Liệu thuốc lá làm nóng có độc hại tới mức phải cấm?

Thứ ba, 09/07/2024 09:01
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Trong khi trong nước đang có ý kiến cho rằng thuốc lá làm nóng (TLLN) và các loại thuốc lá mới khác gây hại nên cần phải cấm, thì tại các diễn đàn khoa học, theo các nghiên cứu quốc tế về TLLN hiện có, chưa có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy TLLN gây hại hơn so với thuốc lá điếu.

Khác biệt nghiên cứu giữa TLLN trên quốc tế và Việt Nam

Năm 2018, Nhật Bản chứng kiến sự bùng nổ toàn quốc vì tỷ lệ chuyển đổi từ thuốc lá điếu sang TLLN.

Kể từ khi thuốc lá làm nóng được cung cấp hợp pháp năm 2014, đã có số liệu ghi nhận tỷ lệ tiêu thụ thuốc lá điếu giảm nhanh gấp 5 lần mà không có bất kỳ sự can thiệp nào về chính sách tăng thuế từ chính phủ từ năm 2017 đến nay. Điều này đã đưa Nhật Bản từ một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêu thụ thuốc lá cao nhất toàn cầu trở thành quốc gia đạt được 44% tỷ lệ cai thuốc lá điếu, cao hơn mục tiêu của WHO đặt ra là 30%.

Năm 2019, trong cuộc thăm dò về tình trạng hút thuốc toàn cầu do Quỹ vì một thế giới không khói thuốc thực hiện đã phát hiện rằng lý do phổ biến nhất khiến người hút thuốc tại Nhật Bản chuyển từ thuốc lá điếu sang TLLN là do người Nhật lo ngại về nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người xung quanh do hút thuốc lá thụ động.

Tiếp theo cho biết TLLN có thể ít gây ra tác hại cho sức khỏe của bản thân và họ được phép sử dụng TLLN ở những nơi cấm hút thuốc lá điếu.

Từ năm 2021, Chính phủ Nhật áp mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá điếu cao gấp đôi so với TLLN, đồng thời cho phép TLLN được đặt thông tin quảng bá trên các áp phích, biển quảng cáo hoặc trên các tòa nhà, các điểm bán thuốc lá.

Nghiên cứu tại Mỹ và Nhật cho thấy dấu ấn (chỉ điểm) sinh học khi phơi nhiễm với thuốc lá làm nóng giảm đáng kể so với thuốc lá điếu (Nguồn: FDA). 

Tại Mỹ, năm 2019 FDA đã cho phép thương mại một loại TLLN sau khi xem xét hàng loạt bằng chứng khoa học. Trong số đó, có 4 kết luận chính dẫn đến quyết định này.

Một là, các nghiên cứu của FDA cho thấy độc tính của loại TLLN trên đã giảm đáng kể so với thuốc lá điếu. Kết quả này được đánh giá thông qua các chỉ điểm sinh học trên cơ thể người dùng, phơi nhiễm với các chất có hại.

Hai là, các nghiên cứu lâm sàng ngắn hạn đều chưa phát hiện được vấn đề nào liên quan đến sức khỏe, hoặc vấn đề chất lượng của loại TLLN đã được FDA thẩm định.

Ba là, các nghiên cứu thực nghiệm cho thấy, ít có tình trạng người dùng sử dụng sản phẩm sai mục đích. FDA đánh giá: Thiết kế của sản phẩm khiến người dùng khó có được trải nghiệm trọn vẹn nếu sử dụng sai cách.

Cuối cùng, tỷ lệ sử dụng loại TLLN này trong giới trẻ và những người chưa từng hút thuốc là rất thấp, qua khảo sát ở nhiều quốc gia. Trong khi đó, tỷ lệ sử dụng sản phẩm này cao nhất ở những người đang hút thuốc lá điếu.

Thực tế cho thấy, chính phủ một số nước đã “giảm nhẹ” biện pháp kiểm soát TLLN (HTPs) so với thuốc lá điếu, dựa trên bằng chứng khoa học cho thấy sản phẩm này có tiềm năng giảm tác hại.

Trong khi đó, tại Việt Nam, TTLN đang được nhìn nhận theo chiều hướng ngược lại với những ý kiến cho rằng khói thuốc lá nung nóng đều có chứa nicotine và các hóa chất độc hại khác, do đó có nguy hại cho sức khỏe nên cấm… Điều này cũng đặt ra những băn khoăn cho nhiều chuyên gia, vì sao có sự khác biệt trong đánh giá khoa học về TLLN tại thị trường trong nước so với diễn tiến trên toàn cầu; cơ sở khoa học nào để xác định TLLN gây hại đến mức phải cấm hay không?.

 Kinh nghiễm thực tiễn từ các quốc gia láng giềng

Trong một diễn biến gần đây, Thái Lan – một trong vài quốc gia áp dụng lệnh cấm TLĐT, TLLN từ 10 năm qua hiện đang tìm kiếm các biện pháp quản lý phù hợp hơn với thực trạng của nước này.

Từ tháng 9/2023, một Ủy ban Đặc biệt của Thái Lan đã được thiết lập, gồm 35 thành viên đại diện cho các cơ quan chính phủ, tổ chức dân sự, cơ quan hữu quan và cá nhân có kiến thức, kinh nghiệm về lĩnh vực thuốc lá mới, nhằm đánh giá lại hiệu quả của chính sách kiểm soát TLĐT, TLLN. Ủy ban này bao gồm hai tiểu ban: Tiểu ban đánh giá các biện pháp về pháp lý và Tiểu ban đánh giá các báo cáo nghiên cứu khoa học, không chịu bất kỳ sự chi phối chính trị nào để đảm bảo sự minh bạch, công bằng cho khoa học.

Được biết, năm 2021 Thủ tướng Trung Quốc đã ban hành quy định quản lý các sản phẩm thuốc lá mới vào Luật độc quyền ngành thuốc lá hiện hành của Trung Quốc. Theo quy định này, bất kỳ đơn vị nào kinh doanh TLĐT, TLLN đều phải được chính phủ cấp phép. Hành động này của chính phủ Trung Quốc chính thức khép lại thời kỳ TLĐT, TLLN nằm "ngoài vòng" pháp luật kể từ khi loại hình sản phẩm này phổ biến rộng rãi.

Theo báo cáo gần nhất của WHO, 175 quốc gia đã đưa TLLN vào quản lý, bao gồm các nước phát triển, đang phát triển và có nền kinh tế, xã hội tương đồng với Việt Nam như Phillipines, Indonesia, Malaysia… Do đó, các chuyên gia đặt vấn đề, Việt Nam có thể tham khảo cách mà 175 quốc gia này quản lý TLLN, đồng thời nghiên cứu toàn diện về TLLN thông qua các dữ liệu cập nhật trên toàn cầu để tăng cường hiệu quả việc kiểm soát thuốc lá toàn diện, giúp các cơ quan quản lý có hướng tiếp cận cân bằng, phù hợp, tránh tình trạng “quản không được thì cấm”…!./.

Đông Hùng (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực