Vụ tranh chấp giữa Sconnect và EO: Nóng vấn đề bảo vệ bản quyền sản phẩm sáng tạo

Thứ sáu, 30/09/2022 09:23
(ĐCSVN) - "Không chịu nổi" 2 doanh nghiệp sản xuất phim hoạt hình ở Anh chèn ép trên YouTube, Sconnect Việt Nam (doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ) đã gửi đơn “cầu cứu” tới 4 Bộ trưởng đề nghị lên tiếng bảo vệ bản quyền sản phẩm sáng tạo của Việt Nam.

Wolfoo được công nhận quyền sở hữu trí tuệ trên toàn cầu

Mới đây, Công ty TNHH Đầu tư công nghệ và dịch vụ Sconnect Việt Nam (Sconnect) đã gửi đơn lên 4 Bộ trưởng các Bộ: Thông tin và Truyền thông; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Khoa học và Công nghệ; Công Thương đề nghị lên tiếng, can thiệp với Google và YouTube để bảo vệ bản quyền sản phẩm sáng tạo nổi tiếng của Việt Nam, đồng thời yêu cầu phía đối thủ chấm dứt các hành vi vi phạm pháp luật trên mạng Internet.

Theo nội dung đơn, Sconnect hoạt động trong lĩnh vực sản xuất phim điện ảnh, phim video và chương trình truyền hình. Với đội ngũ hơn 1.000 nhân sự người Việt có trình độ chuyên môn cao và nhiều kinh nghiệm, công ty đã tạo ra các bộ nhân vật hoạt hình như Wolfoo, Luka, Tiny, Max, Puppy Dog, Bearee… phát hành trên YouTube, Netflix, các mạng xã hội, truyền hình và các nền tảng online. Các series phim có nội dung giải trí và giáo dục cho trẻ em, truyền tải các bài học bổ ích cho trẻ nhỏ. Trong đó, nổi tiếng và phát triển mạnh nhất là bộ nhân vật và phim hoạt hình Wolfoo. Wolfoo đã sản xuất được 2.700 tập, dịch ra 17 thứ tiếng, đến nay đã có hơn 50 triệu người đăng ký sử dụng trên YouTube và đạt hơn 30 tỷ lượt xem.

Wolfoo City - Khu vui chơi tái hiện hình ảnh bộ nhân vật Wolfoo được các em nhỏ yêu thích.
(Ảnh: Sconnect cung cấp)

Wolfoo là bộ nhân vật và hàng loạt phim hoạt hình với nội dung về chú sói nhỏ Wolfoo cùng gia đình và bạn bè. Nội dung và cốt truyện được kể theo ngôi thứ ba về các hoạt động thường ngày xoay quanh cuộc sống của Wolfoo, nhằm đưa ra những bài học ý nghĩa để giáo dục trẻ em hướng tới những đức tính tốt đẹp theo văn hóa và đạo đức Việt Nam. Toàn bộ hình ảnh và âm thanh của phim hoạt hình Wolfoo đều được sản xuất tại studio của Sconnect.

Tác phẩm bộ nhân vật hoạt hình Wolfoo và toàn bộ các tập phim hoạt hình Wolfoo của Sconnect đã đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, được bảo hộ trên 181 quốc gia/vùng lãnh thổ, trong đó có Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Nga và Việt Nam.

Sconnect cho rằng EO vi phạm pháp luật trên không gian mạng

Tuy nhiên, từ cuối năm 2021 tới nay, đại diện của Sconnect cho biết, Sconnect đã bị 2 doanh nghiệp có trụ sở ở London (Vương quốc Anh) là Entertainment One UK Limited và Astley Baker Davies Limited (gọi chung là EO) liên tục có các hành vi vi phạm pháp luật để cạnh tranh không lành mạnh khiến Sconnect tổn thất vô cùng nghiêm trọng đến hiệu quả kinh doanh cũng như danh tiếng của thương hiệu. Trong khi đó, đơn vị trung gian là nền tảng YouTube không có động thái xử lý các sai phạm của EO theo quy định về ngăn chặn hoặc nghiêm cấm các hành vi lạm dụng chính sách của YouTube.

Peppa Pig (cô lợn hồng) là bộ nhân vật và loạt phim hoạt hình được sản xuất, kinh doanh bởi EO với nội dung về gia đình chú heo Peppa Pig nhỏ tuổi. Với số lượng video được sản xuất cho đến nay là khoảng 450 tập, hiện Peppa Pig mới chỉ được đăng ký nhãn hiệu Peppa Pig có hình con heo kèm chữ Peppa Pig cách điệu và Nhãn hiệu chữ Peppa Pig tại Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu EU.

Phim hoạt hình Wolfoo đã và đang phát triển rất mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt đối với thị trường phim hoạt hình trẻ em, Sconnect phát triển hơn hẳn cả về chất lượng và số lượng so với sản phẩm Peppa Pig của EO.

Do sự phát triển mạnh mẽ và dần chiếm lĩnh trên thị trường phim hoạt hình thế giới, Sconnect liên tiếp bị phía EO thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật để làm ngăn chặn, gián đoạn hoạt động kinh doanh và nghiêm trọng hơn hết là hạ thấp uy tín, danh dự của sản phẩm Wolfoo và công ty.

“Những hành vi cạnh tranh không lành mạnh của EO khiến chúng tôi tổn thất vô cùng nghiêm trọng đến hiệu quả kinh doanh cũng như danh tiếng của thương hiệu”, ông Tạ Mạnh Hoàng, Giám đốc Sconnect nhấn mạnh trong đơn.

Cụ thể, các hành động vi phạm pháp luật của EO nhắm chèn ép, gây rối và xâm hại nghiêm trọng quyền lợi hợp pháp của Sconnect trong suốt thời gian qua đã gây gián đoạn và ngưng trệ hoạt động kinh doanh của Sconnect trên YouTube khi không có căn cứ bằng cách đánh bản quyền.

Giai đoạn trước tháng 11/2021, EO thực hiện một số lần “đánh” bản quyền các video Wolfoo trên YouTube, tuy nhiên khi Sconnect phản đối với YouTube thì các video đã được khôi phục.

“Từ đó tới nay, EO liên tục đánh bản quyền các video Wolfoo của Sconnect với cáo buộc vi phạm bản quyền phim hoạt hình Peppa Pig của EO. Các cáo buộc trên không hề có căn cứ hay phán quyết chính thức nào”, đại diện Sconnect nêu rõ.

Bên cạnh đó, EO còn gây gián đoạn, ngưng trệ hoạt động kinh doanh của Wolfoo bằng căn cứ không hợp pháp. Từ thời điểm tháng 2/2022 trở đi, sau khi có đơn khởi kiện của EO tại Vương quốc Anh, mặc dù chưa được tòa án Anh thụ lý, nhưng EO vẫn sử dụng để “đánh” bản quyền các video Wolfoo trên YouTube và YouTube đã gỡ toàn bộ các video bị đánh bản quyền.

Đặc biệt, EO vi phạm nhãn hiệu nổi tiếng Wolfoo. Tháng 6/2022, Sconnect phát hiện EO sử dụng các từ khóa Wolfoo trong rất nhiều video Peppa Pig, trong cả các video từ cuối năm 2018 cho đến các video mới đây. Cũng trong tháng 6/2022, Sconnect đã lập vi bằng về hành vi vi phạm nhãn hiệu Wolfoo của EO.

Tháng 7/2022, EO đã thừa nhận việc có sử dụng từ khóa Wolfoo trong các video và các kênh của Peppa Pig nhằm thu hút lượng người xem đến với Peppa Pig tại Bản tự khai tại Tòa án Vương Quốc Anh ngày 06/7/2022.

Ngoài ra, EO liên tục có các hành động tải các video Wolfoo về, sau đó mạo nhận là chủ sở hữu và sử dụng các bản sao đó để làm căn cứ “đánh” bản quyền các video Wolfoo gốc của Sconnect. Cho đến nay EO vẫn tiếp tục đánh bản quyền bằng việc mạo nhận chủ sở hữu và sử dụng video Wolfoo.

Trước đó, ngày 11/01/2022, EO cũng đã nộp đơn khởi kiện Sconnect ra Tòa án Mátxcơva liên quan đến vấn đề bản quyền của phim hoạt hình Wolfoo và Peppa Pig.

Ngày 07/7/2022, dựa trên kết quả thẩm định, các chuyên gia văn học, nghệ thuật Nga khẳng định: “Bộ nhân vật Wolfoo không phải là làm lại của bộ nhân vật Peppa Pig”. Tòa án Mátxcơva đã ra phán quyết: “buộc EO không còn quyền khiếu nại, khiếu kiện về nội dung bộ nhân vật Wolfoo là làm lại bộ nhân vật Peppa Pig”. Thế nhưng cho đến nay, YouTube vẫn dung túng cho các hành vi “nhận vơ” bản quyền của EO, tiếp tục khoá hơn 1.000 video phim hoạt hình Wolfoo, gây thiệt hại vô cùng lớn cho Sconnect.

Trước những hành vi gây rối, cạnh tranh không lành mạnh do phía EO gây ra, Sconnect đã “cầu cứu” 4 Bộ trưởng xem xét, chỉ đạo hỗ trợ doanh nghiệp.

Đáng lưu ý, trong đơn gửi tới Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, công ty Sconnect cho rằng EO vi phạm Luật an ninh mạng Việt Nam và đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông lên tiếng yêu cầu phía EO ngay lập tức chấm dứt các hoạt động cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm pháp luật trên không gian mạng Internet.

Đồng thời, có ý kiến yêu cầu các cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh mạng xã hội, nền tảng Internet như YouTube, Google, Facebook... gỡ bỏ và không được tiếp nhận các yêu cầu "đánh" bản quyền của EO trên các mạng xã hội, nền tảng Internet cho đến khi có phán quyết cuối cùng của Tòa án Anh.

Sconnect cũng kiến nghị Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, đề nghị Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh các hoạt động xử lý vi phạm pháp luật đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh do phía EO đã thực hiện.

Trước đó, ngày 19/8/2022, Sconnect đã gửi đơn khởi kiện EO ra TAND thành phố Hà Nội. Trong đơn, Sconnect tố cáo EO sử dụng trái phép nhãn hiệu Wolfoo trong các video Peppa Pig, đây là hành vi vi phạm Điểm b Khoản 1, Điều 129, Mục 1, Chương IX Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam năm 2005 (sửa đổi bổ sung năm 2019); đồng thời đề nghị Tòa án xem xét phán quyết buộc EO phải chấm dứt các hành vi vi phạm nhãn hiệu và đăng công khai xin lỗi Sconnect trên 3 tờ báo quốc tế.

Doanh nghiệp cần chủ động bảo vệ quyền của mình, chủ động phối hợp với các cơ quan nhà nước 

Trao đổi với phóng viên, luật sư Trương Anh Tuấn (đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, phim hoạt hình Wolfoo được cấp nhiều Giấy chứng nhận bản quyền về hình ảnh nhân vật, kịch bản phim hoạt hình hay bản quyền phim hoạt hình Wolfoo có giá trị pháp lý tại Việt Nam và trên toàn cầu thông qua Luật Sở hữu trí tuệ và Công ước Berne. Những hành vi của các doanh nghiệp ở Anh rõ ràng đã vi phạm các quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Cạnh tranh của Việt Nam.

Việc tranh chấp bản quyền trên các nền tảng online vẫn thường xuyên xảy ra, nhất là ở những ngành nghề sáng tạo như phim ảnh. Việc các bên đưa nhau ra tòa cũng phù hợp và văn minh. Vấn đề đáng bàn ở đây là cách YouTube thiết lập các tiêu chuẩn về bản quyền và xác lập bản quyền trên nền tảng của mình vẫn còn nhiều lỗ hổng, cũng như cách hành xử của chính YouTube cũng mang màu sắc “độc đoán” đối với các nhà phát triển nội dung.

"Phía Việt Nam cần sớm vào cuộc để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Cụ thể, các Bộ, ngành cần lên tiếng mạnh mẽ bảo vệ các sản phẩm trí tuệ của Việt Nam; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp Việt Nam; cũng như bảo vệ môi trường kinh doanh online lành mạnh", luật sư Tuấn nhấn mạnh.

Bàn về vấn đề này, theo ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), quyền sở hữu trí tuệ là vấn đề phức tạp, chuyên môn sâu. Nếu không có sự trợ giúp về chuyên môn đúng thì việc giải quyết vụ việc là không thể. Do đó, các doanh nghiệp cần tiếp cận một cách rõ ràng, chuyên nghiệp. Các cơ quan nhà nước đã nỗ lực xây dựng và phát triển môi trường lành mạnh về sở hữu trí tuệ nên các doanh nghiệp cần phải chung tay.

Về vụ việc cụ thể của Sconnect: Các đề xuất của doanh nghiệp (can thiệp với các nền tảng, đảm bảo quyền của doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài…) cần đánh giá nó trong bối cảnh xem có hợp lý không. Đây là tài sản của chúng ta thì các biện pháp bảo vệ phải chuyên nghiệp và đúng. Quyền sở hữu trí tuệ có tính chất lãnh thổ bởi nó sáng tạo ở Việt Nam thì nó chỉ được bảo vệ ở Việt Nam. Khi nói đến yêu cầu xử lý thì ở mỗi quốc gia sẽ được bảo vệ theo pháp luật ở quốc gia hiện hành. Do đó, chúng ta cần khẳng định quyền của mình đầu tiên. Doanh nghiệp cũng cần để ý đến việc trùng lặp ý tưởng bởi sở hữu trí tuệ là vấn đề phức tạp. Không chỉ thuê dịch vụ là xong mà cần nhận thức đúng và đầu tư thỏa đáng cho đội ngũ làm sở hữu trí tuệ để có cách tiếp cận phù hợp.

Nhãn hiệu là một trong những đối tượng bị xâm phạm nhiều trên Internet và thương mại điện tử. Trong bối cảnh kinh doanh xuyên quốc gia, phải xác định việc đăng ký ra nước ngoài là vô cùng quan trọng và cần có chiến lược để bảo vệ nhãn hiệu của mình tại các thị trường đó. Khởi nghiệp trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo cần chú trọng đến việc bảo vệ mình. Các doanh nghiệp start-up có nguồn lực hạn chế nhưng nếu không tính đến các yếu tố cạnh tranh, nhất là về sở hữu trí tuệ và nhãn hiệu thì chỉ cần một vụ việc về pháp lý chúng ta sẽ mất hoàn toàn khả năng hoạt động.

Trong khi đó, ông Quản Tuấn An, Trưởng phòng Quản lý và Hợp tác quốc tế quyền tác giả, quyền liên quan (Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) cho biết, Việt Nam đã có chiến lược về phát triển trí tuệ và ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt là điện ảnh, hoạt hình, ban hành từ năm 2017. Cơ chế xử lý vi phạm trên không gian mạng liên quan đến nhiều bộ, ngành, trong đó có Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Bộ Thông tin và Truyền thông. Cơ chế hiệu quả nếu có đầy đủ cơ sở pháp lý rõ ràng, minh bạch.

Về YouTube, Cục Bản quyền tác giả cũng chủ động phối hợp, yêu cầu bên YouTube đến các chương trình hội thảo, hội nghị để làm việc, thuyết trình về cơ chế “đánh gậy” bản quyền. Về bản chất, YouTube hay Facebook, Google là doanh nghiệp trung gian. Doanh nghiệp trung gian đã được luật hóa trong Luật Sở hữu trí tuệ vừa được ban hành (Luật số: 07/2022/QH15, ngày 16 tháng 6 năm 2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2023.

Các bằng chứng khi có tranh chấp có thể dựa vào Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, chuẩn hóa quy định trong các điều ước quốc tế, cũng như các Nghị định 105/2006/NĐ-CP, ngày 22 tháng 9 năm 2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ và Nghị định 119/2010/NĐ-CP, ngày 30 tháng 12 năm 2010 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 105/2006/NĐ-CP, ngày 22 tháng 9 năm 2006.

"Chúng ta đều có văn bản về mặt thể chế, chính sách. Doanh nghiệp ngay từ khi khởi nghiệp nên bảo vệ quyền tác giả trước khi thực hiện các việc khác, bảo vệ quyền của mình ngay từ ý tưởng. Phải chủ động bảo vệ quyền của mình, chủ động phối hợp với các cơ quan nhà nước. Doanh nghiệp nên đầu tư vào đội ngũ cán bộ và đặc biệt phải có luật sư", ông Quản Tuấn An nhấn mạnh./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực