Thu phí thôi, chưa đủ!

Thứ ba, 15/11/2022 16:19
(ĐCSVN) - Thông tin về việc TP Hà Nội sẽ lấy ý kiến rộng rãi về việc thu phí ôtô vào nội đô đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, còn quá sớm để khẳng định việc thu phí ôtô vào nội đô sẽ giúp giảm ùn tắc giao thông. TP Hà Nội cần sớm thực hiện đồng bộ các giải pháp để tình trạng tắc đường không còn là "nỗi ám ảnh” đối với người dân Thủ đô và du khách…
leftcenterrightdel
 Ùn tắc giao thông khu vực nội đô là “bài toán” đối với các cơ quan chức năng của TP Hà Nội. Ảnh: Phạm Đông.

Cụ thể, theo dự thảo Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào”, từ nay đến năm 2025, TP Hà Nội sẽ lập 87 trạm thu phí tại các tuyến đường hướng tâm, cửa ngõ để thu phí ôtô vào nội đô. Với mức thu phí đề xuất tối thiểu 50.000 đồng và tối đa 100.000 đồng/lượt xe ôtô. Khu vực được xác định để lập trạm thu phí vào nội đô là từ đường Vành đai 3 trở vào. Cụ thể, là phạm vi thu phí giới hạn bởi các đường: Vành đai 3 - Cầu Thanh Trì - Pháp Vân - Mai Dịch - Phạm Văn Đồng - trục Tây Thăng Long - Võ Chí Công - Cầu Nhật Tân - Đường Hoàng Sa - Đường Trường Sa - Đường Lý Sơn - Đường Nguyễn Văn Linh và khép kín vào Vành đai 3. Đối tượng thu phí được đề án xác định là ô tô di chuyển từ bên ngoài Vành đai 3 vào trong khu vực thu phí có nguy cơ ùn tắc giao thông.

Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, dự thảo đề án nói trên đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều ý kiến cho rằng đề án này chưa thích hợp, ảnh hưởng đến quyền đi lại của mọi người trong khi vận tải hành khách công cộng và hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của người dân.

leftcenterrightdel
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam. Ảnh: Thanh Hải. 

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam bày tỏ quan điểm ủng hộ đề án thu phí xe vào nội đô của TP Hà Nội. Tuy nhiên theo ông Quyền, các cơ quan cần có định hướng lâu dài và theo thông lệ chung của các nước đã triển khai trên thế giới. Việc thu phí vào nội đô thành phố chỉ được thực hiện khi thành phố đã phát triển đến ngưỡng văn minh, hiện đại, hệ thống giao thông công cộng đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.

Tiếp cận từ vị trí người trực tiếp “trải nghiệm” giao thông Hà Nội, anh Lê Đức Tùng ở quận Cầu Giấy cho rằng, những bất cập về hạ tầng giao thông là nguyên nhân sâu xa dẫn đến ùn tắc giao thông tại Hà Nội. Với hạ tầng như hiện tại nếu không cải thiện thì chỉ một vài năm nữa thì dù thu phí hay không, tình trạng ùn tắc giao thông sẽ vẫn trở lên trầm trọng hơn. “Mức phí dự kiến thu phí từ 50.000 - 100.000 đồng/lượt là một khoản không hề nhỏ đối với người dân. Trong khi người có xe ô tô đã có đủ loại phí cầu đường, dịch vụ, giờ lại thêm phí ùn tắc thì quá là vô lý. Thay vì bỏ ra khoảng 2.600 tỷ đồng để làm trạm thu phí thì Hà Nội nên tập trung phát triển hạ tầng giao thông nội đô, chuyển dần các cơ quan, trường học ra ngoại thành thì sẽ sớm khắc phục được tình trạng tắc đường”, anh Tùng nói.

Đồng tình với ý kiến trên, từ góc nhìn chuyên môn, TS Nguyễn Đức Cần, Giảng viên Đại học Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh phân tích thêm, ùn tắc, kẹt xe nghiêm trọng tại các đô thị lớn gây thiệt hại về kinh tế - xã hội, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân… Để giải quyết thì cần phải tìm được căn nguyên, gốc rễ của vấn đề chứ không chỉ đơn thuần thu phí là có thể giải quyết được. “Người ta có thể đổ lỗi cho sự gia tăng chóng mặt của các phương tiện cá nhân, do đường sá không được mở rộng…Nhưng có lẽ cũng không nhiều người nghĩ rằng, chính việc thiếu tầm nhìn trong quy hoạch phát triển hạ tầng, yếu kém trong phát triển giao thông công cộng đã đẩy giao thông tại các đô thị lớn vào thực trạng hiện nay”, TS Nguyễn Đức Cần chia sẻ.

leftcenterrightdel

KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam. Ảnh: Lê Sáng.

Là người có chuyên môn về quy hoạch đô thị và rất am hiểu Hà Nội, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội nhìn nhận, nhiều nước đã thực hiện thu phí vào nội đô; TP Hà Nội cũng nêu ra vấn đề này từ khá nhiều năm trước. Song, cái khó của Hà Nội là đang tồn tại “mạng lưới giao thông kết hợp”, vừa là mạng lưới ô bàn cờ, vừa là mạng lưới vành đai và trục xuyên tâm… KTS Đào Ngọc Nghiêm đánh giá đề xuất thu phí xe vào nội đô lúc này là chưa thích hợp vì chưa thể “lọc sạch” được ô tô vào nội đô. Vấn đề là phải xem xét lại cách tổ chức giao thông hiện nay để bảo đảm phù hợp với thực tiễn.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia giao thông đều thống nhất cho rằng, thu phí ô tô vào nội đô có thể coi là một trong các giải pháp giảm ùn tắc căng thẳng hiện nay của Hà Nội khi lượng xe tăng quá nhanh trong khi hạ tầng không theo kịp. Song để giải pháp này phát huy hiệu quả, trước hết TP Hà Nội cần tập trung vào hai vấn đề: Phát triển hạ tầng giao thông và nâng cao năng lực phục vụ của các phương tiện giao thông công cộng.

Thực tiễn, hạ tầng giao thông luôn giữ vai trò trọng yếu và là huyết mạch của đô thị. Tình trạng ùn tắc giao thông tại nhiều khu vực nội đô của Hà Nội cũng xuất phát từ những tồn tại, bất cập về hạ tầng giao thông hay hạ tầng giao thông phát triển không theo kịp sự gia tăng của số lượng phương tiện giao thông. Vì thế, tiếp tục đẩy mạnh phát triển đồng bộ, hiện đại hóa hạ tầng giao thông đô thị sẽ là giải pháp quan trọng để giảm thiểu ùn tắc giao thông.

Đồng thời, cần tăng cường mở rộng, nâng cao năng lực phục vụ của các phương tiện giao thông công cộng. Đến nay, Hà Nội mới chỉ có một vài tuyến đường sắt đô thị, metro nhưng lại thiếu tính kết nối; trong khi mạng lưới xe buýt vẫn chưa đáp ứng đủ số lượng để có thể hạn chế phương tiện cá nhân. Mặt khác, người dân thường lựa chọn phương tiện cá nhân dù chi phí cao hơn là đi xe buýt bởi không phải ra bến lúc nào cũng có xe, không chủ động được công việc của mình. Chưa kể xe buýt ở Hà Nội nhiều tuyến cũ, nhân viên phục vụ chưa thân thiện… Do vậy, TP Hà Nội cần đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông công cộng, các tuyến metro chậm tiến độ để người dân có phương tiện công cộng đi lại. Nếu vận tải công cộng phục vụ tốt nhu cầu của người dân thì không cần thu phí vào nội đô, người dân cũng sẽ lựa chọn các loại phương tiện công cộng thay vì sử dụng phương tiện cá nhân.

Rõ ràng, thu phí có thể là giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân đi vào khu vực nội đô, góp phần giảm ùn tắc giao thông, nhưng thu phí thôi thì chưa đủ. Như đã nói, vấn đề quan trọng hiện nay đó là TP Hà Nội cần quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng giao thông và nâng cao năng lực phục vụ của các phương tiện giao thông công cộng. Nói cách khác, thay vì "bắt", cơ quan chức năng nên để người dân thực hiện quyền lựa chọn loại phương tiện giao thông phù hợp trên cơ sở sự phát triển đồng bộ của mạng lưới, hệ thống phương tiện công cộng. Đó là giải pháp lâu dài để giải quyết có hiệu quả tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực nội đô của Hà Nội hiện nay./.

Thùy Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực