Nói "bán bà con xa, mua làng giềng gần" là ý nói "bà con có cùng huyết thống", còn nói "bà con chòm xóm" thì cũng có thể không có cùng huyết thống, họ hàng với nhau. Hổng biết có đất nước nào có được hai chữ đầy thân thương, trìu mến như mình vậy không nữa?
Đã là "bà con" thì phải coi nhau như ruột rà, thân thuộc. Đã là ruột rà, thân thuộc thì phải đối đãi, ứng xử với nhau "đầy tình đầy nghĩa như bát nước đầy". Đã là "bà con" thì đến với nhau đâu phải một ngày một bữa mà gắn bó với nhau lâu dài. Đã là "bà con" thì khi có chuyện vui thì chung niềm vui, lúc buồn thì chia nhau nỗi buồn.
Đã là "bà con" thì do bộn bề công việc có thể không gặp nhau được nhưng lúc nào cũng nhớ về nhau.
Lãnh đạo mà nói "xuống dân" chính là về với bà con của mình. Vậy thì đâu phải đợi đến khi có việc trọng đại, chủ trương cần vận động, những dịp kỷ niệm ngày này ngày nọ mới về, mà về với nhau ngay trong những ngày thường với những việc thật đời thường. Có bao nhiêu là chuyện đời thường có thể san sẻ với bà con.
Chuyện làm ăn sinh kế, chuyện mùa màng, chuyện học hành của con cháu, chuyện ốm đau bệnh tật của người già và còn biết bao chuyện đời khác nữa. Những chuyến viếng thăm có thể huy động sự hỗ trợ kịp thời của xóm giềng, của cộng đồng, của các lực lượng ở địa phương. Những lần gặp gỡ sẽ chuyển tải đường lối, chủ trương bằng lời lẽ dung dị nhất để bà con nhận ra. Những buổi tiếp xúc, lãnh đạo có dịp nhắc nhở về tệ nạn xã hội, bà con cần tránh, những điều bà con phải cảnh giác. Những lần thăm hỏi, lãnh đạo sẽ khơi gợi tinh thần chăm chỉ, tự lực, hợp tác cho bà con.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp về với bà con trồng quýt hồng
ở huyện Lai Vung (Ảnh: K.V).
Bằng tâm tình của người lãnh đạo có thể giúp bà con hoá giải những hiềm khích trong xóm làng, không để "cái sẩy nảy cái ung". Ai đó nói rằng, công việc lớn nhất của người lãnh đạo là "truyền cảm hứng" cho mọi người, cho xã hội mà!
Mà đâu chỉ là người lãnh đạo, cả hệ thống cũng về với bà con mình. Đâu cần phông màn, cờ xí, mà hãy đến tận ngõ, vào tận nhà, như con như cháu, như anh như em về lại với gia đình mình, bà con của mình. Một bàn nước ở hàng ba, ở hiên nhà là quây quần bên nhau được rồi. Không quan cách địa vị, không khuôn sáo hình thức. Tình thân kết nối tình thân, tình thương lan toả tình thương, cái tâm mang lại cái tình. Ra về là mang về tâm tư tình cảm của bà con để thấy rõ hơn trách nhiệm của mình và nghĩ ngay đến những việc cần làm.
Quê mình đang cơ cấu lại ngành Nông nghiệp với hai trụ cột là doanh nghiệp và nông dân. Doanh nghiệp chắc là rất mong muốn liên kết bền chặt với bà con nông dân. Vậy, doanh nghiệp cũng ứng xử làm sao đúng với hai tiếng "bà con".
Đã là "bà con" thì đâu phải đợi đến lúc mùa vụ mới về bàn chuyện bán chuyện mua, khi bình thường cũng về với nhau được mà. Về để quan tâm cuộc sống của bà con mình. Một món quà nhỏ, một hộp thuốc, một gói trà, vài cuốn tập, sách vở... cũng làm ấm lòng "bà con" mình rồi. Của cho không bằng cách cho, chỗ cho, thời gian cho. Rồi "lúc hiếu, lúc hỉ" cũng đến với nhau. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đôi khi thật đời thường nhưng làm nên văn hoá doanh nghiệp, thương hiệu cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp về với bà con không chỉ để thăm viếng, trao một món quà, mà còn cùng với bà con bàn chuyện liên kết lâu dài.
Đừng trách bà con không biết sản xuất theo yêu cầu của thị trường, mà doanh nghiệp cần làm sao đưa thị trường về với bà con. Đừng trách bà con sao không sản xuất sạch, chất lượng cao, mà doanh nghiệp cần hỗ trợ bà con một quy trình sản xuất sạch, giảm chi phí, giúp bà con nhận ra đâu là những điều thị trường không chấp nhận. Đừng trách bà con "bội tín" mà phải biết cách thuyết phục lợi ích của việc hợp tác lâu dài, trong đó, doanh nghiệp cũng sẽ có trách nhiệm chia sẻ rủi ro cho bà con khi dịch bệnh, thiên tai. "Cho đi thì sẽ nhận lại" mà!
Liên kết bền vững là mong muốn của cả doanh nghiệp và bà con nông dân. Không có liên kết bền vững thì nông nghiệp xứ mình vẫn tiếp tục thắc thỏm qua từng mùa vụ.
Ai cũng thấy cái lợi của câu chuyện liên kết nhưng vì sao mối liên kết chưa bền chặt? Có phải do thiếu lòng tin và niềm tin ở cả hai bên? Có phải do cả hai bên chỉ nghĩ liên kết ngắn hạn, doanh nghiệp thì "tư duy thương vụ", bà con nông dân thì "tư duy mùa vụ"? Như vậy, phải chăng giờ là lúc xây dựng lòng tin, nâng dần niềm tin giữa hai chủ thể quan trọng nhất trong phát triển nông nghiệp xứ mình. Muốn vậy, doanh nghiệp nên ứng xử với nông dân đúng với hai chữ "bà con" nghen!
Thương lắm hai tiếng “bà con”!