Nhật Bản và nỗi lo bảo đảm an ninh lương thực

Thứ tư, 31/07/2024 23:45
(ĐCSVN) – Gạo là nền tảng của an ninh lương thực tại Nhật Bản. Tuy nhiên, tình hình thời tiết khắc nghiệt, hạn hán và các đợt nắng nóng cực độ kéo dài đã làm giảm chất lượng gạo, khiến sản lượng thu hoạch lúa chất lượng hàng đầu ở nước này giảm xuống mức thấp kỷ lục.

An ninh lương thực quốc gia được hiểu là sự đảm bảo của mỗi quốc gia về nguồn cung cấp lương thực cho người dân để hạn chế và đẩy lùi tình trạng thiếu lương thực, nạn đói và tình trạng phụ thuộc vào nguồn cung lương thực nhập khẩu.

Tại Nhật Bản, báo cáo thường niên của Chính phủ về ngành nông nghiệp công bố ngày 31/5 vừa qua cho thấy an ninh lương thực nước này đang phải đối mặt với những rủi ro ngày càng tăng, trong đó chủ yếu do biến đổi khí hậu và sự sụt giảm nhanh chóng số lượng nông dân. Báo cáo cũng cho rằng an ninh lương thực của Nhật Bản đang ở "bước ngoặt lịch sử" khi đề cập đến các yếu tố như nguồn cung ngũ cốc không ổn định liên quan cuộc xung đột tại Ukraine và sự cạnh tranh cao trong việc thu mua lương thực, thực phẩm trong bối cảnh dân số toàn cầu đang gia tăng. Theo đó, số người chủ yếu làm nông nghiệp tại Nhật Bản là khoảng 1,16 triệu người vào năm 2023, giảm hơn 50% so với 2,4 triệu người vào năm 2000.

Đặc biệt, theo Bộ Nông nghiệp Nhật Bản, gạo là nền tảng của an ninh lương thực tại nước này. Tuy nhiên, tình hình thời tiết khắc nghiệt, hạn hán và các đợt nắng nóng cực độ kéo dài đã làm giảm chất lượng gạo, khiến sản lượng thu hoạch lúa chất lượng hàng đầu ở Nhật Bản giảm xuống mức thấp kỷ lục.

 Bảo vệ sản xuất lúa gạo khỏi tác động của biến đổi khí hậu cũng là bảo đảm nền tảng của an ninh lương thực cho Nhật Bản. (Ảnh minh họa: nippon.com)

Giá gạo tăng do nguồn cung khan hiếm

Số liệu do khu vực công và tư nhân công bố ngày 26/6 vừa qua cho biết, giá gạo trung bình tại các siêu thị ở Nhật Bản đã tăng mạnh vào đầu tháng 6. Theo Công ty cung cấp giải pháp dữ liệu True Data Inc., giá gạo loại túi 5kg đạt 1.978 JPY (12 USD) trong khoảng thời gian từ ngày 3 - 9/6, mức cao nhất trong khoảng thời gian 2 năm gần đây.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân là vì nguồn cung khan hiếm do nhiệt độ cao vào mùa hè năm 2023 và nhu cầu gia tăng khi du lịch đến nước này bùng nổ.

Thực tế cho thấy, 2023 là một năm khó khăn đối với những người sản xuất lúa gạo tại Nhật Bản do nắng nóng kỷ lục và hạn hán kéo dài trong mùa hè.

Thời tiết khắc nghiệt khiến sản lượng thu hoạch lúa phục vụ nhu cầu lương thực giảm 91.000 tấn so với một năm trước, xuống còn 6,61 triệu tấn, và hạt lép hơn.

Tại Nhật Bản, gạo được xếp hạng dựa trên tỷ lệ hạt chất lượng cao, có đặc điểm là kích thước lớn, hình dạng đều và màu sắc tươi sáng. Gạo loại một chứa ít nhất 70% hạt chất lượng cao. Tỷ lệ này là 60 - 69% đối với gạo loại hai và 45 - 59% đối với gạo loại ba. Tất cả các loại gạo khác được phân loại là không đạt tiêu chuẩn. Mặc dù gạo cấp thấp hơn có thể chỉ có chút khác biệt về hương vị nhưng lại được bán với giá thấp hơn hẳn so với các loại gạo cấp cao.

Một quản lý tại công ty bán buôn gạo lớn cho biết thị trường gạo đã mất cân bằng cung cầu từ khoảng cuối năm 2023, đồng thời lưu ý rằng đã có trường hợp gián đoạn nguồn cung.

Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp Nhật Bản, sản lượng vụ thu hoạch gạo đáp ứng nhu cầu lương thực thiết yếu trong năm 2024 sẽ vào khoảng 6,69 triệu tấn.

Gạo dự trữ xuống thấp kỷ lục, mức thấp nhất thế kỷ XXI

Vừa mới đây, ngày 30/7, Bộ Nông nghiệp Nhật Bản lại cho biết lượng gạo dự trữ của khu vực tư nhân tại nước này đã giảm xuống còn 1,56 triệu tấn vào tháng 6, mức thấp nhất kể từ khi bắt đầu thu thập dữ liệu so sánh vào năm 1999 và giảm khoảng 20% so với năm trước.

Ông Hiroshi Itakura, chuyên gia phân tích về gạo, cho biết: “Nguyên nhân chính dẫn đến mức dự trữ thấp kỷ lục này là do sản lượng sụt giảm trong năm ngoái, do nhiệt độ cao kết hợp với tình trạng thiếu nước và giá gạo tương đối rẻ so với giá của các loại cây trồng khác như lúa mì”.

Theo cơ quan quản lý thảm họa quốc gia Nhật Bản, vào tháng 9/2023, nước này ghi nhận đợt nắng nóng tồi tệ nhất trong 125 năm và kể từ tháng 4, nắng nóng đã giết chết 36 người.

Với tình hình nhiệt độ cao tiếp tục diễn ra trong mùa hè này, nhiều ý kiến lo ngại rằng lượng gạo dự trữ có thể tiếp tục giảm và dẫn đến việc giá gạo tăng.

Thêm vào đó, nhu cầu ngày càng tăng của khách du lịch nước ngoài cũng góp phần khiến lượng gạo dự trữ của Nhật Bản giảm mạnh.

Theo số liệu công bố hồi đầu tháng 7, trong nửa đầu năm 2024, Nhật Bản đã đón kỷ lục 17,78 triệu khách du lịch, nhiều hơn 1 triệu so với trước đại dịch COVID-19. Sự xuống giá của đồng Yên khiến cho kỳ nghỉ tại Nhật Bản có giá cả phải chăng hơn và thu hút nhiều du khách nước ngoài.

Theo Bộ Nông nghiệp Nhật Bản, nhu cầu gạo từ khách du lịch nước ngoài đã tăng 31.000 tấn lên 51.000 tấn.

Mặt khác, trước đây, nhu cầu về gạo ngày càng giảm do dân số giảm và sự thay đổi trong thói quen ăn uống của người Nhật chuyển sang sử dụng các loại thực phẩm giàu tinh bột mới như mì ống hoặc khoai tây. Tuy nhiên, nhu cầu về gạo đã tăng lần đầu tiên sau 10 năm trong khoảng thời gian được ghi nhận gần đây nhất từ tháng 6/2023 - tháng 6/2024, đạt 7,02 triệu tấn.

Bộ Nông nghiệp cho biết nguyên nhân làm tăng nhu cầu tiêu thụ gạo có thể là do mức tăng giá gạo tương đối hợp lý so với giá bánh mì hoặc mì.

Giải pháp bảo vệ sản xuất lúa gạo trong nước

Thực tế không thể phủ nhận là những mùa hè nóng kỷ lục như hồi năm ngoái ngày càng xuất hiện nhiều hơn khi hiện tượng nóng lên toàn cầu ngày càng tăng. Nhật Bản đang chứng kiến xu hướng nhiệt độ cao liên tục trong những năm gần đây, trong đó, giai đoạn năm 2019 – 2023 được xếp là 5 năm nóng nhất trong lịch sử.

Mặc dù nhiều chuyên gia vẫn cho rằng biến đổi khí hậu khó có thể gây ra tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung gạo nói chung của Nhật Bản, nhưng rõ ràng nắng nóng khắc nghiệt vẫn là nguyên nhân hàng đầu làm giảm chất lượng gạo, khiến sản lượng thu hoạch lúa chất lượng, cùng với dự trữ gạo của Nhật Bản giảm xuống thấp kỷ lục.

Bối cảnh đó đòi hỏi cần có các biện pháp thích ứng để bảo vệ sản xuất lúa gạo khỏi tác động của biến đổi khí hậu, đồng thời là bảo đảm nền tảng của an ninh lương thực cho quốc gia này.

Để giải quyết tác động của biến đổi khí hậu đối với sản xuất lúa gạo, Bộ Nông nghiệp Nhật Bản đã và đang thúc đẩy các giống chịu nhiệt, đã được trồng trên 12,8% diện tích lúa gạo của cả nước từ năm 2022. Một trong số đó là giống lúa Shinnosuke ở Niigata, có 97,3% sản lượng thu hoạch được phân loại là gạo loại một.

Một nỗ lực đặc biệt khác là, ngày 29/5 vừa qua, dự luật sửa đổi Đạo luật cơ bản về Lương thực, Nông nghiệp và Nông thôn - Đạo luật được ví như “Hiến pháp về chính sách nông nghiệp” của Nhật Bản, đã được Hạ viện nước này thông qua và ban hành với đa số phiếu tán thành. Đây là lần đầu tiên kể từ khi được ban hành vào năm 1999, đạo luật mới được sửa đổi và thông qua.

Theo đó, luật sửa đổi mới sẽ bổ sung vấn đề “đảm bảo an ninh lương thực” vào triết lý cơ bản của luật, đồng thời, ngoài việc phấn đấu nhập khẩu nông sản và vật tư nông nghiệp ổn định, luật sửa đổi mới còn nhấn mạnh mục tiêu tăng cường cơ sở quản lý của các tập đoàn nông nghiệp. Kế hoạch này bao gồm các nỗ lực nâng cao năng suất nông nghiệp thông qua việc sử dụng công nghệ thông minh, đảm bảo đạt được tăng trưởng trong khu vực ổn định và vượt qua các thách thức xã hội phải giải quyết, như già hóa dân số, thiếu hụt lực lượng lao động...

Có thể thấy rằng bằng cách ưu tiên thúc đẩy sản xuất trong nước và tăng cường khả năng phục hồi khi đối mặt với các tình huống khẩn cấp, Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu tạo ra hệ thống lương thực mạnh mẽ và tự chủ hơn, nhằm vững vàng trước các thách thức về an ninh lương thực./.

Khánh Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực