Tham ô 50 tỷ đồng: Ân hận muộn màng!

Thứ sáu, 30/06/2023 16:25
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – Dư luận đang rất quan tâm đến phiên tòa xét xử vụ tham ô tài sản xảy ra tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển (Bộ Quốc phòng), bởi có đến 5 người là sỹ quan quân hàm cấp tướng, là cán bộ cao cấp được thử thách, rèn luyện đảm nhiệm cương vị cao trong quân đội; chỉ vì lợi ích vật chất cám dỗ, các bị cáo đánh mất mình, “vô tư” rút 50 tỷ đồng từ ngân sách để chia nhau.
Bị cáo Nguyễn Văn Sơn tại Tòa (Ảnh: TTXVN).

Định mệnh bữa ăn trưa

Sáng 27/6, tại phiên tòa xét xử vụ tham ô tài sản xảy ra tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, theo cáo buộc, đầu tháng 4/2019, tại phòng ăn của Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, ông Nguyễn Văn Sơn (cựu Trung tướng, cựu Tư lệnh Cảnh sát biển) trao đổi với các ông Hoàng Văn Đồng (cựu Trung tướng, cựu Chính ủy); Doãn Bảo Quyết (cựu Thiếu tướng, cựu Phó Chính ủy); Phạm Kim Hậu (cựu Thiếu tướng, cựu Phó Tư lệnh, cựu Tham mưu trưởng); Bùi Trung Dũng (cựu Thiếu tướng, cựu Phó Tư lệnh) về việc chỉ đạo ông Nguyễn Văn Hưng (cựu Đại tá, cựu Cục trưởng Kỹ thuật) rút 50 tỷ đồng từ nguồn kinh phí cho quản lý hành chính năm 2019 phân bổ cho Cục Kỹ thuật để chi cho các thủ trưởng Bộ Tư lệnh. Khi đó, tất cả đồng ý và không có ý kiến gì khác.

Ngày 4/5/2019, ông Nguyễn Văn Sơn ký quyết định giao dự toán ngân sách cho Cục Kỹ thuật 179,1 tỷ đồng và tiếp tục yêu cầu ông Hưng rút lại 50 tỷ đồng để chuyển về Bộ Tư lệnh.

Chấp hành chỉ đạo, ông Hưng trao đổi và yêu cầu 6 trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Kỹ thuật, khi thực hiện chi tiêu nguồn ngân sách quản lý hành chính phải rút lại tổng số tiền 50 tỷ đồng để ông Hưng chuyển lại cho Thủ trưởng Bộ Tư lệnh sử dụng vào việc chung.

Sau khi nhận được 50 tỷ đồng, ông Nguyễn Văn Sơn đã chia cho mình và các ông Đồng, Hậu, Quyết và Dũng mỗi người 10 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Sơn trình bày trước tòa: Bị cáo thấy các thủ trưởng của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đi công tác rất nhiều, đối ngoại nhiều, vất vả, trong khi quỹ vốn của đơn vị không có, làm kinh tế doanh nghiệp cũng không có. Thấy vậy nên đầu tháng 4/2019, trong bữa cơm tại phòng ăn ở Bộ Tư lệnh, bị cáo có nêu vấn đề tìm nguồn vốn cho các thủ trưởng hoạt động. Khi đó, bị cáo đặt vấn đề rút tiền từ nguồn ngân sách rót cho Cục Kỹ thuật và các thủ trưởng thống nhất việc để lại 1 khoản tiền để hoạt động.

Theo lời khai của ông Sơn, khi đó ông đã gọi ông Hưng đến phòng làm việc và trao đổi tình hình, nói bị cáo Hưng “giúp cho Bộ Tư lệnh vì thủ trưởng Bộ Tư lệnh rất khó khăn”. Bị cáo Hưng nói “cái này khó”, nhưng sau đó nói làm được.

Bị cáo Phạm Kim Hậu (cựu Thiếu tướng, cựu Phó Tư lệnh, cựu Tham mưu trưởng) khai, sau khi được ông Sơn trao đổi về việc rút 50 tỷ đồng tại bữa cơm trưa ở Bộ Tư lệnh, bị cáo im lặng đồng ý, nhất trí. Đến cuối năm 2019, đầu 2020, mỗi bị cáo nhận 10 tỷ đồng. Quan điểm của bị cáo tiền đó là để sử dụng cá nhân chứ không phải chi cho đơn vị. “Đây là sai lầm lớn nhất của tôi”, lời ông Hậu.

Về phần mình, bị cáo Doãn Bảo Quyết (cựu Thiếu tướng, cựu Phó Chính ủy) thừa nhận, sau bữa trưa tại Tư lệnh Cảnh sát biển, khi nghe bị cáo Sơn nói về chuyện rút tiền ngân sách, ông Quyết không có ý kiến gì, nhưng khi nhận tiền thì bản thân đã đồng ý với việc đó.

Bị cáo Bùi Trung Dũng (cựu Thiếu tướng, cựu Phó Tư lệnh) nhất trí với lời khai của các bị cáo khác và cho rằng, mục đích rút 50 tỷ đồng là để tạo điều kiện cho các Thủ trưởng có tiền đi công tác. Việc tiêu số tiền này thì công tư lẫn lộn, bị cáo chưa kịp sử dụng gì, để nguyên ở vali rồi mang về nhà và sau đó đã mang nộp lại.

Ông Dũng trình bày: “Bị cáo không biết cơ chế nào có được tiền, cho đến khi nhận cáo trạng mới biết”.

Bị cáo Nguyễn Văn Hưng (cựu Đại tá, cựu Cục trưởng Kỹ thuật) và Bùi Văn Hòe (cựu Thượng tá, cựu Phó Phòng Tài chính) đều thừa nhận cáo buộc.

“Viên đạn bọc đường” và bài học không chỉ riêng ai

Có thể nói qua vụ án này một lần nữa khẳng định lại rằng bài học về nêu gương của cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu còn nguyên giá trị, cương vị chức trách càng cao thì càng phải gương mẫu, nêu gương sáng cho cấp dưới học tập noi theo. Điều đáng chú ý là các sỹ quan cấp tướng, giữ cương vị là thủ trưởng, chính ủy… lại lên kế hoạch bàn nhau rút tiền ngân sách để phục vụ cá nhân một cách rất “vô tư”. Các sĩ quan này có biết về hậu quả của nó là khôn lường và rất nghiêm trọng không? Với cách cư xử và hành động như vậy thì việc dính vào vòng lao lý là không tránh khỏi và nó để lại điều tiếng xấu trong quê hương, họ hàng và gia đình, cán bộ, chiến sỹ... Thật xót xa khi nói lời sau cùng, cựu Trung tướng Nguyễn Văn Sơn phân trần: “Tôi có lỗi với quê hương, gia đình, dòng họ. Đặc biệt có lỗi với các cán bộ, chiến sĩ cảnh sát biển. Dù tòa chưa tuyên án, nhưng tòa án lương tâm đã tuyên với bản thân. Tôi không bao giờ tha thứ cho bản thân mình”.

Cựu Đại tá, cựu Cục trưởng kỹ thuật Nguyễn Văn Hưng nói lời sau cùng mong vụ án sẽ là bài học cho các chiến sĩ về sau “Không bước vào vũng lầy như chúng tôi”. Và xin lỗi Đảng, Nhà nước, Bộ Tư lệnh cảnh sát biển vì "đã không giữ được mình".

Cựu Thiếu tướng Bùi Trung Dũng, cựu Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển cũng gửi lời xin lỗi tới Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng và lực lượng cảnh sát biển.

“Bị cáo là thế hệ thứ hai trong gia đình tham gia quân ngũ. Bị cáo có con trai cũng công tác trong quân đội, nhưng vì bị cáo, con trai đã phải xin ra khỏi ngành, không thể tiếp nối truyền thống của gia đình” - cựu Thiếu tướng Bùi Trung Dũng trình bày.

Bị cáo Phạm Kim Hậu phải thốt lên rằng: “Đây là sai lầm lớn nhất của tôi”.

Các bị cáo được đào tạo bài bản, thử thách rèn luyện trong môi trường kỷ luật, có trình độ chuyên môn, lý luận chính trị cao, nhưng lại mềm yếu trước “viên đạn bọc đường”, ‘không thể đấu tranh nổi’. Như phần trả lời thẩm vấn của HĐXX, bị cáo Hoàng Văn Đồng (cựu trung tướng, cựu Chính ủy) khai, trong bữa cơm trưa, khi nghe bị cáo Sơn nhắc đến chuyện rút tiền ngân sách, “nghe bị cáo Sơn nói thế, chúng tôi vô tư quá, lúc đó chả ai nói gì cả. Đây là việc nghiêm trọng, bây giờ ân hận vô cùng… Việc cầm tiền vô cùng áy náy, nhưng lúc đó không thể đấu tranh nổi”.

Đấu tranh tự phê bình và phê bình còn nhiều yếu kém, thấy sai không đấu tranh mà còn đồng tình nhất trí ủng hộ cái sai của thủ trưởng. Bằng chứng là ông Hưng nói rằng không phải một mình ông mà rút tiền được, phải là cả hệ thống nên khi đó ông đã từ chối. Nhưng đến khi ông Sơn nói rằng, việc này đã được các thủ trưởng thông qua, thì ông Hưng chấp hành và nhận lệnh về nội dung này, sau đó cho các trưởng phòng thực hiện. Vẫn theo lời khai của ông Sơn, ban đầu các trưởng phòng có người nói không thực hiện được, nhưng khi ông nói rằng đây là thực hiện nhiệm vụ của Bộ Tư lệnh thì các trưởng phòng đồng thuận dù vẫn còn băn khoăn...

Có thể nói cái giá phải trả quá đắt của vụ án này, bởi có nhiều sỹ quan cấp tướng, cán bộ cao cấp giữ trọng trách quan trọng trong quân đội đã “lầm đường, lạc lối”, không làm chủ được chính mình, suy thoái trước cạm bẫy của “viên đạn bọc đường” để sa vào lao lí do tham nhũng, tiêu cực.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nhấn mạnh: Cán bộ, đảng viên giữ nhiều trọng trách, thường xuyên phải đối mặt với những cám dỗ của tiền bạc, của cải vật chất, quyền lực, lợi ích cá nhân nên càng phải chăm lo giữ vững bản chất cách mạng và tính tiên phong của Đảng.

Do đó, nếu chúng ta không nhận thức sâu sắc điều này, nếu cán bộ, đảng viên không tích cực và kiên trì rèn luyện và học tập, có lập trường và bản lĩnh chính trị vững vàng thì rất dễ bị thoái hóa, biến chất. Đó chính là những “viên đạn bọc đường” làm gục ngã cán bộ./.

VM

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực