Thấy gì từ kết quả các trường công bố điểm xét tuyển đại học?

Thứ năm, 24/08/2023 21:59
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Sau 3 ngày công bố, bức tranh tổng quan về điểm chuẩn vào đại học đã định hình. Tương tự như mùa tuyển sinh trước, điểm chuẩn vào nhiều trường đại học năm nay vẫn rất cao khiến nhiều thí sinh dù đạt 9 điểm/môn vẫn trượt nguyện vọng 1.
Thí sinh nghe tư vấn tại ngày hội lựa chọn nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng 2023 do Báo Tuổi trẻ phối hợp cùng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - TB&XH) tổ chức. (Ảnh: TA)

 Tính đến thời điểm này, có khoảng 100 trường đại học công bố điểm chuẩn. Năm nay, xét về mặt bằng chung, điểm trúng tuyển của các trường là khá tương đồng với kết quả năm 2022. Điểm chuẩn của đa số ngành, nhất là nhóm dẫn đầu, biến động không nhiều, trong khoảng 0,5-1 điểm. Các trường đại học “top” đầu đều có điểm chuẩn cao, nhất là các ngành “hot”.

Trong các trường đã công bố điểm chuẩn, mức cao nhất đang thuộc về Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, mức 29,42 điểm với ngành Khoa học máy tính (IT1). Với mức điểm này cùng với công thức tính điểm riêng, 2 thủ khoa khối A toàn quốc năm nay (29,35 điểm) không trúng tuyển nguyện vọng 1 vào ngành này.

Kết quả này được lãnh đạo Trường Đại học Bách khoa Hà Nội lý giải: Nếu tính điểm xét tuyển theo công thức của Đại học Bách khoa Hà Nội thì điểm xét tuyển khối A00 của 2 thí sinh này xếp sau rất nhiều bạn. Công thức xét tuyển đó như sau: điểm xét tuyển = (toán x 2 + môn 2 + môn 3) x 3/4 + điểm ưu tiên. Trong đó, môn 2 và môn 3 của ngành IT1 là hóa và lý hoặc lý và tiếng Anh. Ngành IT1 là ngành có tính cạnh tranh cao nhất Đại học Bách khoa Hà Nội. Những thí sinh đặt NV1 vào ngành này thường phải tự thấy mình thuộc diện xuất sắc, đặc biệt với môn toán.

Cùng với ngành Khoa học máy tính tiếp tục giữ kỷ lục điểm trúng tuyển cao nhất Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và cao nhất toàn quốc, có gần 30 ngành như Y đa khoa, Quan hệ công chúng, Truyền thông - Marketing, Thương mại điện tử, Marketing, Tài chính - Ngân hàng, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng… có sức hút lớn, với số điểm rất cao, hầu hết là phải trên 9 điểm/môn mới có cơ hội đỗ.

Cụ thể, tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), ngành Quan hệ công chúng xét theo tổ hợp C00 lấy cao nhất với 28,75 điểm; ngành Đông phương học và Báo chí xét theo tổ hợp C00 lấy 28,5 điểm; ngành Tâm lý học xét theo tổ hợp C00 lấy 28 điểm.

Điểm chuẩn Đại học Kinh tế quốc dân (NEU) năm 2023 cao nhất ở ngành Truyền thông Marketing. Ở thang 40 (tiếng Anh hoặc Toán nhân hệ số 2), điểm chuẩn dao động 35,65-37,1. Ngành Truyền thông Marketing (hệ POHE) cao nhất với 37,1 điểm. Với mức này, trung bình mỗi môn thí sinh phải đạt hơn 9,27 điểm mới trúng tuyển. Xét thang điểm 30, ngành Thương mại điện tử lấy điểm chuẩn cao nhất với 27,65 điểm, trung bình thí sinh phải đạt hơn 9,21 điểm. Nhiều ngành khác cũng lấy điểm chuẩn trên 27 là Marketing, Quan hệ công chúng, Tài chính - Ngân hàng, Kiểm toán, Kế toán…

Tại Trường Đại học Y Hà Nội, ngành Y khoa có điểm chuẩn cao nhất với 27,73; ngành Marketing của Trường Đại học Thương mại (TMU) với trung bình 9 điểm/môn, thí sinh mới đỗ; ngành Công nghệ Marketing Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh có điểm chuẩn 27,2; ngành Hải quan và Logistics của Học viện Tài chính (AOF) lấy điểm chuẩn 35,51 (thang 40), tức trung bình 8,9 điểm một môn…

Chưa hết, mùa tuyển sinh năm nay, tại nhiều ngành đào tạo, thí sinh phải đạt mức điểm gần tuyệt đối mới có cơ hội trúng tuyển. Điển hình như Khoa Ngôn ngữ Trung của Trường Đại học Ngoại thương, thí sinh phải đạt 9,5 điểm trung bình mỗi môn mới đỗ. Tiếp theo là mức điểm 28,3 đối với ngành Kinh tế - chuyên ngành Kinh tế đối ngoại. Hay tại Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội), ngành Sư phạm tiếng Anh cao nhất 37,21 trên thang 40 điểm…

Theo các nhà làm công tác giáo dục, có nhiều lý do dẫn tới điểm chuẩn của các trường cao. Đó là mức độ đề thi chưa có tính phân hóa cao; thí sinh tăng nguyện vọng vào các trường “top”, ngành “hot”; các trường cũng bắt đầu tăng chỉ tiêu tuyển sinh riêng, xét tuyển kết hợp khiến tỷ lệ chỉ tiêu cho việc xét điểm thi tốt nghiệp THPT giảm...

Điểm đáng mừng là hệ thống các trường sư phạm những năm gần đây số điểm cũng rất cao. Trong đó hàng loạt trường lấy điểm chuẩn Sư phạm Lịch sử cao nhất với trên 28 điểm. Cụ thể, điểm chuẩn cao nhất của nhóm ngành này thuộc về trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, tỉnh Vĩnh Phúc lấy 28,58 điểm, tức thí sinh phải đạt hơn 9,5 điểm một môn mới trúng tuyển. Đây cũng là ngành lấy điểm cao nhất ở loạt trường khác, gồm Đại học Sư phạm Hà Nội (28,42), trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội (28,17), Đại học Vinh (28,12), trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên (28) và trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế (27,6).

Thực tế, điểm chuẩn ngành Sư phạm Lịch sử ở một số trường đã tăng vọt từ năm ngoái. Một số chuyên gia về lĩnh vực này cho rằng, điểm chuẩn nhóm ngành sư phạm đã ở mức cao (trên 27 điểm) trong vài năm qua, một phần là theo học ngành này thí sinh được miễn học phí, trợ cấp sinh hoạt 3,65 triệu đồng/tháng. Điều đó khiến chúng ta có thêm kỳ vọng vào chất lượng “bộ máy cái” của nền giáo dục nước nhà.

Ở một góc nhìn khác, trong cùng một trường nhưng điểm chuẩn giữa các ngành có sự chênh lệch khá lớn. Ví dụ như ngay tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, có ngành IT lấy điểm rất cao như đã nêu trên thì điểm chuẩn các ngành kỹ thuật mang tính truyền thống chỉ ở mức khiêm tốn, thậm chí có ngành 21 điểm. Tại Trường Đại học Điện lực, điểm chênh lệch giữa các ngành giao động khá lớn từ 18-24 điểm… Đây cũng là điều mà nhiều nhà giáo dục đã trăn trở, đó là thí sinh chạy theo ngành “hot”, thờ ơ với các ngành khoa học cơ bản, về lâu dài sẽ gây hệ lụy không tốt cho nền giáo dục, nền khoa học cũng như phát triển nhân lực quốc gia.

Chưa hết, một số ngành, một số trường thì điểm cao “chót vót” như trên mới đỗ nhưng ở phía ngược lại, điểm chuẩn thấp nhất đến thời điểm này là 14, tức chưa tới 5 điểm mỗi môn mà thí sinh đã đậu đại học, chủ yếu là ở các trường tư thục địa phương. Điều đó cho thấy sự “vênh” quá lớn về chất lượng đầu vào giữa các trường Đại học. Đây cũng là vấn đề không thể không quan tâm….

Tất cả những điều chúng ta đã thấy từ những phân tích nêu trên cần được những người làm công tác liên quan đến giáo dục đại học quan tâm, nghiên cứu, từ đó có giải pháp phù hợp cho sự phát triển của nền giáo dục nước nhà. Lấy ví dụ cụ thể là khi kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức với 2 mục đích, xét tốt nghiệp THPT, đồng thời tuyển sinh đại học. Vì thế đề thi không có sự phân hóa cao thì sẽ khó chọn lọc được những người xuất sắc nhất. Điều này cũng dẫn đến thực trạng là 29 điểm vẫn trượt… Thế nên làm thế nào để đề thi vừa đáp ứng thi tốt nghiệp THPT vừa đảm bảo cho các trường đại học? Câu hỏi này người viết xin được gửi lại những người làm công tác giáo dục đại học…/.

Trung Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực