Thế giới thay đổi hướng tiếp cận trong ứng phó với dịch bệnh như thế nào?

Thứ hai, 18/04/2022 08:22
(ĐCSVN) – Từ việc áp đặt rồi dỡ bỏ các lệnh phong tỏa, tiếp đó là chuyển hướng sang sống chung và thích nghi với đại dịch COVID-19, hiện nay, nhiều nước trên thế giới đang dần gỡ bỏ các biện pháp phòng chống dịch trong một nỗ lực nhằm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường.

Những dấu mốc để thay đổi hướng tiếp cận

Không ai có thể nghĩ rằng virus gây ra những ca bệnh liên quan đến đường hô hấp ở Vũ Hán vào đầu tháng 12/2019 lại có thể phát tán và lây lan với tốc độ khủng khiếp, khiến cả thế chao đảo và gây ra cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu lớn đến như vậy. Dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra đại dịch COVID-19 đã làm cuộc sống của người dân toàn cầu bị đảo lộn bởi tính chất nguy hiểm và tốc độ lây lan. COVID-19 đã  chi phối mọi khía cạnh đời sống kinh tế-xã hội trên toàn thế giới và buộc con người phải thay đổi cách nhìn nhận, thói quen, lối sống và phương thức làm việc để đảm bảo phòng chống dịch.

 Chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 ở Chicago, Mỹ (Ảnh: Getty)

 Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu (PHEIC) vào ngày 30/1/2020, rồi sau đó xác nhận đây là "đại dịch toàn cầu" vào ngày 11/3/2020. Việc WHO công bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu sau 3 tháng kể từ khi căn bệnh này xuất hiện đã phản ánh khả năng virus lây lan trên diện rộng về mặt địa lý. Mục đích của WHO là mong muốn tất cả các nước trên thế giới cần có hành động khẩn cấp và quyết liệt để kiểm soát tình hình và khống chế sự lây lan của virus.

Đến ngày 11/3/2021, tròn 1 năm WHO tuyên bố COVID-19 là "đại dịch toàn cầu," SARS-CoV-2 đã xuất hiện ở hơn 220 quốc gia và vùng lãnh thổ với 118,5 triệu mắc COVID-19, trong đó 2,63 triệu ca tử vong. Chạm ngưỡng 2 năm sau khi WHO tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu, tính đến hết ngày 10/3/2022, thế giới có hơn 450 triệu ca mắc, 6,01 triệu ca tử vong. Đến nay, con số này đã lên đến hơn 503 triệu ca mắc, trong đó hơn 6,2 triệu người đã không qua khỏi.

Kể từ khi xuất hiện đến nay, virus SARS-CoV-2 đã biến đổi liên tục với nhiều biến thể mới. Các đột biến của nó ngày càng nhiều hơn và nguy hiểm hơn khiến cuộc chiến phòng chống đại dịch của các quốc gia ngày càng khó khăn, phức tạp hơn. Một số biến thể của virus SARS-CoV-2 chứa các đột biến có thể khiến virus lây lan dễ dàng hơn, gây ra triệu chứng bệnh nặng hơn, khó xét nghiệm hoặc khiến quá trình điều trị khó khăn hơn.

Đáng chú ý trong hơn 2 năm qua có các biến thể “đáng lo ngại” là: Alpha (B.1.1.7) lần đầu được phát hiện ở Anh (tháng 12/2020); Beta (B.1.351) lần đầu được phát hiện ở Nam Phi (tháng 12/2020); Gamma (P.1) được xác định ở Brazil (tháng 1/2021); Delta (B.1.617.2) được ghi nhận lần đầu ở Ấn Độ (được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 12/2020 và được chú ý nhiều trên thế giới từ tháng 4/2021); gần đây nhất là Omicron (B.1.1.529) được phát hiện ở Nam Phi (tháng 11/2021) và Omicron đang là biến thể chủ đạo trên toàn cầu. WHO hiện đang theo dõi sát sao một loạt các biến thể phụ của Omicron, trong đó có BA.2, BA.4 và BA.5, cũng như  biến thể tái tổ hợp của BA.1 và BA.2.

Trong mỗi giai đoạn ứng với sự xuất hiện của các loại biến thể, các nước đều có những điều chỉnh trong công tác phòng chống dịch. Nếu như trước đây, các biện pháp như đóng cửa biên giới, phong tỏa, cách ly được thực hiện nghiêm ngặt nhằm hạn chế sự lây lan của virus thì sau này xu hướng sống chung, thích ứng với đại dịch lại được áp dụng nhờ thành tựu từ việc tiêm chủng. Đến nay, ít nhất 65% dân số thế giới đã được tiêm ít nhất 1 liều vaccine ngừa COVID-19, 11,45 tỷ liều vaccine đã được tiêm cho người dân trên khắp toàn cầu.

Thay đổi tiếp cận để đưa cuộc sống trở về bình thường

Biến thể Omicron vẫn đang khiến dịch COVID-19 lây lan nhanh. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm ứng phó, nhiều nước đã chủ động thích ứng tốt với làn sóng dịch mới này, giảm tỷ lệ ca chuyển nặng, tử vong và từng bước trở lại cuộc sống trước đại dịch. Tỷ lệ tiêm vaccine cao được coi là chìa khóa để các nước vẫn đứng vững trước làn sóng lây lan của Omicron.

Liên minh châu Âu (EU) đã dỡ lệnh cấm du lịch, cho phép du khách đến từ các quốc gia ngoài khối nhập cảnh với điều kiện đã tiêm hai mũi vaccine. Từ 1/3/2022, du khách đã tiêm hai mũi vaccine phòng COVID-19 được vào châu Âu du lịch, mũi thứ hai cách ngày nhập cảnh ít nhất hai tuần, và không quá 270 ngày. Những người đã tiêm quá chín tháng phải tiêm mũi tăng cường. Người khỏi COVID-19 và phục hồi trong vòng 180 ngày cũng được chấp thuận.

Trong số đó, Áo yêu cầu mọi du khách nhập cảnh phải trình diện giấy chứng nhận tiêm đủ vaccine (ít nhất hai mũi) hoặc chứng nhận khỏi bệnh hoặc kết quả âm tính nếu xét nghiệm PCR trong 72 giờ hoặc test nhanh trong 24 giờ. Các nhà hàng, quán bar, bảo tàng, rạp hát và cáp treo tại khu trượt tuyết chỉ chấp nhận chứng nhận tiêm chủng hoặc khỏi bệnh.

Các nước đẩy mạnh các hoạt động du lịch trong nỗ lực đưa cuộc sống trở lại bình thường (Ảnh minh họa: Birmingham Mail)

Bỉ quy định khách cần có kết quả âm tính nếu xét nghiệm PCR trong 72 giờ hoặc test nhanh trong 24 giờ, giấy chứng nhận tiêm chủng hoặc khỏi bệnh, và phải khai báo những nơi đã đến trong vòng sáu tháng. Nếu du khách ở lại đây dưới 48 tiếng thì không cần khai báo. Quy định đeo khẩu trang không bắt buộc ở ngoài trời, nhưng vẫn có hiệu lực trong các không gian kín, phương tiện công cộng.

Ba Lan yêu cầu khách du lịch từ ngoài khối Schengen có giấy chứng nhận tiêm chủng và kết quả PCR hoặc test nhanh âm tính COVID-19 trong 24 giờ trước khi nhập cảnh. Trong khi đó, Đức yêu cầu khách quốc tế điền đơn đăng ký kỹ thuật số, có giấy chứng nhận tiêm chủng đầy đủ hoặc kết quả xét nghiệm âm tính COVID-19.

Tuy mỗi nước đều có những quy định riêng trong công tác phòng chống dịch, nhưng về cơ bản, các nước đều đã và đang đẩy mạnh các hoạt động du lịch trong và ngoài nước nhằm “thích ứng” và “sống chung” với dịch bệnh.

Tại châu Á, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp giãn cách phòng dịch COVID-19 từ ngày 18/4, trừ quy định bắt buộc đeo khẩu trang cả trong nhà và ngoài trời. Thông tin cho biết, riêng quy định đeo khẩu trang sẽ vẫn được áp đặt và chính phủ sẽ xem xét lại để đưa ra quyết định sau 2 tuần triển khai quy định mới. Với quyết định mới trên, Hàn Quốc đã chính thức quay trở lại với cuộc sống thường nhật, kết thúc 757 ngày thực hiện các biện pháp giãn cách vì đại dịch COVID-19. Hàn Quốc bắt đầu áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội từ ngày 22/3/2020.

 Là một trong những quốc gia có nhiều tiềm năng và thế mạnh về du lịch, Singapore sẽ dành gần 500 triệu đôla Singapore (khoảng 367,55 triệu USD) để phục hồi ngành du lịch nước này. Trong khi đó, Thái Lan đặt mục tiêu thu hút 1,1 triệu lượt khách du lịch từ Đông Nam Á trong năm 2022. Thái Lan đã chuẩn bị một lộ trình để xác định COVID-19 là một bệnh đặc hữu trong những tháng tới nhằm đẩy mạnh phục hồi kinh tế trong nước và thu hút thêm nhiều khách nước ngoài. Nước này hy vọng sẽ đón được 7 triệu lượt du khách nước ngoài trong năm 2022 sau khi từng bước nới lỏng các hạn chế.

Tại châu Mỹ, Bộ Y tế công cộng Cuba thông báo nước này đã quyết định nới lỏng các biện pháp đối với du khách nhập cảnh từ ngày 4/4. Giới chức Cuba khẳng định việc chính phủ đi đến quyết định nới lỏng các biện pháp trên là nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao. Cho đến nay, Cuba đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho hơn 9,9 triệu trong số 11,2 triệu người dân bằng vaccine do chính nước này sản xuất. Hơn 6,3 triệu người cũng đã tiêm mũi tăng cường.

Tại Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ gần đây đã công bố hướng dẫn mới về phòng dịch COVID-19, theo đó chuyển sang theo dõi số ca nhập viện, thay vì số ca mắc mới, để đánh giá nguy cơ đối với cộng đồng. Trong thời gian tới, CDC điều chỉnh khuyến nghị về xuất cảnh tới các nước có dịch, và thu hẹp danh sách các nước hạn chế đi lại căn cứ theo tình hình dịch bệnh thực tế tại các nước. Hiện Mỹ cũng đang xem xét gỡ bỏ các quy định buộc du khách nước ngoài xuất trình giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 giống như nhiều nước khác. Theo quy định hiện hành, Mỹ vẫn yêu cầu du khách nước ngoài khi nhập cảnh phải trình chứng nhận tiêm chủng.    

Vẫn cần thận trọng, không lơ là trước đại dịch COVID-19

Mặc dù số ca nhiễm mới và tử vong do COVID-19 có chiều hướng giảm, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 13/4 khẳng định COVID-19 vẫn là vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu, đồng thời khuyến nghị các nước vẫn cần sẵn sàng phản ứng nhanh và trên quy mô lớn đối với đại dịch này.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus bày tỏ lo ngại khi một số nước vẫn ghi nhận số ca nhiễm mới gia tăng nghiêm trọng, gây áp lực lên hệ thống y tế, trong khi khả năng giám sát xu hướng dịch bệnh giảm sút do nhiều nước dừng chương trình xét nghiệm truy vết COVID-19.

 Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trên thực tế, do số lượng bệnh nhân COVID-19 trở nặng đã giảm ở nhiều quốc gia, nhiều nước đã cắt giảm và loại bỏ dần các chương trình giám sát và xét nghiệm COVID-19. Điều này khiến WHO lo ngại khả năng giám sát dịch bệnh trong thời gian tới sẽ suy yếu và việc ứng phó với dịch có thể gặp nhiều hạn chế khi dịch bệnh tái bùng phát.

Do đó, WHO nhấn mạnh cách tốt nhất để bảo vệ bản thân là tiêm vaccine ngừa COVID-19 và tiêm mũi tăng cường theo khuyến cáo của giới chức y tế. Cùng với đó, người dân khi ra ngoài nên đeo khẩu trang tại những địa điểm đông đúc và không gian kín. Với những người ở trong nhà, WHO khuyến nghị hãy giữ không khí trong lành bằng cách mở cửa sổ và cửa ra vào, đồng thời đầu tư vào hệ thống thông gió tốt.

Cùng quan điểm này, ông Didier Houssin - Chủ tịch Ủy ban Khẩn cấp của WHO khẳng định: “Hiện nay không phải là lúc hạ thấp mức độ cảnh giác của chúng ta, trái lại, đây là lời khuyến nghị cực kỳ mạnh mẽ. Đại dịch COVID-19 còn lâu mới chấm dứt, mức độ lây lan của virus SARS-CoV-2 vẫn còn rất mạnh, tỷ lệ tử vong vẫn cao và virus SARS-CoV-2 đang tiến hóa một cách không thể dự đoán được”.

Theo ông Didier Houssin, hiện nay không phải là lúc lơ là trước loại virus này, hoặc buông lỏng công tác giám sát, xét nghiệm và thông báo, hay sao lãng các biện pháp y tế công cộng, đồng thời không được phép ngừng chiến dịch tiêm chủng.

Thực tế cho thấy, dù các ca F0 vẫn tiếp tục tăng ở nhiều nơi trên thế giới, thậm chí tại một số khu vực dịch COVID-19 vẫn còn nóng, song bức tranh chung toàn cầu đã mang màu sắc tươi tắn hơn. Mở cửa kinh tế, thúc đẩy du lịch, dỡ bỏ dần các biện pháp phòng chống dịch nhưng vẫn đảm bảo “sống chung an toàn”  chính là chìa khóa để góp phần đưa cuộc sống trở lại bình thường./.

 

Song Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực