Trấn áp các loại tội phạm dịp cuối năm: Trách nhiệm không của riêng ai

Thứ năm, 22/12/2022 11:06
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Cuối năm là thời điểm tình hình an ninh trật tự luôn diễn biến phức tạp, hoạt động của các loại tội phạm gia tăng cả về số vụ lẫn tính chất, mức độ phạm tội. Nhằm đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, các địa phương đã xây dựng kế hoạch, biện pháp đấu tranh phòng ngừa, tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ nhất là tại các điểm nóng.

 

 

 Công an TP Hà Nội ra quân đảm bảo an ninh trật tự dịp Tết Nguyên đán 2023 (Nguồn: Báo Công an Nhân dân)

Những năm qua, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật ở nước ta tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực trong bối cảnh tình hình còn nhiều diễn biến khó khăn, phức tạp. Phát biểu tại cuộc họp của UBTVQH gần đây, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã nhấn mạnh, dù Quốc hội chưa giao nhưng liên tục nhiều năm Bộ Công an đều vượt chỉ tiêu giảm 5% tội phạm, và chỉ tiêu này rất quan trọng, vì mục tiêu của chúng ta là xây dựng xã hội lành mạnh, an toàn, kỷ cương, để mọi người dân được sống trong khuôn khổ pháp luật, hoà bình, ổn định, có cuộc sống hạnh phúc.

Tuy nhiên, Bộ Công an cũng nhận định tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông tiếp tục diễn biến ngày càng phức tạp với phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, tinh vi hơn. Nổi lên là tổ chức đánh bạc, cá độ bóng đá qua mạng internet; tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng internet; tình trạng phát tán tin nhắn rác để quảng cáo hoạt động cờ bạc, mại dâm...; mua bán văn bằng, chứng chỉ giả; giả danh cơ quan bảo vệ pháp luật đe dọa, yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản rồi chiếm đoạt.

Đặc biệt, xác định những tháng cuối năm, hoạt động tội phạm sẽ diễn ra phức tạp hơn, với mục tiêu cao nhất là đảm bảo an ninh, trật tự vì sự an toàn của người dân, ngay từ giữa tháng 11/2022, Bộ Công an đã yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp, nắm chắc từ sớm, từ xa, từ cơ sở; chủ động phân tích, dự báo tình hình, đối tượng và những vấn đề liên quan đến an ninh trật tự (ANTT)…; kịp thời triển khai các biện pháp, đối sách phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả, góp phần giữ vững ANTT, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm ANTT; tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao cảnh giác, tích cực tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tố giác tội phạm.

Bộ Công an cũng yêu cầu đẩy mạnh tấn công trấn áp các loại tội phạm; tập trung trấn áp mạnh tội phạm có tổ chức, tội phạm liên quan đến tín dụng đen, tội phạm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ gây án, tội phạm cướp, cướp giật, cưỡng đoạt, trộm cắp, lừa đảo…; tội phạm và vi phạm pháp luật về cờ bạc, cá độ; đấu tranh triệt phá các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn, xuyên quốc gia, các tụ điểm sản xuất, mua bán, tổ chức, sử dụng ma túy trong nước; tăng cường phát hiện, đấu tranh với tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm….

Triển khai chỉ đạo trên, Công an các đơn vị, địa phương đã triển khai lực lượng, đồng loạt ra quân thực hiện cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm ANTT trên phạm vi toàn quốc. Trong đó, tại các thành phố lớn, công tác này càng được chú trọng và được xác định là nhiệm vụ hàng đầu.

Tại Hà Nội, để đảm bảo an ninh trật tự những tháng còn lại của năm 2022, Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm túc kế hoạch của Bộ Công an về tổ chức các đợt cao điểm tấn công, trấn áp và truy nã tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự. Tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác nắm địa bàn, giải quyết tình hình an ninh trật tự ngay từ cơ sở; Đẩy mạnh xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” và xây dựng lực lượng Công an phường, bảo vệ dân phố, cơ quan, doanh nghiệp vững mạnh để phục vụ có hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trên địa bàn.

Với mục tiêu lấy phòng ngừa là chính, Công an Thành phố đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, lực lượng công an các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành nghiêm quy định của pháp luật; Phổ biến, giáo dục để người dân nhận biết những âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm nhằm nâng cao cảnh giác, nhất là tội phạm trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hành vi đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng…Đồng thời, tăng cường sự tham gia phòng chống, tố giác tội phạm của người dân để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn dịp cuối năm.

Là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội lớn của cả nước, TP Hồ Chí Minh cũng là địa phương có tình hình tội phạm hết sức phức tạp. Xác định trong dịp cuối năm, lễ Noel năm 2022, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão và các Lễ hội đầu xuân 2023 là những thời điểm các loại tội phạm hoạt động mạnh, Thành phố đã xây dựng những kế hoạch cụ thể để chủ động kịp thời trấn áp. Thành phố xác định rõ phương châm phòng, chống tội phạm là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị trong đó lực lượng công an là nòng cốt, Công an Thành phố đã huy động tổng lực tấn công trong 3 tháng, phối hợp các tỉnh giáp ranh, đảm bảo an toàn, giữ bình yên cho người dân vui Tết.

  Trung đoàn Cảnh sát Cơ động Đông Nam TP Hồ Chí Minh ra quân trấn áp tội phạm, bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn (ảnh: Báo Người lao động)

Về giải pháp đấu tranh phòng chống tội phạm trong thời gian tới, Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh - Thiếu tướng Lê Hồng Nam cho hay, lực lượng sẽ thông qua việc khai thác thông tin từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dữ liệu trung tâm thông tin của công an Thành phố… cùng nhiều biện pháp nghiệp vụ để rà soát, cập nhật danh sách và triển khai các biện pháp quản lý, kiểm soát chặt chẽ các biến động của các đối tượng. Trong đó sẽ lưu ý những người bị truy nã, người có tiền án, tiền sự, người đang chấp hành án tại cộng đồng, người nghiện ma túy…Tổ chức đánh giá, rà soát, lập danh sách các tuyến địa bàn, khu vực trọng điểm, phức tạp về kinh tế, ma túy… để triển khai một số chuyên đề chuyên sâu trong công tác phòng, chống tội phạm. Qua đó đề ra các giải pháp, biện pháp phòng ngừa, đấu tranh phù hợp với tình hình thực tế tại địa bàn cũng như giao trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị, địa phương.

Cùng đó là tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự tại các bến xe, nhà xe, cảng hàng không…; tăng cường kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân hoạt động tín dụng đen dưới các phương thức khủng bố, thu hồi nợ trái pháp luật…; Tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh ngành nghề có điều kiện về an ninh trật tự để chủ động phát hiện, ngăn chặn, không để cho các đối tượng có điều kiện hoạt động phạm tội cũng như tái hoạt động phạm tội.

"Ở đâu để tội phạm lộng hành thì người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền nơi đó phải chịu trách nhiệm. Lực lượng công an phải có trách nhiệm tham mưu cho các cấp, chính quyền trong công tác phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật", Thiếu tướng Lê Hồng Nam nhấn mạnh.

Đồng thời, người đứng đầu Công an TP Hồ Chí Minh cũng thường xuyên nhắc nhở lực lượng, cho biết sẽ xử lý nghiêm các trường hợp thiếu trách nhiệm, né tránh, làm ngơ, hoặc "bảo kê" tiếp tay cho tội phạm.

Tình hình tội phạm phức tạp trong dịp cuối năm không chỉ xuất hiện ở các thành phố lớn, mà còn diễn ra tại các địa phương trong cả nước. Hiện, các tỉnh, thành cũng đã tổ chức các đợt ra quân, tập trung trấn áp các loại tội phạm đồng thời xây dựng các phương án chủ động cho từng địa bàn cụ thể phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Đối với năm 2023, Bộ Công an đánh giá diễn biến tình hình tội phạm tiếp tục phức tạp với nhiều thủ đoạn đa dạng, tính chất, mức độ nghiêm trọng hơn..., đặt ra thách thức với công tác phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm áp lực rất lớn. Bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật để đảm bảo đưa công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật đi vào nề nếp, chúng ta cũng cần xây dựng cơ chế bảo vệ lực lượng chức năng, những người thi hành pháp luật và người dân tham gia tố giác tội phạm. Đồng thời, xem xét bảo đảm kinh phí cũng như các điều kiện để phục vụ tốt nhất cho công tác phòng chống tội phạm. Cùng với việc tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về công tác phòng, chống tội phạm, kịp thời khen thưởng, biểu dương những gương điển hình thì cần có chế tài đủ mạnh đối với những hành vi vi phạm để đảm bảo đủ sức răn đe. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đặc biệt là sự góp sức của Nhân dân, chúng ta tin tưởng, công tác phòng chống tội phạm sẽ ngày càng đạt được những kết quả tốt đẹp, đảm bảo sự bình yên cho Nhân dân và góp phần quan trọng vào sự phát triển thịnh vượng của đất nước./.

V.Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực