Người dưới 18 tuổi được xác định là người chưa thành niên, là người chưa phát triển đầy đủ về nhân cách và đạo đức. Đây là độ tuổi đang được giáo dục phổ thông, giáo dục cơ bản về nhận thức, ý thức, đạo đức, trong đó có ý thức chấp hành pháp luật. Thể chất có thể phát triển nhanh chóng nhưng tâm sinh lý lại tiềm ẩn những bất ổn, thậm chí nổi loạn.
Nếu giáo dục cứng nhắc hoặc không đúng cách thì có thể biến những đứa trẻ ngoan ngoãn, hiếu thảo trở nên ngỗ ngược, bất trị, dẫn tới hệ lụy như bỏ học, tự tử... Trong không ít trường hợp, vấn đề tuy nhỏ nhưng do các em thiếu kỹ năng kiểm soát cảm xúc dẫn đến thực hiện hành vi tiêu cực, có tính chất bột phát.
Thống kê sơ bộ, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 13.000 thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, trong đó tỷ lệ gây án ở tuổi vị thành niên là 24,5% đối với người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và 70,3% đối với người từ 16 đến dưới 18 tuổi, nhiều vụ thuộc trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng với các tội cố ý gây thương tích, giết người, cướp tài sản, trộm cắp tài sản…
|
Cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hòa Bình giao lưu, tuyên truyền, phổ biến pháp luật với học sinh trường THPT Thạch Yên, huyện Cao Phong. (Ảnh minh họa. Nguồn: www.baohoabinh.com.vn) |
Đáng chú ý, khu vực thành phố lớn, thành phố trực thuộc trung ương, khu đô thị đông dân, các khu công nghiệp phát triển thì tỷ lệ người dưới 18 tuổi phạm tội lớn hơn rất nhiều so với các tỉnh, thành phố ở địa phương, các khu vực thuần nông.
Dùng công cụ tìm kiếm trên Google, chúng ta giật mình với những kết quả liên quan tới các vụ án mà người phạm tội còn chưa đủ 18 tuổi.
Đơn cử, khoảng giữa tháng 10/2023, chỉ vì khuyên cha bỏ rượu nhưng bị la mắng nên Phạm Minh Q (14 tuổi) sống tại xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang đã bỏ thuốc độc vào hộp sữa mà cha và bà nội thường hay uống khiến hai nạn nhân lần lượt tử vong. Quốc sau đó bị Công an tỉnh Tiền Giang bắt khẩn cấp, điều tra về hành vi Giết người.
Tiếp đó, ngày 22/12/2023, Ng.Đ.Th (15 tuổi) học sinh lớp 10 tại thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng sau khi lời qua tiếng lại với cha đã dùng hung khí đánh chết người sinh ra mình, đốt thi thể rồi dùng băng keo quấn lại gác lên la phông phía sau mái nhà tắm để phi tang.
Gần đây nhất, ngày 12/4/2024, L. Ph. T (15 tuổi), ở xã An Hồng, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng đã sát hại bạn gái trú cùng xã. Tại cơ quan điều tra, L. Ph. T. đã thừa nhận hành vi đánh bạn gái, sau đó siết cổ, cho vào bao tải kéo ra vườn nhà chôn. Đáng chú ý hai người đã có con chung.
Đây thực sự là hồi chuông báo động khẩn cấp, buộc các cấp, các ngành phải có những giải pháp hữu hiệu nhằm phòng ngừa sự gia tăng của tình trạng phạm tội ở lứa tuổi chưa trưởng thành.
Pháp luật hình sự Việt Nam quy định người từ đủ 14 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp, còn người từ đủ 16 tuổi trở lên thì phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi hành vi phạm tội.
Theo Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, Tòa án Nhân dân Tối cao đề xuất 14 nguyên tắc đặc thù để bảo vệ người chưa thành niên phạm tội bao gồm: Bảo đảm lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên; Bảo đảm thủ tục tố tụng thân thiện; Bảo đảm người chưa thành niên được đối xử bình đẳng; Bảo đảm quyền được thông tin đầy đủ, kịp thời; Bảo đảm sự tham gia của người giám hộ, người đại diện của người chưa thành niên; Bảo đảm giải quyết nhanh chóng, kịp thời; Ưu tiên áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng; Xử lý chuyên biệt đối với người chưa thành niên phạm tội; Bảo đảm giữ bí mật cá nhân của người chưa thành niên; Bảo đảm quyền bào chữa, quyền được trợ giúp pháp lý, phiên dịch của người chưa thành niên; Hạn chế tối đa việc áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế đối với người chưa thành niên; Chuyên môn hóa trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên; Bảo đảm và tôn trọng quyền tham gia trình bày ý kiến của người chưa thành niên; Bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng cho người chưa thành niên.
Dự thảo luật giữ nguyên hệ thống hình phạt hiện hành (cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn), không áp dụng hình phạt tù chung thân và tử hình đối với người chưa thành niên. Giảm mức hình phạt tù đối với người chưa thành niên theo từng trường hợp cụ thể.
Phát biểu trên nghị trường Quốc hội mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, dù có 2 loại ý kiến về mức hình phạt và tổng hợp hình phạt, tuy nhiên quan điểm xuyên suốt, chủ đạo là đề cao tính nhân văn nhưng vẫn bảo đảm nghiêm minh của chính sách hình phạt đối với người chưa thành niên.
Trao đổi thêm về nội dung này, GS. TS Vũ Công Giao (Giảng viên trường Đại học Luật, Đại học QGHN) cho biết, Luật Tư pháp người chưa thành niên hướng tới mục tiêu hoàn thiện pháp luật tư pháp đủ nghiêm khắc nhưng cũng bảo đảm nhân văn; tăng cường giáo dục, hỗ trợ, giúp đỡ người chưa thành niên phạm tội tự sửa chữa lỗi lầm; xây dựng quy trình thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với độ tuổi, tâm lý và vì lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên… Nếu được thông qua chắc chắn có tác động lớn đến việc ngăn chặn và giảm các đối tượng trẻ vị thành niên phạm tội.
Hiện Việt Nam đã có tòa án gia đình và người chưa thành niên, phù hợp với luật pháp quốc tế, thể hiện chính sách của Đảng và Nhà nước ta đối với trẻ em, người chưa thành niên.
Để giải quyết cơ bản, hiệu quả vấn đề này, các cơ quan chức năng cần tiếp tục khẩn trương, nghiêm túc trao đổi, tìm ra những giải pháp trong lĩnh vực xây dựng luật, áp dụng luật, tuyên truyền phổ biến pháp luật; giáo dục cũng như tăng cường các biện pháp quản lý xã hội (đặc biệt là trên môi trường không gian mạng).
Theo dõi, nắm tình hình, và xử lý quyết liệt các hoạt động kinh doanh có tính bạo lực, kích động bạo lực, lôi kéo làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển hình thành nhân cách của trẻ em.
Bên cạnh các biện pháp quản lý khoa học, chặt chẽ đối với học sinh, các cơ sở giáo dục (công lập, dân lập…) cần tăng cường công tác tuyên tuyền, giáo dục pháp luật trong nhà trường và phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa với gia đình trong việc trao đổi thông tin để cùng quản lý giáo dục các em phát triển toàn diện.
Điều quan trọng nhất, mỗi gia đình phải thực sự là một pháo đài vững chắc trong nhiệm vụ kiểm soát mối quan hệ xã hội của con em mình, từ đó kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những lệch lạc, sai trái./.