Mô hình cải cách chính quyền địa phương ở Việt Nam hiện nay

Thứ năm, 30/03/2023 11:25
(ĐCSVN) – Đến nay, mô hình cải cách chính quyền địa phương ở Việt Nam đã được thiết kế đồng nhất cho tất cả các địa bàn, các đơn vị hành chính trên phạm vi cả nước. Trong đó, về cơ bản, chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính đều là cấp chính quyền có cơ quan đại diện là Hội đồng nhân dân và cơ quan hành chính là Ủy ban nhân dân.

Nhằm hướng đến nền công vụ phục vụ Nhân dân, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, thời gian qua tại các địa phương trên cả nước đã và đang tập trung triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách tổ chức bộ máy nhà nước các cấp. Về cơ bản, đến nay mô hình cải cách chính quyền địa phương (CQĐP) ở Việt Nam đã được thiết kế đồng nhất cho tất cả các địa bàn, các đơn vị hành chính trên phạm vi cả nước. Trong đó, về cơ bản, CQĐP ở các đơn vị hành chính đều là cấp chính quyền có cơ quan đại diện là Hội đồng nhân dân (HĐND) và cơ quan hành chính là Ủy ban nhân dân (UBND) (ngoại trừ mô hình chính quyền đô thị ở TP Hà Nội, TP Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh đang triển khai thí điểm từ ngày 01/7/2021).

Thực tiễn đồng nhất mô hình CQĐP đã không phân biệt các đơn vị trung gian, mang tính nhân tạo với các cộng đồng lãnh thổ cơ bản, mang tính tự nhiên. Hệ quả là chưa thể xác định cần tổ chức bao nhiêu cấp đơn vị hành chính ở địa bàn nông thôn, bao nhiêu cấp đơn vị hành chính ở địa bàn đô thị, cấp nào có cơ quan đại diện, còn cấp nào chỉ có cơ quan hành chính. Cạnh đó, cơ cấu tổ chức và hoạt động của chính quyền cấp dưới là bản sao của chính quyền cấp trên. Cấp trên có cơ quan gì và hình thức hoạt động thế nào, thì ở cấp dưới cũng có cơ quan và hình thức hoạt động tương ứng. Cơ cấu bộ máy như vậy nặng về sự bảo trợ hành chính của chính quyền cấp trên và hạn chế sự chủ động, sáng tạo của chính quyền cấp dưới.

 Tiến sĩ Võ Công Khôi - Học viện Chính trị khu vực III.

Đánh giá về những nỗ lực và kết quả đạt được từ công tác cải cách CQĐP, TS Võ Công Khôi (Học viện Chính trị khu vực III) khẳng định: Mặc dù tổ chức bộ máy CQĐP thời gian qua dù đã trải qua nhiều lần sắp xếp nhưng chưa thực sự tinh gọn, chưa tương ứng với nhiệm vụ, thẩm quyền được giao. Pháp luật hiện hành chưa có nhiều quy định phân biệt sự khác nhau trong cơ cấu tổ chức bộ máy của UBND, các cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh, cấp huyện và các chức danh chuyên trách ở cấp xã. Về tổng thể, tổ chức bộ máy CQĐP chưa được hoàn thiện, vẫn cồng kềnh và tầng nấc, còn chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ và chưa đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.

“Đáng chú ý, chính quyền đô thị (CQĐT) được tổ chức tương ứng với đơn vị hành chính và loại đô thị được xếp tương đương với thứ bậc hành chính của lãnh thổ. Theo đó, CQĐT được tổ chức ở tất cả ba cấp đơn vị hành chính một cách cơ học. Mô hình này tương tự mô hình CQĐP ở nông thôn, bao gồm: cấp 1 (tương đương tỉnh) là thành phố trực thuộc trung ương, cấp 2 (tương đương huyện) là quận, thành phố thuộc tỉnh, thị xã và thành phố thuộc thành phố, cấp 3 (tương đương xã) là phường và thị trấn. Trong khi đó, cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp CQĐT về cơ bản giống nhau. Do chưa có mô hình CQĐT phù hợp nên khi gặp vướng mắc trong quá trình hoạt động, các đô thị đều xin Trung ương cơ chế đặc thù. Gần đây, cả 05 đô thị trực thuộc trung ương đều đã được Quốc hội ban hành các nghị quyết thí điểm cơ chế đặc thù. Với cơ chế đặc thù cho đô thị, cả Trung ương và địa phương đều đang hướng đến sự an toàn trong trách nhiệm”- TS Võ Công Khôi nhận định.

Ở Việt Nam, nguyên tắc thống nhất quyền lực và tập trung dân chủ vẫn chi phối đáng kể đến việc phân định thẩm quyền giữa cơ quan trung ương và cơ quan địa phương. Thể chế pháp lý về phân định thẩm quyền đã thể hiện sâu sắc hơn tinh thần dân chủ và đề cao hơn tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của CQĐP. “Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, việc phân công, phân cấp, phân quyền giữa các ngành, các cấp và trong từng cơ quan, tổ chức chưa hợp lý, mạnh mẽ và đồng bộ. Trong khi đó, tại Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII cũng chỉ rõ: “chức năng, nhiệm vụ, phân cấp, phân quyền chưa thật rõ ràng”. Các quy định về phân quyền, phân cấp chủ yếu dừng lại ở nguyên tắc, thiếu vắng cơ chế và phương thức thực hiện, đặc biệt là các chế tài xử lý; khá nhiều nội dung còn mang tính đại trà, không thật cụ thể cho từng cấp chính quyền, chỉ khác về cấp độ và khu vực địa lý trong khi năng lực và nguồn lực của từng cấp chính quyền là khác nhau”- TS Võ Công Khôi phân tích.

Trước thực tiễn trên, nhằm hướng đến nền công vụ phục vụ Nhân dân, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, cải cách CQĐP trong thời gian đến cần hướng đến đa dạng hóa mô hình tổ chức CQĐP phù hợp với tính chất của từng loại hình đơn vị hành chính, đặc điểm của cộng đồng dân cư, và yêu cầu quản trị địa phương ở từng địa bàn cụ thể. Đặc biệt, cần khẩn trương xây dựng mô hình chính quyền đô thị hiện đại và hiệu quả. Theo đó, cần khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định về CQĐT, nhất là trên lĩnh vực tài chính - ngân sách, quy hoạch đô thị, xây dựng, đất đai… nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của các văn bản.

Cạnh đó, TS Võ Công Khôi đề nghị phải tiếp tục điều chỉnh hợp lý đơn vị hành chính. Trong đó, cần chú trọng việc phân định đơn vị hành chính cơ bản, mang tính tự nhiên và đơn vị hành chính trung gian, mang tính nhân tạo. “Muốn vậy, quan niệm “xã, tỉnh” ở địa bàn nông thôn và “thành phố” ở địa bàn đô thị là đơn vị hành chính cơ bản, mang tính tự nhiên. Theo đó, xác định các đơn vị hành chính này là cấp CQĐP, bao gồm hai thiết chế là HĐND và UBND. Với các đơn vị hành chính còn lại nên khẳng định là đơn vị hành chính trung gian, thực hiện một số nhiệm vụ quản trị địa phương theo sự ủy quyền của cấp trên”- TS Võ Công Khôi đề nghị.

Cùng với các giải pháp trên, theo TS Võ Công Khôi, việc cải cách CQĐP phải tiếp tục quan tâm sắp xếp và kiện toàn các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và huyện theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu lực và hiệu quả. Sắp xếp và kiện toàn các cơ quan chuyên môn thuộc CQĐT cần trả lời thấu đáo các câu hỏi như: dựa trên cơ sở khoa học nào? (nhằm tránh sự chủ quan, tùy tiện, và duy ý chí); mục đích thực sự là gì? (nhằm xác định rõ giá trị hay lợi ích đóng góp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội); thẩm quyền quyết định việc sắp xếp, kiện toàn bộ máy? (nhằm tránh tư duy nhiệm kỳ).

Đồng thời, phải tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý về phân định thẩm quyền giữa chính quyền Trung ương và CQĐP trong bối cảnh mới. Khẩn trương rà soát, điều chỉnh và bổ sung các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm liên quan trực tiếp đến các chính quyền Trung ương và CQĐP các cấp nhằm bảo đảm thống nhất quản lý của chính quyền Trung ương và phát huy tính chủ động, sáng tạo, trách nhiệm của CQĐP.

Tiến sĩ Võ Công Khôi và các đồng nghiệp tại Học viện Chính trị khu vực III tọa đàm, trao đổi các vấn đề liên quan đến cải cách chính quyền địa phương ở Việt Nam hiện nay. 

Tiếp tục đổi mới phương thức kiểm soát của cơ quan Trung ương đối với cơ quan địa phương. Trong đó, chú ý đến cơ chế kiểm soát tư pháp thông qua Tòa án. Trước mắt, cần nghiên cứu trao cho Tòa án thẩm quyền xem xét và phán quyết văn bản quy phạm pháp luật của CQĐP. Về lâu dài, cần nghiên cứu áp dụng cơ chế tài phán hành chính đối với những tranh chấp về thẩm quyền của các cơ quan nhà nước ở trung ương với CQĐP các cấp hoặc giữa các cấp CQĐP với nhau trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã được các luật quy định.

“Đặc biệt, trong bối cảnh công nghệ số hiện nay, Việt Nam phải đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số. Trước hết, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy chính quyền điện tử, chính quyền số; chú trọng thể chế pháp lý về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản trị và giám sát CQĐP hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Cạnh đó, phải đẩy mạnh phát triển nền tảng số, dữ liệu số, bảo đảm an toàn thông tin; sớm hình thành trung tâm thông tin và an toàn thông tin địa phương; tập trung vận hành hiệu quả cổng dịch vụ công trực tuyến, tăng cường ứng dụng công nghệ số vào hoạt động cung ứng dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp. Ngoài ra, chúng ta phải quan tâm xây dựng chính sách ưu đãi thích hợp đối với nhân lực công nghệ thông tin trong hệ thống CQĐP; đảm bảo chế độ tiền lương, phụ cấp, bảo hiểm cho nhân lực công nghệ thông tin; có cơ chế thu hút nhân tài công nghệ”- TS Võ Công Khôi đề xuất thêm./.

Bài, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực