Nhà giá rẻ sẽ cạnh tranh quyết liệt hơn?

Thứ ba, 06/12/2016 16:02
(ĐCSVN) – Không ít doanh nghiệp bất động sản có ý kiến rằng, kinh doanh nhà ở xã hội, nhà thương mại giá rẻ lợi nhuận thấp, nên không mặn mà với thị trường này. Nhưng thực tế, thị trường nhà ở xã hội, giá rẻ, giá bình dân cạnh tranh lành mạnh sẽ lợi cho nhiều phía...

Dự án nhà ở cho người thu nhập thấp ở Đặng Xá, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội.
(Ảnh: ĐD).

Quy mô nền kinh tế nước ta còn nhỏ, thu nhập của người dân vẫn còn thấp so với các nước khu vực, nên nhà ở xã hội, nhà thương mại giá rẻ vẫn là sự lựa chọn của đa số người dân.

Theo thống kê, giai đoạn 2012- 2020, khu vực đô thị cần khoảng 900.000 căn nhà ở xã hội. Trong đó: Hà Nội cần 111.200 căn; Thành phố Hồ Chí Minh cần 134.000 căn; Đà Nẵng cần 16.000 căn; Đồng Nai cần 95.000 căn; Bình Dương cần 104.000 căn... Riêng nhu cầu nhà ở xã hội của cán bộ, công chức 25 bộ, ngành tại khu vực Hà Nội cần khoảng 30.000 căn.

Khi thị trường bất động sản “đóng băng”, trầm lắng, không ít dự án nhà ở  thương mại cao cấp, trung cấp đã đăng ký chuyển đổi sang nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ để hưởng chính sách ưu đãi, giảm lượng tồn kho, giảm nợ xấu.

Nhưng hai năm qua, khi thị trường bất động sản phục hồi tích cực, nhà thương mại giá rẻ lại giảm dần, còn nhà ở xã hội dù đã có hàng chục nghìn căn hộ, nhưng vẫn không đủ so với nhu cầu thực.

Không ít doanh nghiệp bất động sản có ý kiến rằng, kinh doanh nhà ở xã hội, nhà thương mại giá rẻ lợi nhuận thấp (dù Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ), nên không mặn mà với thị trường này, nhưng hiện thị trường này đang được dự báo sẽ sôi động và cạnh tranh quyết liệt hơn trước. Vì sao? Hãy nhìn từ thông điệp của Vingroup – “ đại gia” bất động sản có tiếng.


Vingroup vừa công bố kế hoạch xây dựng từ 200.000 - 300.000 căn hộ VinCity có mức giá bình quân từ 700 triệu đồng. Trong giai đoạn đầu, VinCity sẽ đồng loại triển khai tại 7 tỉnh, thành phố lớn gồm: Hà Nội, Hưng Yên, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh và Nha Trang.

Thông điệp về phát triển nhà bình dân hay còn gọi là nhà thương mại giá rẻ tại các khu đô thị do Vingroup đầu tư ít nhiều sẽ tác động đến thị trường bất động sản. Hiểu theo nghĩa nào đó, doanh nghiệp làm nhà ở xã hội, nhà thương mại giá rẻ, phải bước vào cuộc cạnh tranh mới, còn duy trì theo cách  làm cũ sẽ khó trụ vững trên thị trường.

Giống như nhà thương mại trung và cao cấp, nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ và nhà bình dân cũng phải cạnh tranh về giá, vị trí, tiến độ, chất lượng xây dựng, hạ tầng kỹ thuật và xã hội. Từ các vụ tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư  dự án nhà chung cư  thời gian qua cho thấy, việc cạnh tranh về phí và giá các loại dịch vụ cũng là vấn đề lớn đối với người mua nhà, chủ dự án.

Nhà giá rẻ, nhưng phí và giá các loại dịch vụ bên trong và bên ngoài chung cư không rẻ, thì gánh nặng lại rơi vào người thu nhập thấp. Nên chăng, những loại phí, giá dịch vụ nào mà chủ đầu tư dự án minh bạch được thì nên minh bạch ngay trong hợp đồng mua bán nhà. Minh bạch cũng chính là yếu tố cam kết cạnh tranh lành mạnh.

Để thị trường nhà ở xã hội, nhà thương mại giá rẻ phát triển bền vững, một mặt cần có cơ chế, chính sách hợp lý hơn; mặt khác, các doanh nghiệp bất động sản phải thực sự “ khỏe” về tài chính. Nếu doanh nghiệp bất động sản chỉ trông chờ vào nguồn vốn ngân hàng, vốn huy động của người mua nhà, thì rủi ro cho người mua, chủ dự án là điều khó tránh./.

Đăng Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực