Ngày 19/12, Công ty CP Mía đường Lam Sơn (Lasuco) và Công ty Idemitsu Kosan (Nhật Bản), Công ty Sagri (Nhật Bản) đã ký kết hợp tác triển khai dự án Giảm phát thải carbon vùng nguyên liệu mía Lam Sơn (Thanh Hóa).
|
Lasuco, Idemitsu Kosan và Sagri ký kết hợp đồng triển khai dự án Giảm phát thải Carbon vùng nguyên liệu mía Lam Sơn. |
Theo đó, trong năm 2025, với sự đầu tư của Công ty Idemitsu Kosan, dự án sẽ tiến hành thử nghiệm trên diện tích 500 ha đất nông nghiệp do các nông dân có hợp đồng với Lasuco vận hành, để thực hành mô hình nông nghiệp tái tạo môi trường.
Trong quá trình thực hiện, dự án sẽ dùng công nghệ phân tích vệ tinh của Công ty Sagri để giám sát tình trạng đất và sự phát triển của cây mía, từ đó tối ưu hóa lượng phân bón, loại phân bón cũng như thời điểm bón phân cho cây mía, nhằm giảm lượng phân hóa học bón vào đất. Điều này không chỉ giảm lượng khí nitơ oxit phát thải từ phân bón chứa nitơ mà còn tăng cường khả năng lưu trữ carbon trong đất, góp phần đáng kể vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.
Sau giai đoạn thử nghiệm, nếu lượng giảm phát thải nhà kính đủ lớn, dự án dự kiến sẽ chính thức hoạt động thương mại từ năm 2026 với quy mô diện tích được mở rộng lên 8.000 ha. Đồng thời, các tín chỉ carbon được tạo ra sẽ được đăng ký theo phương pháp "Cải thiện quản lý đất nông nghiệp" (VM0042) của tổ chức Verra - cơ quan chứng nhận tín chỉ carbon tự nguyện lớn nhất thế giới. Nếu thành công, đây sẽ là dự án đầu tiên ở Việt Nam được đăng ký theo VM0042.
Ông Lê Văn Phương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn (Lasuco), khẳng định: "Toàn bộ lợi nhuận của dự án sẽ được chi trả cho nông dân, giúp họ không chỉ nâng cao năng suất cây mía mà còn cải thiện đáng kể đời sống kinh tế. Đây là cách chúng tôi đồng hành cùng nông dân, tạo ra giá trị bền vững và lâu dài".
Lasuco hiện đang hợp tác với hơn 130.000 hộ nông dân tại 11 huyện phía Tây tỉnh Thanh Hóa. Với dự án lần này, công ty cam kết hỗ trợ các hộ nông dân cải thiện phương thức canh tác, hướng tới nền nông nghiệp bền vững hơn.
Thông qua công nghệ phân tích vệ tinh, các cánh đồng mía sẽ được giám sát chặt chẽ, tối ưu hóa quy trình bón phân về loại, lượng và thời điểm. Điều này không chỉ giúp giảm chi phí đầu vào mà còn tăng năng suất cây trồng.
|
Nông dân sẽ hưởng lợi trên cánh đồng mía nhờ canh tác giảm phát thải. |
Phát biểu tại buổi lễ, ông Egashira Hideaki, Trưởng phòng phát triển các dự án tại Việt Nam, kiêm Tổng Giám Đốc công ty TNHH Idemitsu Việt Nam Công ty Idemitsu Kosan, cho biết, dự án này là một sáng kiến tiên phong trong việc thực hiện nông nghiệp tái sinh bền vững tại Việt Nam. Đây là dự án đầu tiên tại Việt Nam tạo ra tín chỉ carbon từ việc cải thiện quản lý đất nông nghiệp mà Công ty Idemitsu Kosan lần đầu tiên tham gia đầu tư.
"Chúng tôi tin rằng, dự án này sẽ góp phần giảm lượng phân bón hóa học và khuyến khích sử dụng phân bón hữu cơ một cách hợp lý trong các trang trại mía đường. Việc này không những góp phần bảo vệ môi trường mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế địa phương, đồng thời đóng góp vào quá trình phi carbon hóa nền nông nghiệp bền vững của Việt Nam", ông Egashira Hideaki nói.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, nhấn mạnh: "Dự án này không chỉ mở ra hướng đi mới cho ngành nông nghiệp Thanh Hóa mà còn góp phần vào mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam. Chúng tôi kỳ vọng, với năng lực của Lasuco, sự tiến bộ của Sagri và sự đầu tư từ Idemitsu, dự án sẽ đạt được thành công và trở thành hình mẫu để nhân rộng."
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hỗ trợ nông dân: "Nông dân không chỉ là đối tượng hưởng lợi mà còn là trung tâm của mọi dự án. Chúng tôi hy vọng, thông qua dự án này, đời sống kinh tế của nông dân sẽ được nâng cao, đồng thời đóng góp tích cực vào bảo vệ môi trường và phát triển bền vững."
Dự án tại Lam Sơn không chỉ dừng lại ở cây mía mà còn mở ra cơ hội để phát triển tín chỉ carbon từ các loại cây trồng khác như tre luồng – loại cây trồng đang có dư địa rất lớn tại Thanh Hóa.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định: "Chúng tôi sẵn sàng tạo điều kiện để các doanh nghiệp như Idemitsu và Sagri nghiên cứu, mở rộng dự án sang các lĩnh vực khác. Thanh Hóa có đủ tiềm năng để trở thành trung tâm phát triển tín chỉ carbon tại Việt Nam"./.