp. Nhiều gia đình không biết cách sử dụng nên dẫn đến nhiều khó khăn khi nhà trường tổ chức cho con học Online. Thầy cô không trực tiếp quan sát được học sinh, không kèm cặp sát được từng em. Các em dễ buồn chán, ngủ gật,….

Một giáo viên lớn tuổi ở Hà Nội cũng cho hay, việc dạy – học trực tuyến không phải là công việc được thực hiện thường xuyên, nên trong quá trình dạy nhiều khi rất lúng túng. Khả năng ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học ở nhiều giáo viên hạn chế, nhất là giáo viên lớn tuổi như tôi, cách thức triển khai bài giảng như thế nào để hiệu quả, thu hút sự tập trung, lắng nghe của học sinh cũng là vấn đề khó khăn. Công việc này đòi hỏi cần phải có thời gian.

Ngày 17/9, tỉnh Cà Mau đã quyết định dừng dạy trực tuyến với cấp tiểu học, các lớp 6,7,8 tiếp tục học trực tuyến nhưng chỉ ôn kiến thức cũ, chưa học kiến thức mới năm học 2021-2022. Lớp 9 đến 12 tiếp tục học trực tuyến với chương trình khóa mới 2021-2022. Lý do tỉnh Cà Mau thay đổi vì liên quan đến thực trạng dạy trực tuyến, liên quan hạ tầng công nghệ thông tin, đường truyền internet, phương tiện, điệu kiện học tập của học sinh.

Linh hoạt, sáng tạo trong dạy học trực tuyến

Chia sẻ về kinh nghiệm dạy trực tuyến sao cho hiệu quả, thầy Tô Ngọc Sơn cho hay, thầy cô cần có nội quy nhẹ nhàng nhưng cũng chặt chẽ ngay từ buổi đầu gặp gỡ các em. Nội quy này luôn được nhắc lại trong suốt những tuần đầu khi có những biểu hiện chưa đúng. Lời nói, cử chỉ, giọng điệu nhẹ nhàng, thân thiện, nhất phải phải luôn khen ngợi động viên trước khi sửa chữa những sai phạm, những kết quả chua phù hợp. Tạo cho các em không khí thoải mái, gần gũi, thân thiện. Các em phải được nói, được trình bày, được thể hiện. Các em sẽ hứng thú và hăng sai học tập.

Thêm nữa, bài giảng phải thiết kế chi tiết trên Powerpoint. Kênh chữ vừa phải, (ít, cô động) càng tốt để tránh tạo cảm giác nhàm chán, khó nhớ. Phải tận dụng các tính năng, hiệu ứng của các phần mềm để làm bài giảng sinh động, bắt mắt, hấp dẫn. Yêu cầu học sinh khoe bài làm của các em bằng hình chụp gửi lên nhóm zalo, chia sẻ để mọi người cùng tham khảo. Việc làm này có tác dụng động viên khuyến khích rất lớn để các em tích cực hơn nữa trong việc làm bài, trình bày vào vở học,…

Ông Đặng Tự Ân, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) gợi ý, dạy học trực tuyến không bao giờ có thể thay thế được dạy học trực tiếp, vì mỗi hình thức giáo dục có những đặc thù, điểm mạnh, yếu khác nhau. Vì thế, hai hình thức này không thể thay thế hay phủ nhận lẫn nhau. Khi giáo dục chưa có được một chiến lược quốc gia về dạy học trực tuyến, chúng ta cần tổ chức dạy học trực tuyến một cách linh hoạt và luôn kết hợp chặt chẽ với dạy học trực tiếp, không áp dụng quá cứng hay chỉ đạo dạy học trực tuyến một cách đồng loạt, theo kiểu “đồng phục” với các nhà trường và ở các địa phương.

Tại buổi làm việc mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng yêu cầu Bộ GD&ĐT tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục. Đồng thời, giảm tải chương trình phù hợp với điều kiện và phương thức học trực tuyến, học qua truyền hình.

“Hướng dẫn tổ chức tiết học, giờ học tránh quá căng thẳng hoặc hình thức, hời hợt. Đặc biệt lưu ý phương châm “học mà chơi, chơi mà học" đối với học sinh bậc tiểu học và các tác động tiêu cực đối với sức khỏe, tâm sinh lý của các cháu khi phải tiếp xúc nhiều với máy tính, điện thoại, tivi”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Bên cạnh đó, đổi mới phương thức kiểm tra, đánh giá, thi cử (nhất là các kỳ thi phục vụ cho việc chọn trường, chọn lớp đầu cấp; thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh đại học) phù hợp với điều kiện dạy và học trong tình hình dịch bệnh, tất cả nhằm bảo đảm công bằng, quyền lợi của học sinh./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực