Niềm tin và trách nhiệm

Thứ bảy, 17/09/2022 14:09
(ĐCSVN) - Việc xây dựng niềm tin là vấn đề quan trọng để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Song, niềm tin luôn đi liền với trách nhiệm. Trách nhiệm trước hết là của Chính phủ, lòng tin trước hết là của doanh nhân, doanh nghiệp. Do quy định pháp luật còn chưa thật sự vững chắc, giám sát lại không chặt chẽ, ứng xử với thị trường theo kiểu "được chăng hay chớ"... Thị trường như vậy khó phát triển bền vững lâu dài, khó giữ niềm tin của nhà đầu tư.
leftcenterrightdel
Ảnh minh họa. Nguồn: MP  

Báo cáo thị trường trái phiếu trong tháng 8/2022 của Fiin Group (công ty Việt Nam chuyên cung cấp dịch vụ thông tin và dữ liệu tài chính…) vừa công bố đã chỉ rõ, thị trường trái phiếu chứng kiến sự sụt giảm rõ rệt trong khối lượng phát hành. Giá trị phát hành trong tháng đạt 9,4 nghìn tỷ đồng, giảm lần lượt 84% so với cùng kỳ và 58% so với tháng trước đó. Đây cũng là tháng phát hành thấp nhất cả năm trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và còn thấp hơn cả tháng 2, thời điểm Tết vốn có tính chu kỳ với khối lượng thấp.

Chính vì lẽ đó nên chỉ có 19 đợt phát hành trong tháng 8, chưa tính đến ba lô trái phiếu phát hành không thành công của Agribank. Các lô trái phiếu trên ngoài việc có thể do lãi suất chào bán thấp và chưa hấp dẫn, các nhà đầu tư chủ yếu là các ngân hàng khác cũng không thực sự có nhu cầu mua trái phiếu doanh nghiệp khi đã đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo quy định tại Thông tư 08/TT-NHNN và tuân thủ Thông tư 16/TT-NHNN về tín dụng trái phiếu doanh nghiệp của Ngân hàng Nhà nước cũng như thắc thỏm chờ đợi việc “nới room” tín dụng để có thể giải ngân cho vay trong những tháng cuối năm.

Hoạt động phát hành của các tổ chức tín dụng tiếp tục dẫn đầu thị trường với tổng cộng 15 đợt phát hành, đạt quy mô là 7,24 nghìn tỷ đồng, chiếm 77% thị trường sơ cấp. Số liệu của tổ chức tín dụng có sự sụt giảm đáng kể cả về tỷ trọng phát hành lẫn giá trị phát hành, giảm lần lượt 12% và gần ba lần so tháng 7.

Có một số điểm mà FiinGroup nhấn mạnh trong hoạt động phát hành trái phiếu tháng 8. Đó là ngành nghề kinh doanh chính của tổ chức phát hành là xây dựng nhưng trái phiếu chủ yếu phục vụ dự án bất động sản. Một điểm đáng lưu ý trong thời gian qua là một số doanh nghiệp có tên trong ngành xây dựng bao gồm: Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trường Khải, Công ty CP Xây dựng Minh Trường Phú và Công ty CP Xây dựng Kiến Hưng Thịnh nhưng về bản chất là các doanh nghiệp bất động sản và mục đích của trái phiếu phát hành nhằm phục vụ trực tiếp vào việc phát triển các dự án bất động sản trong đó các tổ chức tín dụng là bên mua và/ hoặc quản lý tài sản đảm bảo.

Đây là điểm quan trọng nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp cần quan tâm khi được các tổ chức phân phối thứ cấp ra thì trường thì cần đánh giá doanh nghiệp phát hành này và các rủi ro của dự án một cách kỹ lưỡng, nhất là trong bối cảnh thông tin về các tổ chức phát hành và mục đích sử dụng vốn lại… không được công bố rõ ràng.

Bên cạnh đó, vấn đề chậm trả lãi và gốc của một số tổ chức phát hành thực sự có là điều đáng bàn. Theo FiinGroup, áp lực đáo hạn của các doanh nghiệp đang tăng cao trong thời gian qua trong bối cảnh nhiều “sóng gió” của ngành bất động sản như đã đề cập trong một số ấn bản, đã làm cho một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc đáp ứng nghĩa vụ nợ vay. Thực tế này có thể sẽ còn xảy ra với một số trường hợp khác khi mà phần đông tổ chức phát hành trong 2-3 năm trước là các doanh nghiệp chưa niêm yết bao gồm công ty dự án có “sức khỏe” tài chính yếu, chưa có lịch sử kinh doanh và dòng tiền ổn định. Do đó, hồ sơ tín dụng chưa được tốt hoặc chưa đáp ứng tiêu chí vay tín dụng ngân hàng hoặc huy động nguồn vốn khác trong bối cảnh hiện nay.

Còn theo đánh giá trong Báo cáo mới nhất của Hiệp hội thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục có một tháng trầm lắng. Cụ thể, trong tháng 8/2022, có 26 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với giá trị 13.930 tỷ đồng và một đợt phát hành ra công chúng trị giá 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, với đà phát triển ở những năm trước đó, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã đạt 1,5 triệu tỷ đồng, bằng 1/3 so với tổng số vốn trung và dài hạn của hệ thống ngân hàng.

Nguyên nhân chủ yếu do sự cẩn trọng và chờ đợi các chính sách mới từ cả phía nhà đầu tư lẫn nhà phát hành. Trong khi nhà phát hành chờ đợi những thay đổi về chính sách để có phương án phù hợp, nhà đầu tư cá nhân cũng không mấy mặn mà với các lô trái phiếu đang được chào bán bởi chưa thể nắm rõ các quy định và hướng dẫn trong trường hợp như nếu không được xác định là nhà đầu tư chuyên nghiệp thì có được giao dịch thứ cấp với trái phiếu đang nắm giữ hay không.

Chia sẻ về vấn đề này tại tọa đàm “Mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Niềm tin và Trách nhiệm” diễn ra mới đây, ông Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia đánh giá, những năm qua thị trường trái phiếu tăng trưởng khoảng 30-35% mỗi năm. Nếu tốc độ tăng trưởng này vẫn được duy trì thì 6 năm nữa, tổng quy mô thị trường sẽ tăng lên 11,2 triệu tỷ đồng và có thể gánh được nguồn vốn trung và dài hạn mà hệ thống các tổ chức tín dụng đang phải gánh. Đây là điều chúng ta kỳ vọng trong tương lai, trong khi hiện tại có quan điểm coi trái phiếu như “trò chơi đánh bạc” của các nhà phát hành. Tức là xảy ra trường hợp sai phạm thì… nhà đầu tư phải ráng chịu. Bởi trái phiếu phải được phát triển với tâm thế là “dòng máu” của nền kinh tế nhưng thực tại lại không phải vậy. Thị trường trái phiếu hiện có độ rủi ro tương đối cao, vì thế cần có hệ thống giám sát vi phạm chuẩn để nhà đầu tư nhìn vào “sức khỏe” doanh nghiệp, qua đó đưa ra được quyết định đầu tư theo khẩu vị rủi ro.

Thực tế, niềm tin và trách nhiệm thường là hai từ gắn với nhau, có quan hệ tương hỗ, hệ quả. Trách nhiệm trước hết là của Chính phủ, lòng tin trước hết là của doanh nhân, doanh nghiệp. Do quy định pháp luật còn chưa thật sự vững chắc, giám sát lại không chặt chẽ, ứng xử với thị trường theo kiểu "được chăng hay chớ". Thị trường như vậy khó phát triển bền vững lâu dài, khó giữ niềm tin của nhà đầu tư.

Chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề này, ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho hay, thông thường, cách cổ điển là cơ quan quản lý xây dựng luật chặt chẽ, kiểm soát thật chặt để lọc bớt rủi ro. Cách làm như sẽ kiến rủi ro ít nhưng tiêu diệt thuộc tính điên nhiên của tất cả các thị trường tài chính là có rủi ro. Do đó, cần phải có cách tiếp cận mới là xây dựng niềm tin. Công cụ phát triển niềm tin tốt hơn là xây dựng bảo hiểm rủi ro, chúng ta xây dựng những định chế đảm bảo, rằng rủi ro ít thì trả họ trả phí ít, rủi ro nhiều thì trả phí nhiều… thị trường khi đó sẽ tự vận hành một cách mượt mà hơn, bền vững hơn. Theo đó, trách nhiệm thuộc về cơ quan nhà nước cần xây dựng hệ thống pháp luật, xây dựng niềm tin cho nhà đầu tư.

Như vậy, có thể nói rằng, niềm tin và yếu tố quan trọng nhất để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển. Hiện tại, để xây dựng niềm tin, cơ quan quản lý đang đặt khá nhiều kỳ vọng vào hệ thống xếp hạng tín nhiệm.

Chính vì vậy, vấn đề được đặt ra là ai xếp hạng tín nhiệm, và ai là cơ quan xếp hạng các đơn vị xếp hạng tín nhiệm này?

Trên thực tế, muốn phát triển một thị trường vốn lành mạnh, tiên tiến thì cần có một định chế độc lập, có chức năng tổ chức, thanh tra, giám sát và chịu trách nhiệm cho sự vận động của thị trường tài chính nói chung và thị trường vốn nói riêng. Điểm đầu tiên để nhà đầu tư đặt niềm tin là việc cơ quan quản lý công khai minh bạch. Tuy nhiên, từ khoảng cuối quý 4/2021 đến nay, thông tin chính thống được cơ quan quản lý công bố lại bị phủ lớp sương mù như: không rõ mục đích phát hành, thời gian phát hành, ai là người mua…

Thiết nghĩ, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp là một chủ trương nhất quán và hoàn toàn đúng của Đảng và Nhà nước để doanh nghiệp không còn lệ thuộc vào ngân hàng như là kênh huy động duy nhất. Song, với tốc độ tăng trưởng bùng nổ tới 56% trong năm 2021 trong khi nền kinh tế đông cứng theo đúng nghĩa đen do phong tỏa chống COVID-19, thị trường đã phản ánh sự bất thường theo nghĩa, doanh nghiệp phải có dòng tiền để đảm bảo thanh khoản. Thanh khoản mới là vấn đề thật sự của doanh nghiệp, mà nếu thiếu nguồn vốn này, không ít doanh nghiệp có lẽ đã phải đóng cửa, giải thể vì không thể nợ của nhau.

Niềm tin quả thật phải xây dựng. Nhà đầu tư cần có niềm tin vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp, song cần tỉnh táo trong mọi quyết định để niềm tin đó không bị đặt “nhầm chỗ”. Hiện niềm tin để nhà đầu tư có thể đặt vào mới chỉ là việc kiểm soát rủi ro vĩ mô mà Chính phủ đang thực hiện khá tốt.

Thực tế minh chứng, trách nhiệm lớn nhất thuộc về Chính phủ. Chỉ trên nền tảng trách nhiệm của Chính phủ mới có thể tạo ra lòng tin của người dân, của nhà đầu tư và của cả thị trường. Do đó, Chính phủ và các cơ quan hữu quan cần nỗ lực hơn nữa trong việc thể hiện rõ trách nhiệm của mình để dần tạo dựng và có được niềm tin của nhà đầu tư./.

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực