(ĐCSVN) - Tại Hội thảo quốc tế “Đánh giá 20 năm huy động và sử dụng ODA của Việt Nam” do Ban Kinh tế Trung ương và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) phối hợp tổ chức, vừa diễn ra tại Đà Nẵng, nhiều ý kiến đã đề xuất các giải pháp nhằm huy động, quản lý và sử dụng ODA hiệu quả trong thời gian tới.
|
Hội thảo quốc tế “Đánh giá 20 năm huy động và sử dụng ODA của Việt Nam”. |
Việc huy động, quản lý và sử dụng ODA trong 20 năm qua
Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia, cán bộ quản lý trên các lĩnh vực có liên quan đến ODA của Việt Nam đều cùng chung nhận định: Với sự thành công của Hội nghị bàn tròn về viện trợ cho Việt Nam tại Paris ngày 9-10/11/1993 đã trở thành sự kiện kết nối chặt chẽ và thường xuyên giữa Việt Nam và các nhà tài trợ trên thế giới. Trên cơ sở những cam kết tại Hội nghị này đã mở ra luồng gió mới, khơi thông được kênh huy động nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đối với Việt Nam.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nguồn vốn ODA chảy vào Việt Nam trong 20 năm qua được thực hiện dưới 3 hình thức chủ yếu, gồm: ODA viện trợ không hoàn lại chiếm khoảng 10-12%; ODA vay ưu đãi chiếm khoảng 80% với lãi suất thấp, thời gian vay từ 10-40 năm và thời gian ân hạn từ 5-10 năm (yếu tố không hoàn lại đạt ít nhất 25%) và ODA hỗn hợp chiếm khoảng 8-10%, trong đó một phần không hoàn lại và một phần vay ưu đãi.
Lũy kế mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra tại Hội thảo cũng cho thấy, từ năm 1993 - 2014, tổng giá trị vốn ODA cam kết hỗ trợ cho Việt Nam đã lên đến 89,5 tỷ USD; tổng vốn đã ký kết đạt 73,68 tỷ USD, bình quân 3,5 tỷ USD/năm; vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân đạt 53,98 tỷ USD, chiếm trên 73,2% tổng vốn ODA đã ký kết. Hiệu quả sử dụng ODA được các nhà tài trợ đánh giá tích cực.
Trước đó, trong Đề dẫn Hội thảo, GS.TS Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng đã khẳng định: Với quy mô vốn ODA cam kết khoảng 80 tỷ USD thông qua hơn 20 Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) từ năm 1993 đến nay, đã góp phần hỗ trợ Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới và thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt là đã góp phần thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa của Đảng và Nhà nước Việt Nam; tạo niềm tin, khuyến khích các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài tăng cường hoạt động thương mại cũng như đầu tư tại Việt Nam. Đồng thời, góp phần quan trọng tăng cường năm lực, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho xã hội của các ngành và lĩnh vực cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội như giao thông vận tải, năng lượng, y tế, giáo dục; phát triển nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo, cải thiện môi trường, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; hỗ trợ tăng cường năng lực con người thông qua các hoạt động đào tạo trong và ngoài nước, chuyển giao công nghệ, cung cấp tri thức, chia sẻ kinh nghiệm tiên tiến về quản lý kinh tế - xã hội. “Với những kết quả nói trên, Việt Nam được đánh giá là một mô hình thành công trong huy động và sử dụng ODA” - GS.TS.Vương Đình Huệ khẳng định.
|
Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của nhiều đối tác, tổ chức tín dụng quốc tế. |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả trên, GS.TS.Vương Đình Huệ cũng nêu rõ: Công tác thu hút, quản lý và sử dụng ODA trong thời gian qua còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém. Trong đó nổi lên là năng lực hấp thụ ODA của quốc gia, ngành, địa phương và những dự án cụ thể còn hạn chế, tỷ lệ giải ngân ODA so với nguồn vốn ODA đã ký còn rất thấp; thiết kế một số chương trình, dự án ODA chưa sát với thực tế, phân bổ ODA còn dàn trải; việc lồng ghép ODA với một số chương trình mục tiêu quốc gia còn trùng lặp; công tác quản lý còn một số bất cập….
Đồng quan điểm trên, TS. Nguyễn Thành Đô, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho rằng: Chúng ta đã có những chương trình, dự án ODA không đạt hiệu quả như mong muốn; điển hình như dự án trích dầu cám ở Bến Tre, dự án dây chuyền dệt bao đay ở TP.Hồ Chí Minh, vay vốn ODA Ấn Độ, vì công nghệ lạc hậu, không có nguyên liệu và không có nơi tiêu thụ sản phẩm nên khi bàn giao không vận hành được. Hay như dự án nhà máy thủy sản đông lạnh Hạ Long, vay vốn ODA của Italia, không hoạt động do thiếu nguyên liệu; dự án cấp nước sạch ở Kon Tum, Yên Bái vay vốn ODA của Pháp không hiệu quả vì chỉ sử dụng được 1/3 công suất thiết kế…
“Các dự án kể trên đều là dự án ODA thực hiện theo cơ chế vay về cho vay lại. Theo cơ chế này, khi dự án không trả được nợ chúng ta thấy rõ và thừa nhận đó là dự án thất bại. Tuy nhiên, trong số các dự án ODA, có tới 70% là các dự án thực hiện theo cơ chế cấp phát từ ngân sách. Đối với các dự án này, hầu như chưa có đánh giá về các mặt thất bại, trừ việc ở một vài dự án có phát hiện ra một số sai sót hoặc biểu hiện tiêu cực” - TS. Nguyễn Thành Đô chia sẻ.
Sử dụng vốn ODA như thế nào cho hiệu quả?
Đây là câu hỏi được hầu hết đại biểu dự Hội thảo quan tâm. Theo ông Cao Mạnh Cường, Vụ phó Vụ Kinh tế đối ngoại (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), sự thay đổi đầu tiên về chính sách viện trợ của các nhà tài trợ đối với Việt Nam dễ nhận thấy hiện nay là quy mô vốn ODA ưu đãi, bao gồm viện trợ không hoàn lại và vay ưu đãi, đang giảm dần và trên thực tế sau khi đạt đỉnh vào năm 2009, cam kết vốn ODA cho Việt Nam bắt đầu có xu hướng giảm dần. Chúng ta cần đề xuất Chính phủ có những định hướng chiến lược, quan điểm và giải pháp để nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng ODA của Việt Nam cho giai đoạn tới.
Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV cho rằng, thời gian tới cần tập trung thu hút và sử dụng vốn ODA cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội có khả năng tự hoàn vốn nhanh; ưu tiên sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi khác của các nhà tài trợ cho các chương trình, dự án đầu tư công quan trọng khó có khả năng thu hút đầu tư của khu vực tư nhân hoặc sử dụng các nguồn vốn vay thương mại.
Còn theo TS.Nguyễn Thành Đô, sử dụng vốn ODA cần gắn với khả năng tạo nguồn thu để trả nợ, những dự án nào xét thấy không hiệu quả và phù hợp với mục tiêu sử dụng thì từ chối. Khi nguồn vốn ODA giảm, chúng ta cần đổi mới phương thức sử dụng ODA, có thể tăng mạnh sử dụng ODA như nguồn vốn mồi để thực hiện các dự án theo phương thức PPP.
TS.Trần Du Lịch, Ủy viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho rằng: Khi vay ODA cần lưu ý biến động tỷ giá. "Xu hướng của Việt Nam là không để đồng bạc tăng giá để khuyến khích xuất khẩu, đồng nghĩa việc rủi ro về tỷ giá rất lớn. Đơn cử nếu vay bằng đồng Yên lãi suất thấp nhưng khi đồng Yên tăng giá, giá trị phải trả nhiều hơn thì nợ tiền đồng sẽ tăng khủng khiếp. Do vậy cần điều chỉnh phù hợp để giảm rủi ro về mặt tỷ giá cho giai đoạn sau” - TS.Trần Du Lịch đề xuất.
Ngoài các ý kiến trên, nhiều đại biểu cũng đề nghị nên cân nhắc lựa chọn, có thể từ chối ODA kém hiệu quả và chỉ chấp nhận các dự án ODA có ý nghĩa thiết thực, hiệu quả kinh tế cao; đồng thời không nên sử dụng ODA một cách phân tán mà tập trung vào những vùng thuộc các tuyến phát triển quan trọng của đất nước.
Các ý kiến cũng cho rằng, để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA và các nguồn vốn ưu đãi khác, trong thời gian tới, Việt Nam cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA và các nguồn vốn ưu đãi khác; đẩy mạnh hơn nữa công tác thanh tra, kiểm toán, giám sát, chống tiêu cực, tham nhũng trong quản lý, sử dụng vốn ODA...