Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đã nhấn mạnh nội dung trên trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.
|
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương (Ảnh: quochoi.vn) |
Phóng viên (PV): Thưa đại biểu, vừa qua nhiều vụ tai nạn lao động nghiêm trọng liên tiếp xảy ra tại Yên Bái, Quảng Ninh, Hà Nội, Thái Bình. Đại biểu nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga: Có thể nói, trong nhiều năm qua mặc dù Đảng, Nhà nước, các ban, ngành, địa phương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, có nhiều chủ trương, giải pháp cải thiện điều kiện lao động, hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp còn nhiều diễn biến phức tạp. Đặc biệt, trong 5 tháng đầu năm 2024, trên toàn quốc liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động, có những vụ hậu quả rất thảm khốc dẫn đến chết nhiều người. Điển hình như vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Nhà máy Xi măng Yên Bái thuộc Công ty CP Xi măng và Khoáng sản Yên Bái tháng 4/2024 khiến 7 người tử vong và 3 người bị thương khiến dư luận không khỏi xót xa, day dứt.
Một số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng khác như vụ tai nạn tại phân xưởng Đào lò 2, Công ty Than Thống Nhất, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) khiến 4 công nhân tử vong, 7 người khác bị thương; hay vụ sập mái kính toà nhà 7 tầng tại ngõ Tức Mạc, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) khi tu sửa khiến 2 người chết, 2 người bị thương…
Tai nạn lao động cũng xảy ra ở nhiều lĩnh vực khác nhau: xây dựng, khai thác khoáng sản, khai thác thủy sản, sản xuất công nghiệp… Tôi cho rằng đây là tình trạng rất đáng báo động.
Về nguyên nhân, theo báo cáo của các cơ quan chức năng, người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; không huấn luyện hoặc huấn luyện an toàn lao động chưa đầy đủ cho người lao động; không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân hoặc phương tiện bảo vệ cá nhân không đảm bảo…
Bên cạnh đó, tai nạn lao động cũng xảy ra do người lao động vi phạm quy trình quy chuẩn an toàn lao động.
Tôi cũng cho rằng, các thiết bị, máy móc sử dụng trong lao động của chúng ta nhiều khi đã rất lạc hậu, cũ kỹ, ít bảo dưỡng nên cũng dễ bị hỏng hóc, trục trặc gây các sự cố bất thường hay tai nạn lao động.
Nguyên nhân nữa là do công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động còn mỏng dẫn đến các vi phạm về an toàn về an toàn vệ sinh lao động chưa được phát hiện, chưa được xử lý.
PV: Theo thống kê của các ngành chức năng, đã có rất nhiều cuộc tập huấn, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động được tổ chức hàng năm. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng công tác tập huấn, tuyên truyền chưa đạt hiệu quả cao, thậm chí còn hình thức, xin đại biểu cho biết quan điểm của mình?
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga: Tôi cho rằng hiệu quả của tập huấn an toàn vệ sinh lao động đến đâu không chỉ đong đo bằng số lượng các buổi tập huấn được thống kê. Bởi vì nếu chúng ta tập huấn càng nhiều mà tai nạn lao động xảy ra càng nhiều thì càng chứng tỏ một điều là chúng ta tập huấn chưa hiệu quả.
Chính vì vậy, tôi nghĩ rằng con số báo cáo cũng mới chỉ dừng lại số lượng đơn thuần. Để đánh giá được công tác tập huấn của chúng ta có hiệu quả hay không cần xem tai nạn lao động hằng năm có giảm hay không, số vụ gây ra những hậu quả thảm khốc có giảm hay không? Đó mới là kết quả trực tiếp và thuyết phục nhất của việc tập huấn. Và điều này không chỉ nằm ở cơ quan chức năng, trách nhiệm doanh nghiệp và còn nằm ở ý thức của người lao động.
PV: Vậy theo đại biểu, để giảm thiểu những vụ tai nạn lao động thương tâm, đâu là giải pháp quan trọng nhất?
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga: Thực tế, hiện hay hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật từ Luật An toàn vệ sinh lao động, các Nghị định, Thông tư, QCVN, TCVN đều cơ bản đầy đủ, đồng bộ.
Trên thực tế, muốn giải quyết vấn đề, thì cả người lao động và người sử dụng lao động cần nhận thức đầy đủ và có ý thức trách nhiệm đúng đắn với chính bản thân, gia đình và xã hội về an toàn, vệ sinh lao động.
Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh, công tác an toàn, vệ sinh lao động phụ thuộc phần lớn từ ý thức của người sử dụng lao động. Bởi nó liên quan đến sức khỏe, tính mạng của người lao động. Thế nhưng, ý thức của lao động Việt Nam chưa cao, đặc biệt là khi làm việc trong môi trường hiện đại và chuyên nghiệp thì ý thức của người lao động chưa theo kịp được với sự phát triển công nghệ. Dù đã được nhắc nhở, cảnh báo liên tục, nhưng nhiều người lao động vẫn chưa chú trọng phòng ngừa, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động.
Chính vì vậy, để giảm thiểu các vụ tai nạn lao động thì câu trả lời rất rõ ràng là phải tăng cường tuyên truyền, phổ biến để người lao động tự giác chấp hành những quy định nghiêm ngặt về an toàn lao động. Đây là giải pháp vô cùng quan trọng.
Ngoài công tác tuyên truyền, tập huấn, theo cá nhân tôi cần phải đào tạo, nâng cao hiểu biết, kỹ năng phòng tránh tai nạn lao động cho người lao động ngay tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Bởi thực tế, dù khi học tập tại trường nghề, mỗi một học viên đều đã được tập huấn về ý thức lao động và phải tuân thủ các quy trình an toàn lao động chặt chẽ nhưng vẫn xảy ra trường hợp người lao động không tuân thủ. Do đó, chúng ta cần phải rà soát lại, nâng cao chất lượng đào tạo, phải có nội dung chuyên sâu hơn nữa, thiết thực hơn nữa trong việc đào tạo, nâng cao ý thức chấp hành các quy định về an toàn lao động.
PV: Thưa đại biểu, liệu có mối quan hệ giữa việc nhiều năm liên tiếp năng suất lao động không đạt chỉ tiêu Quốc hội giao với việc xảy ra tai nạn lao động thường xuyên hay không?
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga: Tôi nghĩ rằng hai vấn đề này có mối liên hệ với nhau. Tai nạn lao động thường xảy ra ở khu vực ngoài nhà nước, những doanh nghiệp tư nhân nhỏ lẻ với hệ thống bảo hộ sơ sài và hệ thống máy móc quá cũ kỹ, lạc hậu. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho năng suất lao động của chúng ta chưa cao.
Với chiến lược trước mắt, tôi nghĩ rằng Nhà nước nên tập trung hỗ trợ, có hình thức khuyến khích ứng dụng khoa học kỹ thuật, máy móc hiện đại vào lao động nhiều hơn nữa, kể cả với khu vực ngoài nhà nước, khu vực tư nhân nhỏ lẻ. Làm được như vậy thì sẽ vừa nâng cao năng suất lao động và song song với đó là quy trình đào tạo, đào tạo lại và hướng dẫn về an toàn lao động.
Tôi cho rằng với những giải pháp như vậy thì chúng ta sẽ hạn chế được tai nạn lao động.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!