Vì sao người chăn nuôi gia cầm trong nước đang thua lỗ?

Thứ bảy, 29/04/2023 16:23
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Giá bán sản phẩm thấp hơn giá thành sản xuất đang trở thành nguyên nhân chính dẫn đến số hộ chăn nuôi gia cầm giảm mạnh trong vài năm gần đây. Do đó, đây là giai đoạn ngành chăn nuôi gia cầm cần nghiên cứu các giải pháp để giúp người chăn nuôi vượt qua thời điểm khó khăn này.
 Trong vài năm trở lại đây người chăn nuôi gia cầm nước ta đang phải bán giá sản phẩm dưới giá thành sản xuất (Ảnh minh họa: B.T)

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm vừa qua, nhìn chung, tổng đàn gia cầm nói chung và đàn gà, đàn thủy cầm có xu hướng tăng. Tuy nhiên, một thực tế hiện nay, đó là, trong vài năm gần đây, người chăn nuôi phải bán giá sản phẩm gia cầm dưới giá thành sản xuất. Điều này thể hiện rõ nhất trong năm 2022, đặc biệt ở quý 4/2022 và quý I/2023, dẫn đến người chăn nuôi đang bị thua lỗ nặng. 

Theo số liệu của Cục Chăn nuôi, các tháng đầu năm 2023, giá gà trắng trên cả nước dao động từ 17-35.000 đồng/kg thịt hơi. Giá bình quân gà trắng từ đầu năm 2023 đến nay là 25.600 đồng/kg.  Trong khi đó, thực tế, mức bình quân giá thành sản xuất thường rơi vào khoảng 29 nghìn đồng/kg. 

Đồng thời, giá gà thịt lông màu nuôi công nghiệp trong các tháng đầu năm có nhiều biến động theo xu hướng giảm. Trong tháng 1/2023, giá duy trì 39-43 nghìn đồng/kg, đến tháng 2 giảm xuống còn 33 nghìn đồng/kg và tăng lên 38 nghìn đồng/kg trong tháng 3. Sau đó, giảm còn 26 nghìn – 32 nghìn đồng/kg trong tháng 4.

Lý giải nguyên nhân của việc giá bán sản phẩm gia cầm dưới giá thành sản xuất, ông Tống Xuân Chinh – Cục phó Cục Chăn nuôi cho rằng, đó là do nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng rất cao do các vấn đề về xung đột của các nước, tác động của COVID-19, vấn đề bảo hộ sản xuất trong nước của một số quốc gia,…Những điều này đã đẩy giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng lên.

Thứ nữa là do sức sản xuất trong nước của nước ta hiện nay rất lớn. Năm 2022, chúng ta nhập khẩu 3,4 triệu con gia cầm giống ông bà, với tỷ lệ nhân giống cao nên đàn gia cầm tăng nhanh về đầu con và sản phẩm. Trong đó với sản phẩm gia cầm, sản lượng thịt hơi gia cầm trong giai đoạn 2018-2022 tăng bình quân hàng năm 17,63%, đối với gà trên 18%. Trong khi đó, sức tiêu dùng của 100 triệu dân ở trong nước có hạn do các bếp ăn tập thể, du lịch,…giảm xuống, khó khăn về việc làm ảnh hưởng đến thu nhập của người dân nên sức tiêu dùng hạn chế, dẫn đến cung lớn hơn cầu, kéo giá sản phẩm xuống.

Ngoài ra, thực tế, hiện nay, sản xuất của người dân đang chịu áp lực cạnh tranh của sản phẩm gia cầm nhập khẩu khi trong 5 năm gần đây, riêng sản lượng thịt gà nhập khẩu hàng năm tăng liên tục (trên 15%), chiếm 20-25% tổng sản lượng thịt gà tiêu thụ trong nước. Bên cạnh các sản phẩm thịt gà nhập khảu chính ngạch, hàng năm, một khối lượng lớn gà sống đẻ loại thải được nhập tiểu ngạch, theo ước tính của các chuyên gia khoảng 200-250 nghìn tấn/năm.

Riêng năm 2022, gà sống nhập khẩu vào Việt Nam dùng để giết mổ 6.603 tấn thịt, tăng 100,8%; thịt gia cầm qua giết mổ nhập khẩu về Việt Nam là 24.662,1 tấn, tăng 9,6% so với năm 2021. 

Điều này gây sức ép rất lớn đến việc tiêu thụ sản phẩm gia cầm, gây khó khăn trong việc bán sản phẩm gia cầm của các doanh nghiệp nội, người chăn nuôi trong nước.

Không chỉ vậy, một thực tế hiện nay, các doanh nghiệp nội và nông hộ chăn nuôi gia cầm của nước ta tiếp tục chịu sức ép cạnh tranh của các doanh nghiệp FDI khi đây là những “ông lớn khổng lồ” vốn có thế mạnh về vốn, quản trị. Khi số lượng nông hộ chăn nuôi giảm mạnh do thua lỗ trong thời gian qua thì các doanh nghiệp FDI vẫn đang mở rộng chăn nuôi tại Việt Nam và hiện đã chiếm áp đảo về sản lượng gà thịt xuất chuồng. Điều này thêm một phần gây sức ép hơn cho doanh nghiệp và người chăn nuôi trong nước khi cạnh tranh với các “ông lớn”.

Chính vì vậy, để giảm giá thành sản xuất, tạo lợi nhuận cho người chăn nuôi gia cầm ở trong nước, giúp người chăn nuôi vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, theo ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, về giải pháp trước mắt, cần phát huy vai trò của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam. Đó là chúng ta tăng cường liên kết, phối hợp trong nội khối của hệ thống chăn nuôi gia cầm. Từ người bán giống, thức ăn chăn nuôi, giết mổ, chế biến, phân phối phải cùng liên kết với nhau theo chuỗi giá trị để thông qua sự liên kết đó đảm bảo đầu vào được giảm xuống, ít nhất trên 10%, sau đó, để đảm bảo ở khâu đầu ra. Theo ông Chinh, đây là yếu tố quan trọng nhất và khả thi nhất có thể thực hiện được ngay lúc này.

Ông Chinh cũng cho rằng, ngoài kiểm soát của Hiệp hội, Bộ NN&PTNT cần chỉ đạo làm sao tăng cường liên kết sản xuất, đặc biệt đối với các tổ, đội, hợp tác xã,…Để làm sao các chuỗi giá trị này phải cùng với các doanh nghiệp dẫn dắt bà con nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn, bán hàng theo tiêu chuẩn, đặc biệt là đảm bảo khâu thu mua sản phẩm cho bà con nông dân. 

Một giải pháp cũng không kém phần quan trọng, đó là theo ông Chinh, chúng ta phải tăng cường kiểm soát sản phẩm gia cầm nhập khẩu để giảm áp lực tiêu thụ sản phẩm gia cầm. Về vấn đề này, ông Chinh cho rằng, tất nhiên, chúng ta phải tuân thủ các quy định của các FTA mà Việt Nam là thành viên đã ký kết, tuy nhiên, chúng ta có điều kiện để xây dựng các hàng rào kỹ thuật, làm sao để chúng ta kiểm soát chặt chẽ sản phẩm gia cầm không đáp ứng được yếu tố về an toàn thực phẩm, có nguy cơ rủi ro về sức khỏe cho con người để chúng ta bảo hộ cho sản xuất. Ngoài ra, là các vấn đề liên quan đến đất đai, thuế,…cần có lộ trình lâu dài để giải quyết những vấn đề này.

Để tăng sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp nội, người chăn nuôi gia cầm trong nước, ông Nguyễn Thanh Sơn – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm cho rằng, Bộ NN&PTNT cần xem xét rà soát lại chiến lược phát triển gia cầm trong trung và dài hạn. Theo đó, định hướng phát triển cần hài hòa giữa phát triển số lượng và chất lượng, coi trọng, nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất hơn là tăng quá nóng về số lượng. Đồng thời, cần hạn chế tăng số lượng và quy mô trang trại tại một số khu vực, vùng sinh thái có mật độ chăn nuôi cao.

Ông Sơn cũng cho rằng, các Bộ, ngành cần rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, đặc biệt rút ngắn thời gian giải quyết các văn bản, tránh làm mất đi cơ hội trong sản xuất kinh doanh đối với doanh nghiệp. Trong đó, trước mắt kiến nghị Bộ NN&PTNT cùng Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét bãi bỏ quy định chứng nhận và công bố hợp quy đối với các sản phẩm thức ăn chăn nuôi đã được phép lưu hành tại Việt Nam. Theo ông Sơn, việc thực hiện quy định công bố hợp quy gây lãng phí thời gian, nhân lực đối với doanh nghiệp do phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính trùng lắp, phức tạp, làm tăng chi phí sản xuất như chi phí kiểm nghiệm, chi phí in lại bao bì, nhãn mác,…trong khi đó đã có các quy định pháp luật khác về kiểm soát chất lượng thức ăn chăn nuôi. Đây là một trong những nguyên nhân làm tăng thêm giá thành thức ăn chăn nuôi trong bối cảnh khăn khăn hiện nay đối với ngành chăn nuôi nước ta.

Bên cạnh đó, ông Bùi Đức Huyên – Giám đốc công ty cổ phần dinh dưỡng Việt Tín cũng cho rằng, để giảm giá thành sản xuất, trong đó có việc giảm giá thức ăn chăn nuôi, chúng ta nên có quy hoạch vùng nguyên liệu để phục vụ cho chăn nuôi, đặc biệt là về ngô. Đồng thời, cần tuyên truyền định hướng cho người tiêu dùng về sử dụng các sản phẩm chăn nuôi có lợi cho sức khỏe, hạn chế nhập khẩu thịt thương phẩm gia cầm. Đặc biêt, cần có chính sách hỗ trợ các chuỗi liên kết, cơ sở giết mổ phù hợp, có kho để bảo quản khi thị trường dư thừa. Ngoài ra là các vấn đề hỗ trợ về nguồn vốn và lãi suất – là những khó khăn mà doanh nghiệp hiện nay đang vướng.

Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc CTCP chăn nuôi C.P Việt Nam cũng cho rằng, về vấn đề thức ăn chăn nuôi, trong đó có chăn nuôi cho gia cầm – yếu tố quan trọng chiếm tỷ lệ cao trong giá thành sản xuất, cần cân nhắc đến việc xây dựng đề án trồng lúa phục vụ riêng cho sản xuất thức ăn chăn nuôi.  Bởi từ lâu nay, chúng ta vẫn đang nghiêng nhiều về nghiên cứu các giống lúa dẻo thơm cho con người, nhưng năng suất chưa cao. Trong khi đó, đối với một số nước trong khu vực đã trồng lúa phục vụ riêng cho chăn nuôi, không đòi hỏi chất lượng cao như con người nhưng năng suất cao.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng cho rằng, để tiếp tục tạo đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi gia cầm trong nước, cần tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm gia cầm. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác đàm phán để mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm thịt, trứng gia cầm chế biến, con giống ngoài thị trường Nhật Bản. Trước mắt cần tiếp tục đàm phán ký kết một số Hiệp định thú y với các nước, vùng lãnh thổ có nhu cầu nhập khẩu sản phẩm gia cầm của nước ta như: Singapore, Malaysia, Banglades, Myanmar,…để mở rộng thị trường xuất khẩu hơn nữa.

Đi cùng với giải pháp này, các cơ quan chức năng cần tích cực hỗ trợ hướng dẫn các doanh nghiệp triển khai thủ tục hành chính, quy định kỹ thuật đối với việc xuất khẩu sản phẩm nhằm rút ngắn thời gian chuẩn bị. Hỗ trợ tích cực hơn để xây dựng nhiều vùng an toàn dịch bệnh, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chí xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi theo quy định của OIE (Tổ chức Thú y thế giới).

Cùng với đó, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cho gia cầm bằng việc phối hợp hợp lý trong khẩu phần. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển mạnh việc áp dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học nhằm sản xuất nhanh các loại hóa chất, chế phẩm sinh học làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi gia cầm, thay thế nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 định hướng, đến năm 2030, duy trì tổng đàn gà có mặt thường xuyên từ 500-550 triệu con, trong đó, khoảng 60% được nuôi theo phương thức công nghiệp; tổng đàn thủy cầm có mặt thường xuyên từ 100-120 triệu con, trong đó, khoảng 40% được nuôi theo phương thức công nghiệp. Sản lượng trứng khoảng 23 tỷ quả, thịt gia cầm chiếm 29-31% tổng sản lượng thịt xẻ các loại,…

Để đạt được các mục tiêu trên, việc tiếp tục nâng cao năng lực, sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp nội, người chăn nuôi trong nước là việc cần thiết để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo sự phát bền vững của ngành chăn nuôi gia cầm.

Do đó, cần đảm bảo được người chăn nuôi có lãi để có điều kiện tái sản xuất. Đây là thời điểm chúng ta cần tiếp tục triển khai các giải pháp để tiếp tục giảm giá thành sản xuất thông qua việc nghiên cứu các giải pháp để chủ động nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thông qua việc quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu phục vụ cho ngành chăn nuôi, trong đó có chăn nuôi gia cầm.

Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu sản phẩm gia cầm để giảm bớt gánh nặng cho người sản xuất gia cầm trong nước ở khâu đầu ra. Đặc biệt là cần chú trọng phát huy lợi thế riêng của chăn nuôi gia cầm trong nước mà các nước không có để tạo ra những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh riêng, đảm bảo được đầu ra của sản phẩm,…

Để tăng sức cạnh tranh cho ngành chăn nuôi gia cầm trong nước chắc chắn sẽ cần có lộ trình lâu dài liên quan đến nhiều vấn đề khác nhau, nhưng trong thời điểm hiện nay chúng ta cần phải tập trung triển khai nhiều giải pháp trước mắt để vực dậy ngành chăn nuôi gia cầm– ngành hàng quan trọng liên quan đến sinh kế của hàng triệu hộ nông dân và góp phần đảm bảo an ninh thực phẩm cho nước ta./.

B.T

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực