Vì sao nhiều lao động trẻ rút bảo hiểm xã hội một lần?

Thứ hai, 17/04/2023 10:59
(ĐCSVN) - Người hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần chủ yếu là lao động trẻ, từ trên 20 tuổi đến đủ 40 tuổi, chiếm khoảng 77,5% trong tổng số người hưởng BHXH một lần.
Ảnh minh họa (Nguồn: HC) 

Người rút BHXH một lần chủ yếu ở 20- 40 tuổi 

Trong báo cáo đánh giá tình hình thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần theo Nghị quyết số 93/2015/QH13, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, trong giai đoạn 2016- 2021, cả nước có 4.058.317 người lao động đề nghị và được giải quyết hưởng BHXH một lần, bình quân mỗi năm có gần 700 nghìn người hưởng BHXH một lần, số lượng năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 11,6%.

Theo phân tích, số lượng người lao động hưởng BHXH một lần trong giai đoạn 2016-2021 tập trung chủ yếu ở đối tượng đóng BHXH do người sử dụng lao động quyết định (ngoài Nhà nước) với tổng số 2.899.200 người, chiếm 90,74% tổng số người hưởng BHXH một lần, sau đó là đối tượng đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định với tổng số 257.002 người, chiếm 8,04% tổng số người hưởng BHXH một lần và thấp nhất là đối tượng tự nguyện với 38.856 người, chiếm 1,22% tổng số người hưởng BHXH một lần. 

Điều đáng lo ngại là những người hưởng BHXH một lần tập trung đông nhất ở nhóm tuổi từ trên 30 đến đủ 40 tuổi (chiếm khoảng 40,4%); tiếp đó nhóm tuổi từ trên 20 đến đủ 30 tuổi đứng thứ hai (chiếm khoảng 37,1%); nhóm tuổi từ trên 40 tuổi đến đủ 50 tuổi đứng thứ 3 (chiếm khoảng 15,4%), nhóm tuổi từ trên 50 tuổi đến đủ 60 tuổi đứng thứ 4 (chiếm khoảng 5,8%), nhóm tuổi từ trên 60 tuổi đứng thứ 5 (chiếm khoảng 1,1%) và thấp nhất là nhóm từ đủ 20 tuổi trở xuống (chiếm khoảng 0,3%).

Nhìn vào những con số trên có thể thấy, người hưởng BHXH một lần chủ yếu là lao động trẻ, từ trên 20 tuổi đến đủ 40 tuổi (chiếm khoảng 77,5% trong tổng số người hưởng BHXH một lần). 

Điều này cũng cho thấy việc hưởng BHXH một lần sớm vẫn có thể tiếp tục gia tăng. Bởi chính ở giai đoạn tuổi trẻ này thì hầu hết lao động quan tâm nhiều đến nhu cầu trước mắt (ngắn hạn) hơn là nhu cầu hưởng lương hưu khi về già (dài hạn), phần nữa cũng do áp lực về tài chính (bắt đầu tự lập, tiếp tục đầu tư học tập nâng cao trình độ nghề, lập gia đình, nuôi con nhỏ...) và sự thay đổi, gián đoạn trong công việc (công việc chưa ổn định, bản thân muốn tìm kiếm cơ hội tốt hơn...) nên số lượng người hưởng BHXH một lần bình quân còn trẻ. 

Bị mất việc làm, đối mặt nhu cầu tài chính trước mắt 

Lí giải nguyên nhân dẫn đến người rút BHXH một lần tăng, theo Bộ LĐ-TB&XH đa số người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, có thu nhập thấp, khả năng tích lũy không nhiều. Khi người lao động bị mất việc làm phải đối mặt với các nhu cầu tài chính trước mắt như cần tiền để chi tiêu sinh hoạt cho gia đình hoặc đầu tư cho con ăn học cho nên nhu cầu tài chính ngắn hạn của người lao động sau khi nghỉ việc rất lớn. 

Bên cạnh đó, có thể thấy nhiều người lao động vẫn coi phần đóng góp BHXH của người sử dụng lao động như một khoản phúc lợi lớn từ việc làm ở khu vực chính thức, mà không coi đó là khoản đóng góp mà nhà nước yêu cầu người sử dụng lao động phải có trách nhiệm trong quá trình người lao động làm việc cho mình để bảo vệ người lao động khi về già, không còn khả năng lao động, không có thu nhập thông qua việc hưởng chế độ hưu trí định kỳ hàng tháng. Do đó, mỗi khi có dịp được hưởng “khoản phúc lợi lớn” này, người lao động thường “tận dụng” ngay. 

Thực tế, qua khảo sát và phỏng vấn trực tiếp nhiều công nhân cho biết, sau khi nghỉ việc, điều đầu tiên là họ nhận trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp để đảm bảo cuộc sống trước mắt, sau đó nghĩ đến việc đi vay đảm bảo cuộc sống, chăm sóc con nhỏ. Giữa việc đi vay và xin nhận BHXH một lần thì họ thường chọn nhận BHXH một lần, nếu chưa đủ 1 năm sau khi nghỉ việc, họ chọn biện pháp "thế chấp sổ BHXH" để nhận được ngay số tiền chỉ bằng 60% số tiền đáng lẽ họ được nhận.

Nguyên nhân nữa được chỉ ra là do tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, đặc biệt là trong giai đoạn 2020-2021 khi mà nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nền bởi dịch bệnh COVID-19. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh ở các ngành nghề sử dụng nhiều lao động, bị ảnh hưởng lớn như: du lịch, khách sạn, vận tải, giáo dục, may mặc... ngừng hoạt động hoặc sản xuất, kinh doanh cầm chừng. Năm 2020 có khoảng 60% - 80% người lao động làm việc trong ngành du lịch, dịch vụ, khách sạn, nhà hàng tạm thời mất việc làm. Tình trạng lao động thiếu việc làm, không có việc làm, mất việc làm gia tăng, số lao động mất việc làm không có cơ hội tái tham gia thị trường lao động là nguyên nhân làm gia tăng số người hưởng BHXH một lần. 

Bên cạnh đó, việc chấp hành chính sách pháp luật về BHXH, BHTN của một số đơn vị sử dụng lao động còn chưa nghiêm; thiếu quan tâm đến quyền lợi của người lao động nên người lao động không được hưởng đầy đủ các chế độ, nên không muốn gắn bó với hệ thống BHXH. Tình trạng nhiều doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh dẫn đến cắt giảm lao động, "thải loại" công nhân từ 35-40 tuổi trở lên khiến nhiều người lao động bị mất việc. 

Thêm vào đó là do thiếu sự liên kết, hỗ trợ từ chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Mục tiêu của chính sách bảo hiểm thất nghiệp là duy trì việc làm cho người lao động (hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề để chuyển đổi nghề nghiệp). Nếu thực hiện tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp cũng sẽ giải quyết được một phần bài toán về tài chính ngắn hạn để người lao động có thể yên tâm ổn định cuộc sống, thay vì tìm đến BHXH một lần như là một công cụ tài chính để vượt qua tình trạng khó khăn tài chính trước mắt. 

Bộ LĐ-TB&XH cũng chỉ ra nguyên nhân khác là niềm tin của người dân vào hệ thống BHXH có dấu hiệu giảm sút. Khả năng tiếp cận thông tin chính thống của người lao động còn hạn chế, trong khi các nguồn tin không chính thống trên các trang mạng xã hội đã và đang ảnh hưởng đến tâm lý của người lao động (thông tin không đúng về vấn đề tài chính quỹ BHXH, vấn đề về so sánh giữa việc gửi tiết kiệm, bảo hiểm nhân thọ với bảo hiểm xã hội...), từ đó làm giảm niềm tin của người dân vào hệ thống BHXH... 

Lợi trước mắt, thiệt thòi lâu dài

Chắc chắn, việc rút BHXH một lần tăng đặt ra thách thức rất lớn với mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội. Bởi số người hưởng BHXH một lần gia tăng đồng nghĩa với mức độ bao phủ của hệ thống BHXH bị thu hẹp ở cả khía cạnh số người tham gia BHXH và số người hưởng lương hưu, từ đó không đạt được tiêu chính sách là “bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội”. Đặc biệt, mức độ gia tăng số người hưởng BHXH một lần như hiện nay sẽ gây rất nhiều khó khăn cho việc hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân của Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ VII Ban chấp hành Trung ương khoá XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội là đến năm 2030 có khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội. 

Ở khía cạnh khác, dân số Việt Nam đang già hóa rất nhanh. Với tỷ lệ bao phủ BHXH hiện nay không cao và xu hướng hưởng BHXH một lần gia tăng sẽ tác động rất lớn đến tỷ lệ dân số già được hưởng hưu trí hàng tháng trong tương lai - một tỷ lệ vốn đã thấp sẽ càng thấp hơn. Điều này có nghĩa là ngân sách Nhà nước sẽ phải chi nhiều hơn cho trợ cấp đối với người cao tuổi, những người không có lương hưu, ngay cả khi không giảm độ tuổi được hưởng. 

Còn đối với cá nhân người lao động, việc người lao động hưởng BHXH một lần sau một năm nghỉ việc sẽ ảnh hưởng đến việc tích lũy quá trình đóng góp cần thiết để đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng, làm giảm cơ hội được hưởng lương hưu khi về già. Không được hưởng lương hưu đồng nghĩa với việc không được hưởng bảo hiểm y tế do quỹ bảo hiểm xã hội đóng cho người lao động, điều này sẽ gây thêm khó khăn về kinh tế cho bản thân và gia đình.

Mặt khác hưởng BHXH một lần cũng có thể ngăn cản quyền được hưởng chế độ tuất của những thân nhân của người lao động vì các khoản trợ cấp tử tuất cũng yêu cầu một số năm đóng góp tối thiểu của người lao động khi qua đời. Như vậy, việc người lao động hưởng BHXH một lần là thiệt thòi hơn rất nhiều so với việc bảo lưu thời gian đóng để được hưởng lương hưu khi về già.

Để hạn chế tình trạng hưởng BHXH một lần, khuyến khích người lao động bảo lưu, tích lũy thời gian đóng BHXH trong quá trình làm việc để hưởng lương hưu khi về già chắc chắn cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, cả giải pháp trực tiếp điều chỉnh quy định về hưởng BHXH một lần và giải pháp gián tiếp, khuyến khích người lao động không nhận BHXH một lần./.

Minh Thư

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực