Tình trạng thiếu sách giáo khoa cục bộ sẽ được khắc phục
( Ảnh: dantri.com.vn)
Các trường phổ thông đã khởi động năm học mới nên thị trường sách giáo khoa xuất hiện tình trạng khan hiếm hoặc một số đầu sách căng thẳng hơn những năm trước. Đặc biệt là các lớp đầu cấp như lớp 1, lớp 6, lớp 10. Nhiều phụ huynh đi mua sách nhiều lần nhưng chưa mua được trọn bộ sách cho con.
Nguyên do được xác định là năm nay số lượng học sinh tăng đột biến ở một số địa phương nên dẫn tới một vài cửa hàng bán sách giáo khoa nhỏ lẻ thiếu sách tạm thời.
Tình trạng thiếu sách giáo khoa cục bộ chắc chắn sẽ được khắc phục, nhưng vấn đề sách giáo khoa vẫn là vấn đề “nóng”, dù đã được bàn thảo, phản biện nhiều năm qua.
Đầu tiên là vấn đề độc quyền viết và xuất bản sách giáo khoa, vốn mang lại không ít lợi ích cho ngành Giáo dục. Nhiều nhà giáo dục, nhiều Đại biểu Quốc hội đã kiên trì lên tiếng đề nghị xóa bỏ sự độc quyền gây cản trở sự phát triển của ngành giáo dục.
Và đến nay, với quyết tâm của Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nên tình trạng này sắp có sự thay đổi theo hướng: sách giáo khoa phải phù hợp với điều kiện thực tiễn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, kỹ thuật của nhà trường, khả năng tiếp thu của học sinh và thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa; có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học; khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông; các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Nhìn ra nước ngoài, đơn cử như nước Đức hiện đang áp dụng chính sách nhiều bộ sách giáo khoa. Thậm chí, cùng một bang ở Đức, có thể có 5-7 bộ sách khác nhau cho cùng một môn học. Ở nước ta, những năm tới đây sẽ thực hiện việc bỏ chính sách một bộ sách giáo khoa để phù hợp với xu hướng chung trên thế giới.
Một vấn đề đáng nói nữa là sự lãng phí sách giáo khoa. Các thế hệ phụ huynh hôm nay đều đã trải qua những năm tháng học phổ thông trước đây với bộ sách giáo khoa dùng nhiều năm, anh chị trao lại cho em, hay nhà trường mua sách cho học sinh mượn hết năm này qua năm khác. Có thể nói hồi đó rất tiết kiệm và khiến mỗi học sinh thấy trân quý bộ sách giáo khoa và có ý thức giữ gìn.
Những năm gần đây không ít bộ sách giáo khoa in theo xu hướng “tiêu thụ”, yêu cầu học sinh làm bài ngay vào sách giáo khoa và nội dung liên tục thay đổi, dẫn đến tình trạng đầu năm cha mẹ học sinh bỏ ra mấy trăm nghìn đồng mua sách cho con, để cuối năm bộ sách không dùng được nữa, đành bán giấy vụn. Trong khi đó không ít học trò ở vùng sâu, vùng xa, học trò con nhà nghèo luôn trong tình trạng đi học thiếu sách.
Ở nhiều nước, sách giáo khoa không có chỗ để học sinh viết vào vừa đảm bảo tính kinh tế, vừa chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác, đúng như sách giáo khoa ở nước ta thời kỳ trước đây. Nhìn rộng vấn đề sách giáo khoa là tư duy giáo dục không nên hữu hạn.
Lãng phí ở khía cạnh nào cũng cần phải phòng tránh, và lẽ nào bài học về sự tiết kiệm, chống lãng phí không được ngành Giáo dục trao truyền cho học sinh ngay từ bộ sách giáo khoa?