Ảnh minh họa. (Nguồn: laodong.vn)
Các đô thị phát triển như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng có mật độ dân số, mật độ phương tiện giao thông, mật độ xây dựng cao đang phải đối diện với vấn nạn tiếng ồn, vượt quá giới hạn chịu đựng của con người. Ngoài ô nhiễm do nhà máy, xí nghiệp, công trình xây dựng, phương tiện giao thông gây nên, một nguồn ô nhiễm lớn khác ở đô thị là hệ thống loa phóng thanh; loa giới thiệu quảng cáo hàng hóa, dịch vụ; karaoke, ca nhạc ngoài trời…
Ở Thành phố Hồ Chí Minh, kết quả đo tiếng ồn tại 150 điểm quan trắc đặt trên 30 tuyến đường cho thấy, mặc dù là khoảng thời gian ít phương tiện lưu thông nhất (từ 22h đến 6h sáng hôm sau) nhưng tiếng ồn đo được vẫn vượt quá giới hạn gấp nhiều lần. Riêng tại 6 trạm quan trắc cụ thể, số lần đo nhiều lần đạt trên 85 dBA, vượt ngưỡng tiếng ồn cao nhất cho phép.
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn quy định giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn, khu vực đặc biệt (bệnh viện, trường học…) từ 6h đến 21h là 55 dBA, thời gian còn lại là 45 dBA; khu vực thông thường tương ứng hai thời điểm trên là 70 và 55 dBA. Như vậy, mức 85 dBA có hơn chuẩn cho phép khu vực thông thường 30 dBA.
Tiếng ồn được các nhà khoa học đánh giá là ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của con người. Các bệnh lý do tiếng ồn gây nên có nhiều dạng khác nhau như: căng thẳng tinh thần; rối loạn giấc ngủ; giảm thính lực và mất thính lực; ảnh hưởng nội tiết, tiêu hóa; làm suy giảm khả năng, chất lượng lao động, học tập. Đặc biệt tiếng ồn kéo dài còn gây suy tim, ảnh hưởng đến tính mạng, bên cạnh đó là rối loạn tâm thần, gây biến đổi hành vi của con người trong cộng đồng...
Nhằm ngăn chặn ô nhiễm tiếng ồn, Thành phố Hồ Chí Minh vừa chỉ đạo các sở, ngành, quận/huyện cung cấp đường dây nóng để người dân phản ánh tình trạng ô nhiễm tiếng ồn; thành lập tổ phản ứng nhanh để kịp xử lý.
Ở thành phố Hà Nội, cuối năm 2017 đã thực hiện Đề án “Sắp xếp lại và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Đài truyền thanh phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Theo đó, các cụm loa phường tại địa bàn 4 quận (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng) chỉ phát nội dung thông báo các trường hợp khẩn cấp hoặc theo yêu cầu của Trung ương và Thành phố. Địa bàn các quận còn lại, loa phường chỉ phát thông tin có liên quan đến dân cư trên địa bàn. Thời gian phát được quy định chặt chẽ.
Ở thành phố Đà Nẵng, cuối tháng 1/2018, chính quyền đã có nhiều chỉ đạo gửi các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát tình trạng quán bar trên địa bàn hoạt động về đêm đã mở nhạc ồn ào gây ảnh hưởng đến đời sống dân cư lân cận.
Mỗi địa phương đều có biện pháp ngăn chặn ô nhiễm tiếng ồn góp phần làm cho môi trường xanh và sạch hơn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, xử phạt hành chính đối tượng gây ô nhiễm tiếng ồn chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ chính là ý thức, văn hóa ứng xử của con người với con người, con người với với môi trường. Cuộc sống không thể đủ đầy mọi thứ, nhưng môi trường sống phải được an toàn từng giây phút./.