Thách thức lớn với thương mại toàn cầu

Thứ hai, 12/06/2023 22:35
(ĐCSVN) – Sau nhiều thập kỷ tăng trưởng mạnh mẽ, thương mại toàn cầu đã phải đối mặt với hàng loạt thách thức như: căng thẳng địa chính trị, gián đoạn chuỗi cung ứng, giá năng lượng tăng cao, lạm phát… Tất cả các yếu tố này đang khiến cho dòng thương mại và đầu tư toàn cầu chưa kịp phục hồi sau đại dịch COVID-19 thì lại tiếp tục rơi vào những đợt sụt giảm.
 Ảnh minh họa (Nguồn: IT)

Nhiều năm tăng trưởng mạnh mẽ…

Khối lượng của thương mại toàn cầu hiện nay lớn hơn khoảng 43 lần so với khối lượng được ghi nhận trong những ngày đầu của Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT) được ký kết vào năm 1947 và có hiệu lực cho đến khi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) được thành lập vào năm 1995. Sự gia tăng của thương mại toàn cầu trong giai đoạn từ năm 1950 đến năm 2021 lên tới 4.300%. Về giá trị, mức tăng trưởng thậm chí còn ấn tượng hơn khi giá trị thương mại toàn cầu ngày nay cao hơn gần 350 lần so với giai đoạn sau chiến tranh.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, sự gia tăng của thương mại toàn cầu đã phản ánh hoàn hảo hiện tượng toàn cầu hóa, nghĩa là sự liên kết ngày càng tăng trên quy mô toàn cầu do sự gia tăng thương mại hàng hóa, dịch vụ, vốn, cũng như dòng nhân lực và tri thức. Đặc biệt, việc thành lập WTO năm 1995 đã tiếp tục tạo thêm một động lực khi kể từ thời điểm năm 1995, khối lượng và giá trị thương mại toàn cầu đã tăng trung bình lần lượt là 4% và 6%.

Trong nhiều năm, tốc độ tăng trưởng khối lượng thương mại toàn cầu đã vượt tốc độ tăng trưởng GDP thế giới. Điều này đặc biệt ghi nhận trong giai đoạn từ năm 1985 cho đến khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Kể từ đó, hai tốc độ tăng trưởng lại trở nên rất gần nhau. Cuộc khủng hoảng năm 2008, giống như cuộc khủng hoảng do đại dịch năm 2020 gây ra, đã cho thấy rằng trong trường hợp xảy ra khủng hoảng, sự suy giảm của thương mại nhanh hơn sự suy giảm của GDP, cũng như sự phục hồi sau khủng hoảng.

… cho đến những dấu hiệu chậm lại rõ rệt

Thương mại toàn cầu, trong quá trình phát triển, phụ thuộc vào sự ổn định về chính trị, quân sự, khí hậu và sức khỏe trên thế giới. Những năm sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, sau đó là những động lực liên quan đến quá trình chuyển đổi sang thiên niên kỷ mới, đã tạo ra một khuôn khổ kích thích đặc biệt cho thương mại. Thực tế trong suốt nhiều thập kỷ, thương mại toàn cầu đã ghi nhận tăng trưởng theo cấp số nhân. Tuy nhiên, giai đoạn này dường như đã kết thúc và một thế giới phải đối mặt nhiều hơn với những cú sốc đang hình thành: cú sốc đại dịch, cú sốc quân sự, cú sốc khí hậu. 15 năm với những cú sốc ngoại sinh đã và đang thực sự để lại dấu ấn đối với thương mại toàn cầu: đầu tiên là cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, sau đó là đại dịch COVID-19. Gần đây hơn, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã làm tăng giá của nhiều nguyên liệu thô, bao gồm cả năng lượng, và đè nặng lên các chuỗi cung ứng...

Sau sự sụt giảm tạm thời về khối lượng thương mại toàn cầu vào năm 2020 do cú sốc của đại dịch COVID-19, sự phục hồi mạnh mẽ đã xua tan lo ngại rằng những “vết sẹo” trên chuỗi cung ứng toàn cầu có thể ảnh hưởng lâu dài đến thương mại. Tuy nhiên, năm 2022 lại được đánh dấu bằng sự sụt giảm mạnh trong hoạt động thương mại do môi trường khó khăn đặc trưng bởi tăng trưởng chậm và lạm phát cao.

Trước hết, trong ngắn hạn, thương mại hàng hóa quốc tế bị chậm lại do các động lực mang tính chu kỳ. Tính theo khối lượng, thương mại tăng 2,7% vào năm 2022, thể hiện sự sụt giảm mạnh so với giai đoạn tăng trưởng nhanh sau đại dịch năm 2021. Năm 2022 có rất nhiều trở ngại, bao gồm giá cả hàng hóa cao và lạm phát làm xói mòn thu nhập thực tế và nhu cầu nhập khẩu, sự suy yếu chung của nền kinh tế toàn cầu cũng như các hạn chế liên quan đến tình hình đại dịch COVID-19 ở Trung Quốc. Trong tương lai, những yếu tố mang tính chu kỳ này sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tăng trưởng thương mại. Mặc dù kỳ vọng chu kỳ thắt chặt tiền tệ từ các ngân hàng trung ương của các nền kinh tế lớn sẽ kết thúc trong những tháng tới, nhưng môi trường lãi suất cao hơn chắc sẽ vẫn làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái của các nền kinh tế tiên tiến và nhu cầu nhập khẩu của họ, thông qua việc thắt chặt các điều kiện tài chính.

Thêm vào đó, các chính sách bảo hộ tiếp tục gia tăng trên toàn cầu. Trên khắp thế giới, sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ đang ngày càng trở nên rõ ràng trong các số liệu thống kê về chính sách thương mại. Số lượng hạn chế thương mại đối với hàng hóa đã tăng từ dưới 750 mỗi năm trước năm 2019 lên hơn 1.700 mỗi năm vào năm 2021 và 2022, do đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột Nga – Ukraine. Một ví dụ về các chính sách quy mô lớn được thực hiện bởi các nền kinh tế lớn là Mỹ, quốc gia đã ban hành Đạo luật CHIPS và Khoa học, cũng như Đạo luật giảm lạm phát, nhằm mục đích cung cấp, thông qua giảm thuế và trợ cấp, hàng tỷ đô la trong 10 năm tới để hỗ trợ sản xuất chất bán dẫn trong nước, nghiên cứu và phát triển, thương mại hóa các công nghệ tiên tiến và cơ sở hạ tầng năng lượng sạch. Tương tự, châu Âu và Trung Quốc cũng đã đưa ra các biện pháp thay thế công nghệ nhập khẩu bằng các công nghệ thay thế trong nước để giảm sự phụ thuộc vào các đối thủ địa chính trị và tăng khả năng cạnh tranh của chính họ.

Ngoài ra, những căng thẳng địa chính trị dai dẳng và ngày càng gia tăng đang thúc đẩy việc di dời các chuỗi cung ứng toàn cầu và là một chỉ báo về các mô hình thương mại trong tương lai. Điều này có liên quan, vì dòng chảy thương mại quốc tế, ở một mức độ lớn, được xác định bởi các khoản đầu tư trong quá khứ vào năng lực sản xuất của các quốc gia khác nhau. Do đó, xu hướng hiện tại trong đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho chúng ta biết về xu hướng thương mại trong tương lai. Trong 3 năm qua, tổng vốn FDI toàn cầu chỉ chiếm chưa đến 2% GDP toàn cầu, đây là mức thấp nhất kể từ những năm 1990. Ngoài ra, dòng vốn FDI ngày càng được thúc đẩy bởi "sự tái định cư thân thiện", thay vì các cân nhắc về thương mại. Các sự kiện địa chính trị căng thẳng, chẳng hạn như sự cạnh tranh chiến lược Trung – Mỹ và xung đột ở Đông Âu, thúc đẩy các công ty chuyển hoạt động sản xuất sang các địa điểm mới…

Hiện tại, có thể thấy rằng thương mại thế giới sẽ khó có thể nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng như trước các cuộc khủng hoảng. Năm 2022, ngay sau khi bùng nổ xung đột ở Ukraine, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã từng tỏ ra khá lo lắng: “Chiến tranh làm tăng nguy cơ kinh tế thế giới bị chia cắt lâu dài hơn, thành các khối địa chính trị, dựa trên các tiêu chuẩn công nghệ riêng biệt, dự trữ tiền tệ và hệ thống thanh toán quốc tế. Một sự thay đổi mang tính kiến tạo như vậy sẽ dẫn đến sự thiếu hiệu quả trong dài hạn, làm gia tăng tính không ổn định và đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với khuôn khổ dựa trên luật lệ đã điều chỉnh các mối quan hệ kinh tế và quốc tế trong 75 năm qua".

Và mới đây, ngày 5/4, Tổ chức Thương mại Thế giới cũng đã nhận định xung đột tại Ukraine, lạm phát tăng cao và chính sách tiền tệ thắt chặt hơn đã kìm hãm tốc độ phục hồi kinh tế dù thế giới đã qua đỉnh dịch COVID-19. Thương mại toàn cầu năm 2023 dự báo sẽ tăng trưởng 1,7%, giảm so với mức 2,7% của năm 2022. Tuy nhiên, con số này đã khả quan hơn so với mức dự báo 1% được WTO đưa ra hồi tháng 10/2022. Đà tăng này được cho là có liên quan đến sự hồi phục của nền kinh tế Trung Quốc sau khi nước này dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch COVID-19. Theo Tổng giám đốc WTO Okonjo-Iweala, thương mại tiếp tục là động lực giúp nền kinh tế phục hồi, song tăng trưởng thương mại toàn cầu trong năm 2023 sẽ vẫn chịu áp lực từ các yếu tố bên ngoài như tác động kéo dài của COVID-19 và căng thẳng địa chính trị gia tăng. Bên cạnh đó, việc tăng lãi suất ở các nền kinh tế phát triển có thể dẫn tới xuất hiện những điểm yếu trong hệ thống ngân hàng kéo theo bất ổn tài chính rộng lớn hơn nếu không được kiểm soát.

Và dự kiến trong năm 2024, tăng trưởng thương mại toàn cầu sẽ tăng trở lại mức 3,2%. Tuy nhiên, những dự báo này còn không chắc chắn do vẫn tồn tại những rủi ro, bao gồm căng thẳng địa chính trị, nguồn cung lương thực khan hiếm và những nguy cơ tiềm tàng chưa được lường trước của chính sách thắt chặt tiền tệ./.

Khánh Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực