"Xanh hoá" di chuyển công cộng: Không thể chậm trễ

Thứ hai, 08/07/2024 08:42
(ĐCSVN) - Đi taxi, xe buýt "xanh" trong nội đô có thể chậm hơn một số phương thức di chuyển khác nhưng giá trị không chỉ là một chuyến đi. Nhiều người cùng chung tay mang lại bầu không khí sạch hơn cho môi trường khi dùng xe sử dụng nhiên liệu sạch.

Trong các ngày 1-5/7/2024, tại thủ đô Luân Đôn (Vương quốc Anh), 90 thanh niên truyền cảm hứng đến từ 45 quốc gia (trong đó Việt Nam có 3 đại diện) đã tập trung thảo luận các chủ đề hướng tới một thế giới phát triển bền vững, về vai trò của giới trẻ trong việc định hình tương lai cho cộng đồng của họ…, xây dựng các cộng đồng và không gian hòa nhập, sử dụng công nghệ kỹ thuật số với mục đích tích cực và giới thiệu không gian xanh tới các thành phố.

Sự kiện "90 Youth Voices for the Future" được tổ chức trong khuôn khổ chương trình Kết nối Thanh niên toàn cầu của Hội đồng Anh nhằm hỗ trợ thanh niên và các nhà lãnh đạo tương lai mở rộng kết nối với thế giới bên ngoài bên cạnh những chương trình học chính quy bằng cách chia sẻ kỹ năng và cung cấp nền tảng để họ kết hợp với nhau, kết nối với những người bạn từ Vương quốc Anh, từ cộng đồng của chính họ và trên toàn thế giới.

Ở trong nước, tại kỳ họp thứ 17 sáng 4/7/2024, HĐND TP Hà Nội khóa XVI đã thông qua đề án phát triển giao thông công cộng bằng buýt điện, năng lượng xanh cũng thu hút sự chú ý của dư luận.

Theo đó, Hà Nội đặt mục tiêu giai đoạn 2026 - 2030 sẽ có 50% xe buýt điện và 50% xe buýt chạy LNG (là khí dầu mỏ hóa lỏng, không màu, không mùi) hoặc chạy bằng CNG (khí thiên nhiên thành phần chủ yếu là CH4 - metan, được xem là nguồn năng lượng sạch), với nguồn lực tài chính 43.000 tỷ đồng.

Với xe buýt hoạt động trong khu vực đô thị trung tâm (trong vành đai 4) được định hướng chuyển đổi sang chạy điện. Các tuyến buýt mở mới ưu tiên sử dụng phương tiện năng lượng điện, năng lượng xanh. Ngoài ra, Hà Nội cũng sẽ thay toàn bộ xe buýt chạy dầu diesel đã hết khấu hao và hết hạn thầu. Các xe còn khấu hao chưa đến 10 năm từ ngày sản xuất được sử dụng đến hết khấu hao để chuyển sang xe buýt xanh.

Giai đoạn 2024 - 2030, tỉ lệ chuyển đổi buýt chạy dầu diesel sang xe buýt xanh là 70-90%. Giai đoạn 2031 - 2035 sẽ là 100% xe buýt chạy tại Hà Nội là xe buýt điện. Thay thế 9 tuyến xe buýt truyền thống thành xe buýt điện trong năm 2024. Dự kiến đến năm 2025, Hà Nội có khoảng 68 tuyến buýt sẽ hết hạn thầu và phải đổi chuyển sang buýt điện.

Một số nội dung quan trọng trong Quyết định 876/QĐ-TTg ban hành ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành Giao thông vận tải.

Tại hội thảo về chuyển đổi xanh, tài chính xanh do Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan khác tổ chức mới đây, ông Nguyễn Công Nhật, Tổng Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ vận tải sinh thái Vinbus cho biết, trước đây xe buýt được coi là phương tiện chỉ dành cho người già và sinh viên.

Theo thống kê khách hàng sử dụng thẻ tháng của Vinbus, hiện tỉ lệ người đi làm chiếm đến 89% so với mức 25 - 30% trước đây. Khi xe điện Vinbus vận hành, tỉ lệ này tăng lên cho thấy khi dịch vụ tiện lợi, khách hàng sẽ chọn lựa. Để khuyến khích hành khách di chuyển "xanh", app VinBus cũng hiển thị kết quả đo đếm giảm phát thải CO2 của khách hàng khi sử dụng VinBus thay vì phương tiện khác.

Tính đến ngày 31/3/2024, VinBus góp phần giảm hơn 31.000 tấn CO2 thải ra môi trường, tương đương trồng 1,45 triệu cây xanh. VinBus đang hướng tới bước tiếp theo cung ứng phương thức di chuyển Door-to-Door, tức là thay vì chỉ đón trả khách tại các điểm dừng xe buýt, VinBus kết hợp cùng Xanh SM đón trả khách tận nhà. Chương trình này hướng tới việc tất cả người dân có thể đo lường được lượng giảm phát thải trên từng chuyến đi, mà 100% di chuyến đều bằng phương tiện xanh. 

Trong khi đó, Quyết định 876/QĐ-TTg ban hành ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành Giao thông vận tải có đoạn nêu rõ đến năm 2025, 100% xe buýt thay thế/mới sử dụng điện và năng lượng xanh. Đến năm 2030, taxi thay thế/mới sử dụng điện và năng lượng xanh. Đến 2050, 100% xe buýt và taxi sử dụng điện, năng lượng xanh.

Theo thống kê của World Bank và Quỹ Tư vấn Hạ tầng Công tư (Public Private Infrastructure Advisory Facility - PPIAF), tỉ lệ xe buýt tại các thành phố của Việt Nam vào khoảng 0,5% đến 1,2% xe buýt/1.000 dân. Tỉ lệ xe buýt ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang dưới 0,2% là rất thấp, dẫn đến ùn tắc giao thông thường xuyên. Để đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách công cộng, theo tính toán, với tỉ lệ 0,8 xe buýt/1.000 dân, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cần thêm 5.000 - 6.000 xe. Hiện cả nước có khoảng 8.800 xe buýt, 89% trong đó là xe buýt diesel (nhiên liệu hoá thạch).

Vận tải hành khách công cộng được hiểu là phục vụ đám đông đi lại thường xuyên trong đô thị và các vùng lân cận với nhu cầu lên xuống liên tục. Trong bối cảnh mật độ dân cư ngày càng tăng, loại hình vận tải này được đánh giá như “xương sống”, là lựa chọn hàng đầu đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Ở nhiều đô thị, về cơ bản chất lượng phương tiện taxi đã được cải thiện rất nhiều do cơ chế xã hội hóa với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, công ty liên doanh... 

Trong khi đó, bức tranh tổng thể của loại hình xe buýt lại chưa được như mong đợi. Đâu đó vẫn còn hình ảnh người dân ngán ngẩm khi chứng kiến chiếc xe nhả khói đen kịt ra vào bến, điểm đỗ hay thậm chí đang di chuyển trong tuyến. Thực sự quá ô nhiễm.

Xây dựng thành công mô hình đô thị xanh trong đó dễ hình dung, trải nghiệm và cảm nhận nhất là sự vận hành trơn tru, hiệu quả của hệ thống vận tải hành khách công cộng "xanh" là xu hướng tất yếu, hỗ trợ tích cực vào quá trình Việt Nam đạt được cam kết phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 đưa ra tại Hội nghị COP26 của Liên hợp quốc.

Việt Nam cũng đã áp dụng chính sách khích lệ người dân và doanh nghiệp chuyển đổi sang sử dụng xe điện. Cụ thể, trong ba năm tính từ ngày 1/3/2022, lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô điện chạy bằng pin là 0%.

Từ ngày 1/3/2025 đến 28/2/2027, lệ phí trước bạ đối với các ô tô điện chạy pin có dung tích dưới 9 chỗ ngồi sẽ bằng 50% lệ phí trước bạ của xe xăng tương đương về số chỗ ngồi.

Có thể nói, sự xuất hiện của các dòng xe điện được nghiên cứu, phát triển và thương mại hoá bởi doanh nghiệp trong nước và ngoài nước gần đây cho thấy "xanh hoá" phương tiện giao thông công cộng không còn là viễn cảnh.

Là nước đặt tham vọng lớn trong chiến lược Net Zero tại Châu Á, sức ép từ các quy định môi trường ngày càng nghiêm ngặt của các nước phát triển đang thúc đẩy Chính phủ và các doanh nghiệp tại Việt Nam phải tiếp tục nỗ lực, tăng cường hơn nữa quá trình chuyển đổi sang mô hình phát triển xanh và bền vững. Việc giảm phát thải không chỉ là một ưu tiên mà còn là một mệnh lệnh cấp bách.

Với chủ trương, cơ chế, chính sách hợp lý, hiệu quả, sự quyết tâm của Chính phủ, sự đồng thuận của cộng đồng, và cả những “áp lực vô hình” của quá trình hội nhập quốc tế, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin rằng bài toán giúp người dân Việt Nam thay đổi thói quen, ưu tiên sử dụng loại hình vận tải công cộng thân thiện với môi trường, nỗ lực vì mục tiêu quốc gia toàn taxi, xe buýt điện không thực sự quá khó.

Cùng với yêu cầu rà soát, đẩy nhanh tiến độ xây dựng bộ định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá cho xe buýt điện, xe taxi "xanh", chúng ta cần tiếp tục tăng cường triển khai các chương trình, dự án nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của việc sử dụng phương tiện công cộng, đồng thời mở rộng, cải thiện chính sách trợ giá, xã hội hóa hệ thống xe buýt thân thiện với môi trường./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực