Đưa Kho bạc Nhà nước đến gần hơn nữa với khách hàng và xã hội

Thứ ba, 05/05/2020 11:10
(ĐCSVN) - Theo Kho bạc Nhà nước tính đến hết ngày 31/3/2020, đã có 100% đơn vị sử dụng ngân sách giao dịch với KBNN các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và KBNN quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh bằng hình thức dịch vụ công trực tuyến.
Ảnh minh họa. 

Tại Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015, Chính phủ đã đề ra mục tiêu đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; Nâng vị trí của Việt Nam về Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên hợp quốc; Công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng. Chính phủ đã đề ra các nhiệm vụ để thực hiện mục tiêu, trong đó có nhiệm vụ thiết lập Cổng dịch vụ công Quốc gia tại một địa chỉ duy nhất trên mạng điện tử trên cơ sở hình thành từ các hệ thống thông tin về: Thủ tục hành chính, dân cư, đất đai - xây dựng và doanh nghiệp để cấp phép, thực hiện các thủ tục liên quan đến người dân, doanh nghiệp.

Thực hiện nhiệm vụ đã đề ra của Chính phủ, từ tháng 2/2018, Kho bạc Nhà nước đã triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) trên phạm vi toàn quốc cho các đơn vị sử dụng NSNN, chủ đầu tư có mở tài khoản giao dịch tại KBNN. Hình thành thêm một kênh giao dịch điện tử của KBNN để khách hàng có thể tự do lựa chọn giao dịch, đưa KBNN đến gần hơn nữa với khách hàng và xã hội qua mạng internet, là bước cải cách hành chính mạnh mẽ của KBNN theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính và hướng tới Kho bạc điện tử theo Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020. Bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí đi lại, chờ đợi cho khách hàng, việc sử dụng DVCTT với chữ ký số đã tăng cường tính bảo mật, tránh việc giả mạo chữ ký, con dấu của đơn vị, giúp khách hàng cũng như KBNN có thể giám sát quá trình xử lý hồ sơ và kiểm soát chi NSNN, nâng cao tính trách nhiệm và minh bạch trong công tác kiểm soát chi NSNN nói riêng và giao dịch với khách hàng nói chung.

Tại Quyết định số 215/QĐ-KBNN của Tổng Giám đốc KBNN về kế hoạch cải cách hành chính năm 2019 của hệ thống KBNN quy định “Đẩy mạnh cung cấp DVCTT KBNN nhằm thực hiện cải cách, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho đơn vị sử dụng ngân sách và chủ đầu tư khi giao dịch với KBNN. Trong năm 2019, triển khai 100% các thủ tục hành chính KBNN được thực hiện trên DVCTT mức độ 4; 100% các đơn vị sử dụng NSNN có giao dịch với KBNN cấp tỉnh, KBNN quận, thị xã thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham gia dịch DVC mức độ 4”. Theo đó, KBNN và KBNN các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh triển khai DVCTT.

Kho bạc Nhà nước đã hoàn thiện cơ chế chính sách với định hướng cải cách tin học hóa đẩy mạnh triển khai DVC điện tử: Xây dựng dự thảo Nghị định, Thông tư hướng dẫn Nghị định quy định thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN, rà soát các thủ tục hành chính theo hướng cải cách, đơn giản hóa và phù hợp với cơ chế chính sách mới, tạo thuận lợi cho các đơn vị, cá nhân trong quá trình giao dịch với KBNN; phân định rõ trách nhiệm của KBNN và đơn vị sử dụng ngân sách trong từng khâu kiểm soát thanh toán các khoản chi NSNN qua KBNN; chỉnh sửa các biểu mẫu cho phù hợp với định hướng cải cách tin học hóa, đẩy mạnh triển khai DVC điện tử như mẫu bảng thanh toán tiền lương, bảng kê chứng từ thanh toán… Đảm bảo các hồ sơ mà đơn vị gửi KBNN để kiểm soát chi được gửi hoàn toàn bằng phương thức điện tử.

Để hỗ trợ cho các đơn vị KBNN địa phương cũng như để tuyên truyền và hướng dẫn các đơn vị giao dịch trong việc triển khai sử dụng DVC, KBNN thực hiện đăng tải trên Trang thông tin DVC của KBNN đầy đủ các tài liệu như: tài liệu và bộ cài đặt dành cho các máy trạm để truy cập DVCTT KBNN; tài liệu mô tả cấu trúc tích hợp các chứng từ yêu cầu thanh toán vào hệ thống DVC trực tuyến KBNN; tài liệu hướng dẫn sử dụng cho các đơn vị sử dụng ngân sách và thông tin hỗ trợ DVC trực tuyến KBNN.

Đồng thời, KBNN cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn các đơn vị KBNN; Đã tổ chức tập huấn trực tuyến đến tất cả các đơn vị KBNN tỉnh, thành phố; Thực hiện phương án hỗ trợ tối đa cho các đơn vị KBNN và các đơn vị sử dụng ngân sách tham gia DVC.

KBNN chủ động nâng cấp DVCTT, theo đó chỉnh sửa và hoàn thiện chương trình khắc phục một số lỗi cũng như xây dựng các tiện ích phục vụ tra cứu hệ thống, thực hiện tối ưu hóa hiệu năng hệ thống đảm bảo đáp ứng số lượng hồ sơ giao dịch lớn, đặc biệt là vào thời điểm cuối năm.

KBNN cũng đã chỉ đạo KBNN cấp tỉnh thực hiện tốt công tác phân công, bố trí cán bộ nghiệp vụ Kiểm soát chi, Kế toán Nhà nước, kỹ thuật tin học phối hợp chặt chẽ với KBNN để hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời các đơn vị sử dụng DVCTT; Nắm bắt kịp thời các khó khăn, vướng mắc của các đơn vị khi triển khai DVCTT để từ đó có biện pháp tháo gỡ kịp thời; Thường xuyên cập nhật nhanh chóng các chỉ đạo, thông báo, hướng dẫn của KBNN trên Cổng thông tin điện tử, trang chủ DVCTT, cũng như tích cực tuyên truyền để kịp thời triển khai đạt hiệu quả. Hàng tháng, thực hiện công khai số liệu thống kê tình hình triển khai DVC tại KBNN cấp tỉnh, KBNN quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên Cổng thông tin điện tử KBNN.

Ngày 14/10/2019, KBNN ban hành Công văn số 5412/KBNN-KSC đề nghị KBNN các tỉnh, trong năm 2019, đẩy mạnh triển khai DVCTT tại tất cả các đơn vị sử dụng NSNN có giao dịch với KBNN cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và KBNN quận, thị xã thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đảm bảo đạt tỷ lệ 100% theo đúng mục tiêu đã đề ra.

Thực hiện chủ trương, hướng dẫn của KBNN, KBNN các tỉnh đã khắc phục khó khăn, tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành; tuyên truyền, vận động các đơn vị có giao dịch với KBNN về mục đích, lợi ích DVCTT mang lại.

Trên cơ sở tập huấn trực tuyến của KBNN, KBNN các tỉnh tổ chức hội nghị tập huấn, hướng dẫn các đơn vị giao dịch theo tình hình thực tế.
Lãnh đạo KBNN các tỉnh yêu cầu đối với cán bộ tin học và cán bộ kiểm soát chi tại KBNN các tỉnh, thành phố, quận, huyện, thị xã phải nắm bắt thành thạo công tác cài đặt ban đầu, đăng ký sử dụng DVC điện tử và quy trình DVC ở vai trò đơn vị sử dụng ngân sách để vận động, tuyên truyền, hỗ trợ các đơn vị khi tham gia DVC.

KBNN các tỉnh đã xây dựng phương án hỗ trợ vận hành hệ thống DVCTT cho đơn vị giao dịch, phân công, bố trí cán bộ nghiệp vụ Kiểm soát chi, Kế toán Nhà nước, kỹ thuật tin học phối hợp chặt chẽ với KBNN để hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời các đơn vị sử dụng DVCTT. Nắm bắt kịp thời các khó khăn, vướng mắc của đơn vị khi triển khai DVCTT để từ đó có biện pháp tháo gỡ. Thường xuyên cập nhật nhanh chóng các chỉ đạo, thông báo, hướng dẫn của KBNN trên Cổng thông tin điện tử, trang chủ DVCTT, cũng như tích cực tuyên truyền để triển khai đạt hiệu quả.

Với các giải pháp chỉ đạo quyết liệt của KBNN và KBNN các tỉnh cũng như thực hiện tốt khâu tuyên truyền cho các đơn vị về mục đích, lợi ích DVC mang lại nên trong thời gian qua KBNN đã nhận được sự ủng hộ và phối hợp tốt từ phía các đơn vị.

Kết quả triển khai DVCTT tính đến hết ngày 31/3/2020 như sau: Đối với các đơn vị sử dụng ngân sách giao dịch với KBNN tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và KBNN quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, đã triển khai được 28.190 đơn vị giao dịch, đạt tỷ lệ 100%; Đối với các đơn vị sử dụng ngân sách giao dịch với KBNN huyện (kế hoạch hoàn thành đến ngày 31/12/2020), đã triển khai được 37.188 trên tổng số 64.266 đơn vị giao dịch với KBNN huyện, đạt tỷ lệ 58%.

Đồng thời, KBNN đã hoàn thành tích hợp, cung cấp DVCTT “Khai báo phiếu giao nhận hồ sơ giao dịch kiểm soát chi qua mạng và giao dịch một cửa với Kho bạc Nhà nước trên Cổng DVC quốc gia”, đáp ứng 04 thủ tục hành chính có tần suất giao dịch với khối lượng lớn gồm: Thủ tục kiểm soát, thanh toán chi phí quản lý dự án đầu tư của các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước qua KBNN; Thủ tục kiểm soát chi vốn nước ngoài qua KBNN; Thủ tục kiểm soát thanh toán vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước; Thủ tục kiểm soát thanh toán các khoản chi thường xuyên, chi sự nghiệp có tính chất thường xuyên, chi chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu sử dụng kinh phí sự nghiệp. Dịch vụ này đã được triển khai chính thức cho người dùng trên Cổng DVC quốc gia từ ngày 01/4/2020. Mỗi ngày hệ thống DVCTT của KBNN tiếp nhận và xử lý khoảng gần 100.000 chứng từ và 50-60 nghìn hồ sơ.

Thời gian tới, KBNN sẽ tiếp tục xây dựng, nâng cấp hệ thống DVCTT và các chương trình ứng dụng liên quan phục vụ cho triển khai quy trình kiểm soát chi của KBNN cấp tỉnh, đảm bảo triển khai từ tháng 5/2020; tiếp tục hiệu chỉnh và mở rộng tài nguyên hệ thống DVCTT nhằm đáp ứng nhu cầu tham gia của các đơn vị quan hệ với ngân sách; tiếp tục hỗ trợ các đơn vị KBNN, các đơn vị sử dụng ngân sách đẩy mạnh triển khai DVCTT, đặc biệt là các đơn vị giao dịch với KBNN huyện.

TT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực