Vào 5h30 ngày 30/5, một vụ cháy nhà trọ xảy ra tại phường Phú Lương, quận Hà Đông, Hà Nội, song may mắn 9 người thoát nạn trong vụ cháy. Trong đó người dân cứu được 2 người, lực lượng cảnh sát cứu được 3 người, 4 người tự thoát.
Nhưng cách đó ít hôm, sáng ngày 24/5, đã không có điều kỳ diệu tương tự xảy ra khi vụ cháy ngôi nhà số 1 ngõ 43/98/31 đường Trung Kính (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) đã làm 14 người tử vong rất thương tâm.
Nhìn lại thực tế thời gian qua, đã có không ít các vụ cháy và nguy cơ xảy ra cháy ở các khu nhà trọ cho thuê, chung cư mini ở các đô thị lớn, trong đó có TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, để lại hậu quả vô cùng nặng nề khi thiệt hại về người và tài sản rất lớn.
|
Hiện trường vụ cháy khiến 14 người tử vong, 3 người bị thương và nhiều xe máy và xe đạp điện bị thiệu rụi. Ảnh:baotintuc.vn. |
Mặc dù thời gian qua các cấp, ngành đã đề ra rất nhiều giải pháp và rút dài "sợi dây" kinh nghiệm, nhưng những vụ cháy gây thiệt hại lớn vẫn xảy ra, và có nguy cơ xảy ra thường trực, cho thấy sự thách thức về tính hiệu quả của các giải pháp phòng cháy, chữa cháy cũng như bất lực trước những đòn tấn công của “bà hỏa”.
Trên diễn đàn Quốc hội, đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn tỉnh Điện Biên) chỉ ra những vụ việc cháy nhà trọ vừa qua đã cho thấy lỗ hổng trong việc tuân thủ các quy định về phòng cháy chữa cháy và quản lý nhà nước có liên quan. Nước ta ngày càng đông dân, đô thị thì chật hẹp, nhiều người dân chưa có nhà ở, nhiều người từ nông thôn tới thành thị kiếm sống, học tập phải ở trong các khu nhà trọ thiếu tiện nghi, thiếu các phương án phòng cháy chữa cháy, thoát hiểm, cứu hộ, cứu nạn.
Đại biểu Tạ Thị Yên đặt vấn đề ở đây là trách nhiệm bảo vệ cuộc sống của người dân của các cấp chính quyền trong công tác quản lý đô thị, quản lý xây dựng, phòng cháy chữa cháy, kinh doanh nhà trọ… như thế nào để không bao giờ xảy ra những sự việc đau lòng như vừa qua nữa?!.
Còn đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn tỉnh Đồng Tháp) cho rằng để xảy ra nhiều vụ cháy nghiêm trọng, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ đầu tư. Tuy nhiên, trách nhiệm của chính quyền địa phương, của đơn vị phòng cháy, chữa cháy cũng rất lớn. Đặc biệt, trong công tác kiểm tra, đánh giá phòng cháy chữa cháy và đưa ra cảnh báo để người dân nắm được tình hình và phòng tránh cháy nổ. Đây là vấn đề cần phải kiểm điểm, phải có nghiên cứu để khắc phục.
Về lâu dài, nhiều ý kiến cho rằng, các giải pháp cần mang tính đồng bộ trong quản lý dân cư và cơ sở hạ tầng, trong đó là việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để người dân, người lao động có thu nhập thấp tiếp cận được nhà ở. Tuy nhiên, trước mắt cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân về các biện pháp và nâng cao cảnh giác, phòng chống cháy nổ. Cùng với đó, chính quyền địa phương, lực lượng chuyên trách phòng cháy, chữa cháy... tăng cường bám sát cơ sở; chú trọng công tác kiểm tra, quản lý xây dựng, phòng cháy chữa cháy, kinh doanh nhà trọ; xử lý nghiêm, mạnh những hành vi vi phạm quy định về công tác này.
Mặt khác, để có thể phòng ngừa hạn chế thấp nhất rủi ro và thiệt hại do cháy gây ra, cần chú ý lắp đặt thiết bị cảnh báo cháy sớm. Đây là việc làm rất cần thiết, giúp người dân có thể phát hiện sớm và kịp thời xử lý dập tắt cháy ngay từ khi mới phát sinh hoặc ít nhất giúp còn đủ thời gian để tìm các thoát thân. Đồng thời, không trữ, chứa các chất có nguy cơ cháy, nổ cao trong nhà hoặc diện tích sinh hoạt chung; Bố trí lối thoát nạn thứ hai cho ngôi nhà. Đặc biệt, cần loại trừ nguy cơ sự cố từ hệ thống, thiết bị điện bởi đây chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cháy nổ thời gian qua. Chuẩn bị sẵn sàng các trang thiết bị phòng cháy chữa cháy và phương án xử lý, thoát nạn khi xảy ra cháy tại ngôi nhà để kịp thời thoát nạn trong tình huống khẩn cấp.
Nguy cơ cháy nổ vẫn luôn thường trực. Vì vậy, công tác phòng cháy chữa cháy cần đi vào thực chất hơn nữa, đề cao ý thức, trách nhiệm của cả các cấp, ngành và người dân, để không ai phải trả giá bằng chính mạng sống của mình!