Hiện trường một điểm mưa lũ ở Yên Bái. (Ảnh: Đ.S)
Những ngày vừa qua, mưa lũ lại “bao vây” các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Lào Cai, Phú Thọ, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Tính đến 7h00 ngày 24/7, số người chết do mưa lũ đã lên tới 27 người, trong đó Yên Bái là địa phương thiệt hại về người nhiều nhất, với 13 người. Ngoài ra, mưa lũ cũng gây thiệt hại về tài sản và hạ tầng giao thông cho nhiều địa phương.
Ai cũng biết rằng, thiên tai mưa bão, lũ lụt là thuộc tính của tự nhiên từ muôn đời, con người không thể ngăn chặn được và chỉ có thể chủ động trong phòng, chống để hạn chế tác hại của thiên tai. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, thiên tai cũng có nguyên nhân từ con người. Ô nhiễm không khí, hiệu ứng nhà kính, trái đất nóng lên… có lỗi của con người.
Việc khai thác, chặt phá rừng nguyên sinh và rừng phòng hộ đã khiến nhiều cánh rừng trở nên trơ trụi. Các kiểu khai thác khoáng sản từ thủ công đến công nghiệp và xây dựng các công trình lấn chiếm lòng suối, làm giảm hoặc thậm chí mất hành lang thoát lũ là nhân tố quan trọng tạo ra nguy cơ nứt núi, lở đất, lũ quét. Xây dựng công trình hồ chứa, đập thủy điện không đủ an toàn tạo ra nguy cơ vỡ đập, gây ra dòng lũ quét nhân tạo, đe dọa cuộc sống của cư dân xung quanh.
Mỗi năm nước ta xảy ra khoảng 10 đến 15 trận lũ quét ở vùng núi phía Bắc, Trung bộ, Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Do thời tiết cực đoan, mưa lớn, mưa kéo dài là nguyên nhân kích hoạt lũ quét và sạt lở đất, cuốn theo cây cối, đất đá, và đương nhiên cả con người và tài sản nơi nó đi qua.
Vậy là thiên tai cộng hưởng với nhân họa tạo ra lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất ngày càng nghiêm trọng hơn. Nếu không thay đổi được tình trạng này thì lũ lụt, sạt lở vẫn tiếp tục, không thể có kết cục tốt đẹp hơn.
Vì vậy, ngoài những biện pháp cấp bách nhằm khắc phục hậu quả trước mắt như: Hỗ trợ tiền bạc, lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, vật liệu xây dựng... cho đồng bào đang gặp khó khăn, chúng ta cần có cái nhìn toàn diện để có những biện pháp phòng, chống thiên tai bền vững và chủ động hơn.
Trước hết là các địa phương phải rà soát những điểm dân cư có nguy cơ sạt lở để chủ động di dời. Địa điểm tái định cư tốt nhất là gần điểm dân cư cũ và phải tạo điều kiện cho bà con có đất canh tác, điều kiện sản xuất, kinh doanh, cơ sở hạ tầng bảo đảm chất lượng cuộc sống bằng hoặc tốt hơn chỗ cũ.
Năm nào ở miền núi cũng có những bản làng bị bùn đất vùi lấp, người chết, tài sản bị mất sạch; ở miền sông nước sạt lở làm sập nhiều căn nhà ven sông… nên cần chủ động phòng ngừa, di dời chỗ ở là biện pháp hàng đầu và cấp bách.
Ở những vùng thấp, thường xuyên phải đối phó với ngập lụt thì di dời người dân đến nơi ở cao nếu có điều kiện, nếu không cũng phải giúp đỡ người dân xây nhà tránh lũ để chủ động trong khi nước lên.
Và không thể không tham khảo, tiếp thu khoa học công nghệ cũng như sự hỗ trợ từ các nước có kinh nghiệm phòng, chống lụt, bão để áp dụng vào thực tế Việt Nam.
Để hạn chế lũ lụt, lũ quét, lũ ống, sạt lở đất... thì phải chặn đứng việc tàn phá rừng, hủy hoại môi sinh, khai thác khoáng sản bừa bãi và hạn chế xây dựng thêm thủy điện. Khi nào rừng được trồng lại xanh tốt, những dòng chảy tự nhiên được khơi thông và không có những trận xả lũ bất thường từ thủy điện khi có mưa lũ thì tác hại do mưa lũ mới có thể giảm đi./.