Sinh viên chen nhau xếp hàng đăng ký thi TOEIC ở Thành phố Hồ Chí Minh.
(Nguồn: laodong.vn)
Làn sóng chen nhau đi thi TOEIC hiện nay bắt đầu từ việc không ít trường đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu sinh viên phải có chứng chỉ tiếng Anh TOEIC mới được xét tốt nghiệp. Nhu cầu đột ngột tăng cao, trong khi ở Thành phố Hồ Chí Minh chỉ có một cơ sở là đại diện chính thức được tổ chức thi TOEIC theo chuẩn quốc tế tại Việt Nam, nên dẫn đến quá tải là tất yếu.
Đòi hỏi sinh viên tốt nghiệp đại học có trình độ ngoại ngữ cao là rất đúng và cần thiết. Đó là điều kiện để các sinh viên ra trường tìm được việc làm, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nền kinh tế hội nhập hiện nay. Chắc chắn, tiêu chuẩn ngoại ngữ chỉ có thể ngày càng cao chứ không hạ thấp.
Vấn đề đặt ra là thực hiện để đạt được tiêu chí đó như thế nào, để phù hợp điều kiện thực tế, không duy ý chí và đúng quy định. Điều 27 Quyết định số 43/2007 ngày 15/8/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về điều kiện xét tốt nghiệp và công nhận tốt nghiệp gồm: Không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc không đang trong thời gian bị kỷ luật ở mức đình chỉ học tập; Tích lũy đủ số học phần quy định cho chương trình đào tạo; Điểm trung bình chung tích lũy của toàn khóa học đạt từ 2,00 trở lên; Thỏa mãn một số yêu cầu về kết quả học tập đối với nhóm học phần thuộc ngành đào tạo chính do Hiệu trưởng quy định; Có chứng chỉ giáo dục quốc phòng và giáo dục thể chất đối với các ngành đào tạo không chuyên về quân sự và thể dục - thể thao. Quy định này không quy định sinh viên phải có thêm chứng chỉ ngoại ngữ TOEIC mới được xét tốt nghiệp.
Như vậy, đặt ra quy định có chứng chỉ ngoại ngữ TOEIC mới được xét tốt nghiệp là của riêng một số trường, chưa đúng với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hơn nữa, việc các trường đưa ra chuẩn đầu ra như vậy nhưng lại không đưa yêu cầu này vào chương trình giảng dạy trong nhà trường để đào tạo sinh viên đủ điều kiện ra trường. Đó là việc làm chưa công bằng, chưa minh bạch đối với các sinh viên.
Khi sinh viên vào trường, đóng tiền học phí là một hợp đồng đã được giao kết, nhà trường có nghĩa vụ giảng dạy theo chương trình nhà trường đề ra, các sinh viên có nghĩa vụ học tập, thi cử, đạt điểm theo quy định của trường và quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo là được tốt nghiệp. Nay đặt thêm quy định mới, đòi hỏi chứng chỉ ngoài nội dung giảng dạy của nhà trường là làm khó sinh viên, có dấu hiệu vi phạm với những cam kết đối với sinh viên.
Có lẽ nhà trường chỉ nên khuyến khích sinh viên đạt được trình độ ngoại ngữ cao mà không coi đó là điều kiện bắt buộc để xét tốt nghiệp. Việc còn lại, sau khi tốt nghiệp sẽ do trị trường lao động điều chỉnh. Mỗi ngành nghề, mỗi vị trí làm việc cần một trình độ ngoại ngữ khác nhau, buộc người lao động muốn đáp ứng được yêu cầu cao thì phải tiếp tục nâng cao trình độ của mình.
Do đặt ra yêu cầu có chứng chỉ TOEIC một cách cào bằng như vậy dẫn đến nhiều sinh viên bị thua thiệt khi đăng ký học ở những cơ sở không đạt chuẩn, có sinh viên chủ động gian dối, dùng chứng chỉ ngoại ngữ giả mạo.
Cũng liên quan đến yêu cầu ngoại ngữ, vụ nộp tiền chống trượt tại một cơ sở đào tạo ở Hà Nội vừa bị báo chí lên tiếng cho thấy, việc học và thi ngoại ngữ chưa thực chất, khiến không ít người học, không ít cơ sở đào tạo phải gian dối, trục lợi. Làm sao để nâng cao trình độ ngoại ngữ một cách thực chất là vấn đề nan giải, nhưng không khó đến mức phải “bó tay”, buông xuôi!