|
Máy bay đón và trả khách tại Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài, Thừa Thiên Huế (Ảnh: TTXVN) |
Theo báo cáo mới đây của Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), từ đầu năm 2024 đến nay, giá vé trung bình hạng phổ thông trên một số đường bay (giá đã bao gồm thuế, phí) của các hãng hàng không Việt Nam đều tăng so với cùng kỳ năm 2023.
Cụ thể, đối với đường bay Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh, giá vé trung bình của Vietnam Airlines (VN) khoảng 2,64 triệu đồng (tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023), Vietjet Air (VJ) khoảng 1,74 triệu đồng (tăng 25%), Bamboo Airways (QH) khoảng 2 triệu đồng (tăng 11%) và Vietravel Airlines (VU) khoảng 1,5 triệu đồng (tăng 15%).
Đối với đường bay từ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đi Đà Nẵng, giá vé trung bình của VN khoảng 1,8 triệu đồng/đường bay (tăng từ 17% - 26%), VJ khoảng 1,3 - 1,5 triệu đồng/đường bay (tăng từ 32% - 38%), QH khoảng 1,3 - 1,6 triệu đồng/đường bay (tăng từ 13% - 29%) và VU khoảng 1,1 - 1,4 triệu đồng/đường bay (tăng từ 14% - 20%).
Đối với đường bay từ Hà Nội - Phú Quốc, giá vé trung bình của VN khoảng 2,7 triệu đồng (tăng 13,8%), VJ xấp xỉ 1,8 triệu đồng (tăng 49,6%). Đối với đường bay từ Hà Nội -Nha Trang, giá vé trung bình của VN khoảng 2 triệu đồng (tăng 7%), VJ khoảng 1,55 triệu đồng (tăng 39%), QH khoảng 1,45 triệu đồng (tăng từ 3%).
Trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không tăng cao, ngoài số hành khách đặt sớm có thể mua được vé máy bay ở dải giá thấp, số còn lại đặt muộn, sát ngày bay thì phải trả tiền mua cao hơn.
Khảo sát trên một số ứng dụng đặt vé máy bay cho thấy, cùng gần một độ dài đường bay nhưng giá vé nội địa luôn cao hơn so với một số nước trong khu vực. Cụ thể, so sánh chuyến bay từ Bangkok đến Chiang Mai, Thái Lan (có độ dài đường bay khoảng 700km) và từ Hà Nội – Đà Nẵng (độ dài đường bay 766km) ngày 27/5 nhưng cho thấy sự chênh lệch rõ rệt về giá vé, trong đó, giá vé của máy bay của Việt Nam gấp 2-3 lần so với giá vé của các hãng hàng không Thái Lan. Cụ thể, các hãng bay của Thái Lan đi Bangkok đến Chiang Mai ở giờ bay 5h10 ở mức giá 892.000 đồng; giờ bay 6h với giá 877.000 đồng; giờ bay11h30 có giá 860.000 đồng; khung giờ 22h20 ở mức giá 877.000 đồng.
Trong khi đó, đối với chặng bay Hà Nội – Đã Nẵng, giá vé máy bay của Vietjet Air ở khung giờ 5h30 1.711.000 đồng, 6h25 với mức giá 1.991.000 đồng. Với khung giờ bay 11h35 của Vietjet Air ở mức giá 2.373.000 đồng, hãng Vietnam Airline ở khung giờ bay 21h55 ở mức giá 2.344.000 đồng,…
Tương tự, so sánh chặng bay Hà Nội - Hồng Kông ngày 27/5, cùng một khung giờ bay 19h05, tuy nhiên, Vietnam Airline có mức giá 5.179.000 đồng, trong khi đó, hãng Cathay Pacific có mức giá 3.574.000 đồng.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến giá vé máy bay tăng cao, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, tỷ lệ thuế, phí trong giá vé máy bay được thu theo quy định và chiếm rất ít. Tỷ trọng cao hơn nằm trong phí dịch vụ như phí đỗ máy bay, sân bay... của ngành giao thông.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Bộ Tài chính chỉ thu thuế VAT 8-10%, thuế thu nhập doanh nghiệp với các hãng hàng không. Những khoản này chiếm tỷ lệ ít trong giá vé máy bay. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, cần hiểu các loại phí chiếm tỷ trọng cao trong giá vé là phí dịch vụ như phí đỗ máy bay, sân bay... do ngành giao thông quản lý.
Tuy nhiên, phản hồi lại ý kiến này của Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, giá vé máy bay cao không phải do giá dịch vụ hàng không cao. Theo đại diện Cục Hàng không Việt Nam, cơ cấu chi phí 1 chuyến bay gồm 4 yếu tố. Thứ nhất, nhiên liệu hàng không (37 - 42%). Trong đó, chi phí thuế do Bộ Tài chính quy định chiếm tỷ trọng từ 7,7 - 8,7% tổng chi phí một chuyến bay.
Thứ hai, chi phí thuê mua tàu bay, sửa chữa bảo dưỡng tàu bay chiếm 32 - 41%. Thứ ba, chi phí phục vụ chuyến bay chiếm 6 - 7%, bao gồm cả các dịch vụ do Bộ Giao thông Vận tải định giá và các dịch vụ do doanh nghiệp quyết định. Thứ 4 là chi phí bán hàng, quản lý, chi phí khác (16 - 19%)… do doanh nghiệp quản trị. Do đó, phần chi phí dịch vụ do Bộ Giao thông vận tải định giá tác động không lớn.
Trên thực tế, hiện nay, ở mỗi chuyến bay, các hãng hàng không đang phải “gánh” tới hơn 20 loại phí. Theo Thông tư số 53/2019/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải, các hãng hàng không phải chịu tới 16 loại phí do Nhà nước quy định. Trong số này gồm có 5 loại dịch vụ do Nhà nước quy định mức giá, 8 loại dịch vụ do Nhà nước quy định khung giá và 3 loại dịch vụ phi hàng không do Nhà nước quy định khung giá.
Các hãng hàng không phải nộp các loại phí này cho các cơ quan quản lý nhà nước gồm Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam và các cảng vụ hàng không.
Ngoài ra, hãng bay phải nộp những khoản phí dịch vụ hàng không khác cho các cảng hàng không như các loại phí: Thuê quầy bán vé giờ chót; thuê quầy hành lý thất lạc; thuê phòng tác nghiệp, phòng nghỉ, trực ca cho nhân viên; thuê phòng máy của hãng; thuê kho;…Việc “gánh” hơn 20 loại phí trên thực sự là quá nhiều cho các hãng hàng không, gây áp lực lên giá vé máy bay.
Cùng với các lý do trên, ông Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, chi phí bảo trì, bảo dưỡng máy bay cao, đồng thời, ngành hàng không Việt Nam đang thiếu tính cạnh tranh là những nguyên nhân dẫn đến giá vé máy bay cao.
Thực tế, ngành hàng không Việt Nam chủ yếu do 4 hãng gồm: Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways và Vietravel Airlines cung cấp dịch vụ các chuyến bay, trong đó, thị phần ở nhóm phân khúc giá cao thuộc Vietnam Airline, phân khúc giá rẻ thuộc về Vietjet Air. Do đó, việc có ít các hãng hàng không tham gia cung cấp dịch vụ bay dẫn tới sự thiếu cạnh tranh của hàng không Việt Nam, để người dân có cơ hội được hưởng những mức giá vé lợi thế đến từ sự cạnh tranh của các hãng với nhau. Nếu nhìn điều này sang một số nước, ví dụ như Thái Lan, có tới 8-12 hãng hàng không hoạt động, do vậy, tính cạnh tranh giữa các hãng hàng không rất khốc liệt, người tiêu dùng sẽ được hưởng nhiều lợi thế về giá vé, chất lượng các dịch vụ bay,…
Theo các chuyên gia hàng không, khi thị trường nội địa gần như nằm trong tay của hai hãng Vietnam Airlines và Vietjet, không tránh khỏi lo ngại nhìn nhau điều chỉnh giá vé, triệt tiêu tính cạnh tranh.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, việc thiếu sự hợp tác giữa hàng không và du lịch cũng là nguyên nhân dẫn đến giá vé máy bay tăng cao. Theo các chuyên gia, hợp tác giữa ngành hàng không và du lịch vẫn mạnh ai nấy làm, lợi ai người ấy hưởng, không chia sẻ rủi ro.
Để hạ nhiệt giá vé máy bay, cần xem xét giảm thuế nhập khẩu xăng dầu để các hãng hàng không giảm chi phí. Đồng thời, với Thông tư 53 cho thấy, cùng một số phí khác giá vé máy bay đang phải “gánh” tới hơn 20 loại phí – một con số quá lớn. Vì vậy, Nhà nước cần xem xét loại bỏ hoặc giảm bớt các loại phí không cần thiết để hạ nhiệt giá vé máy bay.
Ngoài ra, do chi phí liên quan đến gốc ngoại tệ chiếm khoảng 80% chi phí của một chuyến bay. Vì vậy, các cơ quan chức năng cũng cần có các biện pháp điều hành tỷ giá phù hợp.
Đáng chú ý, theo các chuyên gia, ngành du lịch và hàng không cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa để đưa ra các sản phẩm khuyến mãi, giúp giảm giá vé máy bay. Về lâu dài, Việt Nam cũng cần đầu tư trung tâm bảo dưỡng máy bay, hạ chi phí dịch vụ lĩnh vực này. Đặc biệt, cần thêm những chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư vào ngành hàng không để tăng tính cạnh tranh.
Thực tế, giá vé máy bay nội địa ở trong nước ở mức cao đang ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu đi lại của người dân, kéo theo ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành du lịch và khách sạn, qua đó, ảnh hưởng trực tiếp đến công ăn việc làm của hàng triệu người. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn tới giảm nguồn thu của ngành du lịch, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế của các địa phương, nhất là các địa phương có lợi thế về du lịch.
Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, người tiêu dùng vẫn đang thắt chặt chi tiêu thì việc giảm giá vé máy bay hiện nay đang là mong mỏi của người dân. Đồng thời, đây còn là điều kiện cần thiết để kích cầu, phát triển du lịch. Nếu như chúng ta không giải quyết được bước hạ giá vé máy bay, sẽ kéo theo nhiều hệ lụy đến sự phát triển chung của kinh tế - xã hội.
Tại Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 21/4/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải khẩn trương nghiên cứu, kịp thời có giải pháp, chính sách hỗ trợ phù hợp doanh nghiệp hàng không duy trì đường bay, số máy bay thương mại, hạn chế ảnh hưởng đến giá vé, việc di chuyển của người dân và phát triển du lịch trong nước, nhất là trong giai đoạn cao điểm du lịch hè.
Người dân vẫn đang chờ đợi hành động của các cơ quan chức năng trong thời gian tới!