Thuộc top 10 thị trường thương mại điện tử có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, chỉ trong năm 2023, tính riêng trên 5 sàn thương mại điện tử, doanh thu giao dịch giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng qua nền tảng internet của Việt Nam đã đạt 20,5 tỷ USD, với hơn 2,2 tỷ đơn vị sản phẩm được giao thành công. Bên cạnh những giá trị tích cực mà thương mại điện tử mang lại cho kinh tế - xã hội nói chung, người tiêu dùng nói riêng thì các hành vi gian lận, lừa đảo thông qua mua - bán hàng trực tuyến cũng đang gây ra thiệt hại rất lớn cho cả người tiêu dùng, thị trường, doanh nghiệp và Nhà nước.
|
Việc định danh người bán hàng online không chỉ giúp họ thuận lợi hơn trong chấp hành pháp luật về thuế, mà còn gia tăng sự tin tưởng của khách hàng.
(Ảnh: Trần Đức)
|
Thực tế cho thấy, người tiêu dùng mua hàng trực tuyến đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Đó là mất an toàn dữ liệu cá nhân; mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng; hàng nhận không đúng như quảng cáo; đã đặt cọc hoặc trả tiền trước nhưng không được giao hàng; hàng không đủ số lượng như cam kết; không được đền bù hoặc đổi trả sản phẩm; bị dây dưa, kéo dài thời gian giải quyết khiếu nại...
Và hiện nay, cụm từ “mua hàng trên mạng” đã có nội hàm “may rủi”. Người tiêu dùng phản ánh việc họ mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, thậm chí bị chiếm đoạt tiền mà không được nhận hàng đã diễn ra nhiều. Vì một nền thương mại lành mạnh, minh bạch, việc quy định bán hàng trên mạng phải xác định danh tính sẽ ngăn ngừa nhiều rủi ro cho khách hàng và không hề làm khó cho những doanh nghiệp/cá nhân kinh doanh chân chính.
Trên diễn đàn Quốc hội, khi trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV đang diễn ra, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên thông báo, Bộ Công thương đã triển khai cơ chế trực tuyến 24/7 để tiếp nhận phản ánh của người tiêu dùng cả nước. Riêng trong năm 2023 đã tiếp nhận và gỡ bỏ hơn 18.000 sản phẩm, chặn hơn 5.000 gian hàng vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành.
Đây chắc chắn chưa phải là số liệu phản ánh đúng thực trạng xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng, vì rất nhiều người chưa biết có cơ chế bảo vệ này, hoặc biết nhưng không muốn mất thời gian vào việc báo cáo, thưa kiện. Từ thực tế quyền lợi bị xâm phạm, nhiều người tiêu dùng đã mất niềm tin với hình thức mua - bán hàng trực tuyến. Cơ quan chức năng cũng chưa có biện pháp xử lý tận gốc vấn đề, dẫn tới các gian hàng, người bán hàng gian lận bị triệt hạ chỗ này lại xuất hiện ở chỗ khác...
Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua hàng trực tuyến, theo nhiều nhà quản lý cũng như các chuyên gia kinh tế, có lẽ đã đến lúc Bộ Công Thương nên tiến hành định danh điện tử cho mọi cá nhân, hộ gia đình, tổ chức, doanh nghiệp bán hàng trực tuyến, không chỉ trên sàn giao dịch điện tử mà cả trên các nền tảng mạng xã hội và các trang web khác, bởi việc này không chỉ làm cho công tác quản lý tốt hơn, mà còn nâng tầm việc chống gian lận, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Thực tế, nếu mọi cá nhân, hộ gia đình, tổ chức, doanh nghiệp bán hàng trực tuyến đều được định danh điện tử, có hồ sơ bán hàng công khai để lưu giữ mọi đánh giá, ý kiến phản hồi của khách hàng, thì người tiêu dùng có thêm cơ sở để quyết định có nên mua hàng của người bán hàng đó hay không. Đây cũng là giải pháp quan trọng khiến cho người bán hàng phải trung thực hơn với khách hàng, nếu không muốn bị tẩy chay trên nền tảng bán hàng ngày càng thịnh hành và hiệu quả này.
Vẫn biết, để việc xác định danh tính được chính xác cần có sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, chính quyền các địa phương. Theo đó, việc công bố các thông tin cảnh báo bao gồm: Danh sách tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng có hành vi vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành; Danh sách tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng có hành vi vi phạm pháp luật về quyền lợi người tiêu dùng bị xử lý bởi cơ quan nước ngoài có thẩm quyền và có ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam.
Mặt khác, việc livestream bán hàng trên một số mạng xã hội Tiktok có thể mang lại doanh thu một ngày lên đến “hàng trăm tỷ đồng” - một con số rất lớn. Vậy vấn đề rất “nóng” đang đặt ra là việc xử lý và quản lý sẽ như thế nào để chống thất thu thuế?
Trung Quốc là một thí dụ điển hình cho việc quản lý hiệu quả công tác thu thuế các hoạt động livestream bán hàng. Đặc biệt, trong bối cảnh áp dụng các biện pháp phong tỏa để kiểm soát dịch bệnh COVID-9, nhiều cửa hàng truyền thống đã phải đóng cửa, tạo ra tình hình khó khăn cho doanh nghiệp. Việc chuyển đổi sang bán hàng trực tuyến qua livestream đã trở thành một lựa chọn cần thiết, hiệu quả để duy trì hoạt động kinh doanh. Livestream đã giúp các doanh nghiệp, thương hiệu tương tác trực tiếp với khách hàng, gia tăng doanh số trong thời gian khó khăn.
Theo dữ liệu từ Statista, năm 2023, quy mô của thị trường này đã đạt gần 5.000 tỷ Nhân dân tệ, tương đương khoảng 690 tỷ USD. Sự tăng trưởng ấn tượng này phản ánh sức hút mạnh mẽ của mô hình bán hàng qua livestream trong thị trường trực tuyến ở Trung Quốc không chỉ là một xu hướng phổ biến mà còn là một cách hiệu quả để thúc đẩy doanh số bán hàng và tạo ra lợi nhuận đáng kể cho các nền tảng thương mại điện tử. Việc quản lý bán hàng thông qua định danh điện tử và đồng bộ với việc thu thuế điện tử đã giúp Trung Quốc thực hiện rất hiệu quả các hoạt động livestream bán hàng.
Trở lại với Việt Nam, quyết liệt trong quản lý các hoạt động livestream bán hàng, thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục chủ động phối hợp các bộ, ngành chức năng tham mưu Chính phủ xem xét ban hành nghị định về quản lý hải quan đối với hoạt động xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử. Theo đó, tách bạch giữa luồng hóa thông thường với hàng hóa thương mại điện tử để tăng cường quản lý người bán nước ngoài qua kênh này.
Đối với giải pháp chống thất thu thuế, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, theo thống kê, nộp thuế trong lĩnh vực này của năm 2003 tăng trên 16% so năm 2022. Bộ Công thương tích cực phối hợp ngành thuế và Bộ Tài chính chia sẻ dữ liệu của hơn 900 website và gần 300 ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử để thực hiện rà soát và tăng cường quản lý thuế trong thương mại điện tử.
Thông tin về công tác quản lý chuyên ngành thuế đối với các hoạt động thương mại điện tử, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, kết quả thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử đã tăng qua các năm. Cụ thể: năm 2022 thu được 83.000 tỷ đồng, năm 2023 thu được 97.000 tỷ đồng và 5 tháng đầu năm 2024 đã thu được 50.000 tỷ đồng. Đã có 96 nhà cung cấp nước ngoài, các tập đoàn công nghệ như: Facebook, Google, Microsoft, TikTok, Netflix, Apple… đã kê khai và nộp thuế trên Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài là 15.600 tỷ đồng. Thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đồng bộ việc thu thuế trên sàn thương mại điện tử cũng như đối với giao dịch trên môi trường điện tử, tập trung tại hai thành phố lớn là Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Hà Nội.
Cụ thể, thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ, Bộ Tài chính đã thực hiện quyết liệt việc thu thuế qua sàn thương mại điện tử. Bộ Tài chính đã đẩy mạnh tuyên truyền hướng dẫn người nộp thuế và thực hiện vận hành Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài.
Trong công tác phối hợp, Bộ Tài chính đã chủ trì thực hiện phối hợp quyết liệt với các bộ, ngành, như: Bộ Công thương, Bộ Thông tin truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công an. Theo đó, đã kết nối Cơ sở dữ liệu dân cư bằng 71,37% với 663.157 lượt kết nối với Cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an quản lý. Bộ Tài chính đã chia sẻ với Bộ Công thương thông tin 929 sàn thương mại điện tử và kiểm tra đối chiếu 361 sàn thương mại điện tử để thực hiện kết nối và quản lý thu. Đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính đã cung cấp 144 triệu tài khoản, trong đó, có 10 triệu tài khoản của các tổ chức và 134 triệu tài khoản cá nhân của 96 ngân hàng. Bộ Tài chính cũng đã có công văn đề nghị các tỉnh chỉ đạo cơ quan thuế và hỗ trợ để thu thuế trên sàn thương mại điện tử, bảo đảm công bằng trong thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước.
Thiết nghĩ, với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cơ quan quản lý nhà nước, với sự liên thông của cơ sở dữ liệu quốc gia về định danh nhân khẩu, với những thay đổi kịp thời trong quan niệm quản lý trên môi trường mạng toàn cầu, việc thực hiện định danh người tham gia bán hàng online không còn là chuyện không thể, thậm chí là việc “trong tầm tay” của các cơ quan quản lý nhà nước. Điều này sẽ giúp cơ quan thuế kiểm soát chặt chẽ hơn các hoạt động bán hàng trực tuyến và nâng cao tính minh bạch trong các giao dịch thương mại qua livestream, hướng đến đảm bảo công bằng trong kinh doanh.
Mặt khác, cơ quan thuế hoàn toàn có thể xác định được doanh thu của các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, ngăn chặn tình trạng một số hộ kinh doanh vẫn tìm cách lách luật, tránh thuế trong thời gian qua. Trong thời gian tới, với việc tăng cường công tác quản lý người nộp thuế kinh doanh thương mại điện tử, livestream bán hàng thông qua định danh theo đúng quy định pháp luật, sẽ bảo đảm công tác thu thuế đạt hiệu quả cao.
Và đương nhiên, việc minh bạch hóa các giao dịch và đảm bảo nghĩa vụ thuế không chỉ giúp tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, tạo môi trường kinh doanh công bằng cho tất cả các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá nhân trên thị trường số.