|
Thông báo của Công ty Cổ phần Sao Thái dương và giá của các sản phẩm Viên nang Kovir. (Ảnh: TL). |
Thời gian qua, các cơ quan báo chí đã lên tiếng phản ánh về nhiều hành vi lợi dụng dịch COVID-19 để trục lợi như nâng giá hàng hóa; “thổi phồng” công dụng của các loại dược phẩm; lừa đảo tiêm phòng vắc xin COVID-19... Hay mới đây nhất, liên quan đến Công văn số 5944/BYT-YDCT được Bộ Y tế ban hành ngày 24/7 về việc tăng cường phòng, chống bệnh dịch bệnh COVID-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu để góp phần phòng, chống dịch bệnh COVID-19, dư luận cho rằng cần làm rõ dấu hiệu trục lợi của một số đơn vị có sản phẩm được nêu trong công văn này.
Cụ thể, tại hướng dẫn sử dụng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu được ban hành kèm theo công văn này, Bộ Y tế công bố 12 loại thuốc cổ truyền phòng và hỗ trợ điều trị COVID-19 gồm: Ngọc bình phong gia Xuyên tâm liên, Viên nang Kovir, Bạch địa căn, Siro Viêm họng, Siro Dưỡng âm bổ phế, Siro Ngân kiều, Hạnh tô, Vệ khí khang, Hoạt huyết Nhất Nhất, Viên nang Imboot, Xuyên tâm liên, Viên nang Nasagast - KG. Bên cạnh đó, hướng dẫn cũng đưa ra một số danh mục sản phẩm khác như: Sản phẩm sát khuẩn, thuốc xịt họng, gel rửa tay khô thảo dược, nước súc miệng...; các sản phẩm hỗ trợ nâng cao sức khỏe như: Bổ trung khí ích, lục vị, hoàn lục vị, bát tiên trường thọ... Trong đó có hướng dẫn cụ thể về cách sử dụng, thành phần, công dụng của các sản phẩm này. Tuy nhiên, dư luận cho rằng trong danh mục này có nhiều sản phẩm là thực phẩm thực chức năng, sản phẩm hỗ trợ điều trị không có tính năng và công dụng điều trị bệnh COVID-19, như sản phẩm Hoạt huyết Nhất Nhất hay Viên nang Kovir...
Đặc biệt, một số sản phẩm có tên trong danh mục đi kèm với Công văn số 5944/BYT-YDCT là sản phẩm Viên nang Kovir của Công ty Cổ phần Sao Thái dương và sản phẩm hoạt huyết Nhất Nhất của Dược phẩm Nhất Nhất đã được các nhà sản xuất “chủ động” nâng giá bán lên gấp nhiều lần đã và đang dấy lên trong dư luận nghi vấn về việc trục lợi từ sự lo lắng của người dân liên quan đến dịch bệnh.
Cụ thể: Hiện nay 2 loại Kovir của Công ty Cổ phần Sao Thái dương có giá lần lượt 250.000 đồng, 1 triệu đồng/hộp. Trong đó, 1 hộp viên nang cứng mới được công bố có giá đắt gấp 4 lần loại cũ. Được biết đến nay công ty đã bán hơn 20.000 sản phẩm viên nang cứng Kovir (qua website công ty). Còn hoạt huyết Nhất Nhất, theo tìm hiểu của PV, đã có 2 lần tăng giá trong tháng 7. Lần đầu, ngày 1/7, Dược phẩm Nhất Nhất thông báo tới các nhà thuốc về việc điều chỉnh giá sản phẩm là 99.000 đồng/ hộp (trước đó 94.000 đồng/ hộp). Đến ngày 27/7, cập nhật mới nhất từ công ty là 103.000 đồng/ hộp.
Trao đổi với báo chí, ngày 27/7, một lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm Bộ y tế cho biết, việc đưa sản phẩm bảo vệ sức khỏe vào danh mục hỗ trợ điều trị bệnh là không đúng quy định. Đặc biệt, đối với sản phẩm bảo vệ sức khỏe Kovir do vào tháng 9/2020, cục này từng phát cảnh báo sau khi sản phẩm này được quảng cáo có công dụng hiệu quả cao đối với các bệnh virus từ sau lần uống đầu tiên, hỗ trợ điều trị COVID-19.
Cũng ngày 27/7, Tổng cục Quản lý thị trường yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tăng cường quản lý địa bàn, nắm diễn biến tình hình thị trường giá cả, hàng hóa đối với hàng loạt sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe được ghi công dụng “kháng virus, kháng COVID-19, kháng viêm, điều trị đau họng cảm cúm và nhiễm trùng đường hô hấp, phòng chống COVID-19”... như: Xuyên Tâm Liên CV19 với logo Toàn Lộc, Xuyên Tâm Liêm CV 19 với logo Nhất Lộc, Kovir. Nếu phát hiện hành vi vi phạm, nhất là việc tăng giá bán đột biến thì cần tiến hành kiểm tra, xử lý theo quy định.
|
Nâng giá hàng hóa hay trục lợi bất chính từ dịch COVID-19 là hành vi cần bị lên án. (Ảnh minh họa: NM). |
Thực tế, người dân đã chịu rất nhiều ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Các hành vi nói trên không chỉ khiến cho đời sống của người dân càng thêm khó khăn mà còn tác động đến tâm lý của cộng đồng dân cư, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Xung quanh vấn đề này, trao đổi với ông Đỗ Ngọc Văn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Dư luận Xã hội cho biết: Việc Bộ Y tế ban hành Công văn 5944 trong thời điểm thực hiện giãn cách xã hội trên diện rộng, khi nhiều tỉnh thành thực hiện Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 nên tác động mạnh đến tâm lý của người dân. Do vậy “Người dân đang trong tâm trạng lo lắng, không biết tình hình COVID-19 như thế nào, sẽ diễn biến ra sao nên cảm giác công văn này như một hướng dẫn và việc đổ xô đi mua thuốc theo hướng dẫn của công văn nói trên cũng là điều dễ hiểu”. ông Văn phân tích.
Cũng theo ông Văn, việc người dân đổ xô đi mua thuốc theo văn bản của Bộ Y tế là hết sức bình thường, nhưng kéo theo diễn ra câu chuyện tăng giá một cách đột biến là điều cần phải xem xét lại. “Điều tôi quan tâm danh mục thuốc được đề cập đến kèm theo văn bản này có phải là chiêu để giúp doanh nghiệp, cửa hàng tăng giá đột ngột hay không hay đây chỉ là sự tăng giá mang tính bột phát? Nếu giả sử đây là một chiêu mang tính lợi ích nhóm thì đây là hình vi nghiêm trọng cần phải xem xét, kiểm điểm…”
"Ngoài ra, giả sử nhà thuốc tự ý tăng giá đột ngột cũng cần xem xét vì sao họ tăng giá đột ngột, vì có những sản phẩm tăng giá lên gấp hai ba lần. Vậy đâu là lý do để tăng giá, có hay không có vi phạm về Luật giá? Có hay không có vấn đề trục lợi trên tâm lý bệnh tật của người dân?”, ông Văn nêu vấn đề.
Ông Trần Xuân Tiền, VP Luật sư Đồng Đội cũng nhận định: Trong danh mục này có nhiều sản phẩm là thực phẩm thực chức năng, sản phẩm hỗ trợ điều trị không có tính năng và công dụng điều trị bệnh COVID-19. Mà đã là thực phẩm thực chức năng, sản phẩm hỗ trợ điều trị thì đều có tác dụng bổ trợ cả. Đấy là cách đánh lận, vì giữa việc cơ quan Nhà nước có chuyên môn công bố thông tin, nó khác hoàn toàn với việc rỉ tai nhau công dụng như các loại nước hoa quả để tăng đề kháng. Vì nó đã tạo ra niềm tin cho người dân về các sản phẩm đó. Vô hình chung, tạo ra sự bất bình đẳng trên thị trường. Và nếu sản phẩm chưa được kiểm chứng lâm sàng, chưa có phác đồ điều trị mà công bố vội vã, thì sẽ rất nguy hiểm khi người dân tự ý mua về sử dụng, ảnh hưởng tới cả việc điều trị Covid.
Trong lúc dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, làm nhũng loạn thông tin, vô tình tiếp tay, làm lợi cho các doanh nghiệp để trục lợi cũng là việc khó chấp nhận được. “Các vấn đề này cần được các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc xem xét để đảm bảo tính pháp lý, giải tỏa vấn đề công luận”. Ông Tiền nhấn mạnh!
Kinh doanh hướng đến lợi nhuận là lẽ đương nhiên. Song, việc bất chấp văn hóa kinh doanh, cố tình lợi dụng tâm lý lo lắng của người dân để nâng giá sản phẩm và trục lợi là điều không thể chấp nhận được.
“Niềm tin của khách hàng là lợi nhuận lớn nhất của doanh nghiệp”. Vậy nên, trong mọi hoàn cảnh, nhất là giữa tình hình dịch bệnh như hiện nay, các doanh nghiệp chân chính sẽ không có hành vi trục lợi từ sự lo lắng của người dân!./.