Cân nhắc tiềm năng giảm tác hại của thuốc lá nung nóng

Thứ sáu, 18/10/2024 09:09
(ĐCSVN) - Theo các chuyên gia, dù việc giảm hàm lượng các chất gây hại của thuốc lá nung nóng chưa đủ để khẳng định tuyệt đối về khả năng giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến hút thuốc lá, nhưng các chỉ số này là cơ sở cho tiềm năng giảm tác hại của sản phẩm.

Nhiều nghiên cứu độc lập từ nhiều nước khác nhau, bao gồm khối G7 đã đưa ra kết luận tương tự, đồng thời khuyến nghị cần tiếp tục thực hiện thêm các nghiên cứu dài hạn để xác nhận tiềm năng giảm tác hại lên sức khỏe con người của các sản phẩm này.

Tiềm năng giảm hại của TLNN được các nước nghiên cứu, xác nhận

Thời gian qua, trong khi các tổ chức chống thuốc lá như Vital Strategies, The Union, Campaign for Tobacco-Free Kids (CTFK), HealthBridge Canada cho rằng TLNN cũng độc hại tương tự như thuốc lá điếu, thì phần lớn các nước khối G7 đã công bố nghiên cứu độc lập nhấn mạnh sản phẩm này làm giảm hàm lượng các chất gây hại hơn đáng kể.

Theo các chuyên gia, dù việc giảm hàm lượng chưa đủ để khẳng định tuyệt đối về khả năng giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến hút thuốc lá, nhưng các chỉ số này là cơ sở cho tiềm năng giảm tác hại của sản phẩm.

Năm 2017, Viện Nghiên cứu Quốc gia về Sức khỏe Cộng đồng Nhật Bản đã nghiên cứu so sánh tác hại của TLNN và thuốc lá điếu đối với người hút thụ động bằng phương pháp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đối với thuốc lá (WHO TobLabNet Official Method SOP).Kết quả, hàm lượng nicotine của hai sản phẩm tương đương nhau, nhưng TLNN có lượng nitrosamin chỉ bằng 1/5 và lượng CO chỉ bằng 1/100 so với thuốc lá điếu. Đây là một phần căn cứ để Nhật Bản nới lỏng các quy định quản lý TLNN, như chỉ áp 50% mức thuế trên TLNN so với thuốc lá điếu.

 

 Cùng năm, nghiên cứu Ủy ban Tư vấn Độc chất học (COT) tại Anh cho thấy, hàm lượng các chất gây hại trong khí hơi của TLNN khi được làm nóng dưới 350°C sẽ giảm từ 50-90% so với thuốc lá điếu được đốt cháy ở 800°C, thậm chí nhiều chất thấp dưới ngưỡng phát hiện của phép đo.

Tương tự, kết quả của Viện Đánh giá Rủi ro Liên bang Đức (BfR) chỉ ra, so với thuốc lá điếu, TLNN có lượng aldehyde giảm đáng kể (khoảng 80-95%) và hợp chất hữu cơ bay hơi giảm khoảng 97-99%. Nghiên cứu xác nhận rằng mức độ các chất gây ung thư chính giảm đáng kể trong lượng khí thải của sản phẩm không đốt cháy (TLNN) phân tích so với thuốc lá điếu thông thường và việc giám sát lượng khí thải này bằng quy trình hút máy tiêu chuẩn sẽ tạo ra dữ liệu đáng tin cậy và có thể tái tạo, cung cấp cơ sở hữu ích để đánh giá mức độ phơi nhiễm và những rủi ro về sức khỏe con người.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế Canada cũng khuyến nghị chuyển đổi sang thuốc lá mới để “giảm thiểu mức độ phơi nhiễm đối với các chất hóa học có hại”.

Cần tiếp cận đầy đủ dữ liệu khoa học trên toàn cầu

Dù thông tin về TLNN đã được cung bố rộng rãi trên toàn cầu, song việc các cơ quan quản lý trong nước tiếp cận những dữ liệu này được cho còn giới hạn.

Tại hội thảo tháng 8/2024, ông Nguyễn Hồng Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội, Văn phòng Quốc hội đã chỉ ra: Chính sách quản lý TLNN hiện nay vẫn chưa có sự thống nhất, chủ yếu do một số bộ ngành thiếu các cơ sở khoa học đáng tin. Ông Ngọc nhấn mạnh, “cơ sở, căn cứ khoa học đáng tin cậy đấy thì các cơ quan quản lý Nhà nước cũng chưa được tiếp cận đến”.

Hiện các bằng chứng khoa học về TLNN có tác động đến chính sách của những quốc gia tiên tiến như Mỹ, Nhật, Đức, Anh. Trong đó, nổi bật là Mỹ với vai trò của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA).

 

Đồng thời, việc tiếp cận và cung cấp thông tin từ ngành hàng thuốc lá đến các cơ quan quản lý trên toàn cầu được xem là một hoạt động thường quy, khi các nội dung này minh bạch và tuân thủ đúng quy trình. Điều này nhằm làm rõ những thông tin khoa học hiện còn các ý kiến trái chiều và đảm bảo rằng mọi nghiên cứu đều được xem xét trong quá trình hoạch định chính sách.

Theo đó, Chính phủ các nước, điển hình là Canada, công bố rộng rãi các cuộc gặp gỡ giữa Chính phủ và ngành công nghiệp thuốc lá cũng như các cuộc gặp gỡ với người dùng là những người hút thuốc và cũng là đối tượng chịu tác động trực tiếp từ các chính sách kiểm soát thuốc lá. Canada cũng đồng thời khẳng định hành động này không vi phạm Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC) mà quốc gia này đã ký. Tương tự, Chính phủ Anh cũng đưa hướng dẫn chi tiết trên website về quy trình hợp tác với ngành thuốc lá.

Trong khi đó, FDA Mỹ đã hợp tác chặt chẽ với công ty thuốc lá trong quá trình thẩm định khoa học trước khi cấp chỉ định Sản phẩm thuốc lá điều chỉnh về mức độ nguy cơ (MRTP) cho một sản phẩm TLNN, cũng như quá trình giám sát sau thương mại.

Trở lại tình hình trong nước, từ tháng 3/2024, Bộ Y tế khẳng định sẽ nghiên cứu và đánh giá toàn diện các phương án, ý kiến từ các bộ ngành hữu quan, bao gồm Hiệp hội Thuốc lá và các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá để trình lên Chính phủ.

Trong khi đó, qua các cuộc họp, hội thảo, diễn đàn, nhiều ý kiến cho rằng bất kỳ sản phẩm thuốc lá nào nếu đáp ứng định nghĩa thuốc lá của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá thì đều cần được quản lý. Điều này giúp đảm bảo tính ổn định của hệ thống pháp lý, giải quyết dứt điểm mối lo ngại của xã hội khi thuốc lá mới đã tồn tại ngoài vòng pháp luật quá lâu. Cùng với đó, một trong những nguyên nhân trì hoãn tiến độ ra chính sách nằm ở sự khác biệt quan điểm và chưa tiếp cận sâu sát bằng chứng khoa học toàn diện ở các bộ ngành./.

Mai Chi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực