Nghịch lý lãi suất huy động giảm, lãi cho vay vẫn cao

Thứ ba, 14/11/2023 11:34
(ĐCSVN) - Từ đầu năm 2023 đến nay, tăng trưởng tín dụng toàn ngành không cao, các ngân hàng chưa thể tiêu thụ hết nguồn vốn huy động giá cao từ cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Do đó, hiện có một nghịch lý đang tồn tại đó là khi lãi suất huy động giảm nhờ chi phí huy động vốn đã giảm mạnh, nhưng đà giảm ở phía lãi suất cho vay vẫn khá chậm.

Lãi suất huy động đã giảm mạnh, song tốc độ giảm phía lãi suất cho vay vẫn còn khá chậm (Ảnh: M.P)

Chính sách tiền tệ hiện tại đang có những tác động tích cực nhất định đến khả năng hồi phục của nền kinh tế, cũng như “sức khoẻ” của các doanh nghiệp, nhất là trong công tác điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Hiện mức lãi suất huy động của các ngân hàng vẫn đang trên đà giảm mạnh, lãi suất huy động cao nhất tại hầu hết các ngân hàng đều dưới 6%/năm. Mức lãi suất 5,5 - 5,6%/năm áp dụng cho kỳ hạn 6 tháng - 24 tháng, còn với kỳ hạn dưới 6 tháng, đều lùi về dưới 4%/năm. Thậm chí, lãi suất tiền gửi ở nhiều ngân hàng cổ phần còn thấp hơn lãi suất của nhóm “Big4” (Vietcombank, BIDV, AgriBank, Vietinbank). Đơn cử, tại VPBank hay VIB mới đây đều công bố biểu lãi suất mới, giảm ở nhiều kỳ hạn. Lãi suất tiết kiệm online của VIB kỳ hạn 1 tháng và 3 tháng lần lượt là 3,8%/năm và 4%/năm; lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng và 24 tháng giảm thêm 0,1 điểm phần trăm. Tại VPBank, ngày 7/11, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng còn 3,7%/năm, lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng còn 3,8%/năm.

Lãi suất huy động đã giảm mạnh, song tốc độ giảm phía lãi suất cho vay vẫn còn khá chậm. Lý giải về vấn đề này, lãnh đạo của một ngân hàng cho biết, do từ đầu năm nay đến nay, tăng trưởng tín dụng toàn ngành không cao, các ngân hàng chưa thể tiêu thụ hết nguồn vốn huy động giá cao từ cuối năm 2022 và đầu năm 2023, nên dự kiến phải đến hết quý I/2024, mặt bằng lãi suất cho vay mới trở về mức trước đại dịch.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, lãi suất cho vay vẫn cao vì những món cho vay cũ chưa giảm. Việc quyết định lãi suất cho vay là quyền của ngân hàng thương mại, nhưng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là ngân hàng phải giảm lãi suất ở hầu hết các loại hình cho vay. Vì thế, NHNN đã yêu cầu ngân hàng rà soát lại các món vay cũ để hạ lãi suất, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, NHNN sẽ xem xét giảm lãi suất điều hành khi có điều kiện để hỗ trợ doanh nghiệp.

Chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Chí Hiếu phân tích, về cơ bản, hiện Ngân hàng Trung ương nào cũng phải áp dụng chính sách tiền tệ phù hợp với môi trường, thời điểm và tình hình của thị trường tài chính chứ không chỉ riêng tại Việt Nam. Thời gian qua, NHNN Việt Nam đã có những quyết định, hành động cụ thể, như giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, hay gần đây là bán ra nhiều tín phiếu để điều hoà cung tiền và kiềm chế tỷ giá tăng đột biến. Riêng với cộng đồng doanh nghiệp, NNHNN điều chỉnh lãi suất điều hành để tác động đến lãi suất trên thị trường 1. Trên thực tế, lãi suất huy động và cho vay đã giảm. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, trong khi lãi suất huy động giảm mạnh từ 3 - 5% thì lãi suất cho vay giảm ít hơn nhiều, nhiều doanh nghiệp vẫn phải vay với mức lãi suất khoảng 10%/năm, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa phải vay với lãi suất cao.

Thực tế, thời gian gần đây, các ngân hàng liên tiếp tung ra nhiều gói vốn giá rẻ, song cũng chỉ ưu đãi trong thời gian 6 tháng đến 1 năm. Lãi suất cho vay mua bất động sản tại Techcombank trong 6 tháng đầu là 8,5%/năm, trong 1 năm đầu là 9%/năm. ACB cho vay mua nhà với lãi suất trong năm đầu tiên khoảng 8%/năm; lãi suất thả nổi từ năm thứ 2 được tính bằng lãi suất cơ sở cộng với biên độ 3%. PvcomBank áp dụng mức lãi suất cho vay mua nhà 9%/năm trong 6 tháng đầu hoặc 10%/năm trong 12 tháng đầu, thời gian vay tối đa 25 năm với nhiều phương án trả nợ, cho phép ân hạn nợ gốc. Đặc biệt, tại SeABank, mức lãi suất cho vay mua nhà áp dụng từ nay đến cuối năm 2023 chỉ từ 4,9%/năm, với thời gian cho vay lên đến 35 năm và không giới hạn về hạn mức. Hết thời hạn ưu đãi, mức lãi suất khoảng 11 - 12%/năm...

Với khách hàng doanh nghiệp, tuy lãi suất cho vay đã giảm về mức 7 - 8%/năm và ưu đãi chỉ còn khoảng 6 - 7%/năm cho lĩnh vực xuất khẩu, nhưng nhu cầu vốn của khách hàng rất chậm. Thực tế cho thấy, hiện nay, nhu cầu vốn của doanh nghiệp chưa cao, vì sức tiêu thụ của thị trường còn yếu, đầu ra gặp khó.

Trên nghị trường Quốc hội mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng công bố, tính đến cuối tháng 10, tín dụng toàn ngành mới tăng 7,1% so cuối năm 2022.

Như vậy, sau hơn 3/4 chặng đường của năm 2023, kết quả này mới đạt 50% so với kế hoạch. Nguyên nhân chủ yếu khiến tín dụng tăng chậm được NHNN chỉ ra là do cầu tín dụng thấp do doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan như đầu tư, sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng đều giảm. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng không thể hạ được chuẩn tín dụng do phải đảm bảo an toàn hệ thống; dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp nhà nước trong những năm gần đây giảm sút về tốc độ, quy mô, do ít phát sinh dự án lớn...

Nhiều chuyên gia kinh tế, tài chính nhận định, tăng trưởng tín dụng năm nay có thể chỉ đạt khoảng 12%, do thị trường bất động sản trầm lắng, xuất khẩu giảm tốc, hoạt động sản xuất gặp khó. Đặc biệt, nếu tình trạng “thừa tiền” trong ngân hàng tiếp tục kéo dài, cầu vốn của doanh nghiệp không có, thì lãi suất có khả năng giảm thêm, nhất là với lãi suất cho vay, vì ngân hàng buộc phải cho vay lãi suất thấp nhằm đảm bảo chi phí.

Doanh nghiệp có thể vay khi lãi suất giảm sẽ được hưởng lợi nhiều, tuy nhiên trong số đó có nhiều doanh nghiệp không muốn vay vì đơn đặt hàng giảm, nhu cầu vay không có vì càng vay càng lỗ; trong khi một số doanh nghiệp muốn vay khác lại không thể vay vì không có tài sản đảm bảo. Do đó, việc giảm lãi suất có tác động tới thị trường, doanh nghiệp, nhưng không giải quyết được vấn đề lớn là các ngân hàng ế vốn trong khi doanh nghiệp lại đang rất cần.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, thời gian qua, NHNN đã chỉ đạo rút ngắn thủ tục cho vay hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, có kiến nghị các bộ, ngành liên quan thực hiện các giải pháp cải thiện điều kiện tín dụng, đặc biệt với doanh nghiệp nhỏ và vừa được cải thiện. Nguồn cung tín dụng được điều hành theo hướng thuận lợi nhất cho các ngân hàng cung tín dụng ra nền kinh tế.

Mặt khác, thời điểm hiện tại, dòng tiền đang đổ vào gửi ngân hàng, vì có vẻ đây là kênh an toàn nhất với người có tiền, lãi suất 5 - 6% cũng chấp nhận được và hầu như không có rủi ro. Trong khi đó, phía ngân hàng vẫn phải ôm tiền mà không cho vay được ra nền kinh tế phục vụ sản xuất. Đây là nút thắt, là vấn đề cần giải quyết ở hiện tại.

Điều này đồng nghĩa với việc, các ngân hàng đang rơi vào thế khó, bị "trói chân" và không thể tự mình gỡ "nút thắt" này. Bởi chính bản thân các ngân hàng rất muốn cho vay, không ngân hàng nào thích ôm vốn nhiều, phải trả lãi suất mà không thể cho khách hàng vay. Ngân hàng là doanh nghiệp kinh doanh tiền, “ôm” tiền không cho vay được cũng như nhà sản xuất, sản xuất ra hàng hoá mà không bán được, tình thế rất khó khăn.

Lý do của việc không cho vay được đến từ rủi ro của nền kinh tế tăng lên, rủi ro của các khách hàng tăng lên. Thông thường, rủi ro tăng thì ngân hàng phải áp lãi suất cao, trong khi Chính phủ và NHNN muốn hạ lãi suất, nên ngân hàng gặp thế khó, bị kiềm chân. Thực tế này dẫn tới tình trạng nhiều ngân hàng chấp nhận “ôm vốn chờ thời”, chứ không mở rộng cho vay ở thời điểm hiện tại khi mà khả năng phát sinh tình huống mất vốn ở tương lai tăng cao./.

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực