Lỗi tại cái loa (?!)

Chủ nhật, 16/06/2024 08:40
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Người dân làm sao kịp trở tay... Đâu phải cứ phát loa là xong, ai nghe được thì nghe, nước tới đâu ngập tới đó, mặc kệ...!!!

Phòng Kinh tế và Hạ tầng, UBND huyện Lạc Sơn (tỉnh Hòa Bình) vừa có báo cáo liên quan đến việc Nhà máy thủy điện Suối Mu (xã Tự Do) mở cống xả cát của đập để xả nước trưa 9/6.

Theo đó, trước thời điểm nhà máy mở cống xả nước đã phát loa cảnh báo để người dân nắm được. Tuy nhiên, vị trí phát loa cách xa khu vực người dân sinh sống và nơi du khách đang tắm hơn 2 km, nên không ai nghe thấy.

Đại diện nhà máy nói họ chỉ mở cống xả cát của đập để xả nước thực hiện thí nghiệm các thiết bị dẫn tới lưu lượng nước đổ dồn về hạ lưu thác tăng, khiến cho dòng chảy mạnh, người dân và du khách hoảng loạn tưởng nhà máy xả lũ. Thực tế đập tràn của thủy điện Suối Mu được thiết kế dạng tràn tự do không cửa van.

Hình ảnh dòng nước lớn đục ngầu khi thủy điện Suối Mu xả đáy cát (Ảnh: Minh Nguyễn) 

Thủy điện Suối Mu hoạt động 4 năm qua, quá trình vận hành đã nhiều lần xả nước không thông báo rõ, gây nguy hiểm cho người dân.

Nhà máy thừa nhận thiếu sót, đồng thời xin lỗi Nhân dân cùng chính quyền địa phương và xin rút kinh nghiệm.

Trước đó, trưa 6/6/2024, nhóm 8 thanh niên, gồm 7 nam và 1 nữ, đến sông Đồng Nai (thuộc địa phận thôn 3, xã Đinh Trang Thượng, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) chơi và tắm sông. Một lúc sau, 3 người (2 nam và 1 nữ) trong nhóm ra về, còn 5 nam thanh niên ở lại.

Khoảng 16h10 cùng ngày, đập thủy điện Đồng Nai 2 xả nước khiến dòng nước lớn đổ về khu vực 5 thanh niên đang chơi. 5 người này bị mắc kẹt trên hòn đá giữa sông Đồng Nai trong khi nước tiếp tục dâng lên, có nguy cơ tràn qua nơi họ đang mắc kẹt.

Đến hơn 20h00 cùng ngày, lực lượng công an đã tiếp cận, triển khai phương án giăng dây và lần lượt đưa được 5 người vào bờ an toàn.

Theo Ủy ban Nhân dân xã Đinh Trang Thượng, chính quyền địa phương không hề nhận được thông báo xả lũ của Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 2, do đó không có thông tin để cảnh báo người dân trong vụ việc trên.

Không được may mắn như trường hợp trên, tháng 5/2019, Nhà máy thủy điện Nậm Nơn (tỉnh Nghệ An) bất ngờ xả lũ cũng không thông báo, khiến một người dân xã Xá Lượng (huyện Tương Dương) đang đánh cá phía dưới vùng hạ du bị lật thuyền, tử vong. Công an đã khởi tố vụ án “vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính”.

Các hồ thủy điện ở Việt Nam được vận hành theo chuẩn quốc tế. Nếu lượng nước về vượt quá sức chứa thiết kế, các hồ buộc phải xả xuống hạ du, nhưng bao giờ lượng nước xả cũng ít hơn lượng nước về vì một phần nước được tích lại trong hồ. Hồ có hai ngưỡng chính gồm “đón lũ” và “xả lũ”. Tùy vào lượng mưa mà hồ xả nước theo lưu lượng nào. 

Theo Th.S Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia về đa dạng sinh học ĐBSCL, công tác cảnh báo khi vận hành xả lũ trong trường hợp bình thường và trong tình huống khẩn cấp, cảnh báo khi vận hành phát điện được quy định rõ trong Quy trình vận hành liên hồ và đơn hồ chứa.

Cụ thể: Quy định tối thiểu trước 4 giờ phải thông báo trước khi vận hành mở cửa xả nước đầu tiên. Đồng thời chủ hồ phát tín hiệu cảnh báo, phát lệnh, truyền lệnh, thực hiện lệnh vận hành xả lũ. Việc cảnh báo sớm cho người dân ở vùng hạ du trước khi hồ chứa thủy điện xả lũ thời gian qua được thực hiện bằng văn bản, tin nhắn, loa truyền thanh, hệ thống đài phát thanh, truyền hình và báo đến người dân vùng hạ du hồ chứa thủy điện theo thời gian quy định tại quy trình vận hành để người dân chủ động phòng tránh.

Công tác quản lý nhà nước về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước thực hiện theo quy định tại Nghị định 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ, cụ thể Khoản 1 Điều 31 đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoản 2 Điều 31 đối với Bộ Công Thương, Điều 32 đối với trách nhiệm của UBND cấp tỉnh.

Ngoài ra còn có Thông tư 09/2019/TT-BCT ngày 08/7/2019 của Bộ Công Thương về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện.

Các văn bản này nêu rõ trách nhiệm liên ngành về an toàn của đập, hồ chứa nước bao gồm tiêu chuẩn kỹ thuật, công suất máy phát phù hợp quy hoạch, tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm hành chính về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước trên địa bàn...

Có thể nói, xả lũ hay xả đáy cát tên gọi khác nhau nhưng cùng bản chất là làm tăng lưu lượng nước về phía hạ nguồn, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn nếu không được tính toán, điều tiết và vận hành chính xác. Thậm chí có thể gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.

Lỗ hổng lớn chính là đây! Cần phải bịt ngay trước khi mở xả dòng nước, hạn chế tối đa sự nguy hiểm của "những quả bom nước".

Cần rà soát lại ngay quy trình vận hành của các nhà máy thủy điện, không thể để xảy ra rồi mới xử lý, đánh giá khi mở cửa xả nước thì phạm vi tác động đến đâu, phải có hệ thống cảnh báo đến khu vực đó.

Thời buổi công nghệ hiện đại, phương tiện thông tin thuận lợi mà vẫn để xảy ra sai sót trong quá trình vận hành thì lỗi này chính là sự chủ quan của người vận hành và cơ quan quản lý.

Từ câu chuyện trên, nhiều người cho rằng nên lắp còi hú công suất lớn và bật ngắt quãng trước khi xả nước 5 phút. Có thể sử dụng thêm các ứng dụng mạng xã hội giúp thông tin được lan tỏa và nhiều người tiếp cận hơn.

Mùa mưa lũ 2024 đã tới, các cấp, ngành, địa phương cần khẩn trương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, thông báo ngay đến các cấp chính quyền, người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông, cơ sở nuôi trồng thuỷ sản trên sông, phương tiện vận tải thủy, các bến đò ngang, các khu vực có nhà máy thuỷ điện, khu du lịch...nhắm tránh tối đa thiệt hại do "bà thuỷ" gây ra./. 

AT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực