Điện phải đi trước một bước nhằm phát triển kinh tế - xã hội,
bảo đảm sinh kế của người dân. (Ảnh: laodong.vn)
Kinh tế và các chính sách an sinh xã hội sẽ ra sao khi thiếu điện? Thiếu điện, hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ bị ngưng trệ hoặc phải trả chi phí cao hơn do phải sử dụng xăng, dầu và nhiên liệu khác thay thế. Không có điện, đời sống, sinh hoạt của nhân dân sẽ rất khó khăn, kéo theo nhiều hệ lụy về môi trường, dịch bệnh...
Miền Nam đứng trước nguy cơ thiếu điện vào năm 2018 nếu các nhà máy đang đầu tư không đáp ứng yêu cầu về tiến độ. Đó là sự “cấp báo” nếu chúng ta nhìn vào sự thật được thể hiện qua những con số.
Về nhu cầu sử dụng điện năng, miền Nam chiếm 50%, miền Bắc gần 40%, miền Trung gần 10%. Sử dụng điện năng nhiều nhất nước, nhưng miền Nam chỉ có thể tự sản xuất điện năng dưới 40%, nên dẫn đến tình trạng thiếu điện cục bộ.
Không chỉ đối mặt với nguy cơ thiếu điện cục bộ trong năm 2018, dự báo đến năm 2020 nhu cầu sử dụng điện của cả nước có thể gấp rưỡi hiện nay. Được biết, tổng công suất nguồn của toàn hệ thống hiện nay là 45.000 MW. Để bảo đảm tăng trưởng điện ở mức 10%, mỗi năm cả nước cần có thêm 3.000 - 4.000 MW nguồn điện mới.
Dù việc phát triển nguồn điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có bước phát triển, năm sau cao hơn năm trước (điện sản xuất và mua của Tập đoàn đạt 192,45 tỷ kWh năm 2017, tăng 8,6% so với năm 2016; điện thương phẩm toàn quốc đạt 174,05 tỷ kWh năm 2017, tăng 8,92%). Nhưng thực tế, trong những năm gần đây, không ít dự án điện đã khởi công nhưng lại chậm tiến độ; một số dự án nhiệt điện lên kế hoạch khởi công rồi lại phải lùi thời gian.
Là trụ cột để phát triển điện năng, nhưng EVN đang phải đối mặt với việc thiếu nguồn vốn để thực hiện các dự án. Vốn huy động trong nước thì khó khăn, còn vay nợ nước ngoài để phát triển nguồn điện thì lo ảnh hưởng đến trần nợ công.
Phát triển điện năng mở cho nhiều doanh nghiệp, nhưng thực tế trông chờ nguồn điện mới từ các doanh nghiệp ngoài EVN không được bao nhiêu. Bởi đầu tư vào dự án điện cần rất nhiều vốn, thời gian đầu tư dài, việc vay vốn rất khó khăn vì liên quan đến thủ tục thế chấp, bảo lãnh... nên dù có cơ chế mở, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng “mặn mà” đầu tư.
Không chỉ là vấn đề thiếu vốn, về cơ cấu nguồn điện hiện nay cũng đang đứng trước nghịch lý: Thuỷ điện hiện chiếm khoảng 40%, nhưng tỉ lệ này sẽ ngày càng giảm do phải giữ đất rừng, bảo vệ nguồn nước, bảo đảm môi trường... nên buộc phải phát triển các nguồn năng lượng tái tạo khác để thay thế. Tuy nhiên, việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo khác rất khó vì quy mô dự án lớn, suất đầu tư quá cao, thời gian phát điện lâu.
Không để thiếu điện, đó là mệnh lệnh của cuộc sống. Nhưng để thực hiện mệnh lệnh đó, đòi hỏi phải rà soát lại quy hoạch điện để có giải pháp đồng bộ, khả thi trong từng vùng miền, từng dự án (kể cả thủy điện, nhiệt điện và các nguồn năng lượng tái tạo khác); sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, pháp luật về đầu tư, kinh doanh điện nhằm khuyến khích doanh nghiệp trong và ngoài nước không “ngủ đông”./.