Ảnh minh họa. (Nguồn: tienphong.vn)
Dự án nạo vét, xây kè, bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê, tỉnh Ninh Bình, nếu không có Kiểm toán Nhà nước vào cuộc, ít ai biết được những “bí ẩn” của dự án này. Dự án được khởi công từ nhiều năm trước, nhưng đến nay vẫn chưa cắt băng khánh thành. Bất ngờ hơn, bức xúc hơn, khi dự án này điều chỉnh tăng vốn 36 lần (từ 72 tỷ đồng lên 2.595 tỷ đồng). Dự án “đội vốn” 36 lần là chuyện xưa nay hiếm trong đầu tư công, mà phần thua thiệt thuộc về Nhà nước và nhân dân.
Dự án đầu tư công khi chậm tiến độ thường được “bào chữa” bằng việc thiếu vốn. Tuy nhiên, có những dự án tiền không thiếu, nhưng dự án vẫn được thực hiện theo “tiến độ rùa”. Minh chứng rõ nhất là Dự án Bệnh viện Bạch Mai (cơ sở 2) và Dự án Bệnh viện Việt Đức (cơ sở 2) đều được xây dựng tại tỉnh Hà Nam hiện đang chậm tiến độ gần hai năm.
Thanh minh cho hai dự án chậm tiến độ, chủ đầu tư “kêu” khó về thủ tục hành chính trong đầu tư - xây dựng, còn con người gần như không có lỗi!
Đổ lỗi cho cơ chế, chính sách không khó, cái khó nhất là chung tay, cộng đồng trách nhiệm để “biến khó thành dễ”. Khác với các dự án khác, dự án bệnh viện chậm tiến độ để lại hậu quả rất nặng nề, nhất là khi ai cũng biết Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức ở Hà Nội luôn trong tình trạng quá tải, hai bệnh nhân nằm chung một giường là chuyện bình thường.
Khi trình dự án đầu tư công dù lớn hay nhỏ, thì ngôn ngữ hay được nhắc đến là sự cần thiết và cấp thiết đối với dự án, đồng thời kèm theo lời hứa, cam kết nếu dự án được phê duyệt sẽ bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, an toàn, hiệu quả, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát vốn nhà nước...Tuy nhiên, giữa lời hứa, sự cam kết nhiều khi khác xa với hành động thực tế.
Dù chưa có thống kê đầy đủ về những góc khuất của dự án đầu tư công, nhưng qua những con số mà cơ quan chức năng công bố năm 2017 cũng đủ làm dư luận giật mình. Đó là hơn 72 dự án có tổng mức đầu tư 42.744 tỷ đồng có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng thông tin có gần 100 dự án đang ở trong diện cảnh báo cao về khả năng đầu tư kém hiệu quả.
Chống lãng phí, thất thoát, “đội vốn”, chậm tiến độ... đối với dự án đầu tư công, cần nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có những “điểm huyệt” quan trọng: Không quy hoạch, phê duyệt dự án không phù hợp với mục tiêu và yêu cầu phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương; chỉ đầu tư dự án khi cân đối được vốn ngân sách; cơ quan quản lý xây dựng phải kiểm tra, thẩm định dự án ngay từ khâu thiết kế đến khi đưa công trình vào hoạt động để chống việc nâng chi phí đầu tư dự án cao hơn thực tế dẫn đến “đội vốn” hoặc thực hiện những hạng mục công trình không cần thiết, không có hiệu quả sử dụng; các dự án đầu tư công phải thực hiện đấu thầu (trừ trường hợp đặc biệt) công khai, minh bạch; cơ quan quản lý cần tiến hành thanh tra, kiểm tra khi nhận thấy phản ánh của người dân, sự lên tiếng của báo chí là cơ sở.
Nói theo cách đơn giản, để các dự án đầu tư công phát huy được hiệu quả, cần “chẩn đúng bệnh, bốc đúng thuốc”!