Đồng chí Đào Duy Tùng với công tác tư tưởng - lý luận của Đảng

Thứ tư, 17/04/2024 16:18
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – 50 năm hoạt động cách mạng, trong đó có hơn 30 năm làm công tác tư tưởng lý luận của Đảng, đồng chí Đào Duy Tùng chú trọng tới các hoạt động nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, xây dựng các luận cứ khoa học để góp phần hình thành Cương lĩnh, đường lối của Đảng; vận dụng sáng tạo và phát triển Chủ nghĩa Mác - Lênin phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam.

Sau khi học trường Lý luận Mác – Lênin ở Trung Quốc, tháng 5/1955, đồng chí Đào Duy Tùng về công tác tại Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng. Đồng chí đã kinh qua các chức vụ Phó Vụ trưởng, Vụ trưởng huấn học (1956 - 1962); Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng (năm 1962), kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Học tập - nay là Tạp chí Cộng sản (1965 -1982); Viện trưởng Viện nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lê-nin trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương (tháng 11/1980).

Tại Đại hội IV của Đảng (năm 1976), đồng chí được bầu làm Ủy viên dự khuyết và sau đó là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 11/1981). Tại Đại hội V của Đảng (năm 1982), đồng chí được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và giữ chức Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương. Đại hội VI của Đảng (năm 1986), đồng chí được bầu là Ủy viên Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu là Ủy viên Dự khuyết Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, phụ trách công tác tư tưởng và khoa giáo. Tháng 5/1988, đồng chí được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (tháng 6/1991), đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư, được phân công làm Thường trực Ban Bí thư và Thường trực Bộ Chính trị - Ban Bí thư cho đến tháng 6/1996.

Đồng chí Đào Duy Tùng với bà con nông dân tỉnh Thái Bình.

Dành hầu hết thời gian hoạt động cách mạng cho công tác Đảng, công tác tư tưởng – lý luận, đồng chí Đào Duy Tùng đã dành nhiều công sức cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị, đường lối quan điểm của Đảng, tổng kết thực tiễn. Trong những bước ngoặt của cách mạng, đặc biệt là trước những khó khăn, thử thách lớn của đất nước lúc bước vào thời kỳ đổi mới, đồng chí đã cùng tập thể các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học đi sâu nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, dành nhiều thời gian xuống cơ sở, tiếp xúc với nhân dân, học hỏi kinh nghiệm, lắng nghe, trân trọng mọi ý kiến đóng góp để chắt lọc cái đúng, cái hay, góp sức vào việc xây dựng và phát triển đường lối, chính sách của Đảng, đặc biệt đóng góp vào việc hình thành lý luận đường lối đổi mới của Đảng.

Trước Đại hội lần thứ VI của Đảng, đồng chí với vai trò là Tổ phó Tổ biên tập Báo cáo Chính trị đã dày công xây dựng bản Kết luận của Bộ Chính trị (khóa V) đối với một số vấn đề quan điểm kinh tế. Nội dung của bản Kết luận này được đưa vào Báo cáo Chính trị và thông qua tại Đại hội VI, đánh dấu sự đổi mới rất cơ bản về tư duy kinh tế của Đảng ta. Sau Đại hội VI, trên cương vị Ủy viên dự khuyết, rồi Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng phụ trách công tác tư tưởng, lý luận và khoa giáo, đồng chí được Bộ Chính trị giao nhiệm vụ Thường trực Ban Soạn thảo Cương lĩnh chính trị và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Bám sát thực tiễn cách mạng trong nước và thế giới, đồng chí đã cùng tập thể Bộ Chính trị ngày đêm trăn trở, tập hợp trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, tổng kết lý luận, tổng kết thực tiễn xây dựng dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được Đại hội VII thông qua.

Nhiều năm liền trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương, đồng chí đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, xây dựng các luận cứ khoa học để góp phần hình thành Cương lĩnh, đường lối của Đảng; vận dụng sáng tạo và phát triển Chủ nghĩa Mác - Lênin phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Những cuốn sách có giá trị lý luận sâu sắc của đồng chí như: Bản chất cách mạng và khoa học của Đảng ta, Một số vấn đề công tác tư tưởng của Đảng, Sự lãnh đạo của Đảng trong lĩnh vực kinh tế,... đã thể hiện tầm tư duy đúng đắn, khoa học và sáng tạo đối với việc nhận thức chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện mới. Đồng chí cũng là Chủ tịch Hội đồng xuất bản Mác - Ăngghen toàn tập, Lênin toàn tập, Hồ Chí Minh toàn tập, Văn kiện Đảng toàn tập.

Đánh giá về những đóng góp của đồng chí Đào Duy Tùng trong công tác tư tưởng, lý luận, đồng chí Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười nhận xét: “Hầu hết quãng thời gian hoạt động ở Trung ương, khi được phân công phụ trách tuyên huấn, đồng chí dành nhiều công sức cho nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn công tác tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị và đường lối, quan điểm của Đảng, đấu tranh sắc bén, nghiêm túc, có hiệu quả chống lại các quan điểm sai trái với đường lối, quan điểm của Đảng”; “ Đồng chí Đào Duy Tùng là nhân vật có tư tưởng đổi mới, luôn luôn tìm tòi, sáng tạo những nhân tố mới để vượt lên chính mình”; “Cống hiến của đồng chí vào sự nghiệp đổi mới không nhỏ. Phải ghi nhận rằng các nghị quyết về đổi mới của Trung ương, từ năm 1986 trở đi đều có bút tích tham gia ý kiến của đồng chí”.

Nhắc lại những kỷ niệm khi làm việc với đồng chí Đào Duy Tùng, đồng chí Nguyễn Khánh - Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ đã từng chia sẻ: “Tôi được cùng anh Đào Duy Tùng làm việc trong bộ phận chuẩn bị văn kiện các Đại hội IV, V, VI của Đảng. Anh đã đóng góp nhiều công sức vào việc hình thành những nhận thức mới, quan niệm mới, hay nói cách khác, vào sự đổi mới nhận thức, đổi mới tư duy là điều kiện cơ bản của người lãnh đạo để xây dựng các đường lối, chính sách, chủ trương phù hợp với tình hình, yêu cầu mới. Trong công việc này, anh rất chịu khó tìm hiểu thực tế, đọc tài liệu, trao đổi ý kiến, thẳng thắn nêu ra các đề nghị bổ sung nhận thức, đường lối, chính sách. Anh Tùng là người tôn trọng nguyên tắc, coi trọng quy chế, quy trình làm việc, nhưng không máy móc, cứng nhắc”.

Giáo sư - Nhà báo Đào Nguyên Cát, Nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Tuyên huấn từng viết: “Tất cả hoạt động lâu dài, gian khổ của Anh đã rèn luyện Anh trở thành một chiến sĩ xuất sắc trên mặt trận tư tưởng, một nhà nghiên cứu và lãnh đạo tài năng của Đảng trong công tác lý luận, góp phần cống hiến xứng đáng trong việc xây dựng và tuyên truyền giáo dục lý luận của Đảng. Hàng chục năm qua, Anh đã hoạt động trên cương vị một viên tư lệnh của Đảng trên mặt trận tư tưởng, lý luận”.

Nhận xét về phương pháp làm việc của đồng chí Đào Duy Tùng, đồng chí Hà Đăng, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, Nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân dân cho biết, “Dù ở cương vị nào,… Anh đều tỏ rõ là một chiến sĩ xông xáo, một người chỉ huy tài năng của mặt trận tư tưởng – lý luận. Điều đáng nói là lý luận của Anh không phải sao chép từ các tác phẩm kinh điển, mặc dù Anh là một trong những người đọc nhiều các tác phẩm đó. Anh kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin nhưng phê phán thái độ giáo điều trong các nghiên cứu. Đối với Anh, trung thành với chủ nghĩa Mác – Lênin đồng nghĩa với sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa đó. Làm công tác lý luận, phải từ thực tiễn cuộc sống rà soát lại các quan điểm lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, khẳng định lại những gì là đúng đắn khoa học, trước đúng nay vẫn đúng; những gì trước giờ phải bổ sung; những gì trước đúng nay thực tiễn đã vượt qua và những gì thực tiễn đã và đang diễn ra nhưng Mác - Lênin chưa đề cập, nay Đảng phải phát triển một cách sáng tạo để chỉ đạo cách mạng Việt Nam”.

Những đóng góp của đồng chí Đào Duy Tùng đối với công tác tư tưởng, lý luận của Đảng là vô cùng to lớn, được Đảng và Nhà nước ghi nhận và đã được thực tiễn chứng minh, trở thành một phần không nhỏ trong tiến trình xây dựng và trưởng thành của Đảng ta. Sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội và trên lĩnh vực văn hóa – tư tưởng có nhiều công lao đóng góp của đồng chí Đào Duy Tùng. Nhân cách, đạo đức, trí tuệ của đồng chí trở thành tấm gương sáng để các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân học tập.

Xin kết bài bằng những tình cảm của Giáo sư - Nhà báo Đào Nguyên Cát - người có gần 40 năm gắn bó ở Ban Tuyên huấn Trung ương - về đồng chí Đào Duy Tùng: “Cuộc đời cách mạng của anh thật là đẹp, anh sống trung thành và hết mình với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Dấu ấn lớn nhất của anh để lại là phẩm chất cách mạng trong sáng, là phương pháp tư duy và hành động chín chắn, tinh thần độc lập suy nghĩ, là lòng tin yêu con người. Đó cũng chính là nhân tố quan trọng hàng đầu làm cho anh trở thành người cán bộ mẫu mực của Đảng”./.

T. Huyền (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực