Khắc phục việc chậm ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Thứ tư, 05/07/2023 19:48
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Báo cáo giám sát của HĐND TP Hà Nội chỉ rõ, nhiều cơ quan, đơn vị có phạm vi chức năng, nhiệm vụ lớn song việc xây dựng quy trình giải quyết công việc nội bộ còn rất ít. Vậy giám đốc các sở, ngành Hà Nội thông tin như thế nào về nội dung này và sẽ khắc phục ra sao trong thời gian tới?
Người dân làm thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. 

Thiếu quy trình nội bộ dẫn tới ảnh hưởng tới công việc chung

Giám sát của HĐND TP Hà Nội nêu rõ, trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, vẫn còn một số cơ chế, chính sách chưa ban hành hoặc còn chậm ban hành so với chỉ đạo cũng như kế hoạch chung.

Hằng năm, Sở Tư pháp đều có văn bản đôn đốc, yêu cầu các sở, ngành xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, song giám đốc các sở, ngành chưa chỉ đạo triển khai, bỏ sót, thậm chí không đăng ký ban hành, đặc biệt là định mức đơn giá.

Từ việc chậm trễ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đã ảnh hưởng đến công tác cải cách tài chính công. Hiện nay, Hà Nội mới chỉ ban hành được 24/248 nhóm định mức kinh tế kỹ thuật đạt 9,7%; mới ban hành được 27/226 đơn giá, bằng 11,95%, do vậy ảnh hưởng đến lộ trình nâng mức tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Nhiều ngành, lĩnh vực còn thiếu định mức kinh tế kỹ thuật như y tế thiếu 8, khoa học công nghệ thiếu 14. Nhiều ngành thiếu đơn giá như: Khoa học công nghệ thiếu 14, Thông tin và Truyền thông 13, Lao động Thương binh Xã hội 18, Văn hóa và Thể thao 72, Tài nguyên và Môi trường 7, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 13, Công thương 84…

Bên cạnh đó, từ khi HĐND TP ban hành Nghị quyết thông qua Đề án phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn thành phố tháng 9/2022, đến nay đã 10 tháng, thành phố mới ban hành Quyết định ủy quyền 531 thủ tục hành chính (TTHC), đạt tỷ lệ 86,06%. Trong 531 quyết định uỷ quyền này, có 60 thủ tục chưa hướng dẫn quy trình thực hiện. Bên cạnh đó, còn 86 TTHC chưa ban hành Quyết định ủy quyền, tỷ lệ 13,93%.

Một vấn đề khác, là việc ban hành quy trình nội bộ của các cơ quan còn hạn chế, thậm chí chưa ban hành quy trình. Cụ thể, hiện nay, thành phố đã ban hành Quy trình nội bộ được 485 TTHC, đạt tỷ lệ 78,6%. Chưa ban hành Quy trình nội bộ 132 TTHC, chiếm tỷ lệ 21,4%.

Nhiều cơ quan, đơn vị có phạm vi chức năng, nhiệm vụ lớn song việc xây dựng quy trình giải quyết công việc nội bộ còn rất ít như: Sở Tài nguyên và Môi trường mới ban hành 6 quy trình trên tổng số 95 nhiệm vụ quản lý nhà nước; Sở Kế hoạch và Đầu tư mới ban hành 10 quy trình trên tổng số hơn 50 nhiệm vụ được giao.

Thiếu quy trình nội bộ dẫn tới ảnh hưởng tới công việc chung. Ví dụ như việc thực hiện thủ tục đầu tư các dự án trên địa bàn thành phố còn quá chậm. Hiện nay, còn 60 dự án đã được dự nguồn nhưng chưa trình phê duyệt chủ trương đầu tư; 135 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng đến nay chưa phê duyệt được dự án đầu tư; 14 dự án chuyển tiếp bị kéo dài thời gian triển khai, đã được bố trí kế hoạch vốn năm 2023 nhưng vẫn chưa hoàn thành thủ tục gia hạn thời gian thực hiện dự án để tiếp tục thực hiện và giải ngân.

Theo chấm điểm chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2022 thì đối với lĩnh vực cải cách TTHC, Hà Nội được 12.24/13 điểm đạt 94.15%, bị giảm 5.76% và tụt 20 bậc so với năm 2021, xếp thứ 24/63 tỉnh, thành phố. Đáng lưu ý đối với lĩnh vực kế hoạch, đầu tư thì tỷ lệ hồ sơ TTHC của cấp sở được giải quyết đúng hạn còn thấp, số lượng hồ sơ TTHC giải quyết quá hạn còn cao. Đối với lĩnh vực tài nguyên - môi trường thì Chỉ số “Tiếp cận đất đai” của thành phố đạt 6,21 điểm, giảm 9 bậc, xếp thứ 59/63 tỉnh, thành.

Chỉ số tiếp cận đất đai của Hà Nội liên tục giảm và đứng gần cuối bảng xếp hạng, là do thiếu dữ liệu về đất đai, quy hoạch, tính công khai minh bạch không cao nên doanh nghiệp và người dân rất khó tiếp cận. Ngoài ra, theo phân tích chỉ số CCHC thành phố năm 2021, đối với lĩnh vực “Hiện đại hóa hành chính” thì TP Hà Nội thấp hơn so với giá trị trung bình của cả nước, xếp thứ 10/11 các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và xếp thứ 58/63 tỉnh, thành phố

Năm 2022, lĩnh vực “Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số” thành phố được 10,3/13.5 điểm, đạt 76,8% giảm 5,79% so với năm 2021, xếp thứ 33/63 tỉnh, thành phố; Hà Nội cũng đứng thứ 4/5 TP trực thuộc Trung ương. Đây là lĩnh vực năm thứ 3 liên tiếp có điểm chỉ số thấp nhất trong 8 nội dung thành phần của chỉ số CCHC.

Chưa hết, kết quả công tác cải CCHC còn chưa bền vững. Việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật còn chậm; CCHC chưa đạt yêu cầu; cải cách chế độ công vụ còn nhiều bất cập; cải cách tài chính công; xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số còn chậm…

Giám đốc các sở, ngành Hà Nội thông tin gì về việc chậm trễ xây dựng các quy trình nội bộ? 

Trước những tồn tại nêu trên, đồng chí Đàm Văn Huân, Trưởng Ban Đô thị, HĐND TP Hà Nội cho rằng, một số sở có lĩnh vực quản lý tác động rất lớn đến CCHC thì hiện đang thiếu các quy trình nội bộ như Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Xây dựng... Điều này đòi hỏi phải chỉ ra được nguyên nhân của việc chậm trễ, đồng thời có giải pháp cũng như tiến độ để khắc phục, đẩy nhanh tiến độ phê duyệt các quy trình nội bộ, thực hiện đẩy mạnh CCHC.

Trao đổi về vấn đề này, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Nguyễn Huy Cường thông tin, hiện tại, Sở đang thực hiện 108 TTHC, trong đó có 51 thủ tục liên quan đến vấn đề đất đai, 18 thủ tục về tài nguyên môi trường, 16 thủ tục về môi trường, và 13 thủ tục về khoáng sản. Sở đã tham mưu, báo cáo Thành phố và UBND TP đã ban hành 6 quyết định để phê duyệt các thủ tục này.

Dựa vào các quyết định của thành phố, Sở đã thực hiện phê duyệt 89/108 thủ tục. Với 19 thủ tục còn lại, Sở đang xây dựng các quy trình nội bộ để thay đổi các giấy tờ theo quy định của Bộ Tài nguyên Môi trường và Chính phủ. Sở sẽ báo cáo về việc thực hiện phê duyệt 19 thủ tục này trong quý 3.

Còn Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, ngoài các TTHC của các cơ quan hành chính, Sở Xây dựng đã khẩn trương ban hành kế hoạch để tổ chức triển khai thực hiện với 56 nhóm TTHC đảm bảo các quy định. Đối với các quy trình nội bộ và quy trình giải quyết thủ tục hành chính nội bộ, theo báo cáo của Đoàn giám sát của HĐND TP, Sở Xây dựng còn một số nhiệm vụ, đến nay Sở đang tiếp tục rà soát để ban hành.

Theo Giám đốc Sở Xây dựng, ngay sau cuộc làm việc với Đoàn giám sát, Sở đã nhận thức được việc phải tiếp tục rà soát, khẩn trương ban hành quy trình. Đến nay Sở đã ban hành được thêm 2 quy trình nội bộ và quy trình giải quyết TTHC nội bộ. "Ngoài ra, năm 2023 Sở sẽ rà soát, ban hành và khẩn trương hoàn thành các TTHC liên quan đến quy trình của Sở.. 

Tương tự, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Lê Anh Quân cho biết, đơn vị có 130 TTHC, trong đó có 109 thủ tục cấp sở và 21 thủ tục cấp quận huyện, trong đó quy trình TTHC nội bộ, còn thiếu 36 thủ tục. Đến nay, Sở đã tiến hành xây dựng xong 36 thủ tục này, trong tháng 7 sẽ trình thành phố phê duyệt, 100% TTHC của Sở sẽ đảm bảo đầy đủ quy trình nội bộ. Về xây dựng quy trình nội bộ và TTHC nội bộ, qua rà soát còn nhiều quy trình nội bộ trong nội bộ Sở liên thông với các ngành, thành phố như đầu tư công, liên quan đến đầu tư ngoài ngân sách, chấm dứt dừng hoạt động các dự án, quy trình rà soát dự án chậm muộn... Sở Kế hoạch Đầu tư đã họp và đưa ra đầu danh mục cho các phòng ban của Sở chịu trách nhiệm thực hiện.

Trong lộ trình, các việc Sở Kế hoạch Đầu tư sẽ chia làm 2 bước. Bước thứ nhất, trong quý 3/2023, những vấn đề bức xúc, cần xử lý sẽ làm đầu tiên, trong đó có quy trình nội bộ của Sở. Thứ hai, Sở sẽ tiếp tục liên thông với các sở, ngành, báo cáo thành phố phê duyệt quy trình nội bộ cấp thành phố để đưa sang bộ phận một cửa, đảm bảo minh bạch trong thời gian tới. Sở sẽ cố gắng để việc cải cách TTHC, cải cách quy trình nội bộ cơ bản hoàn thành trong năm 2023.

Đối với những TTHC chưa ban hành của Thành phố, Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Trương Việt Dũng cho hay, ngày 2/11/2022 UBND TP đã ban hành Quyết định 4610/QĐ-UBND phê duyệt phương án ủy quyền giải quyết TTHC thuộc phạm vi quản lý của UBND TP. Đây là điểm sáng, được Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao, Hà Nội là địa phương đi đầu trong cả nước trong việc ủy quyền TTHC. 

Được biết, về việc công bố quyết định ủy quyền và danh mục TTHC, Hà Nội đã đạt được 531/617 thủ tục, đạt được tỷ lệ hơn 86%. Về quy trình nội bộ, đến thời điểm hiện nay đã đạt được 531/617 thủ tục, đạt tỷ lệ hơn 86%. Dự kiến trong tháng 7/2023, 18 TTHC của Sở Lao động Thương binh Xã hội và 9 TTHC phân công, ủy quyền từ UBND cấp huyện xuống trưởng phòng liên quan đến lĩnh vực cấp phép bán lẻ, bán rượu… cũng sẽ hoàn thành.

Hiện nay, vướng mắc nhất là theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi năm 2019 có quan điểm xác định rằng cơ quan hành chính nhà nước có bao gồm sở ngành chuyên môn không? Vì theo quy định tại Điều 14 Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các quy định pháp luật, trong trường hợp cần thiết thì các cơ quan hành chính nhà nước cấp trên có thể ủy quyền cho UBND cấp dưới. Với các khó khăn, vướng mắc này, UBND TP Hà Nội đã có văn bản gửi xin ý kiến Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp. Đồng thời, Văn phòng UBND TP đã chủ trì và mời đại diện các bộ, ngành gỡ vướng.

Chúng ta có quyền hi vọng trong thời gian tới, UBND TP Hà Nội sẽ tiếp tục cùng các sở ngành giải quyết dứt điểm vướng mắc, khó khăn liên quan đến việc phân cấp, ủy quyền…/.

 

 

 

Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực