Vỉa hè đường Nguyễn Trãi (Hà Nội) vừa lát đá xong đã nát bươm. (Ảnh: Minh Đức)
Không có dự án đầu tư công, sẽ không có hạ tầng kỹ thuật - xã hội từng bước đồng bộ, từng bước hiện đại thúc đẩy kinh tế phát triển, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Dự án đầu tư công nhiều hay ít, hiệu quả hay không, vẫn là vấn đề “đại sự”, tầm nhìn chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Nhiều dự án đầu tư công đã phát huy được hiệu quả, tạo ra tăng trưởng cho nền kinh tế, tạo ra những đô thị ngày càng đồng bộ hơn... Tuy nhiên, không thể không xót xa, bức xúc, thậm chí là bất bình... với những con số mà cơ quan chức năng đã công bố cách đây hơn hai tháng: Có 43 dự án của các doanh nghiệp có vốn nhà nước, với tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng khoảng 42.744 tỷ đồng, có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả. Tính cả 12 dự án của ngành Công Thương, con số này có thể lên đến hơn 100.000 tỷ.
Đó là những dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả, còn lãng phí, thất thoát trong đầu tư công là bao nhiêu phần trăm hiện chưa có con số cụ thế, chính xác.
Lãng phí, thất thoát trong đầu tư công vừa do chủ quan, vừa do khách quan. Chủ quan là do lòng tham, lợi ích nhóm của những người tham gia đầu tư xây dựng dự án ở tất cả các khâu. Khách quan là cơ do cơ chế, chính sách pháp luật còn có lỗ hổng, khoảng trống, cùng với đó năng lực hạn chế cũng từ những người tham gia đầu tư xây dựng dự án ở tất cả các khâu.
Nói đến dự án đầu tư công, có lẽ “thời sự nhất” là Dự án lát đá trên vỉa hè được cho là có tuổi thọ 50-70 năm trên một số tuyến phố ở địa bàn các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông (Hà Nội)... mới đưa vào sử dụng đã bị vỡ nát, hư hỏng; Dự án đường sắt số 2 đoạn Trần Hưng Đạo – Thượng Đình ( Hà Nội) giảm gần 6000 tỷ đồng (từ gần 35 nghìn tỷ đồng xuống còn gần 29 nghìn tỷ đồng) chỉ từ việc rà soát lại tổng mức đầu tư. Dẫn chuyện hai dự án này để thấy yếu tố con người quyết định sự thành – bại từ nhỏ đến lớn?
Chống lãng phí, thất thoát trong đầu tư công, cần nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có những “điểm huyệt” quan trọng: Không quy hoạch, phê duyệt dự án không phù hợp với mục tiêu và yêu cầu phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương; quyết định đầu tư dự án phải cân đối được nguồn vốn, nếu không dự án sẽ bị “treo”, gây lãng phí cả vô hình và hữu hình; cơ quan quản lý xây dựng phải kiểm tra, thẩm định dự án ngay từ khâu thiết kế đến khi đưa công trình vào hoạt động để chống việc nâng chi phí đầu tư dự án cao hơn thực tế, đội giá hoặc thực hiện những hạng mục công trình không cần thiết, không có hiệu quả sử dụng; các dự án đầu tư công phải thực hiện đấu thầu (trừ trường hợp đặc biệt) công khai, minh bạch...phù hợp với thông lệ quốc tế...v.v.
Hoàn thiện hệ thống pháp luật, cũng như xây dựng hàng rào kỹ thuật với dự án đầu tư công là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là những người tham gia đầu tư xây dựng dự án ở tất cả các khâu phải liêm chính và có năng lực thực sự. Điều cuối cùng muốn nói, đừng coi dự án đầu tư công là “chùm khế ngọt” để vụ lợi trên tiền thuế của dân./.